Năm 2015 khép lại với nhiều sự kiện kinh tế quan trọng, có tính bước ngoặt.
Gần 150 thương hiệu nhượng quyền vào Việt Nam trong 8 năm qua
- Cập nhật : 07/08/2015
(Thuong hieu)
Trong đó lĩnh vực nhà hàng là lĩnh vực chiếm tỷ trọng lớn nhất (43,7%) tiếp theo là thời trang (19,3%, 19 thương hiệu), giáo dục đào tạo (14,1%, 17 thương hiệu), cửa hàng tiện lợi (2,2%, 3 thương hiệu), cửa hàng bán lẻ khác (10,4%, 15 thương hiệu).
Sáng nay, trong khuôn khổ dự án Hỗ trợ Chính sách Thương mại và Đầu tư của Châu Âu (EU – Mutrap), Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) phối hợp với Dự án EU-Mutrap tổ chức Hội thảo “Tham vấn và đối thoại về việc thực hiện các quy định liên quan đến hoạt động nhượng quyền thương mại (NQTM) tại Việt Nam”.
Theo thống kê của Vụ Thị trường trong nước và Viện Nghiên cứu Thương mại, trong hơn 8 năm qua từ 15/1/2007 đến 15/7/2015, Vụ Thị trường trong nước đã cấp phép cho 137 thương nhân và 148 thương hiệu/nhãn hiệu nước ngoài vào Việt Nam.
Trong đó lĩnh vực nhà hàng là lĩnh vực chiếm tỷ trọng lớn nhất (43,7%) bao gồm 42 thương hiệu như các nhà hàng bán thức ăn nhanh, bánh, cà phê, đồ uống, nhà hàng lẩu nướng, tiếp theo là thời trang (19,3%, 19 thương hiệu), giáo dục đào tạo (14,1%, 17 thương hiệu), cửa hàng tiện lợi (2,2%, 3 thương hiệu), cửa hàng bán lẻ khác (10,4%, 15 thương hiệu), sản xuất bán buôn các dịch vụ khác như dược phẩm, hóa chất, môi giới bất động sản, lưu kho…chiếm 10,3%.
Các thương hiệu đã vào Việt Nam như McDonald’s, Baskin Robbins, Haagen-Dazs (đến từ Hòa Kỳ), Pizza Hut, Kentucky Fried Chicken, Pepper Lunch, Burger King..(đến từ Singapore), Lotteria, Caffe Bene, Tous Les Jours, BBQ Chicken (đến từ Hàn Quốc), Swensen’s (đến từ Malaysia), Oasis, Karren Millen, Warehouse, Topshop, Coast London..(đến từ Anh), Bulgari, Moschino, Rossi..(từ Italy)….
Trong khi đó một số doanh nghiệp Việt Nam cũng đã tích cực triển khai phát triển thương hiệu ở nước ngoài như Trung Nguyên, Phở 24, Kinh Đô Bakery, Ninomax, giày dép T&T…
Tại hội thảo, các diễn giả đã đưa ra một số giải pháp phát triển hoạt động NQTM tại Việt Nam cũng như các bất cập trong các văn bản luật quy định về hoạt động NQTM ở Việt Nam hiện tại.
Theo TS Phạm Nguyên Minh, Viện trưởng Viện nghiên cứu thương mại (VIT), tuy mới xuất hiện trở lại Việt Nam từ cuối những năm 90 song hoạt động NQTM ở Việt Nam đã phát triển rất nhanh, bình quân 15-20%/năm. Tuy nhiên hoạt động NQTM trong thời gian qua chưa thực sự hiệu quả, môi trường pháp lý chậm chễ và chưa hoàn thiện, thiếu đồng bộ, các DN thiếu vốn, thiếu trình độ quản lý và kiểm soát, chưa chuẩn hóa được quy trình và thương hiệu.
Theo TS Phạm Nguyên Minh, phương thức nhượng quyền lại (Refranchise) sẽ ngày càng phổ biến và phát triển, thị trường nhượng quyền về thức ăn nhanh sẽ phát triển mạnh, các lĩnh vực như giáo dục và y tế, vận tải sẽ tiếp tục hứa hẹn tại Việt Nam.
Ông Minh cũng đề xuất nên lập Hiệp hội Nhượng quyền thương mại VN và thành lập Trung tâm dịch vụ tư vấn hoạt động NQTM.
Theo ông Andras Lakatos, chuyên gia cao cấp của EU-Mutrap, trên thế giới hiện nay chỉ có 33 nước (tính đến năm 2013) ban hành luật cụ thể về hoạt động nhượng quyền, thậm chí nước phát triển như Đức không có luật về NQTM. Chuyên gia của Mutrap cho biết việc định nghĩa thế nào là nhượng quyền thương mại ở Việt Nam thiếu nội dung về thanh toán phí.
Ông Andras Lakatos cũng chỉ ra rằng, các thông tin trước hợp đồng ở Việt Nam – thông tin phải công bố công khai là rất ít và không được cụ thể. Tại Việt Nam đăng ký nhượng quyền thương mại phải đăng ký với Bộ Công thương nhưng chỉ các bên nhượng quyền nước ngoài phải đăng ký và mục đích đăng ký không rõ ràng.
Trong khi đó, đại diện Waewpen Piemwichai cũng đưa ra vấn đề phải mất khoảng 1-1,5 năm để đăng ký các nhãn hiệu tại Việt Nam trong khi các doanh nghiệp NQTM mong muốn giới thiệu các nhãn hiệu mới cho các sản phẩm hoặc dịch vụ của mình một cách nhanh chóng.
Đại diện Luật sư Lê Xuân Lộc, hoạt động nhượng quyền là sự nhân rộng mô hình thành công ở nước ngoài, gắn bó chặt chẽ với các quyền sở hữu trí tuệ. Theo ông Lộc, một khó khăn vướng mắc đó là nếu chúng ta có cái nhìn chặt chẽ rằng hoạt động NQTM chỉ được chấp nhận khi có các quyền sở hữu công nghiệp được đăng ký thì sẽ gây khó khăn cho DN rất nhiều.
Bởi lẽ các quyền sở hữu trí tuệ rất phong phú với những cách thức xác lập khác nhau, VN phân chia lĩnh vực sở hữu trí tuệ ra làm 3 nhóm đó là quyền tác giả, quyền sở hữu công nghiệp và quyền sở hữu cây trồng. Phần lớn trong nhóm này đều có thể là đối tượng của hoạt động NQTM chứ không phải chỉ riêng quyền sở hữu công nghiệp. Trong các đối tượng này không phải đối tượng nào được đăng ký mới được chấp nhận.
Hiện nay ở VN chỉ có nhãn hiệu là đối tượng tiêu biểu được thừa nhận sở hữu trí tuệ khi được đăng ký. Ví dụ như McDonald’s những năm 90 chưa vào Việt Nam nhưng tại thời điểm đó các cơ quan chức năng đã từ chối một chủ thể ở Việt Nam muốn lấy tên là McDonald’s. Như vậy nếu gắn liền việc chấp nhận hay không chấp nhận sự hợp pháp hay không hợp pháp của hoạt động NQTM với việc nhãn hiệu được đăng ký sẽ gây cho các DN nhiều khó khăn.
Kết thúc buổi hội thảo, Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước Bộ Công thương Võ Văn Quyền cho biết Bộ Công Thương đánh giá cao và tiếp thu ý kiến của các diễn giả. Mục tiêu của buổi hội thảo muốn thuận lợi hóa và xây dựng cơ chế phù hợp cho sự phát triển của hoạt động NQTM tại Việt Nam. Việc lấy ý kiến các bên sẽ giúp Bộ Công thương xác định rõ các nguyên tắc, trách nhiệm và quyền của các bên, quản lý nhà nước phải làm những gì, bên nhượng quyền và bên nhận quyền làm gì trong dự thảo Luật sắp tới.
Tiếp theo là quá trình liên quan đến mối quan hệ giữa Luật Sở hữu trí tuệ, Luật Cạnh tranh, Luật Thương mại, hoạt động NQTM với chuyển giao, đại lý cần phải được làm rõ và cụ thể hóa để thương nhân trong nước hay nước ngoài đứng trước lựa chọn làm theo cái này hay làm theo cái kia thì có căn cứ để xác định và không vận dụng một cách tùy tiện.