Song song với việc không từ bỏ mô hình cốt lõi, nhiều doanh nghiệp Group-buying hiện đang mở rộng hoặc chuyển hẳn sang mô hình kinh doanh mới.
Làm gì để có thị trường sách điện tử lành mạnh?
- Cập nhật : 06/06/2016
Tại Việt Nam, ebook đã, đang và có nhiều đơn vị, nhà xuất bản (NXB) liên tục được làm để phục vụ người dùng. Song như sách in, ebook Việt chính thống cũng đang bị làm nhái, đăng tải miễn phí và bất hợp pháp trên mạng khiến doanh thu của nhà phát hành có bản quyền bị ảnh hưởng.
Theo giới trong nghề, thị trường ebook Việt Nam có rất nhiều tiềm năng nhưng lại phát triển rất chậm chạp. Chúng ta có những điều kiện thuận lợi với khoảng 40% dân số sử dụng các thiết bị điện tử cầm tay thông minh; là một trong những quốc gia đầu tiên trên thế giới có luật dành riêng cho ebook (Luật Xuất bản có hẳn một chương cho loại sách này) và dân số trẻ là đối tượng dễ dàng tiếp nhận ebook…
Dẫu vậy, ebook của các NXB hoặc đơn vị phát hành đã đăng ký bản quyền vẫn lao đao với nạn ebook “nhái”, các trang mạng đăng ebook cho mọi người tải miễn phí.
Ebook xuất hiện ở Việt Nam khoảng 10 năm nay, trong đó có cả sách nói (audio book). So với sách in, ebook đến với độc giả nhanh nhất, chỉ cần một thiết bị đọc điện tử, bất kỳ ai cũng có thể sử dụng nhanh chóng và tiện lợi, với đầy đủ các thể loại từ ebook văn học, kinh tế - xã hội, giáo dục… dành cho tất cả mọi lứa tuổi, ngành nghề.
Tâm lý chung của nhiều bạn đọc hiện nay là có thể chọn mọi loại sách nhanh chóng, tiện lợi, giá thành rẻ nhất và ebook đáp ứng đầy đủ các tiêu chí này. Nếu muốn sử dụng ebook, người dân chỉ cần dùng thiết bị điện tử thông minh kết nối internet vào các trang mạng bán ebook đã được đăng ký bản quyền thì dễ dàng lựa chọn sách yêu thích và nhấn chọn mua ebook đó bằng cách trả tiền qua tài khoản ngân hàng chỉ trong tích tắc.
Tuy nhiên, theo các NXB kinh doanh ebook ở nước ta, gần như ebook nào mới “ra lò” thì ngay lập tức đã bị người khác sao chép, làm giả và đưa lên nhiều trang mạng, diễn đàn để hàng ngàn, hàng vạn người tải về dùng miễn phí làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến doanh thu.
Đại diện Công ty Chibooks từng phàn nàn, để hoàn thành một cuốn sách in mất khoảng 6 tháng, nhưng việc biến thành ebook và đưa lên internet chỉ mất vài ngày. Do đó, ebook lậu khiến các đơn vị phát hành sách in bị thất thu nặng. Mặt khác, dù các đơn vị kinh doanh ebook đều áp dụng các biện pháp bảo mật, nhưng hiệu quả thực sự chưa cao.
Theo các số liệu thống kê chưa đầy đủ, khoảng từ năm 2008, ở nước ta bắt đầu xuất hiện các website dạng diễn đàn, mạng xã hội tự tổ chức thu thập và chia sẻ hàng trăm nghìn tựa ebook miễn phí hoặc có thu phí với mức khá rẻ. Các website như: e-thuvien.com, 360-books.com, ebook4u.vn… không cần xin phép xuất bản, phát hành và không trả tác quyền cho tác giả.
Vì thế mới có chuyện, NXB Trẻ vì bị sao chép, làm giả nhiều ebook nên đơn vị này có thời điểm đã phải “đại hạ giá” ebook chỉ còn 5.000 - 10.000 đồng/bản, thậm chí là 1.000 đồng/bản, chấp nhận bù lỗ. Cũng có nhiều NXB bức xúc vì bị vi phạm bản quyền ebook đã khởi kiện một số website nhưng nhiều trang website vẫn ngang nhiên không dỡ bỏ ebook lậu do Luật Xuất bản hiện vẫn chung chung, chưa có những quy định rõ ràng, chế tài xử phạt chưa đủ sức răn đe.
Đặc biệt, thời gian qua lại xuất hiện thêm dòng ebook dưới dạng các ứng dụng (app) cung cấp trên kho phần mềm AppStore của Apple, Google Play và các App Store tự xây dựng của Việt Nam, Trung Quốc… khiến việc phát tán ebook không bản quyền ngày càng dễ dàng hơn.
Theo đại diện Cục Xuất bản, In và Phát hành (Bộ Thông tin và Truyền thông), chỉ trong 9 tháng năm 2015, cơ quan này đã ngăn chặn, xử lý 12 trang web có hoạt động đăng tải, phát tán bất hợp pháp các ấn phẩm vi phạm pháp luật, xâm phạm bản quyền tác giả.
Ngoài ra, 10 NXB “ảo” thành lập trái phép hoạt động xuất bản, phát hành ebook tiếng Việt như: Giấy Vụn, Cửa, Tùy Tiện, Liên mạng… có nhiều sai phạm, thậm chí phát tán tài liệu điện tử chống phá Nhà nước nên điều này là bất hợp pháp theo quy định pháp luật của Việt Nam.
Trong khi đó, ông Nguyễn Hải (NXB Tổng hợp TP.Hồ Chí Minh) đưa ra đề xuất cứng rắn hơn, đó là chúng ta cần xây dựng một hành lang pháp lý cơ bản là điều kiện cần thiết để xuất bản và phát hành sách điện tử phát triển lành mạnh và bền vững, phải tăng nặng hơn chế tài xử phạt, thậm chí truy cứu trách nhiệm hình sự để tạo tính răn đe đối với hành vi sản xuất, đăng tải ebook sai trái.
Theo ông Chu Văn Hòa - Cục trưởng Xuất bản - In và Phát hành, Chương 5 Luật Xuất bản 2012 đã đặt ra khung pháp lý cho ebook, tuy nhiên, vẫn còn phải tiếp tục hoàn thiện để phù hợp tình hình Việt Nam.
Khôi Nguyên
Theo Thời báo Ngân hàng