Doanh nghiệp tham gia đấu giá và trúng thầu khu đất vàng số 23 Lê Duẩn (Q.1, TP.HCM) rộng hơn 3.000 m2 vừa có đơn khiếu nại Trung tâm dịch vụ bán đấu giá tài sản đã triển khai phương án đấu giá không đúng theo hồ sơ phát hành ban đầu, khiến giá trúng thầu trở nên “cắt cổ”.
Sao lại ‘bắt’ DN Nhật phải mua sản phẩm?
- Cập nhật : 07/08/2015
(Tin kinh te)
Tại diễn đàn Xúc tiến đầu tư và thương mại Việt Nam - Nhật 2015 vừa diễn ra tại TP.HCM ngày 31-7, không ít doanh nghiệp (DN) lẫn cơ quan xúc tiến thương mại than phiền rằng việc mua công nghệ cao với giá cao từ Nhật về để ứng dụng vào sản xuất nhưng sản phẩm chất lượng cao làm ra lại… không biết bán đi đâu!
Một DN chuyên về gạo dẫn chứng đã xuất được gạo sang Mỹ, châu Âu, châu Phi. Mặc dù đã đầu tư công nghệ để đáp ứng đủ các tiêu chuẩn (ISO, HACCP…), hệ thống giám sát chất lượng và sản phẩm bảo đảm an toàn, đồng thời có luôn vài trăm hecta trồng giống gạo Nhật nhưng công ty này vẫn không có cửa vào thị trường Nhật.
Còn ông Đinh Minh Hiệp, Trưởng ban Quản lý Khu nông nghiệp công nghệ cao TP.HCM, nói rằng ông thường xuyên đi triển khai công nghệ mới cho nông dân. Theo đó, mua công nghệ không khó, triển khai không khó, áp dụng công nghệ cao cũng không khó, mà chỉ lo không có đầu ra.
“Vì mua công nghệ với giá cao thì sản phẩm cũng có giá cao, tiêu thụ nội địa khó, xuất đi nước khác cũng khó cạnh tranh về giá, chỉ có xuất đi Nhật là còn khả dĩ. Do vậy, chúng tôi rất cần các DN Nhật khi chuyển giao công nghệ thì cho chúng tôi biết sản phẩm làm ra có thể tiêu thụ được ở Nhật hay không, DN nào mua sản phẩm…?!” - ông Hiệp đề nghị.
Không đồng tình với quan điểm “chuyển giao công nghệ kèm theo hỗ trợ cả đầu ra” mà phía Việt Nam đề nghị, các chuyên gia Nhật thẳng thừng góp ý về tư duy sản xuất. Cụ thể, DN Việt đã tính toán mua công nghệ cao về thì cứ sản xuất các sản phẩm chất lượng cao và chủ động tiêu thụ ở phân khúc cao cấp trong thị trường nội địa hoặc xuất sang các thị trường khác, bao gồm cả nơi có nhiều người Nhật sinh sống.
Một chuyên gia của Tổ chức Xúc tiến thương mại Nhật (Jetro) thì giới thiệu ngay mô hình trồng rau sạch theo công nghệ Nhật tại Lâm Đồng mà chính người Nhật sang Việt Nam đầu tư. Mô hình này đã cho ra xà lách chất lượng cao, chuyên bán trong các hệ thống siêu thị cao cấp với giá cao mà vẫn không đủ sản phẩm để bán, đang phải mở rộng đất canh tác.
“Hoặc xuất gạo Nhật sang Nhật thì khó có cửa nhưng xuất sang các thị trường như Malaysia để phục vụ khách Nhật vẫn được” - vị chuyên gia này gợi ý.
Một chuyên gia Nhật khác khuyên rằng DN Việt nên sản xuất các sản phẩm đặc biệt, qua chế biến, giá trị gia tăng cao, không nên xuất thô các sản phẩm thông thường vì sẽ khó cạnh tranh tại thị trường Nhật. Ví dụ, thay vì chỉ xuất khẩu gạo thì chế biến thành bún, bánh, thậm chí thành các loại mỹ phẩm từ gạo.
Từ câu chuyện trên có thể thấy phía Nhật chuyển giao công nghệ cho DN Việt là điều tốt. Song không thể đòi hỏi phía DN Nhật phải lo luôn cả khâu đầu ra, tiêu thụ sản phẩm. Đây không phải tư duy kinh tế thị trường mà là kiểu suy nghĩ ỷ lại từ thời bao cấp. Nó cũng chẳng khác nào việc DN Việt chỉ muốn được làm gia công hay làm thuê cho DN Nhật!