Nếu thực sự Facebook và Google rời khỏi Việt Nam, điều gì sẽ xảy ra? Việt Nam sẽ hưởng lợi hay thiệt thòi trước khoảng trống này?
Ông Trần Kim Thành hé lộ 'chuyện bếp núc' từ Kinh Đô lên KIDO
- Cập nhật : 08/08/2017
Năm 2015, ngành bánh kẹo trở thành “chiếc áo đã chật”, không còn đáp ứng được nhu cầu phát triển của KDC, hoạt động M&A giúp KDC bước vào không gian rộng lớn hơn. Ông Trần Kim Thành cho rằng, đối với một doanh nghiệp, không phải làm ra lợi nhuận cao nhất là tốt nhất mà doanh nghiệp sống thọ nhất mới tốt nhất.
Với 3 chỉ vàng, năm 1993 gia đình ông Trần Kim Thành – chủ tịch CTCP Tập đoàn KIDO (mã KDC) đã khởi nghiệp thành công trở thành “ông vua” trong ngành bánh kẹo Việt Nam.
Nhưng như một chiếc áo đã chật, ngành bánh kẹo không thể đáp ứng được nhu cầu phát triển của KDC.
Năm 2015, KDC bán lại mảng bánh kẹo cùng thương hiệu Kinh Đô cho Tập đoàn Mondelez với giá gần 10.000 tỷ đồng để tập trung vào các ngành hàng mới – ngành thực phẩm thiết yếu, nơi có quy mô thị trường rộng lớn hơn và ít bị ảnh hưởng bởi tính mùa vụ.
Chia sẻ tại hội thảo “Chuyện bếp núc - Một tập đoàn" do Hội Doanh nhân trẻ TP.Hồ Chí Minh (YBA) tổ chức cuối tuần qua, ông Trần Kim Thành cho rằng, đối với một doanh nghiệp, không phải làm ra lợi nhuận cao nhất là tốt nhất mà doanh nghiệp sống thọ nhất mới tốt nhất.
Và để có thể kéo dài tuổi thọ, doanh nghiệp phải vượt qua các khủng hoảng ở từng giai đoạn phát triển. Từ công ty gia đình trở thành tập đoàn như ngày nay, KIDO đã vượt qua 4 giai đoạn.
Giai đoạn đầu tiên – sản phẩm được thị trường chấp nhận, các thành viên trong gia đình cùng nhau đồng lòng, sáng tạo, phát triển sản phẩm, dịch vụ, kỹ thuật, công nghệ….nhằm đảm bảo hoạt động sản xuất kinh doanh có lãi.
Giai đoạn tiếp theo là giai đoạn doanh nghiệp đã có lợi nhuận và đối mặt với vấn đề ai sẽ là người dẫn dắt, và khủng hoảng về phân quyền kiểm soát.
Ông Trần Kim Thành cho rằng, nếu không sắp xếp/phân quyền rõ ràng, nhân viên sẽ không biết nghe ai, từ đó bộ máy vận hành khó khăn và doanh nghiệp dễ bị tan rã.
Gia đình có 4 anh em, nếu không vượt qua khủng hoảng ở giai đoạn này, 4 anh em sẽ bị chia rẻ.
“Tôi không thể lấy vai vế người anh/người chồng để áp đặt mọi người trong công ty. Vấn đề của kinh doanh không liên quan đến vấn đề gia đình. Nhưng đây là công ty gia đình, vì vấn đề phân quyền có thể dẫn đến giận hờn nhau, vợ chồng, anh em không nói chuyện với nhau, không gặp nhau. Nhiều công ty gia đình đã không vượt qua được giai đoạn này, chúng tôi may mắn đã vượt qua được”, ông Thành chia sẻ.
Ông Thành cũng lưu ý rằng, công ty có nhiều thành viên gia đình là công ty gia đình, không phải công ty gia đình trị. Bởi, công ty không có chỗ cho những người không có năng lực, kể cả con cái muốn kế thừa/tham gia vào công ty họ cũng phải có năng lực mới được đảm nhận công việc. Nhân viên trong công ty làm theo quy trình, phân quyền, không làm them phe phái nào.
Ở giai đoạn 3, thị trường đã có nhiều người gia nhập ngành, quy mô doanh nghiệp lớn hơn, thị trường lớn hơn. Vì vậy, quy trình sẽ trở nên quan trọng để hạn chế sai số, sản phẩm sai sót. Phân quyền, hệ thống nội bộ và quy trình phòng ban nhằm tinh gọn bộ máy. Ở giai đoạn này rủi ro sẽ xuất hiện ở nhiều cấp độ khác nhau, ở từng khu vực khác nhau. Tuy nhiên, vượt qua những rủi ro nói trên, cả bộ máy cùng vận hành doanh nghiệp sẽ phát triển lên một giai đoạn mới – Tập đoàn.
Xuyên suốt các giai đoạn phát triển, ông Thành cho rằng, cần thiết phải quản lý thời gian, đúng thời điểm. Hơn nữa, để cùng nhau lớn mạnh, tất cả các nhân viên, cấp quản lý, người làm chủ phải cùng một chí hướng. Các nhà lãnh đạo phải tạo ra không gian/môi trường để nhân viên phát triển, cống hiến; cuốn hút người giỏi theo mình làm việc.
Năm 2013, KDC bước vào giai đoạn phát triển mới sau 20 năm hình thành và phát triển. Khởi đầu của giai đoạn mới KDC đã bán mảng bánh kẹo cho đối tác Hoa Kỳ, giữ lại mảng kem, đồng thời đầu tư vào lĩnh vực dầu ăn từ năm 2015 thông quan M&A.
Ông Trần Kim Thành cho rằng, giai đoạn này, ngành bánh kẹo không đáp ứng được nhu cầu phát triển của KDC, ngành thực phẩm thiết yếu và M&A giúp KDC bước vào không gian rộng lớn hơn – đây cũng là cách KDC tạo ra không gian cho nhân viên phát huy bản thân họ.
Cuối cùng, doanh nghiệp phải “tận dụng” thời cơ đến từ chính sách.
Ông Trần Kim Thành đã chỉ ra lịch sử phát triển của KDC đã gắn liền với sự ra đời của Luật doanh nghiệp, các hiệp định tự do thương mại; chính sách ưu đãi thuế đầu tư vào khu công nghiệp, khuyến khích huy động vốn qua kênh chứng khoán; chương trình cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước.
HỒNG QUÂN
Theo Bizlive.vn