Dù chưa được ghi trên bao bì nhưng thực tế nhiều loại thực phẩm người tiêu dùng Việt Nam đang sử dụng đã chứa nguyên liệu từ cây trồng biến đổi gien
Niềm tin người tiêu dùng tăng: Cơ sở để tăng đầu tư
- Cập nhật : 13/11/2015
(Kinh te)
Báo cáo mới nhất của Công ty Thông tin và Đo lường toàn cầu Nielsen cho thấy chỉ số niềm tin người tiêu dùng Việt Nam tăng nhẹ, mức độ lạc quan của người tiêu dùng Việt xếp thứ 10 trên toàn cầu
Kết quả khảo sát của Nielsen tại 6 quốc gia khu vực Đông Nam Á (Việt Nam, Philippines, Thái Lan, Indonesia, Singapore, Malaysia) cho thấy người tiêu dùng ưu tiên tiết kiệm các khoản tiền nhàn rỗi để tạo nền tảng tài chính vững chắc cho tương lai. Việt Nam là quốc gia đứng đầu toàn cầu với 78% người tiêu dùng khẳng định tiết kiệm tiền nhàn rỗi.
Ngoài ra, người tiêu dùng Việt có xu hướng hạn chế chi tiêu các khoản chi phí trong gia đình: 86% số người được khảo sát cho biết đã điều chỉnh thói quen chi tiêu trong 12 tháng qua để tiết kiệm chi phí vì cho rằng nền kinh tế vẫn chưa thoát khỏi khủng hoảng. Các khoản chi phí tiết kiệm có liên quan đến gas, điện và những khoản chi tiêu giải trí bên ngoài gia đình, chi phí cho quần áo mới, điện thoại.
Nói về chỉ số niềm tin người tiêu dùng Việt Nam gia tăng trong bối cảnh nhiều quốc gia - đặc biệt là khu vực Đông Nam Á - chỉ số này có chiều hướng giảm, các chuyên gia kinh tế cho rằng ít nhất, người tiêu dùng Việt Nam đã bớt lo lắng về tình hình tài chính, kinh tế. Nói cách khác, người tiêu dùng lạc quan hơn vì nền kinh tế có nhiều cải thiện, triển vọng của năm sau và các năm sau nữa sẽ tốt hơn.
Theo chuyên gia kinh tế - TS Nguyễn Minh Phong, sự lạc quan này sẽ kích thích tiêu dùng tốt hơn, tạo ra chuyển động thị trường, khuyến khích các hoạt động đầu tư nước ngoài vào hoặc đầu tư trong nước gia tăng để nắm bắt nhu cầu.
Cũng theo TS Nguyễn Minh Phong, chỉ số lạc quan đứng thứ 10 và chỉ số tiết kiệm đứng đầu toàn cầu không mâu thuẫn, hoàn toàn phù hợp với thực tế nền kinh tế và tâm lý người tiêu dùng Việt. Người dân Việt Nam có thói quen tiết kiệm, trên tổng thể thu nhập chưa có đột biến thì tiết kiệm là điều bình thường. Chỉ có một vấn đề là tiết kiệm thì tiêu dùng trong nước sẽ hạn chế.
Chuyên gia kinh tế - TS Đinh Thế Hiển cho rằng thông thường giữa tiết kiệm và tiêu dùng đối nghịch nhau, nếu chỉ số này tăng thì chỉ số kia giảm. Với điều kiện thu nhập không cao, không có khoản cho tiền nhàn rỗi mà vẫn ưu tiên tiết kiệm thì tiêu dùng phải co hẹp.
“Sự lạc quan có thể đến từ việc nền kinh tế đã trải qua 5 năm khó khăn, trong năm 2015 bất động sản quy mô nhà phố, nhà ở có thanh khoản rất mạnh và tăng giá. Cư dân ở đô thị như TP HCM đã mạnh dạn chi tiền để đầu tư. Tuy nhiên, nếu đi sâu vào chi tiết, sự lạc quan này mới dừng lại ở mức tâm lý chứ chưa thật sự tin rằng thu nhập được cải thiện, làm ăn phát triển. Phải chờ một thời gian nữa mới có câu trả lời rằng làm ăn, thu nhập của người dân có khá lên không.
Thị trường cuối năm khởi sắc?
Theo TS Đinh Thế Hiển, đặc thù của người Việt Nam là dựa vào phần thưởng cuối năm để chi tiêu Tết. Thị trường thương mại, bán lẻ sẽ dần nhích lên từ tháng 11 đến Tết Âm lịch. Năm nay, thị trường có thể hơi khác: lương thưởng của nhóm nhân viên trung cao cấp chưa hẳn tốt nhưng nhóm nhân viên lao động, công nhân có thể tốt hơn năm ngoái do nhiều công ty có vốn đầu tư nước ngoài phát triển tốt, tăng lương thưởng cho nhân viên lao động.
Còn theo các doanh nghiệp, mặc dù người tiêu dùng lạc quan nhưng nền kinh tế vẫn còn nhiều điểm gút cơ bản chưa tháo gỡ được. Riêng trong lĩnh vực mua sắm thương mại, sức mua tăng trưởng chậm, thị trường đang rất khó khăn. Tâm lý người dân tiết kiệm tối đa, chỉ mua những gì tối cần thiết nên trước mắt, doanh nghiệp không kỳ vọng nhiều về sức mua cuối năm.