tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Australia cam kết hỗ trợ Việt Nam sản xuất thực phẩm sạch

  • Cập nhật : 13/11/2015

(Kinh te)

Tình trạng buôn bán, sử dụng chất cấm trong chăn nuôi, tồn dư thuốc bảo vệ thực vật trong rau quả, chất bảo quản trong thịt gia súc đang là vấn đề ‘nóng,’ làm ảnh hưởng đến chất lượng sản phẩm của Việt Nam trên thị trường thực phẩm quốc tế.

 

Về vấn đề này, lãnh đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã khẳng định sử dụng chất cấm là tội ác, cần phải ngăn chặn như đấu tranh chống ma túy.”

Những bức xúc về tình trạng sử dụng chất cấm trong sản xuất, chăn nuôi vừa được Thứ trưởng Vũ Văn Tám chia sẻ tại Diễn đàn “An toàn thực phẩm Việt Nam - Australia” do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với Đại sứ quán Australia tại Việt Nam tổ chức ngày 11/11, tại Hà Nội.

Thứ trưởng Vũ Văn Tám cho biết, xác định an toàn thực phẩm là yêu cầu của 90 triệu người dân Việt Nam và hàng trăm triệu người trên thế giới, những năm qua, công tác quản lý vệ sinh an toàn thực phẩm đã được các Bộ, ngành đặc biệt quan tâm. Tuy nhiên, đến nay, vấn đề thực phẩm “bẩn” vẫn tiếp tục là vấn đề “nóng” trên các nghị trường và phương tiện thông tin đại chúng.

“Vì thế, để giải quyết căn bản những vấn đề nổi cộm hiện nay trong vệ sinh an toàn thực phẩm, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã phát động đợt cao điểm hành động vệ sinh an toàn thực phẩm trong lĩnh vực nông nghiệp từ nay đến Tết Nguyên đán năm 2016. Trên cơ sở đó, cơ quan chức năng các tỉnh, thành phố cũng sẽ phải tăng cường kiểm soát thực phẩm nhập khẩu, cảnh báo đến người tiêu dùng,” Thứ trưởng Vũ Văn Tám nói.

Trong khi đó, ông Nguyễn Như Tiệp, Cục trưởng Cục Quản lý Chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản cũng nhận định, việc buôn bán, sử dụng hóa chất cấm trong chăn nuôi chưa được ngăn chặn; tồn dư thuốc bảo vệ thực vật trong rau, quả, chất bảo quản trong thịt gia súc vẫn còn ở mức cao, gây bất an cho người tiêu dùng.

“Người Việt Nam hiện không chỉ đòi hỏi nhu cầu thực phẩm chất lượng, đảm bảo an toàn đối với các mặt hàng thực phẩm trong nước, mà còn cần đến các sản phẩm sạch nhập khẩu từ nước ngoài. Ngược lại, việc xuất khẩu các sản phẩm của Việt Nam qua các nước cũng sẽ phải đảm bảo yêu cầu về an toàn thực phẩm,” ông Tiệp nói.

Chính vì thế, thông qua diễn đàn, ông Tiệp hi vọng các chuyên gia, nhà quản lý về an toàn thực phẩm của Australia cũng như Việt Nam sẽ có những trao đổi, nhằm nâng cao kinh nghiệm quản lý, xây dựng các mặt hàng thực phẩm sạch, đảm bảo yêu cầu thị trường quốc tế.

Về phía đối tác, ông Hugh Borrowman, Đại sứ Australia tại Việt Nam nhấn mạnh, nền tảng ngành thực phẩm và nông nghiệp đa dạng của Australia là hệ thống và quy trình sản xuất tiên tiến nhất, với các tiêu chí “xanh, sạch và an toàn.” Bên cạnh đó, Australia cũng là đối tác tin cậy trong việc cung cấp hỗ trợ kỹ thuật cho các quốc gia, nhằm nâng cao năng lực sản xuất.

“Vì thế, bằng việc chuyển giao những kiến thức chuyên môn trên, Australia có thể sẽ hỗ trợ chính phủ Việt Nam trong việc củng cố các tiêu chuẩn về an toàn thực phẩm, hiện đại hóa ngành công nghiệp chế biến thực phẩm và mang lại những lợi ích về sức khỏe, kinh tế,” Đại sứ Hugh Borrowman nói./.

(Theo CafeF)

 

Trở về

Bài cùng chuyên mục