Tính đến cuối tháng 3, đã có hơn 250 thương hiệu ngừng chi tiền cho quảng cáo trên YouTube.
Nhượng quyền đang gặp khó?
- Cập nhật : 19/06/2016
Lĩnh vực thực phẩm và đồ uống được coi là có tốc độ nhượng quyền nhanh nhất. Trong đó, mảng thức ăn nhanh tăng trưởng trên 50%
Kinh doanh nhượng quyền còn khá mới mẻ tại Việt Nam nhưng được đánh giá là rất tiềm năng. Theo thống kê của Bộ Công Thương, 144 thương hiệu ngoại nhượng quyền đã vào Việt Nam. Thị trường nhượng quyền Việt Nam tăng trưởng 15% - 25%/năm. Tuy nhiên, Việt Nam vẫn được xác định là thị trường gieo hạt chứ chưa phải là thị trường thu hoạch đối với lĩnh vực kinh doanh nhượng quyền.
Thị trường gieo hạt
Theo bà Nguyễn Phi Vân, Chủ tịch HĐQT Công ty Bán lẻ và Nhượng quyền châu Á, các thương hiệu lớn quốc tế sau khi có thu nhập lớn ở châu Á đều đang bước vào ASEAN và Việt Nam. Con đường các thương hiệu quốc tế đổ sang Việt Nam đang trải đầy hoa hồng. Trong 5 năm tới, sẽ còn nhiều thương hiệu mới xuất hiện ở Việt Nam qua con đường này.
Nhượng quyền trong lĩnh vực thực phẩm và đồ uống có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất nhưng chi phí đầu tư quá cao khiến các doanh nghiệp nhỏ khó chen chân. Trong ảnh: Một cửa hàng thức ăn nhanh Jollibee tại TP HCM Ảnh: Tấn Thạnh
Tuy nhiên, ông Hoàng Tùng, Tổng Giám đốc chuỗi Pizza Home, cho rằng việc nhượng quyền và đưa sản phẩm mới vào một thị trường đang phát triển như Việt Nam không dễ thành công. Việc nhận nhượng quyền không phải lúc nào cũng mang tới trái ngọt. Thực tế, đang có những thương hiệu quốc tế gặp khó tại thị trường Việt Nam, chủ yếu nằm ở yếu tố sản phẩm.
Cuối năm 2015 đầu 2016, một loạt cửa hàng Burger King tại TP HCM đóng cửa. Cùng lúc, nhiều ý kiến cho rằng không chỉ Burger King mà nhiều doanh nghiệp (DN) kinh doanh theo chuỗi khác cũng đang mắc kẹt tại thị trường tiềm năng này. Một số ý kiến khác cho rằng nhượng quyền, kinh doanh theo chuỗi đang gặp khó. Tuy nhiên, ông Johnathan Hạnh Nguyễn, Chủ tịch Tập đoàn Liên Thái Bình Dương - người đưa Burger King vào Việt Nam, khẳng định việc đóng cửa là nhằm tái cơ cấu, không có chuyện Burger King đang tháo chạy khỏi Việt Nam sau thời gian làm ăn không hiệu quả.
Bà Nguyễn Phi Vân cho biết vấn đề cần quan tâm không phải là việc đóng cửa chi nhánh mà là tái đầu tư mở các chi nhánh mới có hiệu quả hơn hay không. Bởi lẽ, Việt Nam mới chỉ là thị trường gieo hạt, đường trải hoa hồng chỉ dành cho những thương hiệu có tầm nhìn, có tư duy dài hạn và có cam kết phát triển lâu dài. Nếu DN bước vào với tư thế đánh nhanh rút gọn, ăn xổi ở thì, thị trường Việt Nam có thể sẽ đầy gai nhọn.
“Việt Nam hoàn toàn không phải là thị trường để có thể trong một thời gian ngắn khai trương và vận hành hàng trăm chi nhánh được. Trên thực tế, những thương hiệu nhượng quyền đã và đang bước vào vẫn còn phát triển ở mức độ hết sức khiêm tốn” - bà Vân nêu thực trạng.
Chi phí đầu tư quá cao
Triển lãm quốc tế về nhượng quyền thương hiệu và bán lẻ 2016 vừa diễn ra ở quận 7, TP HCM đã thu hút nhiều thương hiệu quốc tế tham dự. Theo thống kê của ban tổ chức, số DN nước ngoài đăng ký tham gia triển lãm để tìm cơ hội nhượng quyền vào Việt Nam tăng đến 20% so với năm 2015, cho thấy sức hấp dẫn lớn từ thị trường hơn 90 triệu dân đối với các thương hiệu quốc tế.
Ngược lại, số DN tại Việt Nam làm nhượng quyền lại giảm đến 50%. Nguyên nhân được xác định là do thị trường đang rất khó khăn, những nhà nhượng quyền có mặt tại Việt Nam đang tập trung phát triển chứ chưa có ý định nhượng quyền thứ cấp (DN nhận nhượng quyền từ công ty mẹ tự đầu tư phát triển hệ thống).
Diễn biến thực tế cho thấy các DN đúng là đang tập trung nhượng quyền độc quyền (nhượng quyền cấp 1) - chứ không tiếp tục nhượng quyền thứ cấp. Một số thương hiệu đã công bố hoặc bắt đầu nhượng quyền thứ cấp như Jollibee, Lotteria, KFC, Texas Chicken, Cafe Bene, BBQ King, Auntie Anne’s… đều đang ở giai đoạn khởi đầu.
Theo các DN, chi phí mở một cửa hàng mới trung bình 4-6 tỉ đồng, chưa kể tiền thuê mặt bằng. Chẳng hạn, chi phí đầu tư một cửa hàng Jolibee khoảng 4,5-5 tỉ đồng; ngoài ra, bên nhận nhượng quyền còn phải trả cho bên nhượng quyền 5% doanh thu hằng tháng. Với Lotteria, chi phí máy móc, thiết bị cho một cửa hàng cũng 4- 5,5 tỉ đồng, bên nhận nhượng quyền phải đóng 200 triệu đồng phí gia nhập và phí thương hiệu là 3% doanh thu. Với thương hiệu Subway thì mỗi khách nhận nhượng quyền mở cửa hàng đầu tiên phải đóng 110.000 USD, chưa kể những khoản đầu tư mặt bằng, trang trí thiết kế…
Vì mức vốn đầu tư nhượng quyền cửa hàng thứ cấp khá lớn, việc kinh doanh nhiều rủi ro nên nhiều DN Việt từng muốn tham gia lĩnh vực này đã âm thầm thoái lui. Chi phí bỏ ra khá cao nhưng người nhận nhượng quyền thường không được cam kết cụ thể nào về tỉ lệ thành công. Thời gian hoàn vốn một cửa hàng nhượng quyền phụ thuộc rất nhiều yếu tố như địa điểm kinh doanh, cách quản lý, tính cạnh tranh của khu vực… Vì vậy, hầu hết những người nhận nhượng quyền là các DN có thâm niên, có kinh nghiệm thương trường chứ không phải là những nhà kinh doanh mới khởi nghiệp.
Ông Trương Võ Hàm Liêm, Giám đốc Marketing Lotteria:
Mới nên khó
Lotteria đã nhượng quyền thứ cấp 18 cửa hàng, dự kiến đến cuối năm nay sẽ tăng lên 25 cửa hàng. Tuy nhiên, việc điều hành nhượng quyền tại Việt Nam còn nhiều khó khăn do lĩnh vực thực phẩm và đồ uống còn nhiều mới lạ. Chiến lược sắp tới là Lotteria tiếp tục phát triển ở các thị trường mục tiêu và các vùng phụ cận.
Thị trường nhượng quyền Việt Nam còn nhiều mới mẻ và đang có nhiều bất cập, trong đó có cả những bất cập về chính sách điều hành vĩ mô liên quan đến luật nhượng quyền. Các thương hiệu đã hoạt động nhượng quyền của Việt Nam như Trung Nguyên, Phở 24... không mấy thành công. Đây là một trong những nguyên nhân khách quan khiến các DN khác chuẩn bị lâu dài, chắc chắn và chưa mặn mà nhượng quyền thứ cấp.
Bà Nguyễn Phi Vân, Chủ tịch HĐQT Công ty Bán lẻ và Nhượng quyền châu Á:
Phải có tài chính mạnh
Thông thường, các thương hiệu nhượng quyền lớn đều tìm kiếm một đối tác có khả năng tài chính mạnh, đội ngũ lãnh đạo có khả năng và kinh nghiệm, quan hệ tốt trong ngành và với chính quyền để nhận quyền độc quyền. Tại Việt Nam, số đối tác hội đủ 3 điều kiện này không nhiều. Phần lớn DN Việt Nam nếu không gặp vấn đề về tài chính thì cũng gặp rất nhiều khó khăn về nhân sự quản lý.
DN nhượng quyền cần phải vận hành chi nhánh tự sở hữu một cách rất hiệu quả mới có thể bắt đầu nhượng quyền. Nếu một chi nhánh nhượng quyền chỉ đạt mức lợi nhuận ròng 15%, sau khi thu phí cấp phép và các chi phí nhượng quyền hằng tháng, thông thường ở mức 10%, cộng với giá bán nguyên vật liệu cao hơn, nếu không có sự phân tích tài chính hợp lý, chi nhánh nhận quyền có thể thu được lợi nhuận rất thấp, có khi thấp hơn lãi suất tiết kiệm ngân hàng và không đạt hiệu quả đầu tư, hoàn vốn chậm hoặc không có khả năng hoàn vốn.
Ông Hoàng Tùng, CEO chuỗi Pizza Home:
Quan trọng nhất là sản phẩm
Tôi không nghĩ rằng kinh doanh theo chuỗi, đặc biệt là chuỗi nhà hàng - đồ ăn nhanh đang gặp khó khăn. Vài thương hiệu ẩm thực mua nhượng quyền từ những thương hiệu lớn quốc tế cũng đang ế ẩm do những nguyên nhân khác chứ không phải do mô hình vận hành theo chuỗi. Rất nhiều thương hiệu ẩm thực Việt đã và đang phát triển chuỗi thành công trong thời gian gần đây. Nhà hàng của Golden Gate, Red Sun, Highland Coffee, Cộng, Urban Station, The Coffee House, bánh mỳ Minh Nhật, The Kafe, Phở Ông Hùng, Món Huế… là những ví dụ.
Việc nhận nhượng quyền từ những thương hiệu quốc tế, đặc biệt là những thương hiệu ẩm thực, có nhiều thuận lợi nhưng cũng có những yếu tố rủi ro tiềm ẩn. Một số thương hiệu mang tầm vóc quốc tế khi đến Việt Nam không thể phát triển đến người mua nhượng quyền thứ cấp, trong khi những thương hiệu Việt vẫn đang phát triển nhượng quyền bình thường. Yếu tố sản phẩm là then chốt.
Một số thương hiệu với sản phẩm lõi là bánh burger như Carl Jr, Burger King gặp khó, kể cả ông vua fast food quốc tế là McDonald’s cũng không đạt tốc độ tăng trưởng như kỳ vọng khi mới bước vào thị trường Việt Nam do chưa “bắt” đúng thị hiếu khách hàng Việt. Ngoài ra, mức giá để mở ra một cửa hàng mới hay để nhà đầu tư thứ cấp có thể mua nhượng quyền một thương hiệu quốc tế cũng là một rào cản.
Pizza Home có mức tăng trưởng nhanh hơn nhiều lần so với những thương hiệu đồ ăn nhanh khác nhưng vẫn chưa nghĩ đến nhượng quyền mà hướng tới việc ổn định hệ thống, tìm đối tác để có thể tự mở rộng một cách chắc chắn và phát triển bền vững.
Đông Nghi
Theo Người Lao Động