Việt Nam vẫn duy trì vị trí tốp đầu trong những thị trường trọng điểm về mua bán và sáp nhập (M&A) của Nhật ở Đông Nam Á. Nhiều “đại gia” Nhật đang tính vào như Uniqlo, chuỗi cửa hàng Muji Muji...
Chủ tịch KIDO Trần Kim Thành kể chuyện bước qua khủng hoảng trong doanh nghiệp gia đình
- Cập nhật : 06/08/2017
"Giả sử gia đình 5 thành viên thì nhân viên phải làm theo ý ai", ông Thành cho rằng đó là giai đoạn khủng hoảng khi không tìm được tiếng nói chung.
"Giả sử gia đình 5 thành viên thì nhân viên phải làm theo ý ai", ông Thành cho rằng đó là giai đoạn khủng hoảng khi không tìm được tiếng nói chung.
"Với doanh nghiệp không phải lợi nhuận cao là tốt nhất mà doanh nghiệp sống thọ mới tốt nhất", ông Trần Kim Thành, Chủ tịch Tập đoàn KIDO (mã KDC), mở đầu buổi nói chuyện về lập nghiệp với các doanh nhân tại hội thảo "Chuyện bếp núc - Một tập đoàn" do Hội Doanh nhân trẻ TPHCM (YBA) tổ chức.
Ông Thành là người sáng lập ra đế chế bánh kẹo Kinh Đô năm 1993 với số vốn khởi nghiệp ban đầu là 3 chỉ vàng. Năm 2015, Kinh Đô được bán lại cho tập đoàn Mondelez với giá trị gần 10.000 tỷ đồng để tập trung vào các ngành hàng mới.
Từ giai đoạn khởi đầu lập nghiệp, ông Thành quan niệm doanh nghiệp cũng giống như con người, ở mỗi giai đoạn đều có thể gặp khó khăn và rơi vào khủng hoảng, nhưng con người thì già đi, còn doanh nghiệp nếu có cách sẽ kéo dài được tuổi thọ.
Với quan niệm này, ông đã luôn tìm cách bước qua những khó khăn mà Kinh Đô (tên cũ của KIDO) gặp phải, trong đó có giai đoạn khủng hoảng về người dẫn dắt công ty phát triển.
Ông Thành kể lại giai đoạn khởi đầu hợp tác với người thân, mọi người đều nghĩ cách làm sao bán được hàng, có được doanh thu. Nhưng khó khăn lúc đó chưa là gì cả. Đến khi bắt đầu có lợi nhuận, công ty không biết ai sẽ là người dẫn dắt và định hướng doanh nghiệp phát triển.
"Giả sử gia đình 5 thành viên thì nhân viên phải làm việc theo ý ai", ông Thành cho rằng đó là giai đoạn khủng hoảng khi không tìm được tiếng nói chung.
Để vượt qua giai đoạn này, công ty phải thảo luận để phân quyền cho từng người, cuối cùng đi đến quyết định ai chuyên về cái gì thì đảm nhiệm cái đó và chọn ra người dẫn dắt chính.
"Chính vậy, không có chuyện mình lấy vai vế người anh để áp đặt. Đó là vấn đề kinh doanh, nhưng nếu không hợp nhau thì lại thành ra vấn đề anh em, vợ chồng, chuyện gia đình, do đó, mình phải phân công và việc đó cũng có những khó khăn nhất định", ông Thành kể.
"Đương nhiên giai đoạn đó đau lắm, vì nó chạm đến tình cảm gia đình, không dễ dàng gì. Có nhiều doanh nghiệp đã không qua được giai đoạn này".
Ông Thành nói thêm rằng, một số người hiểu công ty có nhiều thành viên trong gia đình là công ty gia đình trị, điều này là không đúng.
"Công ty gia đình thì đúng nhưng không phải là gia đình trị. Bởi những người không có năng lực không bao giờ được ngồi ghế đó và thậm chí con cái sau này muốn ngồi ghế đó thì cũng phải có năng lực mới được giao phụ trách. Không phải người nhà muốn làm gì trong công ty cũng được. Và nhân viên làm việc theo đúng quy trình, chứ không làm theo ý ai hay phe phái nào", ông khẳng định.
Một vấn đề khác mà doanh nghiệp cần chú ý đến, theo ông Thành, là chú trọng phát triển nhân lực. Ông Thành cho biết, do thị trường lao động chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển của doanh nghiệp, nên KIDO đã tự thành lập trung tâm đào tạo nội bộ từ năm 2003. Điều này đã giúp cho nhân viên có tư tưởng và hành động nhất quán, đồng nhất với định hướng của công ty.
Các doanh nghiệp Việt Nam cũng có thể phát triển mạnh như các doanh nghiệp đa quốc gia. Do vậy, ông Thành khuyên rằng các startup không nên giới hạn khả năng của doanh nghiệp và đừng cho đó là vấn đề mà doanh nghiệp Việt "với không tới" hay không thể hiện thực được.
Trường Văn
Theo Nhipcaudautu.vn