tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Tin kinh tế đọc nhanh chiều 11-09-2018

  • Cập nhật : 11/09/2018

TP HCM thanh tra dự án chống ngập 10.000 tỷ đồng

Ngoài việc dùng thép Trung Quốc thay cho vật liệu của các nước G7, thành phố cũng kiểm tra nhiều vấn đề khác của dự án.

UBND TP HCM vừa lập Đoàn kiểm tra dự án Giải quyết ngập do triều có xét đến yếu tố biến đổi khí hậu (giai đoạn 1 - dự án chống ngập 10.000 tỷ) theo hình thức hợp đồng BT (xây dựng - chuyển giao).

Phó Giám đốc Sở Kế hoạch - Đầu tư Nguyễn Thị Thu Hoa làm trưởng đoàn, có trách nhiệm kiểm tra, đánh giá dự án về các vấn đề: tạm ứng cho nhà thầu, thay đổi tiêu chuẩn vật liệu thép cho hạng mục cơ khí cửa van, thay đổi thiết kế cống kiểm soát triều Mương Chuối, đề nghị giảm chi phí lưu kho của Công ty TNHH Trung Nam BT 1547 (đơn vị thi công dự án)...

Trước đó, trong báo cáo gửi UBND TP HCM, Công ty TNHH Tư vấn Xây dựng Meinhardt Việt Nam (liên doanh được chọn làm tư vấn giám sát dự án) cho biết, chủ đầu đã sử dụng vật liệu thi công cửa van thép không thống nhất với khâu thiết kế (dùng thép có nguồn gốc Trung Quốc chứ không phải của các nước thuộc khối G7). Việc này chưa được chính quyền thành phố chấp thuận, có khả năng khiến chi phí duy tu bảo dưỡng cao hơn.

Dự án chống ngập do triều có xét đến yếu tố biến đổi khí hậu hiện thi công được 72%. Ảnh: Quỳnh Trần

Chủ đầu tư khẳng định đã xin ý kiến thành phố

Lý giải về việc thay đổi tiêu chuẩn thép, đại diện Tập đoàn Trung Nam nói, đã có văn bản xin chỉ dẫn cũng như xác nhận việc này trước khi thực hiện. Đến ngày 22/8, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đã khẳng định tính phù hợp khi thay đổi tiêu chuẩn vật liệu thép chế tạo cửa van các cống.

Sở này cũng kiến nghị UBND thành phố yêu cầu Trung tâm Điều hành chống ngập và liên danh Tư vấn giám sát hợp đồng "khẩn trương kiểm tra hồ sơ và xác nhận khối lượng thi công hạng mục lắp đặt cửa van các cống kiểm soát triều của chủ đầu tư theo đúng quy định".

Về việc thành phố lập đoàn kiểm tra đánh giá dự án, chủ đầu tư cho là động thái rất bình thường. Bởi đây là dự án lớn, trong quá trình triển khai có phát sinh và cần có những thay đổi phù hợp với thực tế hiện trường. Mặc dù đã được thành phố đồng ý chủ trương nhưng về mặt thủ tục pháp lý cần điều chỉnh báo cáo nghiên cứu khả thi cho phù hợp. Luật quy định, cơ quan có thẩm quyền thực hiện việc kiểm tra đánh giá đầu tư trước khi phê duyệt điều chỉnh báo cáo nghiên cứu khả thi.

"Đây là hoạt động luật định nhằm đánh giá hỗ trợ, tạo điều kiện doanh nghiệp dự án tháo gỡ các vướng mắc kỹ thuật, hoặc liên quan đến pháp lý nhằm giải quyết và tái khởi động dự án trong thời gian sớm nhất", đại diện chủ đầu tư đánh giá.

Trước đó, cuối tháng 8, UBND TP HCM kiến nghị Thủ tướng xem xét, chủ trì cuộc họp với các bộ ngành để giải quyết những vướng mắc xung quanh dự án chống ngập 10.000 tỷ đồng đã ngừng thi công hơn 4 tháng do Ngân hàng BIDV - Chi nhánh Nam Sài Gòn ngừng giải ngân (UBND thành phố chưa ký xác nhận báo cáo thanh toán giải ngân của dự án để thực hiện thủ tục tái cấp vốn).

Theo hợp đồng ký kết giữa UBND TP HCM và Tập đoàn Trung Nam hồi tháng 6/2016, dự án có tổng kinh phí hơn 9.926 tỷ đồng và sẽ hoàn thành sau 36 tháng (6/2019). Lãnh đạo thành phố sau đó yêu cầu rút ngắn thời gian xuống còn 22 tháng để sớm giải quyết tình trạng ngập ngày càng nghiêm trọng. Chủ đầu tư và các sở ngành đều cam kết hoàn thành trước ngày 30/4 năm nay. Tuy nhiên, dự án bị trễ hẹn do bị vướng giải tỏa mặt bằng. Chính quyền thành phố và chủ đầu tư thống nhất dự án sẽ hoàn thành vào cuối năm sau.

Mục tiêu của dự án nhằm kiểm soát ngập do triều, chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu cho vùng diện tích 750 km2 với khoảng 6,5 triệu dân thuộc khu bờ hữu sông Sài Gòn và trung tâm thành phố. Đồng thời, công trình cũng giúp thành phố chủ động điều tiết hạ thấp mực nước ở các kênh rạch, cải thiện khả năng tiêu thoát nước đô thị và tạo cảnh quan môi trường cho khu vực.

Để đảm bảo mục tiêu, dự án tập trung xây dựng các cống kiểm soát triều lớn và xây dựng tuyến đê dài. Bao gồm các hạng mục ở quận 1, 4, 7, 8 và hai huyện Nhà Bè, Bình Chánh với diện tích ảnh hưởng khoảng 100 ha.(Vnexpress)
---------------------

Doanh nghiệp Hoa Kỳ muốn đầu tư vào lĩnh vực kinh tế số tại Việt Nam

Chiều 10/9 tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tiếp đoàn doanh nghiệp Hoa Kỳ do ông Adam Sitkoff, Giám đốc điều hành Hiệp hội DN Hoa Kỳ tại Việt Nam (AmCham) dẫn đầu.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tiếp ông Adam Sitkoff, Giám đốc điều hành Hiệp hội Doanh nghiệp Hoa Kỳ. Ảnh: Thống Nhất – TTXVN

Phát biểu tại buổi tiếp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc hoan nghênh đoàn doanh nghiệp Hoa Kỳ đến Việt Nam dự Hội nghị Diễn đàn Kinh tế Thế giới về ASEAN năm 2018 (WEF ASEAN 2018), Hội nghị Thượng đỉnh Kinh doanh Việt Nam-Hoa Kỳ 2018.

Thủ tướng đánh giá, hiện nay, quan hệ Việt Nam và Hoa Kỳ đang phát triển mạnh mẽ trên các lĩnh vực. Việt Nam coi trọng quan hệ hợp tác với Hoa Kỳ. Thời gian qua, quan hệ này đang phát triển mạnh mẽ. Kim ngạch xuất khẩu của Hoa Kỳ vào Việt Nam cũng tăng mạnh. 

Thủ tướng mong muốn các doanh nghiệp Hoa Kỳ có thế mạnh trong lĩnh vực kinh tế số tăng cường hợp tác, chuyển giao công nghệ cho phía Việt Nam. 

Ông Adam Sitkoff cảm ơn Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã dành thời gian tiếp đoàn;, cho thấy cam kết mạnh mẽ của Thủ tướng Chính phủ Việt Nam đối với thúc đẩy quan hệ kinh tế, thương mại hai nước. 

Ông cho biết, sáng nay, đoàn đã cùng với Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) bàn về phát triển kinh tế số cho Việt Nam tại Hội nghị Thượng đỉnh Kinh doanh Việt Nam-Hoa Kỳ. Các doanh nghiệp Hoa Kỳ đánh giá rất cao nỗ lực của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ Việt Nam về cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, thu hút mạnh mẽ khách du lịch quốc tế. 

Chúc mừng Việt Nam tổ chức Hội nghị WEF ASEAN 2018, ông cho biết, có nhiều tập đoàn lớn của Hoa Kỳ sang dự Hội nghị và các doanh nghiệp Hoa Kỳ rất quan tâm đến thị trường Việt Nam. 

Đại diện một số tập đoàn Hoa Kỳ cũng bày tỏ quyết tâm mở rộng đầu tư kinh doanh tại Việt Nam; mong muốn Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ Việt Nam quan tâm, tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa cho các doanh nghiệp này đầu tư thành công tại Việt Nam, nhất là trên lĩnh vực kinh tế số, kết nối số, thành phố thông minh, dược phẩm, phát triển năng lượng..., cũng như tăng cường hỗ trợ Việt Nam đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, qua đó góp phần thiết thực phát triển quan hệ kinh tế, thương mại, đầu tư song phương. 

Cảm ơn các ý kiến của đoàn doanh nghiệp Hoa Kỳ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định, Chính phủ Việt Nam luôn tạo mọi điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp Hoa Kỳ kinh doanh thành công tại Việt Nam; coi đây là nhân tố quan trọng đóng góp vào mối quan hệ hai nước.(Vnanet)
--------------------------

'Cá mập' thời trang thế giới đổ về Việt Nam

Sau Zara, H&M..., một thương hiệu thời trang quốc tế tầm trung khác là Uniqlo sẽ đổ bộ Việt Nam vào năm tới.

Chị Thùy Linh – nhân viên ngân hàng tại TP HCM nhớ lại, hai năm trước muốn mua quần áo, giày dép của Zara, H&M, Pull & Bear... thường phải xem hàng trên website, rồi đặt qua các đầu mối trên mạng. Tuy nhiên, hơn một năm nay, việc mua sắm trở nên thuận tiện hơn với chị rất nhiều sau khi các thương hiệu này đều đã có tại Việt Nam.

“Trước đây, tôi mua hàng qua mạng nên nhiều khi đến tay không ưng ý về kiểu dáng, kích thước, màu sắc... Còn bây giờ, khi nào thích, tôi có thể đưa các con ra cửa hàng để trực tiếp thử và mua đồ”, chị Linh cho hay.

Không riêng chị Linh, nhiều tín đồ thời trang Việt khác cũng rất hào hứng khi các “cá mập” ngành thời trang lần lượt đổ bộ vào Hà Nội, TP HCM. Ngày này hai năm trước – Zara khai trương cửa hàng đầu tiên tại Việt Nam ở TP HCM, hàng dòng người, đa phần là thanh niên xếp hàng chờ thử đồ, thanh toán. Tròn một năm sau, khung cảnh này cũng được tái diễn khi H&M ra mắt cửa hàng đầu tiên.

Khách hàng chen chân mua sắm trong ngày H&M ra mắt cửa hàng tại Hà Nội năm ngoái. Ảnh: Anh Tú - VnExpress

Dù gia nhập sau một năm, H&M hiện đã có 4 cửa hàng tại Việt Nam và vừa khai trương thêm 2 cửa hàng ở cả Hà Nội và TP HCM. Theo báo tài chính 6 tháng (giai đoạn 1/12/2017 – 31/5/2018) của H&M, thị trường Việt Nam đem về cho hãng thời trang Thụy Điển doanh thu 127 triệu SEK, tương đương hơn 325 tỷ đồng. Như vậy, mỗi ngày, người Việt chi khoảng 1,8 tỷ đồng để mua quần áo thương hiệu này.

“2017 là một năm thật tuyệt vời với H&M tại Việt Nam. Là một thị trường trẻ trung và phát triển không ngừng, Việt Nam đã mang đến những đóng góp đáng kể cho sự tăng trưởng chung của chúng tôi tại khu vực Đông Nam Á”, ông Fredrik Famm - Giám đốc điều hành H&M khu vực Đông Nam Á nhận định.

Trong khi đó, tại Việt Nam, Zara được phân phối bởi tập đoàn Mitra Adiperkasa tại Indonesia. Ngoài ra, năm ngoái, đơn vị này còn đưa vào thị trường Việt Nam thêm 3 thương hiệu thời trang khác gồm Massimo Dutti, Pull & Bear, Stradivarius.

Báo cáo tài chính 6 tháng đầu năm nay của Mitra Adiperkasa ghi nhận doanh thu 592,8 tỷ Rupiad, tương đương gần 930 tỷ đồng từ mảng kinh doanh tại Việt Nam, trong số này chủ yếu là doanh thu từ Zara. Do đó, Việt Nam hiện là thị trường nước ngoài lớn nhất của tập đoàn phân phối sản phẩm thời trang của Indonesia.

Không rầm rộ như Zara, H&M, các thương hiệu phân khúc trung bình như GAP, Topshop, Mango... cũng liên tục mở rộng hệ thống.Cuộc cạnh tranh ở phân khúc tầm trung này dự kiến còn nóng hơn thời gian tới bởi Uniqlo – ông lớn thời trang Nhật cũng vừa thông báo sẽ gia nhập thị trường Việt Nam vào năm sau. Đây là một thương hiệu được người Việt khá ưa chuộng. Nhiều đầu mối trong nước “ăn nên làm ra" nhờ nhận xách tay đồ Uniqlo về Việt Nam.

Cũng giống như Zara hay H&M, cửa hàng đầu tiên của Uniqlo sẽ được mở tại TP HCM. Hiện tại, trên các trang tuyển dụng đang xuất hiện thông tin Uniqlo tuyển vị trí quản lý cửa hàng.

Ông Tadashi Yanai - Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành công ty mẹ của Uniqlo cho biết: "Khu vực Đông Nam Á là một động lực tăng trưởng quan trọng đối với chúng tôi. Uniqlo rất lạc quan về cơ hội trở thành một phần của nền kinh tế và thị trường bán lẻ hấp dẫn này".

Một khảo sát hồi năm ngoái của Niesel cho thấy, người Việt đứng thứ 3 thế giới về mê hàng hiệu, sau Trung Quốc và Ấn Độ. Trong khi, nghiên cứu của Statistics Portal – một công ty nghiên cứu thị trường của Đức dự báo, tốc độ tăng trưởng hàng năm (CAGR) của thời trang Việt Nam giai đoạn 2017 - 2022 là 22,5%. Nhờ mức tăng trưởng này, thị trường có thể đạt doanh thu 988 triệu USD vào năm 2022.

Ngoài ra, Việt Nam cũng nằm trong top 10 nền kinh tế có tốc độ tăng trưởng người siêu giàu nhanh nhất thế giới giai đoạn 2012 - 2017, với 12,7% mỗi năm, theo báo cáo mới của hãng nghiên cứu Wealth-X. Tốc độ này chỉ đứng sau Bangladesh (17,3%) và Trung Quốc (13,4%).(Vnexpress)

Trở về

Bài cùng chuyên mục