Động thái sa thải của Samsung diễn ra trong bối cảnh hãng để mất thị phần vào tay đối thủ Mỹ Apple...
Lotte – Đại gia xứ kim chi đang làm gì ở Việt Nam?
- Cập nhật : 06/09/2015
(Doanh nghiep)
Có mặt tại Việt Nam từ 2008, đến nay, Lotte đang sở hữu 12 công ty hoạt động trong nhiều lĩnh vực, như bánh kẹo, thức ăn nhanh, bán lẻ, giải trí, xây dựng, công nghệ thông tin...
Chaebol lớn thứ 5 tại Hàn Quốc
Lotte Co., Ltd. là một tập đoàn đa quốc gia đa ngành, hoạt động trong nhiều lĩnh vực có trụ sở tại Hàn Quốc và Nhật Bản. Lotte do Shin Kyuk-Ho thành lập lần đầu tiên vào tháng 6/1948 tại Tokyo.
Lotte Group tham gia vào nhiều ngành công nghiệp khác nhau như sản xuất bánh kẹo, đồ uống, khách sạn, thức ăn nhanh , bán lẻ, dịch vụ tài chính, hóa chất, điện tử, tin học, xây dựng, xuất bản, và giải trí.
Bành trướng kinh doanh ở nước ngoài trở thành động cơ tăng trưởng mới của Lotte Group. Ông Sin Dong Bin đang có tham vọng đưa Lotte Group trở thành một trong 10 tập đoàn toàn cầu hàng đầu châu Á với kỳ vọng có doanh số bán hàng ở nước ngoài chiếm hơn 30% trong tổng doanh thu của cả Tập đoàn.
Để thực hiện tham vọng đó, những năm gần đây Lotte đã thâm nhập vào các thị trường láng giềng trong đó có Indonesia, Việt Nam, Myanmar. Đến nay, Lotte đã dành hơn 10 nghìn tỷ won (9,6 tỷ USD) cho các thương vụ mua bán sáp nhập ở nước ngoài và chủ yếu là châu Á và các nước Xô Viết cũ. Trong đó, Việt Nam đang được xem là “con át chủ bài” trong cuộc đổ bộ thị trường ngoại của Lotte.
Có mặt tại Việt Nam từ 2008, đến nay, Lotte đang sở hữu 12 công ty hoạt động trong nhiều lĩnh vực, như bánh kẹo, thức ăn nhanh, bán lẻ, giải trí, xây dựng, công nghệ thông tin...
Đầu tư vào Eco Smart City: 1,9 tỷ USD
Cuối năm 2013, các nhà đầu từ “choáng váng” khi ông lớn Hàn Quốc công bố dự án đầu tư lớn nhất của mình từ trước đến nay ở Việt Nam. Đó là Khu phức hợp kinh doanh - giải trí Eco Smart City quy mô 100.000 m2, vốn đầu tư 1,9 tỷ USD tại Khu chức năng số 2 thuộc Khu đô thị mới Thủ Thiêm (quận 2, TP.HCM) do Công ty Lotte Asset Development (Lotte Group) bắt tay với một số nhà đầu tư Nhật Bản. Eco Smart City bao gồm trung tâm thương mại, các cao ốc văn phòng, khách sạn, căn hộ dịch vụ bên cạnh căn hộ để bán.
Lotte Center: 500 triệu USD
Kế đến là sự kiện khai trương Tổ hợp trung tâm thương mại Lotte Center Hà Nội trị giá 500 triệu USD vào năm 2014. Theo ông Lee Jong Kook, Tổng giám đốc Lotte Việt Nam thì đây là “dự án mang tính biểu tượng” của tập đoàn Lotte tại Việt Nam.
Lotte Mart: vài trăm triệu USD
Hiện tại, Lotte Mart đang có 9 siêu thị tại Việt Nam với số vốn đầu tư cho mỗi siêu thị lên tới hàng chục triệu USD.
Mỗi một đại siêu thị như thế có diện tích sàn không dưới 10.000m2 và có vốn đầu tư khoảng 30 - 40 triệu USD. Như vậy, tổng mức vốn đầu tư cho hệ thống Lotte Mart tại Việt Nam cũng lên đến vài trăm triệu USD.
Trong buổi khai trương ra mắt Lotte Mart Đống Đa, Tổng Giám đốc Lotte Mart Việt Nam - ông Hong Won Sik cho biết kế hoạch chiến lược đến năm 2020, tập đoàn sẽ vận hành 60 siêu thị Lotte Mart tại Việt Nam.
Lotte Cinema: 18 – 36 triệu USD
Hệ thống rạp chiếu phim Lotte Cinema hiện đang có 12 rạp chiếu ở TP HCM (5 cụm rạp), Đồng Nai, Đà Nẵng, Nha Trang, Bình Dương, Bình Thuận và Hà Nội (2 cụm rạp). Lotte không công bố chính xác số tiền đầu tư cho mỗi rạp chiếu phim là bao nhiêu, nhưng theo ông Phạm Văn Thanh, Giám đốc cụm rạp BHD Starcinema cho biết: “Đầu tư một cụm rạp chiếu phim hiện đại tốn khoảng 30-60 tỷ đồng chi phí xây dựng ban đầu”.
Như vậy chi phí xây dựng 1 cụm rạp vào khoảng 1,5-3 triệu USD, đồng nghĩa Lotte đã đầu tư khoảng 18 - 36 triệu USD cho hệ thống các rạp chiếu phim tại Việt Nam. Về triển vọng tương lại, ông Park Sung Hoon, Tổng giám đốc Lotte Cinema cho biết: “Mục tiêu của Lotte Cinema trong 5 năm tới là trở thành chuỗi rạp chiếu phim hàng đầu Việt Nam, với 30 cụm rạp trên cả nước”.
Lotteria: 50 triệu USD
Với số vốn đầu tư ban đầu vào khoảng 20 triệu USD, Lotteria đã mở được 200 cửa hàng tại Việt Nam. Tính đến nay công ty đã mở tại khu vực phía Bắc, bao gồm 60 cửa hàng Lotteria ở Hà Nội, khu vực miền Trung bao gồm Đà Nẵng, Huế với 9 cửa hàng và khu vực miền Nam gồm 131 cửa hàng ở Tp. Hồ Chí Minh.
Tổng giám đốc Lotteria Đông Nam Á, ông Rho IL Sik từng tiết lộ với báo chí rằng, vốn đầu tư cho mỗi cửa hàng Lotteria vào khoảng 250.000 USD (năm 2011). Như vậy, giả sử không tính đến việc nhượng quyền thương hiệu, Lotte đã bỏ ra khoảng trên dưới 50 triệu USD để phát triển mạng lưới Lotteria tại Việt Nam.
Lotte Legend Saigon: khoảng 62,5 triệu USD
Năm 2013, thị trường chuyển nhượng chứng kiến vụ thâu tóm đình đám Lotte mua lại 70% cổ phần khách sạn 5 sao Legend Saigon từ tập đoàn Kotobuki. Giá trị của vụ mua bán không được tiết lộ chính xác nhưng theo giới bất động sản, con số vào khoảng 62,5 triệu USD.
Lotte đã cho đổi tên khách sạn thành Lotte Legend Saigon. Khách sạn gồm 17 tầng với 283 phòng, 6 nhà hàng, là một trong những khách sạn đạt chuẩn 5 sao tại TP HCM.
Lotte DatViet Homeshopping: 5,1 triệu USD
Năm 2012, Lotte Homeshopping của tập đoàn Lotte đã kí kết hợp tác với Đất Việt VAC để cho ra mắt kênh bán hàng qua truyền hình Lotte DatViet Homeshopping. Tổng vốn đầu tư cho dự án là 6 triệu USD, trong đó phía Lotte góp 85% vốn, tương đương 5,1 triệu USD.
Đầu tư vào Bibica: 15 triệu USD
Năm 2007, Lotte đưa ra lời mời hợp tác đầu tư có giá trị 15 triệu USD đối với công ty Bibica và thuyết phục được ban lãnh đạo công ty chuyển nhượng 38% cổ phần. Năm 2013, Lotte Confectionery thông báo đã thực hiện mua vào thêm 685.810 cổ phiếu Bibica, nâng sở hữu tại đây lên 43,05% nhưng vẫn chưa đủ để có thể kiểm soát doanh nghiệp này (phải nắm hơn 50% CP). Lotte cùng Bibica đã đầu tư dây chuyền sản xuất bánh Lotte pie có giá trị lên tới 200 tỷ đồng (gần 10 triệu USD).
Vì vậy, có thể dự đoán số tiền đầu tư vào Bibica của Lotte có lẽ vào khoảng 15 triệu USD.
Thâu tóm Diamond Plaza Tp Hồ Chí Minh
Đầu tháng 3/2015, Chủ tịch Tập đoàn Lotte, Shin Dong Bin cho biết, doanh nghiệp này đã mua tới 70% cổ phần của tòa cao ốc Diamond Plaza, Tp.HCM. Theo đó, Lotte sẽ nắm quyền điều hành toà nhà này từ một doanh nghiệp Hàn Quốc khác là Posco. Tuy nhiên, giá trị của thương vụ này đã không được lãnh đạo Lotte cũng như phía Posco tiết lộ.
Liệu đường kinh doanh tại Việt Nam của Lotte có trải hoa hồng?
Dù dành nhiều tiềm lực và tiền bạc đổ bộ vào Việt Nam tuy nhiên, cả bán lẻ, bất động sản hay giải trí tại Việt Nam đều “không dễ xơi”. Riêng Lotte Center được cho là “sinh nhầm thời” bởi nguồn cung khổng lồ từ nhiều tòa nhà mới đi vào hoạt động như Lotte, Keangnam... đã tạo áp lực lên thị trường bất động sản, khiến nỗ lực giải quyết tỷ lệ trống ngày càng khó khăn.
Trong khi đó, với mảng kinh doanh bán lẻ, khi hàng loạt các ông lớn khác như Grand Plaza và Tràng Tiền Plaza phải tạm đóng cửa để tái cấu trúc thì Lotte cũng được kỳ vọng nhiều.
Cuối cùng, thông tin về nội bộ gia đình nhà sáng lập Lotte lục đục gần đây cũng gây ảnh hưởng không nhỏ tới hoạt động kinh doanh của toàn tập đoàn.