Cạnh tranh trên thị trường gia vị, nước chấm Việt Nam là cuộc chiến không khoan nhượng giữa một bên là các doanh nghiệp ngoại đầy tiềm lực với các doanh nghiệp nội thông minh và không thiếu kinh nghiệm.
Thời của “one-stop shopping”!
- Cập nhật : 06/06/2016
Từ sự thăng trầm của Parkson
Gần đây, Công ty TNHH Thùy Dương, chủ quản lý TTTM Parkson Paragon (ở quận 7, TPHCM) đã thông báo đóng cửa, di dời khách thuê. Việc này đã nối tiếp câu chuyện buồn về mô hình kinh doanh hàng thời trang tại Việt Nam của nhà bán lẻ đến từ Malaysia này. Trước đó, vào đầu năm ngoái, Parkson cũng đột ngột đóng cửa điểm bán tại tòa nhà Landmark (Hà Nội) ngay trong mùa mua sắm tăng cao, gây bức xúc cho khách thuê.
Quyết định đóng cửa hai điểm bán trong vòng chưa đầy hai năm, dù thời gian hợp đồng thuê còn dài, cho thấy mô hình kinh doanh thành công ở thời gian đầu của Parkson đang ngày càng mất dần lợi thế cạnh tranh.
Theo các chuyên gia, thông thường, các nhà bán lẻ gia nhập một thị trường mới sẽ chấp nhận kinh doanh thua lỗ ở giai đoạn đầu, nhưng trường hợp của Parkson có phần ngược lại: giai đoạn đầu khá thành công vì ít đối thủ, nhưng càng về sau càng tỏ ra đuối sức.
Bắt đầu mở cửa kinh doanh ở thị trường Việt Nam vào năm 2005 với điểm bán lớn nằm ngay trung tâm quận 1, TPHCM cùng nhiều thương hiệu hàng hóa nước ngoài, nhà bán lẻ có thâm niên thuộc tập đoàn Lion đã nhanh chóng chiếm lĩnh thị trường bán lẻ hàng thời trang và mỹ phẩm cao cấp. Nhờ tiếp cận thị trường sớm hơn nhiều đối thủ, Parkson đã có cơ hội phát triển nhanh nhiều điểm bán ở các thành phố lớn như TPHCM, Hà Nội và Hải Phòng, đáp ứng được nhu cầu quảng bá thương hiệu của một số nhãn hàng thời trang và mỹ phẩm nước ngoài lúc bấy giờ bắt đầu hướng vào thị trường trong nước. Tuy nhiên, trong vòng năm năm trở lại đây, Parkson phải đối mặt với nhiều khó khăn khi ngày càng có thêm nhiều TTTM quy mô lớn, hiện đại hơn ra đời thu hút sự tham gia mạnh mẽ của nhiều nhà bán lẻ trong và ngoài nước.
Có thể nói từ những ngày đầu thâm nhập thị trường Việt Nam đến nay, Parkson đã áp dụng y nguyên chiến lược phát triển của mình đã làm ở các nước Đông Nam Á, đó là tập trung khai thác đối tượng khách hàng có thu nhập khá và cao, yêu thích thời trang và mỹ phẩm. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, nhóm khách hàng này còn chiếm một tỷ lệ quá thấp ở thị trường Việt Nam.
Parkson cũng thừa nhận việc kinh doanh của họ ở Việt Nam sa sút trong những năm gần đây. Theo một báo cáo tài chính chưa kiểm toán trong quí 3 kết thúc vào ngày 31-3-2016 của Parkson Retail Asia Limited (năm tài chính của Parkson kết thúc vào tháng 6 hàng năm), nhà bán lẻ này tiếp tục chứng kiến một quí kinh doanh không hiệu quả ở Việt Nam, sụt giảm 8,2%; và tổng cộng chín tháng của năm tài chính 2016, các TTTM của Parkson tại Việt Nam ghi nhận khoản lỗ trước thuế 4,9 triệu đô la Singapore (tương đương gần 80 tỉ đồng). Parkson nhận định trong quí còn lại của năm tài chính 2016, họ sẽ phải tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn do cạnh tranh bán lẻ ở Việt Nam ngày càng khốc liệt. Và trong chiến lược mở rộng mạng lưới tại các nước Đông Nam Á giai đoạn tới đây, Parkson đã không đề cập đến việc mở thêm một mặt bằng bán lẻ nào tại Việt Nam.
“One-stop shopping” đangcó ưu thế
Parkson không phải là doanh nghiệp duy nhất gặp khó khăn mà cả các TTTM khác có mô hình kinh doanh “na ná” Parkson cũng vậy. Ở TPHCM, TTTM Pico Sài Gòn, nhà đầu tư đã phải cho Lotte Mart (Hàn Quốc) thuê lại để kinh doanh siêu thị tổng hợp và ẩm thực. Trước đó, TTTM Thiên Sơn Plaza (quận 7, TPHCM) phải cơ cấu lại công năng sử dụng mặt bằng sau chưa đầy ba năm đeo bám kinh doanh thời trang. Hay như Zen Plaza, một trong những TTTM hiện đại đầu tiên ở TPHCM được nhà đầu tư Nhật Bản đặt nhiều tâm huyết phát triển thành trung tâm thời trang lớn, sau nhiều năm hoạt động cũng đã quyết định giảm phần lớn diện tích thương mại chuyển sang cho thuê văn phòng và tăng diện tích cho kinh doanh ẩm thực... Còn ở Hà Nội, trước khi Parkson Landmark đóng cửa thì hai TTTM là Tràng Tiền Plaza và Grand Plaza cũng đã tạm đóng cửa để thay đổi chiến lược...
Có ý kiến cho rằng, các TTTM ra đời sau ở các thành phố lớn cũng định vị khách hàng ở tầng lớp trung lưu nhưng có quy mô lớn hơn và đi theo mô hình “one-stop shopping”. Mô hình này đáp ứng đầy đủ các loại nhu cầu, tiện ích cho khách (có khi là cả gia đình khách), từ mua sắm (có cả siêu thị tổng hợp) đến ăn uống, vui chơi, xem phim... nên kích thích được sức mua, mở rộng được nhóm khách hàng. Điều này khiến mô hình TTTM như Parkson gặp không ít khó khăn.
Theo một nhà kinh doanh TTTM lâu năm, thị trường bán lẻ Việt Nam được các tổ chức tư vấn đánh giá tăng trưởng khá và nhiều tiềm năng chủ yếu là đối với mảng tiêu dùng nhanh và những sản phẩm gia dụng thường thấy ở kênh siêu thị tổng hợp. Vị này cũng cho rằng phần lớn doanh nghiệp thuê mặt bằng kinh doanh ở các TTTM là để làm thương hiệu, quảng bá sản phẩm chứ kinh doanh thì... thua lỗ.
Một lý do khác được nêu để giải thích vì sao việc kinh doanh hàng thời trang cao cấp ở các TTTM chưa kịp phát triển đã nhanh chóng sụt giảm là do sự phát triển của thương mại điện tử. Qua kênh mua bán trực tuyến, hiện nay, người tiêu dùng dễ dàng tiếp cận sản phẩm từ chính đơn vị cung cấp, và họ có thể đặt hàng trực tiếp từ nước ngoài chứ không nhất thiết phải đến cửa hàng phân phối sản phẩm ở Việt Nam.
Không đứng riêng lẻ
Trên thực tế, các nhà bán lẻ đến sau có mô hình kinh doanh tương tự Parkson nhưng khi vào Việt Nam thì họ chọn đứng trong mô hình “one-stop shopping” ở các TTTM như Crescent Mall, Vivo City, Aeon hay Lotte, chứ không đứng riêng lẻ một mình.
Trường hợp TTTM Robins thuộc tập đoàn Central Group (Thái Lan) cho thấy rõ xu hướng này. Cũng chủ yếu kinh doanh mặt hàng thời trang, đến Việt Nam từ năm 2014, Central Group chọn khu mua sắm Royal City (Hà Nội) và trung tâm mua sắm Crescent Mall (TPHCM) để mở hai TTTM Robins đầu tiên của mình ở Việt Nam. Nhà bán lẻ này cho biết sẽ tiếp tục tìm mặt bằng mở thêm các trung tâm Robins đứng chung trong các TTTM khác.
Hay như nhà bán lẻ Takashimaya của Nhật Bản chuyên kinh doanh hàng thời trang cao cấp đang chuẩn bị vào Việt Nam. Nhà bán lẻ này đã thuê lại hơn một phần tư diện tích (trong tổng số 55.500 mét vuông sàn bán lẻ) để đứng chung trong TTTM Saigon Centre ở quận 1, TPHCM.
Các doanh nghiệp trong nước cũng có khuynh hướng theo mô hình “one-stop shopping”, như Vingroup có Vincom; Saigon Co.op - chủ hệ thống chuỗi siêu thị Co.opmart - đang từng bước phát triển TTTM Sense City ở khu vực miền Tây nhắm tới đối tượng khách hàng có thu nhập trung bình - khá. Saigon Co.op cho biết bên cạnh việc đầu tư các Sense City hoàn toàn mới, một số siêu thị Co.opmart có diện tích lớn ở những địa phương phù hợp sẽ được chọn để từng bước nâng cấp lên mô hình TTTM Sense City, đáp ứng xu hướng mua sắm kết hợp thư giãn, giải trí... của một phân khúc khách hàng mới, nhất là những người trẻ, năng động, có thu nhập khá.
Quốc Hùng - TBKTSG