Vertu có thể được coi như là ‘thủ lĩnh’ của các dòng điện thoại đẳng cấp nhất thế giới bởi sự khác biệt mang dấu ấn riêng, nhưng không ai có thể ngờ rằng lại có một ngày, Vertu rơi vào tình trạng phá sản.
Nữ tướng Marissa Mayer và những sai lầm 'nhấn chìm' Yahoo
- Cập nhật : 13/08/2017
Kết cục của Yahoo như ngày hôm nay được dự báo từ nhiều tháng, thậm chí từ nhiều năm trước. Nhiều người cho rằng chính những sai lầm của bà Marissa Mayer đã khiến Yahoo phải hứng chịu thất bại.
LTS: Trước khi trở thành những người thành công và giàu có, hầu hết các doanh nhân trên thế giới đều nếm trải rất nhiều thất bại. Nhưng họ không bỏ cuộc mà coi những thất bại đó là động lực và bài học để tiến lên phía trước.
NDH xin giới thiệu với độc giả series bài viết "Chuyện thất bại" kể về những khó khăn mà các doanh nhân nổi tiếng từng phải đương đầu, từ đó truyền cảm hứng giúp bạn vượt qua những trở ngại trong sự nghiệp.
Nhìn lại những sai lầm của nữ tướng Yahoo
Sau 5 năm chèo lái Yahoo, CEO Marissa Mayer cuối cùng đã phải ra đi và "bỏ túi" 23 triệu USD sau khi đạt được thỏa thuận bán mảng kinh doanh cốt lõi của Yahoo cho Verizon với số tiền 4,5 tỷ USD.
Kể từ năm 2012, Mayer tích cực tập trung vào mảng quảng cáo, email và tài chính của công ty trong bối cảnh để thua Google trên "đấu trường" tìm kiếm.
Kết cục như ngày hôm nay được dự báo từ nhiều tháng, thậm chí từ nhiều năm trước. Nhiều người cho rằng chính những sai lầm của bà Marissa Mayer đẫ khiến Yahoo phải hứng chịu thất bại.
Một câu hỏi lớn được đặt ra là Marissa Mayer đã làm sai điều gì?
Chiến lược
Trong những năm đảm nhiệm vị trí CEO, bà Marissa Mayer đã chi quá nhiều cho việc thâu tóm các công ty. Cụ thể, bà đã chi ra hơn 2 tỷ USD để mua lại hơn 50 công ty khác nhau. Ý tưởng đằng sau chiến lược này là để gia tăng nhân tài và kỹ sư giỏi cho công ty. Nếu Yahoo sở hữu những startup tốt, về mặt lý thuyết, họ có thể trở thành nơi hội tụ của các tài năng công nghệ, những người sẽ vực dậy và đưa Yahoo trở lại là một trong những nhà lãnh đạo công nghệ.
Tuy nhiên, cách mà bà Marissa Mayer định hướng Yahoo mua lại các công ty không theo một chiến lược nào mà rất dàn trải. Thậm chí nhiều công ty đơn giản không đáng để mua lại. Số tiền mà Yahoo bỏ ra tốn kém hơn nhiều so với phát triến sản phẩm mới. Rất nhiều trong số công ty được mua lại từ từ "đội nón ra đi" vì làm ăn thua lỗ. Có lẽ "cú đấm" mạnh nhất mà Yahoo phải hứng từ chiến lược sai lầm này là Tumblr khi hãng chi ra tới 1,1 tỷ USD để mua lại vào năm 2013. Đến năm 2016, bà Marissa Mayer phải thừa nhận rằng Tumblr lỗ 230 triệu USD kể từ khi dưới trướng của Yahoo.
Theo chuyên gia tư vấn chiến lược John Sullivan, hầu hết các vụ sáp nhập của Yahoo không hiệu quả. Bên cạnh đó, một vấn đề khác mà Yahoo gặp phải đó chính là công ty không có hệ thống chăm sóc, bồi đắp nhân tài để họ phát triển trong khi mục đích ban đầu của chiến lược sáp nhập là để thu hút những kỹ sư giỏi nhất làm việc cho Yahoo.
Doanh thu
Mảng kinh doanh chủ chốt của Yahoo là quảng cáo cũng suy giảm thậm chí trước khi bà Mayer đảm nhận vị trí CEO do công ty thất bại trong việc bắt kịp với các đối thủ lớn như Google và Facebook. Dường như Yahoo bị bỏ lại phía sau khi mọi người quan tâm hơn đến quảng cáo trên điện thoại di động. Kết quả là doanh thu mảng quảng cáo của Yahoo sụt giảm nghiêm trọng. Nghiên cứu của eMarketer được thực hiện vào năm ngoái ước tính rằng Google nắm giữ 34% thị phần quảng cáo di động toàn cầu, nhiều hơn hẳn so với 17% của Facebook và càng lớn so với chưa đến 2% của Yahoo.
Bà Mayer tuyển dụng giám đốc tài chính Lisa Utzschneider vào năm 2015 với mức lương cao ngất ngưởng 18 triệu USD/năm nhằm tìm cách tăng doanh thu cho công ty và phát triển mảng kinh doanh quảng cáo. Tuy nhiên cả Mayer và Utzschneider đều thất bại.
Khả năng lãnh đạo
Khả năng lãnh đạo của bà Marissa Mayer cũng là điều đáng phải bàn khi nói về sự thất bại của Yahoo. Chính sách đầu tiên của bà Marissa Mayer ngay sau khi làm việc tại Yahoo là buộc tất cả các nhân viên phải đến công ty làm việc và không cho phép nhân viên làm việc tại nhà. Bà tin rằng việc này sẽ gia tăng tính hiệu quả giao tiếp và hợp tác và hy vọng rằng sự cải tiến này sẽ được hiện thực hóa thông qua những buổi họp, dù là trong phòng họp, ban công hay trong căng tin.
Tuy nhiên, trên thực tế, vị CEO không nhận ra rằng một trong những lợi thế của làm việc từ xa là nó sẽ giảm bớt gánh nặng xã giao và sự tương tác vô nghĩa, những hoạt động có thể “ngốn” hàng giờ làm việc trong ngày. Làm việc từ xa giúp các cá nhân làm việc tập trung và hiệu quả hơn, đồng thời tránh làm ảnh hưởng đến năng suất làm việc của người khác.
Đồng thời bà cũng bị truyền thông và nhân viên chỉ trích là không biết lắng nghe cấp dưới, thiếu tập trung và trí tưởng tượng.
Không quan tâm đến bảo mật
Năm ngoái Yahoo gặp phải rắc rối lớn khi hơn 1 tỷ tài khoản bị hack khiến các nhà đầu tư đặc biệt và Verizon - công ty mua lại Yahoo không khỏi mất niềm tin. Bê bối này khiến Verizon giảm giá 350 triệu USD trong thỏa thuận mua bán sáp nhập giữa 2 công ty. Điều này đồng nghĩa với việc các cổ đông của Yahoo sẽ phải chịu mất một khoản.
Việc Yahoo sáp nhập vào Verizon được cho là tín hiệu tốt cho một sự khởi đầu mới. Hàng ngàn nhân viên và hàng trăm công ty con của Yahoo sẽ được dẫn dắt bởi một hội đồng quản trị dày dặn kinh nghiệm. Còn với Marissa Mayer, thất bại tại Yahoo sẽ là bài học quý giá mà nữ tướng này không bao giờ quên. Hi vọng những điều đó sẽ giúp bà thành công hơn khi chèo lái những con thuyền khác trong tương lai.
Đức Quỳnh/ Tổng hợp
Theo NDH.VN