Tăng trưởng kinh tế sẽ lạc quan hơn trong quý III/2018; Bàn cách quy hoạch và phát triển trung tâm các đô thị TP Đà Nẵng; Lãi suất liên ngân hàng bật tăng mạnh trở lại
Tin kinh tế đọc nhanh trưa 09-09-2018
- Cập nhật : 09/09/2018
Đến năm 2020, tỷ lệ nợ xấu còn 3% tổng dư nợ
Tại hội nghị chuyên đề xử lý nợ xấu cuối tháng 8 vừa qua, Ngân hàng Nhà nước đặt mục tiêu giảm được tỷ lệ nợ xấu từ mức khoảng 6,6% hiện nay xuống dưới 3% một cách thực chất đến năm 2020. Đây cũng là mục tiêu đề ra trong chiến lược phát triển hệ thống ngân hàng mà Chính phủ vừa phê duyệt.
Ngân hàng Nhà nước đặt mục tiêu, đến năm 2020 giảm được tỷ lệ nợ xấu từ mức khoảng 6,6% hiện nay xuống dưới 3% một cách thực chất. Nguồn: Internet
Ngân hàng Nhà nước cho biết, một năm sau khi triển khai Nghị quyết số 42/2017/QH14 của Quốc hội về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng và Đề án cơ cấu lại các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2016-2020 ban hành theo Quyết định số 1058/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, ngành Ngân hàng đã thành công trong việc xử lý và bán đấu giá nhiều tài sản lớn tồn đọng nhiều năm, đặc biệt là các tài sản bảo đảm là bất động sản bao năm bị bỏ hoang do vướng mắc về cơ chế, gây lãng phí nguồn lực cho xã hội.
Nghị quyết số 42/2017/QH14 và Quyết định số 1058/QĐ-TTg ra đời đã trao thêm quyền năng cho ngành Ngân hàng để xử lý nợ xấu, mang lại giá trị cho doanh nghiệp, hệ thống ngân hàng và cả nền kinh tế.
Theo số liệu của ngân hàng Nhà nước, tính từ năm 2012 đến tháng 6/2018, toàn hệ thống đã xử lý được 785.930 tỷ đồng nợ xấu. Trong đó, riêng kết quả xử lý nợ xấu được xác định sau một năm thực hiện theo Nghị quyết số 42/2017/QH14 của Quốc hội đã đạt 138.290 tỷ đồng. Có thể nói về tổng thể, toàn hệ thống đã từng bước xử lý được lượng lớn nợ xấu trong năm qua.
Hiện nay, tỷ lệ nợ xấu theo báo cáo của các tổ chức tín dụng chỉ còn khoảng hơn 2%. Nhưng nếu tính nợ ngoại bảng (gồm nợ tại VAMC, nợ tiềm ẩn có thể trở thành nợ xấu...) vẫn ở mức cao, chiếm khoảng 6,6% tổng dư nợ.
Như vậy, toàn hệ thống chỉ còn hai năm nữa để đưa tỷ lệ nợ xấu về mức độ kiểm soát được một cách thực chất. Từ 6,6% xuống dưới 3% trong hai năm là mục tiêu “thần tốc”, trong điều kiện đà tăng trưởng tín dụng đang bắt đầu có dấu hiệu giảm. Tuy nhiên, theo các số liệu thống kê Ngân hàng Nhà nước công bố định kỳ, nhìn từ góc độ tình hình “sức khỏe” của hệ thống Ngân hàng nói chung đã được cải thiện một cách đáng kể, đồng thời, mức độ giảm của tỷ lệ nợ xấu hơn 17% từ lần đầu tiên nợ xấu được công bố vào tháng 9/2012, sau 6 năm đã giảm xuống còn 6,6%, cho thấy mục tiêu đề ra hoàn toàn khả thi.(TCTC)
----------------
Hơn 2.000 doanh nghiệp hoạt động xuất nhập khẩu với Nga
Theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan, thương mại hai chiều giữa Việt Nam và Liên bang Nga trong 7 tháng năm 2018 đạt tốc độ tăng trưởng cao nhất kể từ năm 2012 đến nay.
Tổng trị giá xuất nhập khẩu hàng hóa giữaViệt Nam và Liên bang Nga trong 7 tháng từ đầu năm 2018 đạt 2,67 tỷ USD, tăng mạnh 34,2% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang thị trường Nga đạt 1,47 tỷ USD, tăng 21% so với cùng thời gian năm 2017 và nhập khẩu hàng hóa có xuất xứ Nga đạt 1,2 tỷ USD, tăng tới 55%.
Cùng với các hoạt động xúc tiến thương mại trong thời gian qua, ngày càng nhiều doanh nghiệp Việt Nam có hoạt động xuất nhập khẩu với Liên bang Nga. Số lượng các doanh nghiệp Việt Nam có hoạt động kinh doanh xuất nhập khẩu với Nga trong năm 2017 là 2,2 nghìn doanh nghiệp và trong 7 tháng năm 2018, con số này là 2.042 doanh nghiệp.(Baodauthau)
-----------------------------
Dòng chảy thương mại quốc tế bắt đầu ảnh hưởng đến các công ty Việt Nam
Đó là cảnh báo của ông Andrew Harker, Phó Giám đốc IHS Markit-đại diện Công ty thu thập kết quả khảo sát chỉ số Nhà quản trị mua hàng toàn phần lĩnh vực sản xuất (PMI) của Nikkei.
Báo cáo của Nikkei vừa công bố mới đây cho biết, chỉ số Nhà quản trị Mua hàng (PMI) toàn phần lĩnh vực sản xuất Việt Nam đạt 53,7 điểm trong tháng 8/2018. Điều này cho thấy các điều kiện kinh doanh tiếp tục được cải thiện. Tuy vậy, con số này đã giảm so với mức 54,9 điểm của tháng 7.
Số lượng đơn đặt hàng mới của các công ty sản xuất Việt Nam tiếp tục tăng kỷ lục trong tháng 8, cho thấy nhu cầu khách hàng đang được cải thiện. Số lượng đơn đặt hàng xuất khẩu mới cũng tiếp tục tăng trong tháng. Lượng công việc tồn đọng đã giảm nhẹ trong ba tháng liên tiếp.
Mặc dù sản lượng ngành sản xuất tiếp tục tăng trong tháng 8 nhờ số lượng đơn đặt hàng mới tăng mạnh nhưng đây vẫn là tháng tăng chậm nhất kể từ tháng 4/2018. Bên cạnh đó, tốc độ tạo việc làm trong tháng 8 đã yếu hơn nhiều so với mức cao kỷ lục của tháng 6/2018.
Tốc độ tăng hoạt động mua hàng vẫn cao trong tháng 8. Các công ty đáp ứng số lượng đơn đặt hàng mới nhiều hơn và lập kế hoạch cho tăng trưởng sản lượng trong tương lai. Tồn kho hàng mua đã tăng 5 tháng liên tiếp với tốc độ nhanh nhất kể từ tháng 2/2018. Tồn kho hàng thành phẩm cũng tăng và đây là tháng thứ hai tăng liên tiếp.
Nhóm khảo sát của Nikkei cho biết, giá cả đầu vào trong tháng 8 ghi nhận sự tăng mạnh. Ở những nơi có chi phí đầu vào tăng, nguyên nhân được cho là do giá nguyên vật liệu tăng và VND giảm giá so với đồng USD. Chi phí đầu vào tăng đã góp phần làm tăng giá cả đầu ra. Thời gian giao hàng của nhà cung cấp trong tháng 8 bị kéo dài hơn so với tháng trước do tình trạng khan hiếm nguyên vật liệu.
Nikkei cho rằng, mặc dù nhìn chung mức độ lạc quan của các nhà sản xuất Việt Nam trong tháng 8 vẫn ở mức tích cực, nhưng đã có sự giảm mạnh và đây là mức thấp nhất kể từ khi khảo sát bắt đầu vào tháng 4/2012.
Theo ông Andrew Harker, Phó giám đốc IHS Markit, đã có dấu hiệu cho thấy tốc độ tăng trưởng của lĩnh vực sản xuất đang chậm lại khi sản lượng và việc làm tăng chậm hơn so với tháng 7. “Những quan ngại về dòng chảy thương mại quốc tế có thể bắt đầu ảnh hưởng đến các công ty Việt Nam trong những tháng tới”, ông Andrew Harker cảnh báo.(TCTC)