Bột ngọt Ajinomoto, bột giặt Omo, hạt nêm Knorr, mỹ phẩm, dầu gội đầu nhãn hiệu Clear, đồ gia dụng: xe đạp điện, quạt điện, nồi cơm điện, máy điều hòa, điện thoại,...của thương hiệu nổi tiếng đều được làm giả một cách tinh vi và khéo léo.
Kiểm soát mỹ phẩm giả: Lập “rào chắn” ngay từ khâu nhập khẩu
- Cập nhật : 11/11/2015
(Thoi su)
Trước tình trạng mỹ phẩm giả tràn lan, ngoài việc kiểm soát mỹ phẩm lưu thông trên thị trường, cơ quan chức năng nâng cao “rào chắn kiểm tra” nhập khẩu từ nước ngoài.
Theo Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam, thời gian qua, hiệp hội đã nhận được rất nhiều đơn khiếu nại, đề nghị hỗ trợ về việc sau khi mua các sản phẩm mỹ phẩm trôi nổi trên thị trường về sử dụng bị dị ứng, nổi mẩn đỏ, gây ngứa…, nhưng lại không thể tìm được người bán hàng. Hoặc nếu tìm được cũng rất khó xử lý do mua bán qua mạng online, mạng xã hội mà không có hóa đơn, chứng từ mua bán hay địa chỉ mua hàng rõ ràng.
Dạo qua các chợ tại Hà Nội như chợ Sinh Viên (Cầu Giấy), chợ Đồng Xuân (Hoàn Kiếm), hay chợ đêm phố cổ có thể thấy tràn lan các loại mỹ phẩm, son môi, dưỡng da, chăm sóc cơ thể của các hãng nổi tiếng như L'oreal, Channel…
Giá các mặt hàng này khá rẻ, chỉ từ vài chục nghìn đến vài trăm nghìn đồng/sản phẩm. Đặc biệt, bộ kem làm trắng da được sinh viên và giới trẻ ưa chuộng, có giá từ 300.000-500.000 đồng/hộp.
Anh Trần Hiếu, chủ tiệm Spa tắm trắng và chăm sóc da Mộc Lan có uy tín tại Hà Nội, cho biết trái với các sản phẩm chăm sóc da chính hãng hay của doanh nghiệp chân chính sản xuất có nguồn gốc thiên nhiên, không tổn hại đến da, hầu hết các sản phẩm tắm trắng, chăm sóc da được bày bán trôi nổi trên thị trường hiện nay đều được làm giả tại các cơ sở sản xuất nhỏ lẻ.
Theo anh Trần Hiếu, công thức phối trộn và tỷ lệ của các loại kem này đều được tự định lượng, không qua kiểm soát nguồn gốc, chất lượng. Các sản phẩm này được các đơn vị đóng hộp và dán nhãn mác giả.
Cao cấp hơn, nhiều sạp hàng, hay người bán hàng online nhập hàng từ Trung Quốc với giá rẻ sau đó phân phối ra thị trường, trà trộn vào các sản phẩm uy tín đề bán cho người tiêu dùng.
Trước tình hình gian lận thương mại diễn biến phức tạp, Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, Trưởng Ban chỉ đạo quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả (Ban chỉ đạo 389 Quốc gia) đã có công điện phát động cao điểm đấu tranh chống buôn lậu, sản xuất, kinh doanh hàng giả là dược phẩm, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng.
Đợt cao điểm đấu tranh chống buôn lậu, sản xuất, kinh doanh hàng giả kéo dài đến hết 15/10/2015.
Ngay trong tháng Tám vừa qua, lực lượng chức năng thành phố Hà Nội đã tiến hành kiểm tra các cửa hàng kinh doanh mỹ phẩm và thu giữ hàng trăm sản phẩm chai sữa dưỡng thể, phấn trang điểm, son môi… có xuất xứ nước ngoài, không có hóa đơn, chứng từ mua hàng.
Đặc biệt, trong ngày 13/8, lực lượng chức năng đã thu giữ lô hàng lớn hơn 1.000 sản phẩm, gồm các loại trị nám, trắng da, dưỡng da, bùn khoáng tại Phố Vọng (Hà Nội). Các sản phẩm này đều không có hóa đơn, nguồn gốc xuất xứ, không có tem kiểm định chất lượng.
Theo thông tin từ Cục Quản lý thị trường (Bộ Công Thương), trong tuần từ 17-23/8, Chi cục Quản lý thị trường tỉnh Phú Yên cũng đã thu giữ hơn 4.000 hộp mỹ phẩm nhái, không rõ nguồn gốc và hết hạn sử dụng được bày bán tại các chợ. Riêng ngày 27/8, Chi cục này đã kiểm tra và thu giữ 1.500 chai mỹ phẩm nước ngoài không giấy từ, xuất xứ…
Ông Vương Ngọc Tuấn cho rằng mặc dù các cơ quan chức năng đã tăng cường kiểm tra, kiểm soát mặt hàng mỹ phẩm, song người tiêu dùng vẫn rất khó trong việc lựa chọn sản phẩm do việc kinh doanh quá dễ dàng. Các cá nhân, tổ chức chỉ cần nhập hàng qua đường xách tay từ nước ngoài, sau đó đăng bán trên các mạng online, hay tại các chợ mà không cần giấy phép.
Do vậy, trước hết, người tiêu dùng khi lựa chọn sản phẩm mỹ phẩm nên thận trọng và phải xem xét nguồn gốc, bao bì, nhãn mác. Có thể tìm đến các cửa hàng ủy quyền của hãng, uy tín trên thị trường, tránh mua những sản phẩm giá rẻ, trôi nổi.
Để bảo vệ quyền lợi doanh nghiệp chân chính và sức khỏe người tiêu dùng, theo ông Vương Ngọc Tuấn, cơ quan nhà nước cần đẩy mạnh hơn nữa công tác chống hàng nhái, hàng giả, phải làm thường xuyên và chặt chẽ công tác này.
Ngoài ra, ngành chức năng cần kiểm soát các cơ sở sản xuất mỹ phẩm chui, sản xuất nhỏ lẻ; kiểm tra thường xuyên hơn tại các khu vực chợ, có chế tài kiểm soát các web bán hàng online bởi đây là những kênh bán hàng đến tay người tiêu dùng nhanh, dễ dàng và khó kiểm soát nhất.
Nhiều ý kiến từ phía Hiệp hội mỹ phẩm và các doanh nghiệp sản xuất mỹ phẩm trong nước cũng cho hay, ngoài việc thường xuyên kiểm tra, kiểm soát toàn diện lượng mỹ phẩm lưu thông trên thị trường, các ngành chức năng cũng nâng cao các “rào chắn kiểm tra” ở khâu nhập khẩu từ nước ngoài.
Các biện pháp xử lý vi phạm về làm giả, làm nhái cần phải mạnh hơn nữa, để tăng tính răn đe vì mỹ phẩm giả không chỉ ảnh hưởng kinh tế trong nước, hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp mà còn tác động tới sức khỏe của người tiêu dùng.
Thực hiện chỉ đạo của Ban chỉ đạo 389 Quốc gia, đại diện lãnh đạo Cục Quản lý thị trường cho biết, Cục sẽ tiếp tục tăng cường công tác đấu tranh, kiểm soát các vi phạm về gian lận thương mại, buôn lậu. Đồng thời, Cục phối hợp với các bộ ngành chức năng liên quan để rà soát, xử lý mạnh tay hơn với các đơn vị vi phạm, công bố thông tin qua các phương tiện thông tin đại chúng để người tiêu dùng được biết.