Không chỉ gặp khủng hoảng trong nội bộ, tập đoàn Lotte gần đây còn phải đối mặt với việc hàng loạt cửa hàng, siêu thị tại Trung Quốc bị đóng cửa sau sự kiện triển khai THAAD ở Hàn Quốc. Liệu điều này sẽ ảnh hưởng tới đầu tư của Lotte tại Việt Nam?
Hãng đồ hiệu Italy điêu đứng vì kinh tế Trung Quốc
- Cập nhật : 17/12/2015
(Kinh doanh)
Đồng Nhân dân tệ mất giá cũng khiến du khách Trung Quốc đại lục không còn thoải mái mua sắm đồ hiệu như trước...
Công ty đồ hiệu Prada của Italy ngày 15/12 báo lợi nhuận quý sụt 38% do doanh số giảm mạnh tại Trung Quốc - nơi nền kinh tế đang giảm tốc tới mức gây lo ngại trên phạm vi toàn cầu.
Theo hãng tin Reuters, đồng Nhân dân tệ mất giá kể từ sau cú phá giá hồi tháng 8 năm nay cũng khiến du khách Trung Quốc đại lục không còn thoải mái mua sắm đồ hiệu ở Hồng Kông như trước.
Trong quý 3, châu Âu và Nhật Bản là hai thị trường duy nhất chứng kiến doanh số của Prada tăng trưởng, nhờ nhu cầu sắm đồ hiệu của du khách, nhưng mức tăng đạt được cũng rất khiêm tốn. Tại Mỹ, đồng USD mạnh cũng khiến lượng du khách mua hàng xa xỉ giảm sút.
“Các điều kiện thị trường vẫn đang khá phức tạp”, Giám đốc tài chính Donatello Galli của Prada, cho biết. Ông Galli nhấn mạnh sự bất ổn của các thị trường tài chính và những lo ngại về an ninh toàn cầu ảnh hưởng xấu đến ngành du lịch, từ đó tác động bất lợi tới lĩnh vực đồ hiệu.
Doanh thu quý 3 của Prada giảm 6% so với cùng kỳ năm ngoái, còn 748 triệu Euro, tương đương 819 triệu USD. Nếu không tính đến biến động tỷ giá, doanh thu của hãng đồ hiệu này giảm 10%, trong đó doanh thu tại thị trường Trung Quốc bao gồm cả Hồng Kông, Macau và Đài Loan giảm 26%.
Prada cho biết sẽ giảm chênh lệch giá sản phẩm giữa các thị trường để giảm bớt tình trạng du khách tìm đến các quốc gia nơi hàng Prada có giá rẻ hơn để mua.
Theo giới phân tích, chênh lệch giá là một vấn đề mà các hãng đồ hiệu cần giải quyết, vì người tiêu dùng ngày càng hiểu biết hơn. Tuy nhiên, nếu làm điều này, các công ty hàng xa xỉ như Prada sẽ chịu sức ép suy giảm lợi nhuận bởi giá sản phẩm sẽ phải giảm xuống tại các thị trường ở châu Á vốn có tỷ suất lợi nhuận cao.
Theo ông Galli, để bảo đảm tỷ suất lợi nhuận, Prada sẽ cân nhắc đóng một số cửa hiệu trong năm tới và hạn chế số cửa hiệu mở thêm ở con số 10. Trong năm 2014, Prada có số cửa hiệu mới mở sau khi đã trừ đi số cửa hiệu đóng cửa là 54.
Lợi nhuận ròng quý 3 của Prada giảm còn 46,5 triệu Euro từ mức 74,47 triệu Euro cùng kỳ năm ngoái, tương đương giảm 38%. Giới phân tích dự báo hãng đạt lợi nhuận 77,8 triệu Euro trong quý 3.
Doanh thu mảng đồ da vốn có tỷ suất lợi nhuận cao của Prada giảm 11,6% trong quý 3. Cũng giống như nhiều thương hiệu lớn khác, Prada đang gặp khó khăn trong việc thu hút khách hàng ngày càng “đỏng đảnh” - những người không còn thèm muốn một sản phẩm mang tính “biểu tượng địa vị” nữa mà thay vào đó muốn có những sản phẩm độc đáo và ít bị “đụng hàng” hơn.