Dù được bác bỏ ngay sau đó nhưng nó cũng khiến doanh nghiệp thiệt hại nặng nề, người tiêu dùng lo lắng.
Mới đây nhất, thông tin mì Kokomi tôm chua cay của Công ty cổ phần hàng tiêu dùng Masan có sinh vật lạ như giun, sán được tung ra. Theo đó, một người dân ở thôn Tào Sơn, xã Thanh Thủy, huyện Tĩnh Gia, tỉnh Thanh Hóa mua 1 gói mì Kokomi về ăn và cho biết phát hiện một số sinh vật lạ, có chiều dài 4 - 8 mm còn sống cựa quậy. “Làm sao giun sán lại “đi lạc” và có thể sống trong những gói mì?!”, chị Vi, một người dân ngụ Q.9, TP.HCM thỉnh thoảng vẫn mua mì tôm về trữ trong nhà, lo ngại đặt câu hỏi.
Nếu xác định đây là những chiêu trò, thủ đoạn cạnh tranh không lành mạnh, tung tin thất thiệt làm hoang mang và có chủ ý hướng người tiêu dùng không sử dụng hoặc nhằm hạ uy tín một loại hàng hóa cụ thể nào đó, thì có chế tài bằng cách xử lý bồi thường thiệt hại và nặng hơn là xem xét trách nhiệm hình sự
Luật sư Bùi Quang Nghiêm, Phó chủ nhiệm Đoàn luật sư TP.HCM
Sự thật, đó chỉ là những tin hoang đường. Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) Thanh Hóa đã thu gom số mì tôm cùng loại, cùng thùng, có cùng lô, ngày sản xuất với gói mì được phản ánh có “sinh vật lạ” mà gia đình mua chưa sử dụng hết. Sau đó, với sự chứng kiến của người dân, chi cục đã pha chế mì tôm theo cách thông thường, nhưng không hề thấy có sinh vật lạ như tin đồn. Chi cục cũng lấy mẫu mì tôm đưa về Trung tâm kiểm nghiệm dược phẩm - mỹ phẩm Thanh Hóa kiểm nghiệm. Kết quả không phát hiện sinh vật lạ, các chỉ tiêu kiểm nghiệm sản phẩm đáp ứng yêu cầu chất lượng an toàn thực phẩm theo quy định. Cục An toàn thực phẩm (ATTP), Bộ Y tế đã thông báo và “đề nghị người tiêu dùng biết và thận trọng với các thông tin không chính thống nêu trên”.
Nhưng không phải đến thời điểm này mới có tin đồn kiểu như trên. Ngành hàng tiêu dùng trước đây từng bị “dội bom” hàng loạt câu chuyện đáng sợ, từ đỉa trong bánh snack (bim bim) rồi đỉa phát triển bò lúc nhúc trong sữa, mì ăn liền… Chẳng hạn, năm 2014, tin lan truyền một phụ nữ ở tỉnh Hòa Bình đi mua bánh snack nghe đồn có đỉa, cũng ngâm thử snack trong sữa chua và thấy có đỉa bò ra. Năm 2013, một gia đình ở tỉnh Hà Tĩnh hốt hoảng cho biết có sinh vật lạ trong mì tôm nhãn hiệu “3 miền”. Còn năm 2012 rộ lên thông tin phát hiện đỉa trong sữa ở hàng loạt nhãn hiệu sữa…
Những tin này đều đã được các cơ quan chức năng xác minh và kết luận là không chính xác. Theo đó, vụ ở tỉnh Hòa Bình, Cục ATTP kết luận sinh vật có thể rơi vào từ môi trường, không có đỉa bò ngoe nguẩy trong sữa chua, và xét theo lý luận khoa học, đỉa không thể nở từ ấu trùng và lớn nhanh (dài gần 4 cm) chỉ trong vòng 90 phút. Vụ ở Hà Tĩnh, Chi cục ATVSTP Hà Tĩnh đã lấy mẫu mì tôm còn lại gửi Viện Kiểm nghiệm ATVSTP quốc gia để kiểm nghiệm. Kết quả không phát hiện sinh vật lạ. Mẫu “sinh vật lạ” lấy tại hiện trường cũng được gửi đến Viện Sốt rét, ký sinh trùng và côn trùng trung ương để định danh, kết quả là đốt sán dây. Theo Cục ATTP, mì tôm là sản phẩm trong quá trình chế biến có xử lý ở nhiệt độ cao trên 100 độ C, nên sán dây không thể sống trong sản phẩm. Vì vậy, bát mì trên đã bị sán dây xâm nhập từ môi trường trong quá trình sử dụng. Trong khi đó, Hiệp hội Sữa VN cũng bác bỏ tin đồn, và khẳng định không thể có đỉa sinh sống và phát triển trong môi trường có độ ngọt đậm đặc và kín.
Có thể xử lý hình sự
Chưa rõ mục đích của các tin đồn này nhưng có thể nhận ra, các tin đồn thường được tung ra vào dịp cuối năm, mùa cao điểm bán hàng dịp tết và hầu hết nhắm vào các thương hiệu lớn của ngành hàng tiêu dùng và khiến cho nhà sản xuất bị thiệt hại nặng nề.
Theo TS Nguyễn Duy Thịnh, Viện Công nghệ thực phẩm, Trường đại học Bách khoa Hà Nội, người tiêu dùng cần cảnh giác, không vội tin vào những tin đồn thất thiệt như trên. "Không thể có chuyện có sinh vật lạ trong mì gói vì mì đã trải qua quy trình chế biến, với các công đoạn hấp, sấy, chiên... lên đến cả trăm độ C, không sinh vật nào có thể sống được qua quá trình đó", TS Thịnh nói. Ông Lý Hoàng Hải, Phó tổng giám đốc Công ty cổ phần dịch vụ sắc ký Hải Đăng chuyên xét nghiệm mẫu vật ATVSTP, cho hay lâu nay khách hàng gửi mẫu kiểm nghiệm thực phẩm, công ty chưa từng gặp phải trường hợp nào như những tin đồn trên.
“Những thông tin thất thiệt có đỉa, giun sán trong thực phẩm được lan truyền khi chưa có cơ sở kiểm định đã làm người tiêu dùng hoang mang”, ông nói. Chưa kể, hiện đa số những nhà máy sữa, mì đều được đầu tư lớn và kiểm soát theo quy trình chặt chẽ để hạn chế sự cố xảy ra, nên câu chuyện giun sán hay đỉa trong thực phẩm ở trên là hoang đường.
Ông Đỗ Ngọc Chính, Phó giám đốc Trung tâm nghiên cứu và tư vấn về tiêu dùng (Cescon) thuộc Hội Tiêu chuẩn và bảo vệ người tiêu dùng VN (Vinastas), thừa nhận hiện nay thông tin về thực phẩm trên thị trường đa dạng nhưng cũng cực kỳ phức tạp, thông tin bị nhiễu loạn lan truyền quá nhanh nên thỉnh thoảng các tin đồn thất thiệt trỗi dậy. “Người tiêu dùng phải tỉnh táo, lắng nghe và chọn lọc thông tin và nhất là nghe tin chính thức từ nguồn có khoa học, cơ quan chức năng”, ông nhấn mạnh. Theo luật An toàn thực phẩm, người tiêu dùng nếu phát hiện bất thường trong thực phẩm có thể phản ánh về cơ quan chức năng đề nghị trả lời, cơ quan chức năng phải có trách nhiệm trả lời bằng văn bản trong vòng 7 ngày. Ngoài ra, theo ông, trên thị trường có hàng triệu mặt hàng, sản phẩm trong và ngoài nước, từ đó có đủ loại thông tin và những tin đồn có thể xuất phát từ những chiêu trò vô cùng phức tạp trong cạnh tranh không lành mạnh.
Theo luật sư Bùi Quang Nghiêm, Phó chủ nhiệm Đoàn luật sư TP.HCM: “Nếu xác định đây là những chiêu trò, thủ đoạn cạnh tranh không lành mạnh, tung tin thất thiệt làm hoang mang và có chủ ý hướng người tiêu dùng không sử dụng hoặc nhằm hạ uy tín một loại hàng hóa cụ thể nào đó, thì có chế tài bằng cách xử lý bồi thường thiệt hại và nặng hơn là xem xét trách nhiệm hình sự. Bởi những tin đồn thất thiệt còn có thể làm hại đến những nhà sản xuất chân chính, những người nông dân, những người bán hàng ăn đàng hoàng…”.
Doanh nghiệp chủ động phòng vệ
Theo luật sư Võ Đan Mạch, Công ty luật TNHH Ta Pha, tình trạng tin đồn vô căn cứ liên quan đến thực phẩm đang trở thành vấn nạn trên mạng xã hội. Tuy nhiên, đáng tiếc phần nhiều trong số tin đồn không truy ra được nguồn để có biện pháp xử lý thích đáng. Nếu xác định được tin đồn nói xấu, gièm pha có mục đích, có hệ thống, doanh nghiệp có thể chứng minh hành vi cạnh tranh không lành mạnh, chứng minh thiệt hại, tìm bằng chứng để khởi kiện dân sự. Với những tin đồn “trên trời rơi xuống” này, vạ đến lúc nào không hay với doanh nghiệp, vì vậy doanh nghiệp cũng cần phòng vệ, thường xuyên theo dõi, cập nhật, báo cáo cơ quan giám sát để xử lý nhanh chóng những câu chuyện không hay này.