Sự vắng mặt khó hiểu của lãnh đạo tập đoàn Google và Uber trong cuộc họp giữa các 'trùm' công nghệ Mỹ với Trung Quốc đã gây xôn xao dư luận. Vậy đâu là lý do của sự vắng mặt này?
PAN và chiến lược M&A “từ nông trại đến bàn ăn”
- Cập nhật : 25/09/2015
(Tin kinh te)
Pan Pacific chỉ mất hơn 2 năm chuyển đổi từ một công ty chuyên về dịch vụ vệ sinh công nghiệp sang một công ty lớn trong ngành nông nghiệp - thực phẩm nhờ thực hiện một loạt thương vụ M&A với các công ty đầu ngành.
Đầu năm năm 2013, Hội đồng quản trị CTCP Xuyên Thái Bình – PanPacific (PAN) đã đưa ra quyết định bước ngoặt: biến đổi một công ty chuyên về dịch vụ quét dọn trở thành một công ty hàng đầu trong lĩnh vực nông nghiệp và hàng tiêu dùng.
PAN được thành lập năm 1998 bởi ông Nguyễn Duy Hưng, cũng chính là người thành lập Công ty chứng khoán Sài Gòn SSI một năm sau đó. Sau 15 năm hoạt động, PAN đã trở thành công ty hàng đầu trong lĩnh vực vệ sinh công nghiệp nhưng dù sao đây cũng chỉ là ngành “thu tiền lẻ”.
Đối với nhiều người, việc PAN chuyển hướng sang một lĩnh vực kinh doanh khác là điều không quá bất ngờ. Câu chuyện là Pan Pacific sẽ thâm nhập lĩnh vực này như thế nào.
Khối tài sản tích lũy sau 2 năm chuyển đổi
Với đội ngũ lãnh đạo là những chuyên gia trong lĩnh vực tài chính, Pan Pacific đã lựa chọn giải pháp hợp lý nhất: thâm nhập và mở rộng thông qua M&A.
Lĩnh vực nông nghiệp đã được ông Nguyễn Duy Hưng và SSI để mắt tới từ nhiều năm trước khi PAN chính thức định hình trở thành công ty nông nghiệp. Chính vì vậy mà SSI đã đầu tư lớn vào rất nhiều công ty khác nhau trong ngành này.
Khi PAN chuyển hướng vào nông nghiệp, ông Hưng cũng quay trở lại PAN với vai trò Chủ tịch Hội đồng quản trị. Chặng đường M&A của PAN đã được rút ngắn hơn rất nhiều khi mà các công ty được mua lại đều từng là công ty liên kết của SSI.
Tất nhiên, những thương vụ mà PAN đã nâng tỷ lệ sở hữu lên mức chi phối đều là những công ty có sẵn thị trường, có được thành công nhất định.
Trong hơn 2 năm qua, PAN đã huy động được hơn 1.600 tỷ đồng thông qua 3 đợt phát hành riêng lẻ. Bên cạnh nhóm cổ đông liên quan đến SSI, PAN còn huy động được vốn từ nhiều quỹ quốc tế như TAEL Partners, IFC, GIC và Mutual Fund Elite.
Đến nay, Pan Pacific đã nắm quyền kiểm soát đối với 2 công ty hàng đầu trong lĩnh vực giống cây trồng là Vinaseed và Southern Seed, công ty Aquatex Bến Tre chuyên về cá tra và ngao, công ty chế biến hạt điều Lafooco cùng công ty bánh kẹo Bibica.
Ngoại trừ Bibica sở hữu dưới 50% cổ phần, tại ba thương vụ còn lại, tỷ lệ sở hữu của PAN đều ở trên mức 60%. Tổng giá trị mà PAN đã bỏ ra để thực hiện các thương vụ này vào khoảng 2.000 tỷ đồng.
Từ nông trại đến bàn ăn
Các thương vụ M&A được PAN thực hiện đều hướng đến mục tiêu tạo ra một hệ thống nền tảng trong lĩnh vực nông nghiệp - thực phẩm, để từ đó hoàn thiện chuỗi giá trị khép từ sản phẩm đầu vào đến đầu ra theo mô hình Farm Food Family (Trang trại – Thực phẩm – Gia đình) .
Vinaseed cùng Southern Seed hình thành nền tảng nông nghiệp. Trong khi đó, nền tảng thực phẩm PAN Food được hình thành từ Bibica, ABT, Lafooco.
Với những nền tảng đã xây dựng được, PAN đã xác định mục tiêu cụ thể cho chiến lược nông nghiệp – thực phẩm của mình là From Farm to Table – từ nông trại tới bàn ăn.
PAN đang có trong tay các công ty hàng đầu trong lĩnh vực sản xuất lúa gạo, cá tra, nghêu, hạt điều… Mục tiêu mà ban lãnh đạo PAN đặt ra là sẽ xây dựng các sản phẩm này thành các sản phẩm tiêu dùng có thương hiệu, có thể truy xuất được nguồn gốc.
Hiện PAN đang hoàn thiện mắt xích cuối cùng của chuỗi giá trị là xây dựng hệ thống phân phối các sản phẩm do đoạn đầu trong chuỗi giá trị sản xuất ra.
Ngành hàng tiêu dùng là thị trường rất màu mỡ những cũng gặp phải sự cạnh tranh rất khốc liệt giữa các doanh nghiệp trong ngành. Hệ thống phân phối mạnh hay yếu sẽ đóng vai trò then chốt trong việc sản phẩm của PAN tới được bàn ăn của người tiêu dùng.
Như một công ty chứng khoán đã phân tích, với nhiều thương vụ M&A được thực hiện trong thời gian khá ngắn thì năng lực thực hiện sẽ là mấu chốt của câu chuyện về PAN thời gian tới.
Bên cạnh đó, không phải mọi công ty trong hệ thống của PAN đều đang hoạt động hiệu quả, điển hình là Lafooco hiện có lợi nhuận khá thấp và còn khoản lỗ lũy kế lớn.
Do vậy, để đạt được mục tiêu đưa PAN trở thành trở thành một trong các công ty hàng đầu về nông nghiệp - thực phẩm cùng sứ mệnh "đảm bảo an ninh lương thực", ông Hưng và ban lãnh đạo PAN vẫn còn cả một chặng đường khó khăn trước mắt.