(Tin kinh te)
Vụ bê bối gian lận bài kiểm tra khí thải của Volkswagen sẽ làm thiệt hại hàng tỉ USD và làm giảm danh tiếng của toàn bộ ngành công nghiệp sản xuất ô tô Đức.
Bê bối của hãng Volkswagen phần nào ảnh hưởng đến ngành công nghiệp ô tô Đức - Ảnh: Reuters
Hãng xe sang Volkswagen (VW) từng tuyên bố một cách hùng hồn rằng họ thân thiện với môi trường hơn các hãng ô tô khác, giữa lúc đang có danh tiếng nhất định về độ bền và chất lượng kỹ thuật. Song đột nhiên, hãng xe “Made in Germany” thú nhận họ đã gian lận trong các bài kiểm tra khí thải nhiều năm liền.
Hôm 22.9, Reuters đưa tin cho hay vụ bê bối gian lận của VW tiếp tục lan rộng khi hãng tiết lộ có đến 11 triệu chiếc xe bán ra trên toàn thế giới bị ảnh hưởng. Trước đó, VW cho biết con số chỉ là 500.000 xe.
“Chuyện này giờ trông có vẻ như đã biến thành một vấn đề toàn cầu. Nó thực sự rất có hại cho uy tín của hãng VW trong vài năm tới và họ sẽ mất thời gian để xây dựng lại lòng tin nơi khách hàng. Đây thực sự là mối lo cho công ty và cho cả ngành công nghiệp”, Klaus Breitenbach, chuyên gia ngành ô tô của ngân hàng Baader Bank cho hay.
Ngoài Mỹ, chính quyền các nước từ Pháp đến Hàn Quốc đều cho hay họ sẽ tiến hành điều tra VW, khiến thương hiệu xe hơi Đức phải tuyên bố họ sẽ dành ra 6,5 tỉ EUR, tương đương 7,3 tỉ USD, để thanh toán chi phí có thể phát sinh từ vụ bê bối.
Vụ bê bối đã và đang thổi bay 1/3 giá trị thị trường của VW, đe dọa ghế lãnh đạo của giám đốc điều hành. Cổ phiếu hãng VW giảm tiếp 17% trong ngày 22.9, sau khi đã lao dốc một ngày trước đó. Cổ đông lớn của VW là nước Qatar đã mất 5 tỉ USD.
“Nếu chỉ có duy nhất hãng VW gian lận như thế, chuyện sẽ không có gì lớn. Nhưng nếu có nhiều công ty, không chỉ là VW, cũng gian lận, đó sẽ là vấn đề lớn cho ngành công nghiệp ô tô Đức và kinh tế nước này nói chung”, Vermaelen, Giáo sư tài chính tại trường kinh doanh INSEAD (Pháp) nói với CNN.
Volkswagen là hãng ô tô sở hữu nhiều thương hiệu xe sang hàng đầu như Porsche, Audi và Lamborghini, đã vượt qua Toyota của Nhật Bản để trở thành công ty sản xuất ô tô số một thế giới nếu xét về mặt doanh số trong tháng 7 vừa qua.
Có 7 yếu tố cho thấy vụ bê bối này ảnh hưởng lớn đến tiếng tăm VW và ngành công nghiệp ô tô Đức:
1. Cứ 10 chiếc ô tô được bán ra trên thế giới, lại có 1 chiếc thuộc các thương hiệu ô tô do VW sở hữu.
2. Ngành công nghiệp ô tô là ngành công nghiệp lớn nhất ở Đức, đóng góp 2,7% GDP nước này.
3. Khoảng 20% hàng xuất khẩu từ nước Đức là các loại xe và phụ tùng xe cộ.
4. Doanh số bán xe hơi trong nước và xuất khẩu của Đức đạt 368 tỉ EUR, tương đương 411 tỉ USD, trong năm 2014.
5. Đa phần số ô tô Đức bán ra mang các thương hiệu do hãng VW nắm giữ. Xe của VW sản xuất đem về 220 tỉ EUR doanh thu trong năm ngoái.
6. Gần 70% xe Volkswagen được bán ra bên ngoài biên giới nước Đức.
7. Hãng Volkswagen tuyển dụng gần 600.000 nhân sự trên khắp thế giới, và là nơi công tác của 1/3 trong tổng số 775.000 người Đức làm việc trong ngành công nghiệp ô tô.
Song điều tích cực dành cho ngành công nghiệp xe hơi quốc gia châu Âu này là tính đến nay, mới chỉ có Volkswagen là công ty mắc phải bê bối. Các hãng xe có tiếng khác như Daimler, doanh nghiệp sở hữu thương hiệu Mercedes-Benz và BMW, cho hay họ không bị ảnh hưởng.
“Thậm chí một sự sụt giảm mạnh trong sản xuất và xuất khẩu xe chạy bằng diesel có lẽ cũng không làm giảm nhiều hơn 0,2% GDP của nước Đức. Nhu cầu ô tô chạy bằng nhiên liệu khác dầu diesel có thể tăng và phần nào bù đắp thiệt hại đó”, chuyên gia Holger Schmieding thuộc hãng Berenberg nói.
(Theo Báo Thanh Nien)