tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Tin kinh tế đọc nhanh trưa 08-09-2018

  • Cập nhật : 08/09/2018

Chỉ trong nửa năm, doanh thu Samsung Việt Nam đạt 32 tỷ USD

Sau 6 tháng, 4 công ty con tại Việt Nam của Tập đoàn Samsung Electronics tạo ra gần 32 tỷ USD, tương đương khoảng 745.000 tỷ đồng doanh thu đồng thời mang về cho Tập đoàn 3,28 tỷ USD, tương đương khoảng 76.000 tỷ đồng lợi nhuận ròng.

anh minh hoa.

Ảnh minh họa.

Theo báo cáo tài chính hợp nhất giữa niên độ, doanh thu 6 tháng của Samsung Electronics đạt 110,7 tỷ USD, tăng 6,7% so với cùng kỳ năm 2017. Ở chiều ngược lại, chi phí bán hàng và quản lý doanh nghiệp lại giảm gần 6% xuống 23,6 tỷ USD khiến thu nhập hoạt động của Samsung Electronics tăng gần 27,4% so với cùng kỳ, đạt 28,4 tỷ USD.

Kết quả 6 tháng đầu năm, Samsung Electronics thu về 21,1 tỷ USD, ghi nhận mức tăng 21,3% so với cùng kỳ năm 2017. Lợi nhuận sau thuế thuộc về cổ đông công ty mẹ đạt 21 tỷ USD.

Thời điểm 30/06, tổng tài sản của Samsung Electronics đạt trên 296,3 tỷ USD, ghi nhận mức tăng 5,6% so với đầu năm. Nợ phải trả ở mức 79,6 tỷ USD trong đó nợ vay chiếm 12,3 tỷ USD, hầu hết là nợ vay ngắn hạn. Samsung Electronics cũng tích lũy được 214,8 tỷ USD lợi nhuận sau thuế tích lũy bên cạnh 4,1 tỷ USD thặng dư vốn cổ phần.

Hiện tại, Tập đoàn Samsung Electronics có 4 công ty con tại Việt Nam. Các công ty này đều do Samsung sở hữu trực tiếp 100% vốn, là Samsung Electronics Việt Nam (SEV hay còn gọi là Samsung Bắc Ninh - thành lập năm 2008), Samsung Electronics Việt Nam Thái Nguyên (SEVT - thành lập năm 2013), Samsung Display Việt Nam (SDV - thành lập năm 2014) và Samsung HCMC CE Complex (SEHC - thành lập 2014).

Theo báo cáo tài chính bán niên Samsung Electronics, SEV và SEVT là 2 đơn vị đóng góp lớn nhất vào thu nhập ròng của Samsung Electronics 6 tháng đầu năm đều ở mức 1,3 USD, ghi nhận mức tăng trưởng 41% và -25% so với nửa đầu năm 2017.

Tương tự như SEVT, dù doanh thu tăng 25,25% lên mức 6,6 tỷ USD nhưng SDV chỉ mang về 0,38 tỷ USD lợi nhuận, ghi nhận giảm 13,8% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong khi đó, sau 6 tháng, SEHC đạt 1,8 tỷ USD doanh thu và 0,22 tỷ USD lợi nhuận, ghi nhận mức tăng trưởng lần lượt 10,9% và 121% so với nửa đầu năm ngoái.

Hiện tại, Samsung Electronics có 9 nhà máy sản xuất điện thoại di động trên toàn cầu trong đó Hàn Quốc, Indonesia và ấn độ mỗi nước có 01 nhà máy; Trung Quốc, Brazil và Việt Nam mỗi nước có 2 nhà máy.

Hai nhà máy SEV và SEVT là 2 nhà máy sản xuất linh kiện và lắp ráp điện thoại di động lớn nhất và hiện đại nhất của Samsung Electronics trên toàn cầu. SEV hiện có khoảng 40.000 lao động, SEVT có 70.000 lao động, chiếm hơn 30% nhân lực của Samsung Electronics toàn cầu và cung cấp hơn 50% tổng số lượng điện thoại Samsung trên toàn cầu.(bizlive)
----------------------

Lần đầu tiên xuất khẩu cá tra cán mốc 2 tỷ USD

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NNPTNT) năm 2018 là năm đầu tiên ngành xuất khẩu cá tra đột phá, có thể đạt mức xuất khẩu trên 2 tỉ USD. Đây là mức tăng trưởng đầy ấn tượng, dù ngành cá tra phải đối mặt với nhiều thách thức trong 8 tháng năm 2018.

Vượt "rào cản" bằng nâng giá trị, chất lượng

Theo Tổng cục Thủy sản (Bộ NNPTNT), 8 tháng đầu năm nay, ngành hàng cá tra tiếp tục đối mặt với một số khó khăn từ các rào cản của thị trường nhập khẩu. Trong đó, từ hồi tháng 3.2018, Bộ Thương mại Hoa Kỳ (DOC) đã công bố 9 doanh nghiệp nằm trong nhóm hưởng mức thuế riêng biệt phải chịu mức thuế chống bán phá giá cao kỷ lục (từ 3,87-7,74 USD/kg) đã gây không ít khó khăn cho hoạt động xuất khẩu cá tra. Tuy nhiên, do giá cá giống, giá cá tra nguyên liệu ở mức cao đã tạo điều kiện để ngành cá tra đạt được nhiều kết quả ấn tượng: Kim ngạch xuất khẩu tính đến ngày 30.7 vừa qua đã đạt trên 1,198 tỉ USD, tăng 19,3% so với cùng kỳ năm ngoái.

Theo ông Dương Nghĩa Quốc - Chủ tịch Hiệp hội Cá tra Việt Nam, tính đến thời điểm này các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đã thả nuôi cá tra đạt 4.033ha, sản lượng thu hoạch đạt 814.086 tấn. Giá cá nguyên liệu trong nửa đầu năm 2018 cao hơn mức giá trung bình năm 2017 khoảng từ 4.500-7.000 đồng/kg. Giá cá nguyên liệu hiện đang ở mức từ 25.000 đồng đến 27.000 đồng/kg, tùy theo chất lượng và hình thức thanh toán. Cá tra thương phẩm tăng giá đã kích thích cho các cơ sở và người dân phát triển nghề ương cá tra giống để đáp ứng cho thị trường. Từ đầu năm đến nay diện tích ương cá tra giống ở ĐBSCL khoảng 3.587ha, tăng khoảng 800ha so với cùng kỳ 2017, tập trung ở 3 tỉnh như An Giang, Đồng Tháp và Long An.

Dư địa lớn kích thích tăng trưởng

Theo VASEP, thị trường cá tra toàn cầu còn nhiều triển vọng tăng trưởng trong những năm tới, ít nhất là đến năm 2025. Thông tin từ Viện Thủy sản Quốc gia Mỹ, cho thấy, cá tra đang đứng thứ 10 trong số những loài cá được tiêu thụ nhiều nhất. Từ nay đến năm 2025, nhu cầu cá tra trên toàn cầu sẽ tiếp tục tăng lên do cá tra được đưa vào làm nguyên liệu trong nhiều lĩnh vực khác nhau. Bên cạnh đó cá tra còn được sử dụng trong các ngành khác như dược phẩm, thực phẩm chức năng… bởi có hàm lượng chất béo từ mức thấp đến mức trung bình, hàm lượng protein cao, giàu axit béo omega-3 được sử dụng làm chất bổ sung cho chế độ ăn uống; cá tra có nhiều lợi ích cho sức khỏe như giúp cho tim, gan, thận hoạt động khỏe mạnh. Với những lợi ích đó, đến nay, hầu hết các hoạt động ăn uống ở Châu Âu và Mỹ đều có cá tra trên thực đơn. Sản lượng cá tra thế giới trong năm qua khoảng 2,44 triệu tấn. Trong đó, Việt Nam hiện đang chiếm khoảng 50% sản lượng cá tra của thế giới và là nước XK cá tra lớn nhất, chủ yếu là các sản phẩm dạng đông lạnh.

Theo Bộ trưởng Bộ NNPTNT, để ngành hàng cá tra phát triển bền vững, các địa phương phải quy hoạch lại sản xuất từ khâu giống, thức ăn, nuôi và chế biến xuất khẩu, tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ; đa dạng hóa sản phẩm, các mặt hàng giá trị gia tăng sau chế biến, đặc biệt đa dạng hóa tất cả các thị trường xuất khẩu, trong điều kiện phải nâng cao tính cạnh tranh trong xuất khẩu. Đặc biệt, cần chú trọng phát triển chuỗi giá trị liên kết sản xuất giữa các doanh nghiệp, doanh nghiệp với người dân và coi đây là khâu then chốt để đưa ngành hàng cá tra phát triển bền vững. (Laodong)
---------------------

"Tìm đường" xuất khẩu cho cà phê chế biến thương hiệu Việt

Nông nghiệp của Việt Nam với nhiều nông sản hoàn toàn có thể vào bếp ăn thế giới, đến với người tiêu dùng toàn cầu; trong đó, mặt hàng cà phê là một sản phẩm có thế mạnh và tiềm năng.

Vừa qua, một số doanh nghiệp Việt đã công bố và đưa ra chiến lược định vị sản phẩm cà phê chế biến Việt. Đồng thời, từng bước khẳng định thương hiệu, cũng như chọn hướng đi mới để tìm cách ra thị trường thế giới.

Theo các doanh nghiệp, nền nông nghiệp của Việt Nam với nhiều nông sản hoàn toàn có thể vào bếp ăn thế giới, đến với người tiêu dùng toàn cầu; trong đó, mặt hàng cà phê là một sản phẩm có thế mạnh và tiềm năng.

Trong bối cảnh người tiêu dùng quan ngại về vấn đề thực phẩm không an toàn, Công ty Cổ phần Vinamit đã chủ động nghiên cứu những cách thức trồng sạch và áp dụng công nghệ trong chế biến, bảo quản để mang đến những sản phẩm vừa tiện lợi, vừa an toàn cho người dùng.

Đặc biệt, cùng với những sản phẩm nông sản sấy khô khác của Vinamit, cà phê sấy khô là những sản phẩm được làm ra từ ý tưởng hoàn toàn mới của Vinamit bằng công nghệ sấy thăng hoa.

Theo ông Nguyễn Lâm Viên, Tổng Giám đốc Vinamit, những dòng sản phẩm sấy khô bằng công nghệ thăng hoa là tâm huyết của tập thể cán bộ công nhân viên Vinamit luôn cố gắng phát triển trồng trọt những sản phẩm Organic đạt chuẩn USDA Organic của Mỹ và đầu tư công nghệ để cho ra thị trường các sản phẩm dễ dàng sử dụng và đảm bảo sức khỏe cho người dùng.

“Mặc dù, làm ra sản phẩm Organic là một quá trình vất vả, xây dựng vùng nguyên liệu sạch cũng rất mất thời gian, đầu tư công nghệ sấy thì lại rất tốn kém. Nhưng, nếu muốn đi đường dài trong bối cảnh người tiêu dùng đã bắt đầu quan tâm đến nông sản sạch, tiện dụng thì Vinamit vẫn đang đi đúng hướng. Vinamit sẽ định hướng chiến lược cung cấp các sản phẩm này trước nhất cho người tiêu dùng Việt, sau đó sẽ phân phối ra các nước khác, vẫn với thương hiệu Vinamit”, ông Nguyễn Lâm Viên cho biết.

Theo nhiều báo cáo nghiên cứu khảo sát tiêu dùng đã công bố cho thấy, ngày nay người tiêu dùng trong nước cũng như thế giới có nhu cầu cao về sản phẩm cà phê sạch, không độc hại...

Đặc biệt, hầu như các thị trường xuất khẩu đều yêu cầu truy xuất nguồn gốc xuất xứ, nên đòi hỏi doanh nghiệp không chỉ chủ động xây dựng thương hiệu mà còn phải đáp ứng được sự tiện dụng của nhịp sống công nghiệp và hiện đại.

Ông Trần Thanh Hải, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty NutiFood cho biết, thị trường cà phê hòa tan ở Việt Nam hiện nay là sự cạnh tranh khốc liệt giữa các thương hiệu lớn và lâu năm cả ở trong và ngoài nước.

Bởi vậy, để cạnh tranh được, ngay từ đầu NutiFood đã chọn cách đi riêng, bắt đầu từ việc đầu tư để có được nguồn cà phê nguyên liệu tốt nhất từ vùng nguyên liệu cà phê nổi tiếng của ĐăkLăk.

Song song đó, NutiFood tận dụng lợi thế của công nghệ và nội lực R&D để cho ra một sản phẩm dạng cà phê hòa tan nhưng giữ được hương vị như cà phê rang xay pha phin với sữa đặc có đường.

Còn ông Lê Tân, Phó Chủ tịch, kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Ẩm thực Việt Nam cho rằng, khi nói về ẩm thực Việt Nam, khách du lịch và bạn bè quốc tế ít nhiều đã biết tới Phở, tới Bánh mì kẹp thịt nhưng còn rất nhiều món ngon khác chưa được biết tới rộng rãi; trong đó, có cà phê sữa đá, một thức uống rất đặc sắc của người Việt.

Cà phê sữa đá Việt từng được kênh truyền hình Bloomberg bình chọn nằm trong Top 10 món đồ uống độc đáo nhất thế giới. Trong khi đó, CNN gợi ý, bất cứ du khách nào đến Việt Nam cũng nên thưởng thức món cà phê sữa đá.

Chính vì vậy, trong quá trình đưa Văn hóa Ẩm thực ra thế giới, Hiệp hội Văn hóa Ẩm thực Việt Nam xác định ưu tiên giới thiệu những sản phẩm tiềm năn; trong đó, quảng bá văn hóa cà phê sữa đá cũng là một trong những mục tiêu phải làm.

Sau khi ký kết hợp tác với NutiFood, Hiệp hội Văn hóa Ẩm thực Việt Nam sẽ đưa sản phẩm Nuticafé - Cà phê sữa đá tươi vào danh sách những sản phẩm được sử dụng trong các hoạt động xúc tiến thương mại, giới thiệu ẩm thực và hình ảnh Việt Nam ra thế giới.

Cũng trên hành trình tìm đường "bơi" ra thị trường thế giới, King Coffee - Thương hiệu cà phê của Trung Nguyên International, đã tham gia và gây ấn tượng với du khách quốc tế ở Lễ hội cà phê Coffee Festival được tổ chức tại Los Angeles (California, Mỹ), trong tháng 8/2018.

Đây là Lễ hội cà phê chuyên nghiệp được tổ chức thường niên hàng năm, quy tụ các nhà sản xuất cà phê hàng đầu thế giới để giới thiệu tới người tiêu dùng Mỹ và tìm kiếm cơ hội hợp tác kinh doanh.

Theo ông Kevin Nguyễn, Giám đốc kinh doanh King Coffee tại thị trường Mỹ, chất lượng của King Coffee rất tốt, không thua gì các sản phẩm cà phê tại Mỹ.

Ngày càng nhiều người Mỹ tìm đến cà phê Việt Nam, nên dù ở đây không thiếu các sản phẩm cà phê từ những hãng danh tiếng thế giới, nhưng King Coffee vẫn có cơ hội rất lớn để đi vào đời sống hàng ngày của người dân Mỹ.

Trung Nguyên International hiện đã xây dựng và phát triển hệ thống phân phối trên 60 quốc gia và khắp 63 tỉnh, thành tại Việt Nam trong thời gian ngắn. Đồng thời, xây Nhà máy TNI King Coffee.

Hiện King Coffee đã chính thức đặt văn phòng tại California, dự kiến mở rộng mạng lưới phân phối qua chuỗi quán King Coffee, thể hiện quyết tâm chinh phục thị trường Mỹ.

Đánh giá về thị trường Mỹ nói riêng, ông Nguyễn Quốc Kỳ, Chủ tịch Hiệp hội Văn hoá Ẩm thực Việt Nam cho rằng, đây là một thị trường tiềm năng đối với các mặt hàng nông sản Việt.

Tuy nhiên, quan trọng là chiến lược tiếp cận như thế nào để đạt hiệu quả cao, nhất là cần gia tăng giá trị cho nông sản Việt bằng những sản phẩm chế biến đạt chất lượng và tiện lợi. Hiện tại, Việt Nam có thế mạnh về cà phê và được định vị là đất nước xuất khẩu cà phê đứng thứ 2 thế giới.

Bên cạnh đó, các doanh nghiệp muốn đưa một sản phẩm cà phê, nhất là cà phê chế biến ra thị trường, cần quảng bá từng ngày để người tiêu dùng biết đến.

Ngoài ra, với những bước đi thận trọng và đánh giá thị trường, sẽ giúp doanh nghiệp nắm bắt được cơ hội thâm nhập thành công vào thị trường.

Đơn cử, đối với cà phê thì các sản phẩm cà phê sữa đá tươi, cà phê sấy khô... của Việt Nam được chế biến từ các công nghệ hiện đại, đạt tiêu chuẩn quốc tế là mặt hàng đáng được kỳ vọng, vì đây là đặc trưng của Việt Nam, có lẽ chỉ ở Việt Nam mới có.

Trong khi các quốc gia khác có thế mạnh về cà phê nóng cũng như các chủng loại khác.

Mặc dù cơ hội rất lớn, nhưng cũng đầy thách thức, đòi hỏi có sự liên kết xúc tiến thương mại và những bước đi tiên phong của các doanh nghiệp dẫn đầu mới khai thác hiệu quả lợi thế của cà phê Việt trên thị trường quốc tế (Bnews)

Trở về

Bài cùng chuyên mục