“Trò chơi vương quyền” ở đế chế 70 tỷ USD Uber; Trung Quốc bác bỏ chuyện tấn công mạng với tỉ phú lưu vong; Đã xử lý được 45.000 tỉ đồng nợ xấu; Venezuela đề xuất giao dịch dầu thô bằng rúp Nga, nhân dân tệ
Tin kinh tế đọc nhanh 09-10-2017
- Cập nhật : 09/10/2017
Trung Quốc ngập nợ vì tàu cao tốc nhanh nhất thế giới
Tập đoàn Đường sắt Trung Quốc (CRG) - công ty quốc doanh điều hành hệ thống tàu cao tốc - hiện nợ hơn 700 tỷ USD.
Ngày 21/9, bảy cặp tàu viên đạn Fuxing sản xuất trong nước của Trung Quốc chính thức hoạt động trên tuyến Bắc Kinh - Thượng Hải, với tốc độ nhanh nhất thế giới - 350 km/h. Trước đó, tốc độ này bị giới hạn tại 300km, sau một vụ va chạm năm 2011 giữa 2 tàu cao tốc, khiến 40 người thiệt mạng và 200 người bị thương.
Ngay khi tàu trên tuyến Bắc Kinh - Thượng Hải trở lại tốc độ tối đa, nhiều đồn đoán đã dấy lên về việc giá vé sẽ tăng theo. Nikkei cho rằng người dân có lẽ sẽ hào hứng hơn nếu họ không quá lo ngại về núi nợ mà chương trình tàu hỏa đầy tham vọng này tạo ra.
Tập đoàn Đường sắt Trung Quốc (CRG) - công ty quốc doanh điều hành hệ thống tàu cao tốc - hiện có hơn 700 tỷ USD nợ. Nhiều người cho rằng giá vé sẽ tăng để giúp trả số nợ này. Trên thực tế, giá vé tàu cao tốc tuyến Thượng Hải - Thâm Quyến đã tăng 20% - 60% hồi tháng 4.
Tuyến Bắc Kinh - Thượng Hải thì vẫn chưa tăng. Giá vé khoang hạng nhất và hạng nhì vẫn giữ nguyên tại 933 NDT (140 USD) và 553 NDT.
Thành lập năm 2013 khi Bộ Đường sắt Trung Quốc giải thể, Tập đoàn Đường sắt Trung Quốc độc quyền quản lý dịch vụ này. Các tuyến đường sắt cao tốc bắt đầu được xây dựng từ năm 2005 và hiện có tổng chiều dài hơn 20.000 km.
Theo kế hoạch 5 năm, đến năm 2020, Trung Quốc sẽ bổ sung gần 10.000 km đường sắt cao tốc nữa. Mục tiêu của họ là kết nối 80% tất cả thành phố có dân số 1 triệu người trở lên.
Khối nợ của CRG vìvậy cũng liên tục tăng, từ 658,7 tỷ NDT của Bộ Đường sắt năm 2007 lên 4.770 tỷ NDT cuối tháng 6 năm nay. Họ đã trả 77,9 tỷ NDT năm 2015 và 75,2 tỷ NDT năm 2016.
Các khoản đầu tư vào đường sắt cao tốc luôn đặc biệt cao. Trong khi đó, doanh thu hằng năm của công ty này lại giảm từ năm 2014, khi kinh tế tăng trưởng chậm lại. Năm 2016, họ chỉ thu về 907,4 tỷ NDT. Khi chính phủ duy trì chính sách giá vé thấp, doanh thu khó có thể tăng mạnh, kể cả nếu nền kinh tế tăng tốc.
Năm nào công ty này cũng lỗ nửa đầu, nhưng có lợi nhuận cả năm, nhờ được chính phủ hỗ trợ vào nửa cuối. Năm 2015, CRG có lợi nhuận 600 triệu NDT, còn năm ngoái là 1 tỷ NDT. Năm nay, nửa đầu năm họ đã lỗ 2,9 tỷ NDT.
Tuyến Bắc Kinh - Thượng Hải vận hành năm 2011, bắt đầu có lợi nhuận từ năm 2014. Các tuyến chặng ngắn khác ở những vùng công nghiệp hóa ven biển, như Thượng Hải - Nam Kinh, Nam Kinh - Hàng Châu và Quảng Châu - Thâm Quyến, cũng có lời. Nhưng hầu như các tuyến khác đều thua lỗ.
Kế hoạch tổng thể của Trung Quốc - mở rộng mạng lưới đường sắt nói chung - được dự báo tiêu tốn thêm 2.000 - 3.000 NDT nữa cho đến năm 2020. Kể cả nếu CRG không phải tự chi trả hết chi phí xây dựng, khối nợ của họ cũng vẫn sẽ tăng lên và cần thêm hỗ trợ từ Chính phủ. Nhiều chuyên gia cho rằng công ty này cần cải tổ, như tách riêng các tuyến có lợi nhuận để tìm kiếm đầu tư tư nhân và thêm nguồn quản trị từ bên ngoài.
Tình trạng hiện tại của CRG cũng tương tự Nhật Bản vài thập kỷ trước. Công ty Đường sắt Quốc gia Nhật Bản (JNR) được tách riêng từ Bộ Giao thông sau Đại chiến II. Tuyến Shinkansen đầu tiên - Tokaido đi vào hoạt động năm 1964, có ý nghĩa lớn về hình ảnh quốc gia và sự tái thiết sau chiến tranh.
Tuy nhiên, chi phí xây dựng các tuyến Shinkansen khắp cả nước là nguyên nhân chính khiến khối nợ của JNR phình to. Việc xây tuyến Shinkansen Sanyo giữa Osaka và Hakata vào thập niên 60 tiêu tốn tới 910 tỷ yen (2,5 tỷ USD thời đó). Tuyến Tohoku đầu thập niên 80 thì cần tới 2.660 tỷ yen.
Suốt 2 thập kỷ, JNR chật vật với các khoản nợ, cho đến khi được chia tách và tư nhân hóa năm 1987. Việc Chính phủ kiềm chế giá vé càng khiến tình hình của JNR thêm tồi tệ.
Năm 1976, JNR tăng giá 50%. Việc này chỉ khiến hành khách bỏ đi, kéo JNR vào khủng hoảng. Đến thời điểm tư nhân hóa, tổng nợ của công ty này đã lên đến 37.000 tỷ yen. Mỗi năm, họ được Chính phủ hỗ trợ 600 - 700 tỷ yen. Nhưng khoản này không giải quyết được vấn đề gốc rễ. Cuối cùng, chính phủ tiếp quản khối nợ của JNR và đến nay vẫn phải dùng ngân sách để trả nợ. (Vnexpress)
----------------------------
Đảo du lịch số 1 Hàn Quốc vắng tanh vì lệnh cấm của Trung Quốc
Những con phố mua sắm từng sôi động bỗng trở nên yên ắng, những nhà hàng không một bóng khách, và những cửa hiệu miễn thuế chỉ có nhân viên bán hàng ngồi buồn.
Tờ Bưu điện Hoa Nam buổi sáng (SCMP) cho biết đây là thực tế mới ở Jeju, hòn đảo du lịch nổi tiếng của Hàn Quốc, sau khi lượng du khách Trung Quốc tới nước này sụt giảm chóng mặt.
Hồi đầu năm nay, Trung Quốc đã cấm các công ty du lịch nước này bán tour đi Hàn Quốc nhằm trả đũa việc Seoul triển khai một hệ thống lá chắn tên lửa Mỹ - điều mà Bắc Kinh cho là đảo lộn thế cân bằng an ninh trong khu vực.
Lệnh cấm trên hiện vẫn còn hiệu lực, giữa lúc người Trung Quốc có kỳ nghỉ lễ quốc khánh kéo dài 8 ngày bắt đầu từ hôm 1/10. Đảo Jeju, nơi được coi là “Hawaii của Hàn Quốc”, đã trở thành nơi hứng chịu thiệt hại lớn nhất từ lệnh cấm này, bởi 90% du khách nước ngoài đến đảo này là khách Trung Quốc. Du khách từ nền kinh tế lớn thứ hai thế giới thường tìm đến Jeju để nghỉ trăng mật, chơi golf, hoặc thư giãn cùng người thân trong gia đình.
“Trước đây thường có từ 300-400 hướng dẫn viên chuyên phục vụ du khách Trung Quốc trên đảo này, nhưng giờ còn không quá 50 người”, anh Park Jung-kwan, 39 tuổi, một người gốc Trung Quốc hiện đang sinh sống và làm hướng dẫn viên du lịch và lái xe thuê ở Jeju, cho biết.
Park nói công việc của anh đã giảm 50% so với cùng kỳ năm ngoái, dù đối tượng mà anh nhắm đến là những du khách lẻ không thuộc diện cấm tour của Trung Quốc. “Người Trung Quốc hiện giờ rất ngại đến Hàn Quốc”, Park nói.
Jeju và khoảng 600.000 dân sống trên đảo này đã giàu lên nhờ nguồn thu từ du khách Trung Quốc kể từ năm 2008, khi hòn đảo bắt đầu áp dụng chế độ nhập cảnh không cần visa cho người mang hộ chiếu Trung Quốc.
Jeju chỉ cách Thượng Hải một giờ bay và cách Bắc Kinh hai giờ rưỡi bay. Năm ngoái, đảo này đón 3,1 triệu lượt du khách Trung Quốc, một con số kỷ lục, tăng gần 37% so với cùng kỳ năm ngoái - theo số liệu của Tổ chức Xúc tiến du lịch Hàn Quốc.
Tuy nhiên, trong 7 tháng đầu năm nay, lượng du khách Trung Quốc tới Jeju đã sụt giảm còn chưa đầy 590.000, thấp hơn gần 67% so với con số 1,77 triệu lượt cùng kỳ năm 2016.
Sau khi lệnh cấm của Trung Quốc được đưa ra, số chuyến bay thẳng tới Jeju từ 8 thành phố Trung Quốc đã bị cắt giảm mạnh. Từ tháng 3 đến nay, không còn một chuyến tàu chở du khách Trung Quốc nào cập bến đảo này.
Hanwha Galleria Timeworld, công ty vận hành cửa hàng miễn thuế ở Jeju cho biết sẽ đóng cửa gian hàng ở sân bay quốc tế Jeju vào cuối năm nay do lượng du khách Trung Quốc giảm mạnh. Đây là gian hàng đi vào hoạt động từ bốn năm trước.
“Vào những lúc tệ nhất, chẳng có lấy thậm chí một vị khách nào”, ông Sun, người làm việc trong nhà hàng nổi tiếng Don Hyang-gi trên phố Black Pork (Lợn Đen) của Jeju, cho biết. Nhà hàng này là nơi mà khách du lịch thường tìm đến để thưởng thức món đặc sản lợn đen nướng.
Mặc dù vậy, một số chủ cơ sở kinh doanh ở Jeju vẫn tỏ ra lạc quan. “Đảo Jeju là một điểm đến du lịch hàng đầu đối với du khách trong nước, và số du khách trong nước đã tăng 10% so với cùng kỳ năm ngoái”, ông Peter Gassner, Phó thủ tịch phụ trách phát triển khách sạn khu vực châu Á-Thái Bình Dương của tập đoàn khách sạn Marriott, phát biểu.
Ông Gassner dự kiến sẽ có hơn 500.000 du khách Hàn Quốc tới Jeju trong dịp Chuseok, lễ hội thu hoạch truyền thống của nước này, trong năm nay. Marriott dự kiến sẽ mở khu nghỉ dưỡng Marriott Resort đầu tiên ở Jeju vào tháng 12 năm nay, một phần trong kế hoạch mở tổ hợp nghỉ dưỡng-sòng bạc-công viên giải trí Jeju Shinhwa World.
“Chúng tôi sẽ thu hút không chỉ du khách trong nước mà cả du khách quốc tế từ Nhật Bản và các nước khác trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương”, ông Gassner nói.
Tổng lãnh sự Trung Quốc tại Jeju, ông Feng Chuntai, cho rằng những khó khăn mà Jeju đang gặp phải do sự sụt giảm lượng du khách Trung Quốc chỉ là tạm thời. “Du khách Trung Quốc chắc chắn sẽ quay lại”, ông Feng nói. “Bất đồng giữa hai nước láng giềng là bình thường. Cả hai bên đều đang nỗ lực đưa mối quan hệ song phương đi đúng hướng”. (Vneconomy)
-------------------------------------
Cựu phó tổng thống Biden: Mỹ đang đi vào một "con đường tăm tối" dưới thời Trump
Trong buổi lễ vinh danh tại trung tâm nghiên cứu quốc tế và chiến lược Zbigniew Brzezinski (Washington), ông Biden nhận xét những chính sách đối ngoại của chính quyền ông Trump đang gây ảnh hưởng xấu đến vị trí của Mỹ trên trường quốc tế. Ông cũng cho biết mình và cựu tổng thống Barack Obama sẵn sàng đưa ra những chỉ trích công khai về người kế nhiệm.
"Obama và tôi đã giữ im lặng để bày tỏ sự tôn trọng, cho chính quyền mới thời gian, nhưng một vài vấn đề đang lún sâu quá mức. Tôi tin rằng đây là lúc chúng ta đứng lên chống lại những thế lực nguy hiểm muốn thay đổi trật tự thế giới tự do", ông phát biểu.
Cựu phó tổng thống Mỹ Joe Biden gay gắt chỉ trích tổng thống đương nhiệm Doanld Trump
Vị cựu tổng thống cho rằng những lời đe dọa hung hăng của ông Trump tại Liên Hợp Quốc chỉ làm khủng hoảng Triều Tiên thêm trầm trọng. Ông cũng phản đối việc tổng thống Mỹ rút khỏi một loạt các hiệp định quốc tế như Hiệp định về biến đổi khí hậu và hiệp định đối tác kinh tế xuyên Thái Bình Dương TPP.
Theo ông Biden, lập trường "nước Mỹ trước tiên" và chủ trương dân túy của ông Trump là "vô trách nhiệm", " đáng lo ngại" và "nguy hiểm". "Thay vì xây dựng một tư tưởng tự do và dân chủ để kêu gọi quốc gia hợp sức vì mục tiêu chung, chính quyền này lại xem những vấn đề toàn cầu như một cuộc đua cá lớn nuốt cá bé", ông nói.
Những bình luận của vị cựu tổng thống phản ánh sự lo ngại của nhiều người về chính sách đối ngoại của ông Trump. (NDH)
-------------
Nghịch lý ở những thành phố Australia đáng sống nhất trên thế giới
Tại những thành phố được xếp hạng đáng sống nhất thế giới của Australia, rất ít người trưởng thành có đủ khả năng để sở hữu một căn nhà hoặc căn hộ riêng.
Tỷ lệ sở hữu nơi ở riêng trong giới trẻ Australia đã giảm xuống mức thấp kỷ lục khi thị trường bong bóng bất động sản bùng nổ và trở thành trở ngại đối với tất cả các thành phần trong xã hội, trừ những người giàu có nhất.
Bị tác động mạnh bởi tỷ lệ lãi suất thấp kỷ lục, thiếu nguồn cung và hệ thống thuế vốn ưu đãi các nhà đầu tư bất động sản, giá nhà đất đã tăng hơn 140% trong vòng 15 năm qua tại Sydney, khiến thành phố này vượt qua London và New York trở thành thành phố có giá nhà đất cao thứ 2 trên thế giới. Melbourne, vốn được Economist Intelligence Unit xếp hạng là thành phố đáng sống nhất trên thế giới trong 7 năm liên tiếp vừa qua, nay là thành phố có giá nhà đất cao thứ 6 trên thế giới.
Hậu quả tất yếu của thực tế trên là tỷ lệ sở hữu nhà đất trong giới trẻ tại hai thành phố này đã sụt giảm nhanh chóng: Chỉ 45% số người trong độ tuổi 25-34 hiện đang sở hữu nhà đất, giảm 16% điểm so với những năm 1980, với gần một nửa sự sụt giảm rơi vào thập kỷ vừa qua. Đồng thời, mức thế chấp cao đã đẩy mức nợ của hộ gia đình lên cao kỷ lục, trở thành gánh nặng đối với nền kinh tế Australia vốn tăng trưởng liên tục trong 26 năm qua. Trong khi phần lớn người nghỉ hưu tại Australia vẫn đang còn thế chấp phải trả hoặc phải thuê nhà, họ sẽ đủ điều kiện hưởng phúc lợi xã hội của Chính phủ và sẽ tạo sức ép lớn đối với hệ thống lương hưu hiện ở mức 1,8 nghìn tỷ USD. Điều này khiến mơ ước sở hữu nơi ở riêng của người dân Australia trở thành cơn ác mộng và Chính phủ nước này cần ít nhất hai thập kỷ để giải quyết.
Theo kết quả khảo sát của Đại học Quốc gia Australia, người trưởng thành tại Australia đang ngày càng lo lắng hơn về khả năng có thể sở hữu một nơi ở riêng: Khoảng 90% người Australia lo ngại rằng các thế hệ tương lai sẽ không thể mua được căn nhà riêng. Trong bối cảnh Chính phủ Australia đã không mấy thành công khi đề xuất xây dựng hệ thống internet tốc độ cao trên toàn quốc trị giá 38,5 triệu USD và chính sách năng lượng không hiệu quả khiến giá điện tăng cao, dấy lên nỗi lo về tình trạng mất điện trong mùa hè sắp tới thì thất bại trong việc giải quyết vấn đề nhà ở càng khiến Canberra bị chỉ trích nhiều hơn.
Giá trung bình một căn hộ tại Sydney vượt qua mức 0,79 triệu USD.
Một trong những điểm gây tranh cãi khác là các ưu đãi thuế đã biến nhà đất trở thành loại tài sản đầu cơ. Những người lần đầu tiên mua nhà đất than phiền rằng họ không thể cạnh tranh với các nhà đầu tư bất động sản bởi nhà đầu tư có thể sử dụng tiền hoa hồng dưới dạng “khấu trừ đầu tư thua lỗ” (NG-loại khấu trừ cho phép những nhà đầu tư nhà đất bị thua lỗ được giảm thuế thu nhập của họ) để làm tăng giá nhà xây cho thuê. Sức hấp dẫn của việc đầu tư vào bất động sản tăng đột biến vào năm 1999 khi “thuế lợi vốn” (CGT) giảm một nửa (một nửa lợi nhuận khi bán một bất động sản dùng đầu tư, không bị đánh thuế). Với giá nhà đất liên tục tăng, các nhà đầu tư thi nhau đổ tiền vào thị trường béo bở này.
Hơn 2 triệu người, hay cứ một trong 12 người Australia sở hữu ít nhất một bất động sản, trong đó khoảng 30% sở hữu hai nhà đất hoặc nhiều hơn thế. Ông Paul Dales, kinh tế gia người Australia của Capital Economics, công ty chuyên về nghiên cứu và tư vấn kinh tế vĩ mô, cho biết: “Lượng tiền lớn được sử dụng như phương tiện thế chấp nghĩa là số tiền chi tiêu cho các lĩnh vực khác sẽ ít đi, gây ảnh hưởng xấu đối với tăng trưởng kinh tế.”
Trong khi giá trung bình một căn hộ tại Sydney vượt qua mức 0,79 triệu USD, khó khăn trong sở hữu nhà đất làm trầm trọng hơn tình trạng chia rẽ giữa các đảng vốn tồn tại ở Australia trong hơn thập kỷ qua. Trong chiến dịch tranh cử năm 2016, trước việc Công đảng Australia đối lập đề xuất những thay đổi nhằm giới hạn khấu trừ đầu tư thua lỗ (NG) đối với những căn nhà vừa được xây và giảm chiết khấu thuế lợi vốn (CGT), Thủ tướng Australia Malcolm Turnbull trả đũa bằng cách bác bỏ bất kỳ sự thay đổi nào và phản pháo với tuyên bố rằng động thái của Công đảng sẽ như “đòn chí mạng” đối với thị trường bất động sản và “trừng phạt” những nhà đầu tư đang phải chu cấp cho con cái.
Gói biện pháp được đưa ra trong đề xuất ngân sách tháng 5 vừa qua nhằm cải thiện khả năng mua nhà đất chỉ như “ném đá ao bèo” bởi chỉ hướng tới các nhà đầu tư ngoại vốn đang bỏ trống các bất động sản sở hữu và đề xuất giãn thuế cho người đang tiết kiệm để mua nhà lần đầu. Các chính quyền bang cũng hầu như không có biện pháp gì để giải quyết tình trạng trên mà chỉ đơn thuần dựa vào các chính sách như giảm thuế trước bạ hoặc dành các ưu đãi đối với những người mua nhà lần đầu tiên, động thái thậm chí đẩy giá nhà lên cao hơn. Theo chuyên gia đánh giá, những người trưởng thành dưới 35 tuổi sẽ rất khó khăn để sở hữu một nơi ở riêng, trừ khi họ thu nhập cao.
Trong khi đó, các chính trị gia chỉ đưa ra các giải pháp bề nổi, mang tính tạm thời, có thể có tác dụng trước mắt nhưng không có tác động lâu dài. Cựu Bộ trưởng Tài chính Joe Hockey cho rằng những người mua nhà đang gặp khó khăn về tài chính đơn giản chỉ cần “kiếm một việc làm có thu nhập tốt.” Phó Thủ tướng Barnaby Joyce phát biểu rằng người dân không chịu nổi tình trạng nhà đắt đỏ ở Sydney cần có “tinh thần dám nghĩ dám làm” rời khỏi thành phố này đến các khu vực ngoại ô Charleville, Queensland – nơi giá nhà đất chỉ bằng 1/6 của Sydney mà ông quên rằng đây là khu vực có tỷ lệ thất nghiệp trong giới trẻ cao nhất nước Australia.
Ngược lại, các thành phố khác trên thế giới đã áp dụng những biện pháp quyết liệt hơn để kiểm soát giá nhà đất. Singapore ban hành loạt biện pháp như nghiêm cấm các khoản cho vay chỉ trả tiền lãi (khoản vay thế chấp với lãi suất thả nổi hay có thể điều chỉnh) hoặc tăng thuế trước bạ và giúp giá nhà đất tại nước này giảm trong 3 năm liên tiếp.
Ngoài áp lực do nhu cầu nhà đất tăng, chương trình nhập cư khiến dân số Australia tăng thêm gần 4 triệu người kể từ 2006 và phần lớn người nhập cư đang sống tại các thành phố lớn. Hơn thập kỷ qua, nguồn cung nhà đất thiếu hụt so nhu cầu và phần lớn nơi ở mới là các căn hộ nhỏ được xây dựng để đầu tư, hơn là đáp ứng nhu cầu của các hộ gia đình.
Giá nhà cao ngất ngưởng sẽ kéo theo phí tổn xã hội. Những người như giáo viên, y tá và những người lao động khác có thu nhập từ thấp tới trung bình sẽ không thể sống tại các khu vực họ có việc làm, trong khi những người trẻ, vốn bị buộc phải sống với cha mẹ trong thời gian dài hơn để tích lũy đủ mua nhà mới, có thể phải trì hoãn việc kết hôn và sinh con. Giáo sư Richard Ronald, Đại học Amsterdam cho rằng sự “bần cùng bất đắc dĩ” này đánh dấu bước chuyển biến căn bản trong lịch sử Australia với sự xuất hiện của “Thế hệ Thuê nhà”.(Baotintuc)