Dù còn cả nửa chặng đường phía trước nhưng không ít doanh nghiệp đã có thể …“vừa làm vừa chơi” sau khi hoàn thành kế hoạch kinh doanh năm.
Nâng hàng Việt Nam lên chất lượng thế giới, Samsung muốn làm "DN quốc dân Việt Nam"
- Cập nhật : 07/08/2015
(Tin kinh te)
GS Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp đầu tư nước ngoài (VAFIE) kiến nghị về việc nâng cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” với cách tiếp cận cao hơn về tiêu chí chất lượng sản phẩm, không chỉ là hàng hóa Việt Nam chất lượng cao mà còn là hàng Việt Nam chất lượng thế giới.
Sáng nay (31/7), Samsung phối hợp với VAFIE tổ chức hội thảo “Tự hào hàng Việt Nam” kết nối chuỗi cung ứng hàng hóa từ sản xuất tới siêu thị.
Phát biểu tại hội thảo, GS Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp đầu tư nước ngoài khẳng định cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" không chỉ có ý nghĩa về nhận thức đối với hàng hóa Việt Nam mà còn với sản phẩm của các doanh nghiệp FDI sản xuất trong nước.
Tuy nhiên, theo GS Nguyễn Mại, trong 6 năm tiến hành cuộc vận động, đã nảy sinh một số vấn đề cần phải xử lý.
Thứ nhất, tình trạng “được mùa rớt giá” vẫn diễn ra thường xuyên đối với một số hàng nông sản, thủy sản, hoạt động tình nguyện của thanh niên sinh viên bán dưa hấu, hành tím, cà chua giúp nông dân cần được biểu dương ở khía cạnh tinh thần tương thân tương ái nhưng lại bộc lộ khiếm khuyết cả trong sản xuất và phân phối hàng hóa, sự kết nối giữa người sản xuất với siêu thị, cửa hàng bán lẻ.
Chúng ta chưa hình thành chuỗi giá trị sản phẩm thích ứng với từng loại hàng hóa như may mặc, da giày, điện tử gia dụng, thực phẩm; hệ thống logitics chưa hợp lý, chi phí cơ hội còn cao, làm tăng giá cả hàng hóa đến tay người tiêu dùng.
Ngoài ra, theo GS Mại, việc mở cửa thị trường khi hình thành cộng đồng kinh tế ASEAN từ cuối năm nay là cơ hội nhưng cũng là thách thức với doanh nghiệp Việt Nam. Nếu không có sự điều chỉnh chiến lược kinh doanh của từng doanh nghiệp, không thiết lập tốt hơn quan hệ phân công và hợp tác trong từng ngành hàng thì sản phẩm khó đứng vững trên thị trường trong nước.
GS Nguyễn Mại kiến nghị nâng cuộc vận động với tiêu chí hàng Việt Nam chất lượng thế giới (nguồn: internet)
“Chúng tôi kiến nghị với Bộ Công Thương về việc nâng lên tầm cao mới cuộc vận động, không chỉ là hàng hóa Việt Nam chất lượng cao mà còn là hàng Việt Nam chất lượng thế giới.
Thực tế, nước ta đã và đang trở thành cứ điểm sản xuất của nhiều tập đoàn hàng đầu thế giới như Samsung, Microsof, Nokia, Itel, Canon, LG... điện thoại thông minh, máy tính bảng, điện tử gia dụng có số lượng chiếm một tỷ trọng lớn trên thị trường, khu vực và thế giới, có chất lượng hàng đầu thế giới”, GS Nguyễn Mại nói.
Với mong muốn bằng những đóng góp của mình trong việc sản xuất ra những sản phẩm chất lượng tốt đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong và ngoài nước, ông Han Myoungup, Tổng giám đốc tổ hợp Samsung Complex cho biết: “Ngay từ bây giờ Samsung không muốn chỉ được gắn liền với danh xưng bên ngoài là nhà đầu tư lớn nhất, doanh nghiệp xuất khẩu lớn nhất tại Việt Nam mà chúng tôi mong muốn thật sự được gọi với cái tên là doanh nghiệp quốc dân Việt Nam.
Một doanh nghiệp đúng nghĩa đóng góp vào sự phát triển kinh tế xã hội và nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân Việt Nam qua việc tạo ra những sản phẩm tốt được người tiêu dùng Việt Nam tin yêu sử dụng.
Chúng tôi đang tìm đối tác Việt Nam để nuôi dưỡng ngành công nghiệp hỗ trợ liên quan đến sản phẩm của Samsung, đào tạo nhân lực nghiên cứu phát triển vì mục tiêu trên”.
Ông Nguyễn Thái Dũng, Phó Tổng Giám đốc Big C Thăng Long cũng cho biết, ngay từ khi mới thành lập Big C đã đặt mục tiêu tập trung kinh doanh hàng Việt Nam và trở thành cầu nối đưa hàng Việt Nam ra thị trường thế giới.
Bên cạnh đó, Big C còn tích cực quảng bá hàng Việt tại nước ngoài qua các hoạt động như tổ chức hội thảo “Giải pháp thúc đẩy xuất khẩu hàng dệt may Việt Nam sang thịt rường Pháp và Châu Âu” với sự tham gia của hơn 100 doanh nghiệp dệt may Việt Nam, phối hợp với Bộ Công Thương tổ chức tuần lễ hàng Việt Nam tại Pháp. Hàng năm, Big C còn xuất khẩu hơn 1000 containers hàng Việt gồm nông, thủy sản, hàng thủ công mỹ nghệ trị giá hơn 30 triệu USD đến 20 thị trường quốc tế...
Ông Đặng Xuân Quang, Phó Cục trưởng Cục đầu tư nước ngoài (Bộ Công Thương) khẳng định, trong thời gian tới, Chính phủ Việt Nam tiếp tục ban hành và thực hiện chính sách nhằm thu hút mạnh hơn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam.
"Một trong những chiến lược quan trọng của Việt Nam là chuyển từ thu hút đầu tư nước ngoài dàn trải sang tập trung vào các dự án, các đối tác sử dụng có chất lượng hiệu quả nguồn tài nguyên thiên nhiên tại Việt Nam, thúc đẩy ngành công nghiệp phụ trợ làm gia tăng hơn nữa sản phẩm có vốn FDI tại Việt Nam", ông Quang nhấn mạnh.