tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Rủi ro với những người giả vờ giàu có

  • Cập nhật : 13/11/2015

(Kinh doanh)

Nhiều người vung tiền thoải mái như thể có thu nhập rất cao, họ thà chi cho những nhu cầu trước mắt hơn là dành dụm cho cuộc sống khi đã già yếu, bệnh tật.

Trent Hamm - biên tập viên trang The Simple Dollar đã chia sẻ quan điểm của anh về lối sống lãng phí của nhiều người hiện nay.

Gần đây, tôi có nhận được email của một độc giả tên Tim về những khó khăn tài chính mà bố mẹ vợ của anh phải đối mặt khi về già. Họ đã hơn 70 tuổi và hầu như không có gì khi về hưu. Vì họ không thể làm được bất kỳ công việc nào, và vợ Tim là con một, cả hai hy vọng gia đình Tim sẽ chăm sóc họ. Mặt khác, bố mẹ đẻ của Tim chỉ mới hơn 60 tuổi, đã nghỉ hưu và gần như chắc chắn không trở thành gánh nặng tài chính cho con cái.Tôi đã hỏi Tim đâu là sự khác biệt giữa hai trường hợp trên. Có phải do thu nhập không? Hay vì đã lên kế hoạch từ trước? Cậu ấy trả lời rất đơn giản: "Bố mẹ tôi không dành cả tuổi trẻ của mình để tỏ ra giàu có".

cuoc song khi ve gia se thoai mai hon neu ban biet tiet kiem khi con tre. anh: flickr

Cuộc sống khi về già sẽ thoải mái hơn nếu bạn biết tiết kiệm khi còn trẻ. Ảnh: Flickr

Câu nói đó đã khiến tôi suy nghĩ rất nhiều. Theo một cách nào đó, bố mẹ Tim cũng giống như bố mẹ của chúng ta mà thôi. Bố mẹ tôi giờ đã nghỉ hưu - mẹ tôi vừa qua tuổi 60 và bố tôi 70. Bố tôi nghỉ hưu khoảng 10 năm trước. Họ không bao giờ tiêu xài quá nhiều. Khi tôi còn nhỏ, họ sống rất thanh đạm. Không phải do tự nguyện, mà là thu nhập của họ khá khiêm tốn.

Bố mẹ vợ tôi thì ngược lại. Họ cũng tầm tuổi bố mẹ đẻ tôi, nhưng không ai trong số họ có kế hoạch gì cho việc nghỉ hưu trong nhiều năm. Thay vì vậy, họ đi du lịch khá nhiều, vì cho rằng mình có thể sẽ không đủ sức khỏe để làm như vậy nữa khi về già.

Khi suy nghĩ kỹ, bạn sẽ nhận thấy vấn đề lớn nhất nằm ở chỗ nhiều người không hề tiết kiệm cho tương lại. Họ thà tiêu tiền vào những nhu cầu trước mắt như nhà cửa, xe cộ, hàng tiêu dùng, du lịch, quần áo, đồ điện tử… thay vì để dành khi về hưu. Trên thực tế, cân bằng tài chính cũng bao gồm tiết kiệm cho nghỉ hưu nữa. Bạn nên để dành ít nhất 10% thu nhập cho tương lai nếu không muốn lâm vào tình cảnh không gì bám víu khi về già và sức khỏe giảm sút. Đó chính là cách bảo đảm tài chính tốt nhất mà mọi người thường sử dụng trong quá khứ.

Thế hệ sau này có thể xoay sở tốt hơn nhờ chương trình lương hưu và bảo hiểm xã hội. Vì vậy, nhiều người không cần phải dành dụm tiền nghỉ hưu ngay khi còn trẻ nữa. Tuy nhiên, biện pháp an toàn này không còn tồn tại với chúng ta, những người đang tham gia lực lượng lao động nữa. Vì kế hoạch nghỉ hưu của các công ty, cộng với bảo hiểm xã hội chỉ mang lại một khoản lương hưu khá ít ỏi.

rat nhieu nguoi co loi song duoc danh gia la giau gia tao. anh: flickr

Rất nhiều người có lối sống được đánh giá là giàu giả tạo. Ảnh: Flickr

 

Điều này có nghĩa là gì? Các bạn phải bắt đầu lên kế hoạch cân bằng chi tiêu ngay từ bây giờ, bao gồm để dành ít nhất 10% thu nhập cho hưu trí. Tuy nhiên, hầu hết người Mỹ đều không tiết kiệm đủ khi nghỉ hưu.

Đó là vì hầu hết mọi người ưu tiên những thứ giúp họ hướng tới phong cách sống giàu sang hơn ngay lúc đó. Họ mua sắm những thứ như cà phê xịn hay iPhone đời mới nhất, thay vì tiết kiệm để bảo đảm tài chính cho tương lai.

Mọi người sống như thể thu nhập của họ cao hơn những gì họ kiếm được. Và vì vậy, họ cắt giảm tiết kiệm cho hưu trí (thậm chí đôi khi còn dùng tới thẻ tín dụng). Nói cách khác, điều này chính xác như những gì bạn tôi đã miêu tả. Nhiều người tiêu xài như thể họ thực sự giàu có.

Vì sao họ lại làm như vậy? Nhiều người muốn gây ấn tượng với người khác, có thể vì hiệu ứng ánh đèn sân khấu (một loại hiệu ứng tâm lý, cho rằng mọi người lúc nào cũng chú ý mình). Nhưng hãy nhớ, trên thực tế, chỉ một số người chú ý đến chiếc xe bạn đang lái hay bộ quần áo bạn đang mặc. Thậm chí, họ còn chẳng quan tâm nữa. Có nhiều cách để khắc phục hiệu ứng này. Tuy nhiên, cách cơ bản nhất là bạn nên dành thời gian rảnh rỗi để cải thiện bản thân. Đừng cố gắng thu hút người khác bằng sự giả tạo. Bạn chính là người tạo ra giá trị cho bản thân mình.

Trong khi đó, với một số người, mua sắm giống như một liệu pháp tâm lý khiến họ hạnh phúc và cảm thấy tình hình hiện tại khá khẩm hơn. Tâm lý này không những biến mua sắm trở thành một thú giải trí đắt đỏ, mà còn ngốn tương đối thời gian.

Muốn khắc phục được, bạn cần thường xuyên nhắc nhở bản thân về việc thực hiện những mục tiêu lớn đã đề ra, tự động trích lập tiết kiệm, trò chuyện với bạn bè để quên đi những lúc thèm mua sắm, tập trung vào những mối quan hệ bạn bè không liên quan đến tiêu xài, khiến công cụ chi tiêu của bạn trở nên khó tiếp cận, hay lựa chọn những cách thức phi tài chính khác để cải thiện cảm xúc cá nhân.

Ảnh hưởng của phương tiện truyền thông như TV, tạp chí và các kênh khác cũng là một trong những nguyên nhân. Chìa khóa để giải quyết vấn đề này chính là thay đổi chế độ sử dụng phương tiện truyền thông. Đối với tôi, đó là xem TV ít đi. Tôi đã xây dựng thói quen này qua nhiều năm và đến giờ, tôi hầu như không mấy khi xem TV. Tương tự, hầu hết thời gian rảnh, tôi đều đọc sách thay vì xem các tin quảng cáo trên tạp chí.

Một số khác lại bị ảnh hưởng bởi thói quen của bạn bè và hàng xóm.Giống như câu nói nổi tiếng của Jim Rohn vậy, bạn là kết quả trung bình của 5 người mà bạn tiếp xúc nhiều nhất. Thế nên, tốt nhất, bạn không nên sống ở một khu phố mà mình là người có thu nhập thấp nhất. Ít ra, bạn nên có thu nhập trên trung bình so với hàng xóm để không khiến bản thân lúc nào cũng có suy nghĩ phải bắt kịp người khác. Bạn cũng nên đánh giá lại các mối quan hệ xã hội và cố gắng dành nhiều thời gian với những người không có thói quen tiêu xài.

Một bộ phận lại lựa chọn cách sống "cháy hết mình" khi còn trẻ và khỏe hơn là tiết kiệm tiền bạc phòng trường hợp già yếu, bệnh tật. Họ tin rằng có thể tự lo cho mình trong tương lai. Vấn đề nằm ở chỗ, bạn đâu thể biết trước điều gì sẽ xảy ra.

Những lý do kể trên chỉ là lời bào chữa đơn giản cho những người đang giả vờ rằng mình giàu có. Nói rộng ra là những người không tiết kiệm đủ cho tương lai. Tôi cũng từng như vậy, nhưng đã nỗ lực giảm sự ảnh hưởng từ bên ngoài và đã thấy rõ những tác động tích đối với chi tiêu. Tôi không cảm thấy phải bắt buộc mua sắm như trước đây, và cũng không cảm thấy cuộc sống của mình đang bị "tước đoạt" như nhiều người đã miêu tả. Tôi thấy thanh thản bởi biết chắc rằng tương lai của mình được đảm bảo.

Đừng giả vờ giàu có. Bạn có thể cảm thấy vui sướng trong phút chốc. Tuy nhiên, cảm giác đó không kéo dài được lâu. Áp lực và những lựa chọn khó khăn chính là những gì bạn phải đối mặt sau này. Điều tốt nhất mà bạn có thể làm là tiết kiệm ngay hôm nay. Đừng phí thời gian suy nghĩ về nó nữa, hãy lên kế hoạch ngay bây giờ và gặp gỡ các chuyên gia tài chính.

Hãy chọn một cuộc sống bớt "giàu" hơn một chút so với trước đây. Và bạn sẽ không bao giờ phải hối tiếc.

(Theo Vnexpress)

Trở về

Bài cùng chuyên mục