Những người thừa kế sáng giá "tương tàn", giành quyền kiểm soát tập đoàn “khủng” không chỉ là chuyện trong kịch bản phim Hàn Quốc. Đó là thực tế hiện hữu khá lâu ở các tập đoàn gia đình trị hàng đầu nước này như Samsung, Hyundai, Kumho, Lotte, Hanjin…
Giá trị thương hiệu quốc gia của VN chỉ tương đương Apple
- Cập nhật : 07/08/2015
(Thuong mai)
Tính toán của công ty Brand Finance tại Việt Nam cho thấy, giá trị thương hiệu quốc gia Việt Nam năm 2014 đạt 172 tỷ USD, chỉ lớn hơn thương hiệu Apple (170 tỷ USD).
Ông Lại Tiến Mạnh, đại diện Công tyBrand Finance, năm 2013, giá trị thương hiệu quốc gia Việt Nam đạt 133 tỷ USD. Đến năm 2014, giá trị này tăng lên 30%, ước tính đạt 172 tỷ USD. Nâng vị trí xếp hạng giá trị thương hiệu của Việt Nam từ thứ 44 lên vị trí 42/100 quốc gia trên toàn cầu. Tại Châu Á, Việt Nam xếp vị trí thứ 15, đứng thứ 6 tại Đông Nam Á (chỉ trên hai nước là Campuchia và Brunei). Ở Đông Nam Á, Singapore là quốc gia có giá trị thương hiệu cao nhất.
Mặc dù vậy, Việt Nam vẫn đứng thứ 8 trong top 10 quốc gia phát triển nhanh nhất về thương hiệu quốc gia.
Ông Lại Tiến Mạnh khẳng định, thương hiệu quốc gia có ý nghĩa quan trọng đối với Việt Nam trong các lĩnh vực đầu tư, du lịch, hàng hóa – dịch vụ, nhân lực – kỹ năng.
Cụ thể, về đầu tư, thương hiệu quốc gia khuyến khích thương mại địa phương đầu tư tại chỗ thay vì đầu tư quốc tế, thu hút vốn đầu tư trực tiếp từ nước ngoài; thu hút khách du lịch nội và ngoại địa; khuyến khích người tiêu dùng mua sản phẩm trong nước; tăng cường lao động có tay nghề, thu hút công nhân quốc tế có tay nghề...
Hiện tại, sản phẩm xuất khẩu của doanh nghiệp Việt Nam vẫn ở dạng xuất khẩu thô. Nhiều mặt hàng xuất khẩu chưa có danh nghĩa thương hiệu cụ thể. Ví dụ gạo của Việt Nam xuất khẩu sang nhiều nước nhưng đều đóng gói theo nhãn mác các nước.
Trong thời gian tới, khi Việt Nam hội nhập sâu vào các hiệp định thương mại tự do, theo ông Mạnh, nếu thương hiệu quốc gia và thương hiệu các sản phẩm không hỗ trợ nhau thì sẽ thua trên sân nhà trươc sức ép từ các thương hiệu quốc tế.
Đồng quan điểm, PGS.TS Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam cho rằng, hiện tại Việt Nam vẫn chưa tập trung hình ảnh, tạo thương hiệu cho doanh nghiệp. “Có ba vấn đề mấu chốt để tạo thương hiệu cho doanh nghiệp là tái cấu trúc doanh nghiệp, trong đó doanh nghiệp là nhân vật trung tâm; xây dựng thế hệ, đội ngũ doanh nhân mới, các tập đoàn kinh tế tư nhận mạnh, đủ sức đại diện cho Việt Nam cạnh tranh trên thị trường quốc tế.
Ngoài ra, Nhà nước cần hoạch định chính sách, tạo điều kiện, cơ hội cho doanh nghiệp đột phá; các tổ chức kinh tế theo chuỗi, đặc biệt là lĩnh vực nông nghiệp”, PGS.TS Thiên nhấn mạnh.
Về phát triển doanh nghiệp sau khi đạt thương hiệu quốc gia, Thứ trưởng Bộ Khoa học Công nghệ ông Trần Việt Thanh cho hay, quan điểm của Bộ Khoa học Công nghệ, sau khi được công nhận thương hiệu quốc gia, doanh nghiệp phải tiếp tục phát triển thương hiệu đó của mình.
"Các doanh nghiệp phải thường xuyên nâng cao năng lực thông qua đổi mới trang thiết bị, nguồn nhân lực. Trong đó nâng cao chất lượng sản phẩm là yếu tố quan trọng nhất", ông Thanh nói.
Kết luận hội thảo, Thứ trưởng Bộ Công Thương Hồ Thị Kim Thoa cho biết, thời gian tới, Bộ Công Thương sẽ có những giải pháp thiết thực hỗ trợ cho DN Việt Nam trong quá trình xây dựng thương hiệu.
Cụ thể, Bộ sẽ hỗ trợ quảng bá, cung cấp thông tin kịp thời cho doanh nghiệp về các hoạt động xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm, thương hiệu đạt thương hiệu quốc gia trên thị trường quốc tế, hỗ trợ ngân sách nhà nước cho các doanh nghiệp tham gia thương hiệu quốc gia...