Nhu cầu vàng ở mức thấp nhất từ năm 2009; Quốc hội đặt chỉ tiêu tăng trưởng kinh tế 6,5- 6,7% cho năm 2018; Doanh nghiệp Việt đầu tư làm nhà giá rẻ tại Mỹ; Doanh số bán ô tô tháng 10 giảm mạnh
Tin kinh tế đọc nhanh 10-11-2017
- Cập nhật : 10/11/2017
“Đại gia” dầu khí Tây Ban Nha Repsol muốn “nhảy” vào Lọc hóa dầu Bình Sơn
Đại diện Tập đoàn Năng lượng Repsol mong muốn không chỉ sở hữu cổ phần tại BSR mà còn tham gia sâu hơn vào công tác quản trị, điều hành, thương mại, mua bán dầu thô…
Thông tin từ Công ty Lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR) - đơn vị vận hành nhà máy lọc dầu Dung Quất cho biết, ngày 7/11/2017, Tập đoàn Năng lượng Repsol của Tây Ban Nha đã tìm hiểu cơ hội hợp tác, đầu tư với BSR.
Theo ông Trần Ngọc Nguyên - Tổng giám đốc BSR thì việc hợp tác dầu khí giữa BSR với các tập đoàn Tây Ban Nha đã có trong lịch sử. Giữa năm 2005, Hợp đồng EPC 1+4 và 2+3 xây dựng NMLD Dung Quất được ký giữa Petrovietnam và Tổ hợp nhà thầu Technip, trong đó có Tecnicas Reunidas (Tây Ban Nha) cùng các Công ty Technip France (Pháp), Technip Geoproduction (Malaysia), JGC (Nhật Bản). Tập đoàn Năng lượng Repsol cũng đã có một số dự án thượng nguồn ở thềm lục địa Việt Nam.
Tập đoàn Năng lượng Repsol cho biết, hiện lĩnh vực khâu sau của Repsol đang phát triển mạnh ở Tây Ban Nha, Pháp, Đức, Ý, Trung Quốc và Mexico. Năng lực lọc dầu của Repsol đạt khoảng 890 nghìn thùng/ngày, chiếm 58% sản lượng toàn Tây Ban Nha (khoảng 1.536.000 thùng/ngày). Hiện Repsol có các dự án, hoạt động dầu khí ở 37 quốc gia.
Tại khu vực Đông Nam châu Á, Repsol đang hoạt động dầu khí tại Úc, Indonesia, Malaysia và Việt Nam. Trong những năm gần đây, Repsol đã đầu tư hơn 4 tỷ Euro vào các nhà máy lọc dầu – chứng tỏ năng lực tài chính và quản trị của Repsol.
Tại buổi tìm hiểu cơ hội đầu tư, đại diện Tập đoàn Năng lượng Repsol mong muốn không chỉ sở hữu cổ phần tại BSR mà còn tham gia sâu hơn vào công tác quản trị, điều hành, thương mại, mua bán dầu thô…
Hồi cuối tháng 10 mới đây, Tập đoàn Tín Thành - một doanh nghiệp hoạt động hơn 25 năm trong lĩnh vực Môi trường, Năng lượng và Nông nghiệp Công nghệ cao - cũng đã đến thăm và làm việc tại Nhà máy Lọc dầu Dung Quất, tìm hiểu cơ hội hợp tác đầu tư trong quá trình cổ phần hóa BSR.
Theo đó, Tập đoàn Tín Thành sẽ xem xét mua cổ phần của BSR đến 5% (khoảng 2.000 tỷ đồng) trong năm 2017. Trong vòng 12 tháng sau khi IPO, Tín Thành đề xuất BSR trình Thủ tướng Chính phủ phương án trở thành cổ đông chiến lược và được mua đến 55% cổ phần của BSR.
Về việc tham gia các dự án tối ưu hóa, tiết kiệm nhiên liệu và giảm khí thải cho NMLD Dung Quất, Tập đoàn Tín Thành sẽ cùng các chuyên gia tiến hành khảo sát chi tiết và đề ra phương án, chương trình hợp tác với BSR trong tháng 11/2017.
Bộ Công Thương đã phê duyệt giá trị doanh nghiệp BSR để cổ phần hóa là hơn 72 nghìn tỷ đồng – tương đương 3,2 tỷ USD. Đây là giá trị doanh nghiệp lớn nhất Việt Nam, vì vậy BSR mong muốn hợp tác với đối tác nước ngoài để tìm đối tác chiến lược, thúc đẩy năng lực sản xuất và nâng cao sức cạnh tranh.
Về tình hình sản xuất kinh doanh của BSR, tính hết 10 tháng, sản lượng sản xuất đạt 4,9 triệu tấn; tiêu thụ 4,9 triệu tấn. Doanh thu đạt 63,3 nghìn tỷ đồng, nộp ngân sách nhà nước 7,44 nghìn tỷ đồng. Tỷ suất lợi nhuận trên vốn chủ ROE là 16,09% (9 tháng 2016 là 3,66%); Tỷ suất lợi nhuận trên doanh thu ROS là 10,07% (9 tháng 2016 là 2,24%); Tỷ suất lợi nhuận trên tài sản ROA là 9,1% (9 tháng 2016 là 2,02%).
Công ty BSR là doanh nghiệp lớn thứ 6 Việt Nam và có lợi nhuận được công bố đứng thứ 16.
Mới đây, ông Trần Ngọc Nguyên cũng chia sẻ về đợt IPO của BSR sẽ sẽ được dời lại chậm nhất là tới tháng 1/2018 để xem xét chào bán lượng cổ phần lớn hơn.(Bizlive)
------------------------------
Jack Ma bắt tay với NAPAS, mở đường cho Alipay tiến vào thị trường thanh toán online Việt Nam
Alipay, nền tảng thanh toán trực tuyến của Tập đoàn Alibaba đã chính thức ký kết thỏa thuận hợp tác chiến lược với Công ty cổ phần thanh toán quốc gia Việt Nam.
Ngày 6/11 vừa qua, tại trụ sở Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Thống đốc Lê Minh Hưng đã tiếp ông Jack Ma, Chủ tịch Tập đoàn Alibaba. Trong đó, một thông tin đáng chú ý là Alipay của Jack Ma sẽ ký thỏa thuận chiến lược với Công ty cổ phần Thanh toán Quốc gia Việt Nam (NAPAS).
Theo nguồn tin của trang Người đưa tin, ngay trong chiều 6/11, Tập đoàn Alibaba của tỷ phú Jack Ma đã ký kết thỏa thuận hợp tác chiến lược với NAPAS.
NAPAS là đơn vị trung gian thanh toán duy nhất được Ngân hàng Nhà nước cấp phép cung ứng dịch vụ chuyển mạch tài chính và dịch vụ bù trừ điện tử cho giao dịch bán lẻ tại Việt Nam, thực hiện vai trò là cổng kết nối với các tổ chức thanh toán quốc tế và mạng thanh toán Châu Á.
Tính đến năm 2016, NAPAS đang quản trị và vận hành một hệ thống kết nối liên thông mạng lưới 16.800 máy ATM, 220.000 máy POS, hơn 90 triệu thẻ của 43 ngân hàng thương mại trong nước và quốc tế đang hoạt động tại Việt Nam. NAPAS đồng thời cung cấp dịch vụ cổng thanh toán thương mại điện tử kết nối với hơn 200 doanh nghiệp lớn trong các lĩnh vực hãng hàng không, viễn thông, khách sạn, du lịch và nhiều dịch vụ thanh toán điện tử tiện ích khác cho khách hàng.
Trong khi đó, Alipay là một nền tảng thanh toán trực tuyến của bên thứ ba không có phí giao dịch được Alibaba sáng lập vào năm 2004 tại Trung Quốc. Nói một cách đơn giản, Alipay là một kênh trung gian để thanh toán, cung cấp dịch vụ bảo lãnh, trong đó người tiêu dùng có thể kiểm tra xem họ có hài lòng với hàng hóa mà họ đã mua trước khi trả tiền cho người bán. Đây cũng là cách để bảo vệ người tiêu dùng khi mua hàng Trung Quốc ở các website hoạt động theo mô hình C2C và thậm chí kiểm soát chất lượng B2C.
Với việc ký kết thỏa thuận hợp tác chiến lược với Napas, Alipay sẽ mở rộng hoạt động trên thị trường thanh toán trực tuyến Việt Nam. Tại Việt Nam hiện nay, hoạt động của Alipay mới chỉ có: Ứng dụng dành cho người Trung Quốc đi du lịch ở nước ngoài, phát triển ứng dụng phục vụ cho khách du lịch Trung Quốc sang Việt Nam.(CafeF)
----------------------------
Nga sẵn sàng thực hiện dự án song phương với các nước châu Á - Thái Bình Dương
Nga mong muốn thực hiện các dự án cơ sở hạ tầng song phương với các nước khu vực Á - Thái Bình Dương bao gồm cả việc tạo ra “siêu vòng năng lượng” Nga - Trung Quốc - Hàn Quốc - Nhật Bản và đường cầu vận tải giữa Nhật Bản Hokkaido và đảo Sakhalin của Nga, Sputnik trích bài viết của Tổng thống Nga Vladimir Putin cho hay.
Tổng thống Nga sẽ tham dự hội nghị thượng đỉnh APEC lần thứ 25, sẽ được tổ chức tại Đà Nẵng vào ngày 10-11 tháng 11.
"Chúng tôi sẵn sàng thực hiện các dự án cơ sở hạ tầng song phương sẽ liên kết nền kinh tế và thị trường của chúng tôi. Tôi cũng nói về "siêu vòng năng lượng" giữa Nga, Trung Quốc, Hàn Quốc và Nhật Bản cũng như đường cầu vận tải giữa Nhật Bản và đảo Sakhalin của Nga", ông Putin viết trong bài báo "Hội nghị thượng đỉnh APEC XXV tại Đà Nẵng: Cùng vì sự thịnh vượng và phát triển hài hoà".
Việc phát triển toàn diện của cơ sở hạ tầng, bao gồm vận tải, viễn thông và năng lượng phải trở thành là cơ sở cho hội nhập hiệu quả, ông Putin cho biết thêm.
"Ngày nay, Nga đang tích cực hiện đại hoá các cảng hàng không và biển ở Viễn Đông, phát triển các tuyến đường sắt xuyên lục địa, xây dựng đường ống dẫn dầu khí mới", ông Putin nhấn mạnh.
Vladimir Putin khẳng định rằng Nga sẵn sàng hợp tác để đảm bảo tăng trưởng bền vững ở khu vực Châu Á - Thái Bình Dương.(Bizlive)
------------------
Tổng thống Duterte: "Chúng tôi không cần viện trợ nhân đạo mà cần cơ hội tiếp cận thị trường"
Với tư cách Chủ tịch ASEAN năm 2017, Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte đã có bài phát biểu tại Hội nghị Thượng đỉnh Doanh nghiệp APEC (CEO Summit) chiều ngày 9/11.
Tổng thống Philippines cho biết 3 tháng trước, ASEAN đã kỷ niệm 50 năm ngày thành lập.
"Đây là thời điểm rất quan trọng để chúng tôi nói đến sự hội nhập và xây dựng cộng đồng ASEAN", ông Duterte nhấn mạnh.
Theo nhà lãnh đạo này, để đảm bảo hòa bình ổn định và sự phát triển thịnh vượng của khu vực, ASEAN cần bước qua những thách thức to lớn trước mắt. Khu vực cần hội nhập sâu rộng hơn nữa với thế giới.
"Chúng tôi có một cộng đồng 600 triệu dân, ASEAN là nền kinh tế lớn thứ 3 thế giới và dân số đứng thứ 7 thế giới. Chúng tôi có 1 cộng đồng 10 thành viên từ năm 1999, dân số trẻ với hơn một nửa ở độ tuổi dưới 30, một lực lượng lao động chiếm đến 70% dân số", Tổng thống Philippines nói.
Ông Duterte cho biết, trong 50 năm qua, ASEAN đã đạt được nhiều thành tích nổi bật và thành công trong việc mở cửa nền kinh tế. Ông hy vọng cuộc đối thoại ASEAN - APEC do Việt Nam tổ chức ngày mai sẽ là một cuộc trao đổi cởi mở.
Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte phát biểu tại APEC CEO Summit. Ảnh: Tiền phong
Về khu vực APEC, Tổng thống Philippines đánh giá sau hơn 1/4 thế kỷ hình thành, APEC đã phát triển thành một khu vực kinh tế lớn mạnh, chiếm 56% GDP của toàn thế giới. Dù vậy, APEC vẫn cần có sự tiếp cận sâu sắc hơn nữa với khu vực và thế giới, tạo ra khu vực đầu tư thuận lợi và thúc đẩy thương mại tự do.
"Chúng ta cần làm sao để việc tự do hóa thương mại không chỉ kéo dài cho thế hệ sau mà còn có giúp tăng cường sự bình đẳng, tạo ra môi trường khiến ai cũng có cơ hội phát triển", ông Duterte phát biểu.
Theo lãnh đạo Philippines, điều này có thể đạt được thông qua thúc đẩy cạnh tranh, hợp tác và phối hợp giữa các doanh nghiệp. Một giải pháp khác là đưa các doanh nghiệp tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu sâu rộng hơn giúp họ thâm nhập thị trường qua hoạt động xây dựng năng lực.
"Chúng tôi muốn hợp tác cùng các bạn để cùng nhau thúc đẩy tăng trưởng, hợp tác hội nhập khu vực và chúng ta hãy cùng chia sẻ tinh thần lạc quan trong tương lai", ông Duterte thay mặt ASEAN khẳng định.
Về tầm nhìn 2020, ông Duterte cho rằng, trong môi trường ngày càng thay đổi, APEC chỉ mang tính thời sự nếu tổ chức này giúp các thành viên hưởng lợi.
"Bản chất của hợp tác là tất cả các bên đều phải đóng góp nhưng các doanh nghiệp, quốc gia chưa phát triển không cần nhận được sự viện trợ nhân đạo. Điều chúng tôi cần là được tiếp cận thị trường và nếu chúng ta không áp dụng một tư duy như vậy, sự bất bình đẳng sẽ vẫn tiếp tục, sự thịnh vượng sẽ vẫn không thể đạt được", Tổng thống Philippines gửi thông điệp đến các doanh nhân APEC.