tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

4G tạo cơ hội lật ngược bàn cờ viễn thông?

  • Cập nhật : 06/09/2015

(Doanh nghiep)

Ông Đỗ Minh Phương, Phó tổng giám đốc Tập đoàn Viễn thông Quân đội (Viettel) cho biết, 4G ra đời sẽ khiến cước dữ liệu giảm và đem đến phương thức tính cước mới cho dịch vụ này.

 

- Hiện nay, các nhà mạng khác cũng rất tích cực chuẩn bị cho 4G và có người còn coi đó như một cơ hội để “lật ngược bàn cờ về thị phần”. Ông nghĩ gì về cơ hội đó?

- Tôi lại nghĩ 4G cũng không có gì đặc biệt. Thực tế, xu hướng công nghệ là chuyển từ 2G lên 3G, 3G lên 4G, rồi 5G… và các mạng di động bắt buộc phải đầu tư để đáp ứng nhu cầu của người sử dụng chứ không phải là cơ hội kiếm thêm tiền của khách hàng từ hạ tầng viễn thông mới.

Điều này cũng giống như việc 3G sinh ra để thay thế 2G và cước dữ liệu cho công nghệ mới không đắt hơn mà còn rẻ đi. 4G sau này cũng tương tự như vậy, mức độ giảm giá sẽ lớn hơn nhiều. Và trong câu chuyện này, khách hàng vẫn là người được hưởng lợi nhiều nhất.

- Đầu tư hạ tầng 4G mà không thể thu thêm tiền của khách hàng, giá lại rẻ đi nhiều lần thì làm sao các mạng di động có thể tồn tại được?

- Cuộc chơi của ngành viễn thông là vậy. Người dùng được sử dụng hạ tầng ngày càng tốt hơn, mạng 4G có tốc độ cao hơn nhưng giá dữ liệu lại rẻ đi. Nhưng nhờ mức tiêu dùng tăng cao (khi tốc độ rất nhanh) và những dịch vụ nội dung, dịch vụ phi người dùng (machine to machine) phát triển mạnh trên nền công nghệ mới sẽ giúp nhà mạng đảm bảo được nguồn thu.

Thực tế thì với sự phát triển của nhiều loại hình công nghệ khác, nhà mạng mong muốn giữ được mức chi tiêu cho di động trên mỗi người dùng đã là tốt rồi.

 
ong do minh phuong, pho tong giam doc tap doan viettel cho biet 4g se tien len sau khi 3g thanh dich vu co ban. anh: hl.

Ông Đỗ Minh Phương, Phó tổng giám đốc Tập đoàn Viettel cho biết 4G sẽ tiến lên sau khi 3G thành dịch vụ cơ bản. Ảnh: HL.

- Trong khi 2G đã bão hoà, 3G có thể dần nhường chỗ 4G trong năm tới nhưng cả 3 mạng di động lớn nhất Việt Nam vẫn đua nhau xây thêm hạ tầng cho 2G và 3G. Những cuộc chạy đua này có dẫn tới hậu quả là lãng phí nguồn lực?

- Khách hàng sử dụng 2G, 3G hay 4G ở Việt Nam được sử dụng dịch vụ ngày càng tốt hơn, giá rẻ đi nhờ các nhà mạng chạy đua với nhau. Tuy nhiên, điều này không đồng nghĩa với việc đầu tư không có hiệu quả.

Từ nay đến hết năm 2015 Viettel sẽ đầu tư thêm 23.000 trạm phát sóng (trong đó có 8.000 trạm 3G, 3.000 trạm 2G, 12.000 trạm 4G), nâng tổng số trạm Viettel sở hữu lên tới 90.000 trạm (38.000 trạm 2G, 40.000 trạm 3G, 12.000 trạm 4G).

Cuối 2015, 3G của Viettel sẽ phủ đạt 100% số xã và 95% dân số tương đương với mạng 2G hiện nay. Việc cung cấp thử nghiệm 4G cũng dự kiến được triển khai trong năm nay với giá cước không cao hơn 3G. Chậm nhất đến quý I/2016, Viettel sẽ có vùng phủ 4G đến cấp thị xã, huyện và các tỉnh, thành phố với 12.000 trạm 4G.

Thứ nhất, ở Việt Nam sự chênh lệch về mức sống giữa các vùng miền là khá lớn. Có những vùng tiếp tục phải mở rộng trạm 2G vì nhu cầu người dân dùng di động 2G vẫn tăng trong khi họ chỉ có điện thoại cơ bản, nếu đầu tư vùng phủ 3G hay 4G ở đây lúc này là lãng phí.

Thứ hai, lượng người dùng 3G đang mở rộng về các vùng nông thôn nên việc đầu tư thêm vùng phủ sóng là cần thiết cho các nhà mạng để phục vụ nhu cầu của khách hàng, từ đó tăng thị phần.

Thứ ba, số lượng người dùng 4G ban đầu theo tính toán là chưa nhiều do lượng thiết bị đầu cuối sử dụng được 4G còn hạn chế, vì thế việc đầu tư chỉ nên tập trung ở đô thị, và mở rộng tới các huyện, thị xã chứ phủ thêm cũng lãng phí.

Nói cách khác, khi muốn phát triển 4G thì chúng tôi sẽ đẩy mạnh 3G hơn rất nhiều để trở thành dịch vụ cơ bản, sau đó 4G sẽ tiến lên. Điều này cũng phù hợp với việc người dùng cần có thời gian để thay đổi máy 4G.

Có thể tưởng tượng việc đầu tư hạ tầng mạng lưới của Viettel là 3 vòng tròn đồng tâm. Trong đó vùng phủ 2G lớn nhất, tiếp đến là vùng phủ 3G sẽ dần tiệm cận vùng phủ 2G. Vùng phủ 4G sẽ là vòng tròn nhỏ nhất ở trong cùng và mở rộng ra khi nhu cầu và điều kiện sử dụng cho phép.

- Tại sao Viettel không dùng băng tần thấp hơn cho 3G (900 MHz) có vùng phủ sóng rộng hơn để không cần lắp đặt quá nhiều trạm mà vẫn dùng loại 1.8 và 2.1 GHz?

- Với mạng 2G, việc dùng băng tần 900 MHz sẽ giúp vùng phủ của một trạm BTS rộng hơn nhiều. Nếu số lượng khách hàng ở khu vực trạm đó tăng mạnh thì chỉ cần bổ sung thêm card, tăng dung lượng là chất lượng sóng cho thoại và SMS được đảm bảo.

Tuy nhiên với dịch vụ dữ liệu thì khác. Chất lượng dịch vụ sẽ phụ thuộc vào số lượng người dùng ở khu vực gần trạm và khoảng cách của thiết bị tới trạm phát sóng. Do đó, nếu dùng trạm có băng tần 900 MHz, vùng phủ sóng xa hơn nhưng chất lượng sẽ không đảm bảo cho các thiết bị ở xa trạm.

Do đó chúng tôi vẫn chọn phương án phủ dày đặc các trạm 3G tần số cao trong các khu vực đô thị và chỉ sử dụng băng tần 900 MHz ở các vùng sâu, vùng xa khi cần phủ rộng để đảm bảo chất lượng dịch vụ tốt nhất cho khách hàng.

- Viettel sẽ chỉ có một loại giá cước dữ liệu không phân biệt 3G hay 4G nhưng như vậy lợi ích về giá cước của người dùng ở đâu khi công nghệ mới được áp dụng?

- Khi 4G chính thức được cung cấp đại trà, chúng tôi sẽ có thay đổi lớn về cách tính cước dữ liệu. Hiện tại, hầu hết các gói cước 3G đều giới hạn dung lượng tốc độ cao và sau đó tốc độ sẽ giảm xuống mức thông thường.

Sắp tới, Viettel sẽ áp dụng chính sách kiểu “buffet” cho các gói cước tốc độ cao của dịch vụ dữ liệu nói chung (gồm cả 3G và 4G). Theo đó, khách hàng tùy vào nhu cầu của cá nhân chỉ cần trả một số tiền nhất định (thấp hơn so với các gói cước hiện nay) là sẽ được sử dụng dữ liệu tốc độ cao không giới hạn dung lượng.

Ví dụ chúng tôi sẽ có gói cước dành riêng cho người truy cập Facebook, xem clip hoặc sử dụng dịch vụ gia tăng với giá rẻ và được sử dụng không giới hạn.

(Theo CafeF)

 

Trở về

Bài cùng chuyên mục