Điều kiện khai thác than gặp khó khăn, cộng thêm giá than trên thế giới duy trì ở mức thấp nên Tập đoàn Công nghiệp Than-Khoáng sản Việt Nam chuyển hướng giảm xuất khẩu, tăng lượng nhập khẩu than để phục vụ nhu cầu sản xuất trong nước.
Rủi ro từ những khu công nghiệp dệt nhuộm đón đầu TPP
- Cập nhật : 07/11/2015
(Kinh te)
Hàng loạt dự án được cấp phép thời gian gần đây khiến các cơ quan quản lý phải lên tiếng lưu ý về công nghệ cũng như nguy cơ ô nhiễm môi trường,
Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) kết thúc đàm phán tháng trước và có thể sớm được 12 nước thành viên thông qua được xem là cơ hội lớn với ngành dệt may Việt Nam.Bên cạnh những lợi thế sẵn có về trình độ sản xuất, giá nhân công... việc hiệp định thương mại tự do mới này đưa ra điều kiện phải sử dụng nguyên liệu nội khối (Việt Nam được chậm áp dụng 5 năm với một số mặt hàng), đã mở ra cánh cửa cho các cơ sở sản xuất sợi, dệt, nhuộm... có cơ hội phát triển. Nhiều dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) trong lĩnh vực công nghiệp phụ trợ may mặc cũng vì thế mà đua tìm tới Việt Nam trong những tháng qua.
Gần đây nhất, tỉnh Đồng Nai vừa cấp phép cho dự án "khủng" của Công ty TNHH Hyosung (Thổ Nhĩ Kỳ) trị giá 660 triệu USD. Đây được xem là dự án dệt may lớn nhất từ đầu năm. Mục tiêu của dự án là sản xuất và gia công các loại sợi như: sợi vải mành, sợi spandex, nylon, polyester, sợi để sản xuất thảm…
Trước đó vào tháng 6, tỉnh Bình Dương cũng trao giấy chứng nhận đầu tư cho Công ty TNHH Polytex Far Eastern (Đài Loan) đầu tư 274 triệu USD mở nhà máy sản xuất sợi tổng hợp, dệt nhuộm với diện tích 99 ha. Ông Cheng Chen Yu - Chủ tịch HĐQT Công ty Polytex Far Eastern đánh giá rất cao tiềm năng về dệt may của Việt Nam và cho biết sẽ tiếp tục mở rộng nhà máy ở giai đoạn 2 với số vốn dự kiến khoảng gần một tỷ USD.
Một dự án trị giá 300 triệu USD khác cũng vừa mới được cấp phép tại TP HCM. Đây là dự án của Công ty TNHH Worldon Vietnam (Hồng Kông) chủ yếu sản xuất các sản phẩm may cao cấp. Việc TPP trở thành "thỏi nam châm" thu hút vốn vào dệt may cũng được thể hiện trong các số liệu thống kê khi Cục đầu tư nước ngoài cho biết trong hơn 11 tỷ USD vốn FDI đăng ký vào Việt Nam từ đầu năm, có 3,5 tỷ USD đổ vào dệt may.
Năm 2014, nhiều các đại gia Trung Quốc, Hàn Quốc... ồ ạt đầu tư vào ngành dệt may Việt Nam dù TPP chưa hoàn tất. Nổi bật là Dự án khu công nghiệp Texhong Hải Hà trị giá 215 triệu USD của Tập đoàn Texhong (Trung Quốc); Dự án sản xuất sợi, dệt nhuộm và may mặc ở khu công nghiệp Đại An-Hải Dương của Tập đoàn TAL (Hong Kong) trị giá 600 triệu USD; Dự án nhà máy sản xuất sợi-dệt-nhuộm vốn đầu tư 68 triệu USD của Tập đoàn dệt may Yulun Giang Tô (Trung Quốc)…Cùng với các dự án mới được cấp phép, một loạt các dự án đang trong quá trình xây dựng cũng được tiến hành khẩn trương như: Dự án dệt - nhuộm – may Delta Galil tại tỉnh Bình Định của nhà đầu tư Israel, Dự án hàng may mặc Onewoo của nhà đầu tư Hàn Quốc...
Cũng nhận thấy những cơ hội mà TPP mang lại, các "ông lớn" trong nước như Nhà Bè, Việt Tiến, Vinatex… cũng vừa công bố nhiều kế hoạch mở rộng quy mô, xây dựng các nhà máy sản xuất nguyên phụ liệu.
Tổng công ty dệt may Hà Nội (Hanosimex) đang gấp rút thực hiệm Dự án cụm dệt may Nam Đàn chuyên sản xuất các loại sợi với vốn đầu tư gần 1.300 tỷ đồng. Doanh nghiệp may Việt Tiến đã chi trên 500 tỷ đồng để thực hiện kế hoạch mở rộng quy mô sản xuất trong năm 2015-2016, còn May Nhà Bè đang triển khai xây dựng nhà máy may quy mô 4.000 lao động. Tổng công ty Phong Phú cũng chi gần 350 tỷ đồng để xây dựng nhà máy dệt sợi. Tổng công ty Dệt may Hòa Thọ đầu tư 90 tỷ đồng mở rộng quy mô sản xuất. Nhằm huy động vốn, các doanh nghiệp dệt may này đang gấp rút chuẩn bị hồ sơ để niêm yết trên sàn chứng khoán.
Tốc độ đầu tư vào ngành dệt may gia tăng chóng mặt khiến Bộ Kế hoạch & Đầu tư vừa phải lên tiếng khuyến cáo về hiện tượng nở rộ khu công nghiệp dệt may để đón đầu TPP, đồng thời cảnh báo nguy cơ gây ô nhiễm môi trường, khả năng cung cấp chỗ ở cho công nhân, nhập khẩu thiết bị công nghệ lạc hậu và tiêu tốn nhiều năng lượng. Theo đó Bộ yêu cầu các UBND địa phương khi cấp phép đầu tư các khu công nghiệp dệt may phải đáp ứng tỷ lệ lấp đầy, đáp ứng tiêu chuẩn về công nghệ và môi trường, dây chuyền công nghệ sử dụng.
Trao đổi với VnExpress gần đây, Bộ trưởng Khoa học & Công nghệ - Nguyễn Quân cũng cho biết nhận được nhiều thông tin về việc các nhà đầu tư nước ngoài, nhất là Trung Quốc đang có ý định bỏ vốn vào các dự án dệt, sợi tại Việt Nam. Tuy nhiên, quan điểm của cơ quan quản lý là cần hết sức thận trọng, đặc biệt là với yếu tố công nghệ và môi trường.
Về phía doanh nghiệp, ông Vũ Đức Giang - Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam cho biết, ngành dệt may Việt Nam sẽ tăng trưởng 25%/năm khi có TPP và trở thành công xưởng dệt may của khu vực chỉ sau Trung Quốc. Kim ngạch xuất khẩu dệt may năm 2020 dự báo đạt khoảng 55 tỷ USD. Theo đó, việc các nhà đầu tư nước ngoài và trong nước đầu tư lớn vào dệt may là xu hướng tất yếu bởi đây là ngành được đánh giá là hưởng lợi nhiều nhất trong TPP.
"Đừng cho rằng các nhà đầu tư nước ngoài đầu tư hàng tỷ đô vào dệt may là họ sẽ hưởng lợi hết từ TPP của chúng ta. Lợi ích sẽ được chia đều cho các bên, các doanh nghiệp trong nước đang gấp rút mở rộng quy mô, xây dựng nhà máy mới. Ngành phụ trợ, nguyên liệu cho dệt may sẽ được đáp ứng, hưởng lợi về thuế suất. Vấn đề còn lại chỉ là kiểm soát tốt ô nhiễm môi trường từ dệt nhuộm", Chủ tịch May 10 nói.
Vị này cho rằng trên bản đồ dệt may thế giới hầu hết các quốc gia đều xây dựng các khu công nghiệp dệt nhuộm ở gần biển. Việc các khu công nghiệp dệt may của Việt Nam được xây dựng ở gần cửa biển không có gì lạ bởi lượng nước thải quá lớn chỉ có thể xả ra biển. "Tiêu chuẩn môi trường ở Việt Nam giờ khắt khe lắm, nếu không đạt loại A thì đóng cửa hết, nên người dân không phải quá lo điều đó. Bài học ô nhiễm từ Trung Quốc vẫn còn đó, chúng tôi đã học được điều này và yêu cầu tuân thủ nghiêm ngặt tiêu chuẩn nước thải của các khu công nghiệp", ông Giang khẳng định.
Mới đây, trong một văn bản tham luận tại hội thảo Thị trường chứng khoán cuối năm cơ hội từ cổ phiếu dệt may, Hiệp hội dệt may Việt Nam đề nghị Chính Phủ đầu tư xây dựng hệ thống xử lý nước thải tại các khu vực dệt nhuộm để tạo điều kiện thu hút đầu tư nước ngoài. Đồng thời, sớm lập quy hoạch các khu vực phát triển dệt may lớn trên cả 3 miền Bắc – Trung – Nam. Trên thực tế, trong năm 2015, không phải tỉnh thành nào cũng nồng nhiệt chào đón các dự án dệt nhuộm. Tỉnh Đà Nẵng đã từng từ chối dự án 200 triệu USD của nhà đầu tư Hong Kong vì lo ngại ô nhiễm môi trường. Hay như TP HCM, Đồng Nai, Bình Dương…đều là những tỉnh thành đi tiên phong trong việc nói không với các dự án dệt may có nguy cơ ô nhiễm môi trường cao.