tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Tăng giá thuốc hơn 5.000%, trở thành 'CEO bị ghét nhất nước Mỹ’

  • Cập nhật : 25/09/2015

(Tin kinh te)

Sau khi nhận 'danh hiệu' 'giám đốc điều hành bị ghét nhất nước Mỹ' và đối mặt với một loạt phản ứng dữ dội vì tăng giá bán thuốc dành cho bệnh nhân AIDS hơn 5.000%, CEO hãng dược Turing Pharmaceuticals vừa cho hay sẽ giảm ngay giá thuốc.

tong giam doc martin shkreli tung dieu hanh mot quy dau tu - anh: bloomberg

Tổng giám đốc Martin Shkreli từng điều hành một quỹ đầu tư - Ảnh: Bloomberg

Theo CNN, Martin Shkreli, Giám đốc điều hành hãng dược Turing Pharmaceuticals, vừa qua đã là tâm điểm của một cuộc tranh cãi sau khi anh tăng giá Daraprim, thuốc dành cho bệnh nhân điều trị AIDS và ung thư, từ mức 13,5 USD/viên lên 750 USD/viên trong một đêm.

Vụ việc khiến cả bà Hillary Clinton, ứng cử viên Tổng thống thuộc đảng Dân chủ, lên Twitter bày tỏ sự không hài lòng về giá cả một số loại thuốc cũ quá cao.
 
Thuốc Daraprim đã có mặt trên thị trường khoảng 62 năm qua và công ty của Shkreli vừa mua quyền sản xuất thuốc này vào tháng 8 vừa rồi.
 
Về phần mình, Shkreli đã là triệu phú và là nhà sáng lập vài doanh nghiệp kể từ khi nghỉ ngang trung học. Dù Shkreli không công bố tài sản của mình, nhưng nhiều nguồn tin cho biết hiện anh sở hữu khoảng 50 triệu USD. Người thân và bạn bè Shkreli cho hay anh thông minh nhưng muốn được chú ý và thích đi giữa lằn ranh của đúng - sai.
 
"Dường như truyền thông vừa lập tức chỉ tay vào tôi. Thế nên tôi chỉ lại họ thôi, nhưng không phải bằng ngón trỏ hay ngón út", Shkreli viết trên Twitter và đăng kèm bài hát The way I am của Eminem.
 
Đầu tuần này, “CEO bị ghét nhất nước Mỹ” chia sẻ với hãng tin Bloomberg: "Đây đã là giá hời cho các công ty bảo hiểm y tế, với mức giá này thì chẳng có gì cần đắn đo cả". Khi đó, anh cho hay giá thuốc đắt đỏ sẽ giúp anh có lợi nhuận nhằm nghiên cứu các phương pháp điều trị mới.
 
Sau khi đối mặt với một loạt phản ứng dữ dội từ cộng đồng và các tổ chức y tế, CEO hãng dược Turing Pharmaceuticals cho hay anh sẽ giảm giá bán, nhưng không nói cụ thể về mức giảm, theo BBC.
Tại Anh, Dịch vụ Y tế Quốc gia là đơn vị mua thuốc chính và giá cả các loại thuốc bán ra được thiết lập thông qua một quá trình thỏa thuận tự nguyện giữa nhà sản xuất và chính phủ, nhằm cân bằng giữa chuyện chăm sóc sức khỏe người bệnh và thu lợi nhuận để duy trì hoạt động sản xuất.
 
Song ở Mỹ, đơn vị mua thuốc chính là cả chính phủ và các công ty bảo hiểm tư nhân. Chính phủ mua thuốc thông qua hệ thống Medicare và Medicaid. Do đó, giá thuốc tại Mỹ lên xuống thất thường, phụ thuộc vào chuyện người mua muốn trả giá bao nhiêu

(Theo Báo Thanh Nien)

 

Trở về

Bài cùng chuyên mục