Mô hình kinh doanh, chiến lược và khả năng tài chính là những bài toán lớn mà các doanh nghiệp trong ngành thương mại điện tử đều gặp phải.
Điểm những DN đầu tiên vượt kế hoạch 2015 sau nửa chặng đường
- Cập nhật : 08/08/2015
(Chung khoan)
Dù còn cả nửa chặng đường phía trước nhưng không ít doanh nghiệp đã có thể …“vừa làm vừa chơi” sau khi hoàn thành kế hoạch kinh doanh năm.
Lực đẩy đột biến từ quý 2
Sau quý 1 khá bết bát khi doanh thu và lợi nhuận đồng thời giảm mạnh, sang quý 2 CTCP Cảng rau quả (HNX: VGP) bất ngờ lãi lớn với khoản lợi nhuận 34,6 tỷ đồng, gấp 4 lần cùng kỳ năm trước. Nguyên nhân chủ yếu là nhờ ghi nhận khoản tiền từ chuyển nhượng quyền sử dụng đất của lô đất ở đường Tân Thuận Đông, quận 7 lên đến 50 tỷ đồng. Theo đó, chỉ trong 6 tháng đầu năm công ty đã thực hiện 35,6 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, vượt 98% kế hoạch đề ra cho năm 2015 là 18 tỷ đồng.
Được biết, chủ trương di dời cảng của nhà nước khiến cho việc kinh doanh khai thác cảng – kho bãi bị thu hẹp, qua đó ảnh hưởng trực tiếp đến kết quả hoạt động của VGP, năm 2014 công ty ghi nhận doanh thu giảm 50% và lợi nhuận ròng giảm 30% so với năm 2013. Do đó, trong năm 2015 VGP đã bắt đầu tập trung đầu tư phát triển hai ngành Xuất Nhập khẩu và Logistics để trở thành hai ngành kinh doanh chính. Cụ thể, trong năm nay VGP sẽ nâng cấp bãi chứa Container và mua sắm phương tiện như xe nâng, xe chụp để thực hiện đóng – dỡ hàng tại bãi làm tăng lợi nhuận từ chuỗi dịch vụ Logistics.
Mặc dù kết quả kinh doanh 6 tháng đầu năm 2015 có vẻ rất khả quan nhưng nếu loại trừ đi lợi nhuận từ chuyển nhượng quyền sử dụng đất của lô đất trên thì tình hình của VGP vẫn hết sức bết bát, thậm chí là có thể bị lỗ do hoạt động tài chính lỗ gần 2 tỷ đồng, hoạt động chính chỉ đem về doanh thu hơn 2 tỷ đồng không đủ bù đắp các chi phí.
Ngược lại, Cơ khí Xăng dầu (HNX: PMS) có một quý vô cùng thành công khi doanh thu tăng trưởng giúp lãi gộp tăng gấp 3 lần cùng kỳ năm trước, qua đó lãi ròng đạt 20,5 tỷ đồng, gấp 6,2 lần cùng kỳ năm trước. Trong đó, có hơn một nửa là nhờ thực hiện bán đấu giá bất động sản đầu tư thu được lợi nhuận sau thuế là 13,7 tỷ đồng. Với kết quả này, PMS đã thực hiện vượt 129% kế hoạch lợi nhuận trước thuế sau nửa năm.
Với Xi măng Hà Tiên 1 (HOSE: HT1) tuy quý 2 không được hưởng lợi chênh lệch tỷ giá như quý 1 nhưng sản lượng tiêu thụ xi măng tăng giúp lãi gộp tăng trưởng 51% và đạt 433 tỷ đồng. Một yếu tố khác cũng có thay đổi lớn, là chi phí khuyến mãi 6 tháng đầu năm 2015 trong mục chi phí bán hàng được điều chỉnh sang mục giá vốn hàng bán theo thông tư số 200/2014TT-BTC nên được hoàn nhập 11,8 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm trước là 76 tỷ đồng. Cả hai nhân tố này đã giúp lãi trước thuế HT1 đạt 188 tỷ đồng, tăng trưởng gấp 12 lần nâng lãi 6 tháng đầu năm lên 508,7 tỷ đồng, vượt 39% kế hoạch năm.
Cùng họ xi măng, Xi măng Vicem Bút Sơn (HNX: BTS) ghi nhận lãi trước thuế 6 tháng đầu năm đạt 152 tỷ đồng, vượt 24% kế hoạch năm.
Những doanh nghiệp quý 2 lãi đột biến giúp vượt kế hoạch năm
Chưa hết khó nhưng vẫn vượt kế hoạch
Hai doanh nghiệp cao su thiên nhiên đang “vật lộn” trong giai đoạn khó khăn chung của ngành là Cao su Thống Nhất (HOSE: TNC) và Cao su Hòa Bình (HOSE: HRC) cùng giảm mạnh mục tiêu kinh doanh trong năm 2015.
Sau 6 tháng đầu năm cả hai đã cùng công bố vượt kế hoạch năm dù kết quả không thực sự ấn tượng.
Cụ thể, TNC đặt kế hoạch lãi trước thuế chỉ vỏn vẹn 3,8 tỷ đồng dù năm trước thực hiện 21,4 tỷ đồng. Do vậy, với kết quả 6 tháng đầu năm lãi trước thuế đạt 10,2 tỷ đồng, dù giảm 26% so với cùng kỳ năm trước nhưng kết quả thực hiện này đã gấp đến 2,7 lần mục tiêu kinh doanh cho cả năm.
Soi tình hình hoạt động nửa đầu năm 2015 của TNC, có thể nhận thấy rằng tuy doanh thu hoạt động chính có cải thiện nhưng mức tăng không đáng kể. Trong khi đó, lợi nhuận tài chính sụt giảm mạnh do không có khoản cổ tức từ CTCP Dịch vụ XNK NLS và Phân bón Bà Rịa đã khiến TNC bị lỗ thuần kinh doanh, yếu tố lợi nhuận khác từ thanh lý chuyển nhượng tài sản vẫn là cứu cánh giúp công ty thoát lỗ ròng.
Bi đát hơn, HRC doanh thu thuần giảm mạnh 61%, doanh thu tài chính cũng giảm 87%, qua đó bị lỗ thuần hoạt động kinh doanh 407 triệu đồng; song vẫn là hoạt động thanh lý cây cao su đem về lợi nhuận khác 35 tỷ đồng giúp HRC có lãi ròng 27 tỷ đồng, thực hiện vượt kế hoạch 6%. Phải nhấn mạnh rằng kế hoạch này đã giảm hơn phân nửa so với thực hiện năm 2014.
Một đơn vị khác, cũng kế hoạch lãi ròng năm 2015 vỏn vẹn 178 triệu đồng, Sông Đà 1.01 (HNX: SJC) dễ dàng vượt với con số cũng khá khiêm tốn 486 triệu đồng. Song, đây đã là một sự tiến triển vượt bậc trong hoạt động kinh doanh của SJC khi doanh thu thuần lũy kế 6 tháng đầu năm đạt 8,4 tỷ đồng, tăng trưởng 127%, đồng thời chi phí lãi vay, chi phí quản lý giảm mạnh giúp SJC có lãi, trong khi cùng kỳ năm trước lỗ 87 triệu đồng. Theo như giải trình, trong kỳ công ty thực hiện triển khai cho thuê mặt bằng kinh doanh làm văn phòng giúp đem về lợi nhuận, cụ thể việc vận hành, cho thuê mặt bằng nhà Văn Khê và nhà Hemissco là hai nguồn thu chủ yếu, riêng quý 1 có thêm doanh thu bất động sản từ công trình nhà máy xi măng Hạ Long 3,6 tỷ đồng (đem lại lợi nhuận hơn 100 triệu đồng).
Do đã bán tàu Hà Tây, năm 2015 Dịch vụ Vận tải và Thương mại (HNX: TJC) đặt kế hoạch lãi trước thuế thận trọng ở mức 5 tỷ đồng, bằng 1/5 lần thực hiện năm trước. Mặc dù doanh thu thuần 6 tháng đầu năm giảm gần 20% nhưng lãi gộp lại tăng trưởng 6%, lợi nhuận khác cũng tăng 2,6 lần giúp TJC đạt lãi trước thuế 9,4 tỷ đồng, vượt 89% kế hoạch năm.
Những doanh nghiệp đặt kế hoạch thấp nên dễ dàng vượt sau 6 tháng