Người Việt Nam khi nói đến chè, ngay lập tức địa danh được nghĩ tới sẽ là Thái Nguyên trong câu “chè Thái, gái Tuyên”.
E-logistics: Đối thủ ngoại khởi chiến
- Cập nhật : 09/08/2017
Kể từ 2012, thị trường giao nhận đã chứng kiến rất nhiều doanh nghiệp tham gia, từ nhóm có nền tảng bưu điện đến các doanh nghiệp khởi nghiệp non trẻ.
Kể từ 2012, thị trường giao nhận đã chứng kiến rất nhiều doanh nghiệp tham gia, từ nhóm có nền tảng bưu điện đến các doanh nghiệp khởi nghiệp non trẻ.Nguồn ảnh: amazon.co.uk
Theo Euromonitor, với mức chi tiêu dành cho thương mại điện tử dự kiến sẽ tăng với tốc độ tăng trưởng trung bình hằng năm 23% vào năm 2020, Việt Nam đang bước vào giai đoạn tăng trưởng nóng. Đóng vai trò là huyết mạch của thương mại điện tử, chính vì thế kể từ năm 2012 thị trường giao nhận đã chứng kiến rất nhiều doanh nghiệp tham gia từ nhóm có nền tảng từ hệ thống bưu điện đến các doanh nghiệp khởi nghiệp non trẻ. Mới đây, sự xuất hiện liên tiếp của các doanh nghiệp lớn từ nước ngoài cho thấy sức nóng trong lĩnh vực này vẫn chưa hạ nhiệt.
Ở Việt Nam, giao hàng thương mại điện tử được chia làm 2 mô hình riêng biệt. Nhóm thứ nhất là giao hàng có độ trễ nhất định, nhanh nhất từ 1-2 ngày đối vớI khách hàng ở TP.HCM và Hà Nội và 3-7 ngày trên toàn quốc.
Doanh nghiệp bán hàng sẽ gửi cho nhân viên giao hàng hoặc tại các điểm ký gửi, hàng sẽ được tập trung về kho của doanh nghiệp giao nhận rồi phân phối đến khách hàng. Đại diện các nhóm này gồm Viettel Post, VNPost, SF Express (Trung Quốc), Giaohangnhanh, LEX (Lazada Việt Nam), Giaohangtietkiem, Ninja Van, Giaohangso1... Nhóm thứ 2 là nhóm giao hàng tức thời, với thời gian giao trung bình từ 1-3 tiếng; nhân viên giao hàng sẽ đến cửa hàng doanh nghiệp lấy hàng và giao thẳng cho khách. Đại diện các nhóm này gồm AhaMove, Delivery Now, GrabExpress (Grab), UberShip (Uber).
Nhu cầu giao nhận được dự đoán sẽ bùng nổ, nhất là khi hầu hết các dòng thuế quan giữa các nước thành viên trong Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) sẽ về 0%, thúc đẩy các hoạt động thương mại. Vì vậy, sức hút của lĩnh vực giao nhận ngày càng hấp dẫn hơn. Giữa tháng 7 vừa qua, Tập đoàn Deutsche Post DHL (Đức) khai trương dịch vụ hậu cần cho thương mại điện tử Việt Nam DHL eCommerce. “Chúng tôi hy vọng sẽ cung cấp cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ một dịch vụ toàn quốc với nụ cười luôn túc trực”, ông Charles Brewer, Giám đốc Điều hành DHL eCommerce, cho biết.
Ông Charles Brewer có lý do khi nói như vậy, vì chỉ cần làm một cuộc khảo sát nhỏ với các nhóm bán hàng trên Facebook như Lập nghiệp với Shopee, Cộng đồng Shop Sendo.vn..., sẽ dễ dàng nhận ra giao nhận là vấn đề làm đau đầu người bán nhất. Rớt đơn hàng không lý do, nhân viên giao nhận chưa qua lấy hàng, giao hàng trễ hơn cam kết... là những vấn đề thường xuyên được người bán ở các nhóm này trao đổi.
DHL eCommerce được xếp vào nhóm thứ nhất và đơn vị cho biết chưa có ý định tham gia vào nhóm giao hàng tức thời trong thời gian tới. Mặc dù vậy, việc gia nhập thị trường Việt Nam của một doanh nghiệp có tới 80% doanh thu đến từ mảng vận chuyển doanh nghiệp - doanh nghiệp (B2B) như DHL vẫn rất bất ngờ. Theo đó, doanh thu năm 2016 của DHL toàn cầu là 57 tỉ euro, riêng mảng B2B chiếm đến hơn 45 tỉ euro; thương mại điện tử B2C chiếm 20%, khoảng 114 tỉ euro.
Ở Việt Nam, theo ước tính của Euromonitor, doanh thu thương mại điện tử năm 2016 là 1 tỉ USD, doanh thu ngành giao nhận thương mại điện tử trung bình chiếm 10-12%, tương đương 100-120 triệu USD. Vì thế, nếu chỉ tính riêng con số này, Việt Nam khó có thể thu hút khoản đầu tư mới của DHL.
Có thể thấy DHL đang nhìn bức tranh rộng hơn là thương mại điện tử xuyên biên giới, vốn có thể đạt 3.400 tỉ USD vào năm 2020 với giá trị giao nhận trong lĩnh vực thương mại điện tử chiếm 5-8% ước tính đạt 272 tỉ USD. AEC là khu vực khá hấp dẫn khi dân số chỉ đứng sau Trung Quốc và Ấn Độ. Theo ngân hàng đầu tư Nhật Nomura, doanh thu thương mại điện tử doanh nghiệp - người dùng (B2C) và người dùng - người dùng (C2C) khu vực này sẽ cán mốc 36,1 tỉ USD vào năm 2020, với tốc độ tăng trưởng hằng năm kép CARG 34%. Doanh thu mảng giao nhận thương mại điện tử ước tính đạt 7 tỉ USD.
Cũng cần nhắc thêm, không phải chỉ DHL nhận ra sức hấp dẫn của thương mại điện tử xuyên biên giới ở Đông Nam Á. Các công ty Trung Quốc đã sớm nhận ra điều này. Điển hình như Alibaba Group đã khởi xướng mạng lưới giao nhận Cainiao Network toàn cầu từ năm 2013. Mới đây, SF Express, đơn vị được ví là “FedEXTrungQuốc”, cũng đã vào Việt Nam đem theo kỳ vọng hàng hóa từ các trang bán sỉ Trung Quốc sẽ về Việt Nam từ 1-2 tuần so với hơn một tháng như trước đây. Chính vì thế, ngoài Việt Nam, DHL cũng thiết lập dịch vụ ở DHL eCommerce tại Thái Lan, Malaysia để chuẩn bị đón sự tăng trưởng bùng nổ của thương mại điện tử xuyên biên giới. “Thương mại điện tử Việt Nam hiện chiếm khoảng 1% doanh thu thương mại truyền thống và sẽ tăng nhanh trong thời gian tới, sự có mặt của DHL là đúng thời điểm”, ông Charles Brewer khẳng định.
Những ông lớn ăn bánh nhỏ
Có mặt ở Việt Nam từ năm 1988, DHL có 4 thương hiệu hoạt động là DHL Express, DHL Global, DHL Forwarding, DHL Supply Chain. DHL eCommerce sẽ tận dụng cơ sở hạ tầng của 4 thương hiệu này. Trước mắt, DHL eCommerce sẽ cung cấp dịch vụ như các công ty giao nhận thương mại điện tử hiện nay, kể cả dịch vụ thu tiền hộ. Đơn vị này hiện có 9 nhà kho và 2 cơ sở phân phối trung tâm trên toàn quốc.
Dù trả lời rất khiêm tốn về tiềm năng của thương mại điện tử xuyên biên giới, nhưng các hoạt động gần đây của DHL cho thấy sự chuẩn bị khá cụ thể cho xu hướng này. Cách đây không lâu, DHL Express đã khai trương văn phòng giao dịch thứ 12 trên toàn quốc. Theo ông George Berczely, Tổng Giám đốc DHL Express Việt Nam, con số này sẽ tăng trong thời gian tới.
“Một số doanh nghiệp vận chuyển ở Trung Quốc bắt đầu mở rộng thị phần sang các nước khác. Nhưng chúng tôi vẫn có thế mạnh của mình. DHL là nhà cung cấp dịch vụ duy nhất có thể chuyển hàng từ ASEAN đến Bắc Mỹ, Canada trong một ngày. Ở Việt Nam, chúng tôi cũng là một trong số ít các đơn vị giao nhận sở hữu chuyến bay thẳng từ TP.HCM ra Hà Nội và ngược lại mỗi ngày, nhằm đảm bảo chất lượng dịch vụ”, ông George nói.
Người Đức rất tự tin với tiềm năng của mình trong lĩnh vực giao nhận ở Việt Nam bởi họ là một trong những công ty cung cấp dịch vụ hậu cần hàng đầu thế giới. Theo báo cáo của Công ty Chứng khoán FPT, năm 2015, trong 3 mảng hoạt động khai thác cảng, vận tải và điều phối logistics, thì mảng hoạt động điều phối logistics có rào cản gia nhập vào thị trường nội địa thấp nhất. Hoạt động tạo ra giá trị gia tăng cao nhất trong mô hình này là dịch vụ xử lý hoàn chỉnh đơn hàng và ứng dụng thuật toán dự phóng nhu cầu hàng hóa. Thực tế chưa có nhiều công ty trong nước cung cấp, 80% thị trường điều phối logistics nằm trong tay các công ty nước ngoài như DHL Logistics, DB Schenker, FedEX...
Không những thế, nhóm này còn đi tiên phong trong mảng 3PL (dịch vụ logistics bên thứ ba - thuật ngữ chỉ việc đưa các hoạt động quản lý nguyên vật liệu, lưu kho, vận tải, phân phối cho các công ty logistics quản lý). Với chi tiêu thương mại điện tử dự kiến tăng khoảng 23% mỗi năm từ nay đến năm 2020, các nhà bán lẻ trực tuyến địa phương cần có các giải pháp hậu cần, vận chuyển chất lượng cao hơn bao giờ hết để mở rộng quy mô, phạm vi hoạt động trên toàn quốc. Tuy nhiên, giao nhận thương mại điện tử, thị trường rất sôi động ở Việt Nam trong thời gian qua, chỉ là phần nhỏ trong hoạt động điều phối logistics. Trong khi đó, để cạnh tranh với nhóm ngoại không đơn giản chỉ đòi hỏi doanh nghiệp phải có quy mô thị trường lớn, kiến trúc tài chính tốt, mạng lưới hạ tầng mạnh, hệ thống quản lý ổn định và quan trọng nhất là có giá tốt nhất cho khách hàng. Ở Việt Nam, chỉ một số công ty có thể cạnh tranh với nhóm ngoại, điển hình như Minh Phương Logistics, đơn vị vừa lập liên doanh với Samsung SDS (Samsung Hàn Quốc).
Ông Nguyễn Trần Thi, Giám đốc Điều hành Công ty Giao Hàng Nhanh, cho rằng, sự xuất hiện của SF Express (Trung Quốc) chưa ảnh hưởng nhiều đến các doanh nghiệp giao nhận trong lĩnh vực thương mại điện tử. Theo đó, cả SF Express sẽ chuyển hàng về đến đầu Việt Nam và giao lại cho các doanh nghiệp có năng lực trong nước phân phối. Lo ngại về mức độ bành trướng của DHL trước mắt cũng tương tự. Khi thị trường chín muồi, cả hai mới bắt đầu vận hành bộ phận hậu cần thương mại điện tử riêng.
Sức ép gia tăng
Mặc dù chưa ảnh hưởng tức thời nhưng áp lực đang đè nặng lên các công ty giao nhận trong nước và buộc nhóm này phải thay đổi hoặc chấp nhận làm “vệ tinh” trong hệ thống phân phối của các doanh nghiệp lớn. Với lợi nhuận dao động từ 3-5%, số phận của một “vệ tinh” không dễ thở. Trên thực tế, những rào cản mà các công ty giao nhận truyền thống đã dày công xây dựng hàng chục năm qua để duy trì vị thế của mình đang bị đe dọa bởi Alibaba và Amazon (Mỹ). Cả hai đang xây dựng hệ thống quản lý chuỗi cung ứng theo cách của mình và lan truyền sức ảnh hưởng với tốc độ rất nhanh.
Alibaba, chẳng hạn, từ năm 2013 đã tham gia thành lập mạng lưới phân phối mang tên Cainiao cùng với các công ty vận chuyển lớn của Trung Quốc với mục tiêu cho phép giao hàng trong vòng 24 giờ đến bất kỳ nơi đâu tại Trung Quốc. Tính đến hết quý I/2017, Cainiao đang xử lý 81% lượng hàng hóa được bán qua các website của Alibaba, tương đương khoảng 42 triệu kiện hàng/ngày, tăng mạnh so với mức 60% của cùng kỳ năm ngoái. Alibaba hiện nắm 48% cổ phần của Cainiao.
Việc thành lập một mạng lưới như Cainiao là rất quan trọng với Alibaba, vì không như nước Mỹ - nơi các tập đoàn UPS và FedEx đủ lớn mạnh để có thể giao hàng tới bất kỳ đâu trong vòng vài ngày - thị trường dịch vụ hậu cần tại Trung Quốc bị phân mảnh hơn rất nhiều. Về bản chất, Cainiao có thể được xem như một dịch vụ giao nhận vận tải (freight forwarder) để bảo đảm hàng hóa đến đúng nơi cần đến, thông qua nhiều dịch vụ vận chuyển khác nhau nếu cần. Người mua hàng trên Alibaba có thể liên tục theo dõi kiện hàng trên Cainiao, dù đang được vận chuyển bởi công ty nào. Xét về mặt mô hình kinh doanh, trang ecommerceIQ đã gọi Cainiao là “áp dụng mô hình chợ Taobao cho ngành hậu cần”.
Vì sao Alibaba cần Caniao? Đơn giản là để tiết kiệm. Các công ty hậu cần truyền thống tại Trung Quốc cần rất nhiều nhân công và trang thiết bị để vận hành. Như Jingdong cần khoảng 70.000-80.000 nhân viên để xử lý 1 triệu kiện hàng/ngày, trong khi SF Express cần gần 400.000 người để xử lý 4 triệu kiện hàng/ngày. Trong khi đó, tính đến tháng 9.2016, Cainiao chỉ có khoảng 1.400 nhân viên để cáng đáng gấp nhiều lần lượng công việc của cả Jingdong và SF Express cộng lại. So với các doanh nghiệp vận chuyển truyền thống, Cainiao hoạt động theo mô hình nền tảng (platform model) nhằm kết nối các dịch vụ khác, thay vì trực tiếp thực hiện (direct model). Điều này cho phép Cainiao có thể hoạt động và mở rộng dễ dàng mà không cần đầu tư quá nhiều vào tài sản cố định hay nhân sự.
Tập đoàn thương mại điện tử lớn nhất thế giới Amazon cũng đang tỏ rõ tham vọng xây dựng một đế chế hậu cần, thông qua việc đầu tư mạnh vào kho bãi và trang thiết bị vận tải, từ đó cải thiện thời gian giao hàng và kiểm soát chi phí. Bằng dịch vụ Fulfillment By Amazon (FBA), Amazon cũng đảm nhận luôn phần lưu kho, đóng gói và giao nhận cho các đối tác bán hàng trên website của Hãng. Tại Ấn Độ, Amazon cũng đã xây dựng một hệ thống tương tự như Cainiao, thông qua công ty con là Amazon Transportation Services (ATS), để hợp tác với 160 đối tác giao nhận địa phương. Hiện tại 80% số người bán hàng trên Amazon tại Ấn Độ đang dùng dịch vụ FBA để bán và giao hàng.
Theo Bloomberg, Amazon cũng đang âm thầm theo đuổi một dự án mang tên Dragon Boat nhằm tạo ra một dịch vụ hậu cần toàn cầu cho phép những người bán hàng có thể dễ dàng đặt dịch vụ vận tải qua website hoặc ứng dụng di động, còn Amazon sẽ đi mua sỉ các gói vận tải với giá thấp. Hiện tại, Amazon đã vận hành được dịch vụ container đường bộ và đường biển chuyên chở hàng từ nhà máy của các đối tác Trung Quốc đến thẳng nhà kho ở Mỹ và công bố kế hoạch xây dựng một trung tâm kho vận lớn tại sân bay Cincinnati (Mỹ) cộng thêm thuê 40 máy bay.
Ở Việt Nam, LEX cho biết sẽ tiếp tục đầu tư vào con người, hệ thống kỹ thuật và cơ sở hạ tầng để tăng lợi thế cạnh tranh trong thời gian tới. Theo ông Vũ Đức Thịnh, Giám đốc LEX Việt Nam, khác với hậu cần truyền thống, hậu cần thương mại điện tử vẫn còn cơ hội cho các công ty sáng tạo. Công ty đang đầu tư cho các phương tiện giao hàng thân thiện, hệ thống chia hàng tự động. “Thương mại điện tử tại Việt Nam hiện mới chỉ đang ở những bước đầu tiên và hậu cần cho thương mại điện tử còn khởi động chậm hơn. Phần thắng sẽ thuộc về những doanh nghiệp đầu tư bàn bản, dịch vụ chuyên nghiệp và giá cả cạnh tranh nhất”, ông Thịnh cho biết.
LEX có thể làm vậy vì dù sao vẫn là doanh nghiệp trực thuộc Lazada Group, còn các doanh nghiệp trong nước thì như thế nào? Cho đến nay, Giao Hàng Nhanh là đơn vị cho thấy những thay đổi theo hướng trở thành một công ty cung cấp nền tảng kết nối. Scommerce (Services for commerce - dịch vụ thương mại) trở thành tổng công ty, dưới quyền đơn vị này là Giaohanhnhanh.vn và AhaMove. Gần đây nhất, Công ty đang tuyển dụng nhân sự cho đơn vị chuyên dịch vụ giao hàng xuyên biên giới phục vụ thị trường Trung Quốc, Mỹ và Úc. Được biết, đơn vị này cũng thuộc quyền chủ quản của Scommerce. Không chia sẻ chiến lược trong thời gian tới, ông Thi cho biết, việc cơ cấu như vậy giúp Công ty phản ứng nhanh hơn với những thay đổi của thị trường.
Theo ông Malcolm Monteiro, Giám đốc Điều hành DHL eCommerce châu Á - Thái Bình Dương, có 5 yếu tố quyết định sự thành bại trong ngành này là chất lượng dịch vụ, năng suất giao nhận, độ phủ, sự sáng tạo và quan trọng nhất là giá. “Đây là những khoảng cách chúng tôi không nghĩ rằng có thể rút ngắn bằng yếu tố công nghệ”, ông Malcolm nói. Nhưng dường như các công ty hậu cần thương mại điện tử trong nước không có nhiều lựa chọn trước sức ép ngày càng gia tăng của các doanh nghiệp lớn trong ngành.
Công Sang - Tuấn Minh
Theo Nhipcaudautu.vn