Apple kiếm được số tiền khổng lồ dựa trên doanh thu 30% từ các ứng dụng tải về trên iPhone, trong đó có Pokemon Go.
Mua theo nhóm phiên bản 2.0
- Cập nhật : 09/06/2016
Từng được xem là đầu tàu kéo thương mại điện tử của Việt Nam tăng tốc trong giai đoạn cuối năm 2011 nửa đầu năm 2012, sau sự cố Nhommua.com, các công ty theo mô hình Group-buying hay còn gọi là mua theo nhóm, gần như chựng lại và khá im tiếng trong cuộc đua thương mại điện tử trong 4 năm qua. Giờ đây, một số tay chơi dẫn dắt thị trường đang đánh tiếng trở lại với các dự án mới nhưng vẫn không từ bỏ mô hình Group-buying.
Không từ bỏ mô hình cốt lõi
Nhấp một ngụm cà phê, Hữu Bảo thở dài tiếc nuối khi nhắc đến thời hoàng kim của các công ty Group-buying. Lúc đó, anh đang làm ở 1 trong 4 doanh nghiệp dẫn đầu thị trường này. Những nhân viên kinh doanh như anh được thưởng vài chục triệu đồng tiền đạt doanh số mỗi tháng là chuyện bình thường, bởi tốc độ tăng trưởng đơn hàng tháng sau luôn gấp đôi tháng trước.
Được 1 năm, sự cố Nhommua.com, doanh nghiệp dẫn đầu thị trường lúc bấy giờ, nổ ra vào cuối năm 2012 đã khiến cho mô hình này chững lại. Nguyên nhân, theo ông Lương Duy Hoài, nhà sáng lập Giao hàng nhanh, là do tập trung phát triển đội ngũ giao nhận quy mô khiến các doanh nghiệp này mất nguồn lực lớn và thời gian, thay vì tập trung đầu tư vào giá trị cốt lõi là chọn nhóm hàng hiệu quả, có chất lượng. Bên cạnh đó, phần lớn các doanh nghiệp Group-buying chưa đầu tư hiệu quả vào thương mại điện tử ở tỉnh thành do chi phí giao hàng cao vì tỉ lệ trả hàng từ 25-30%.
Theo ông Hoài, các doanh nghiệp thương mại điện tử tại Việt Nam đều có lượng hàng hóa bán đi liên tỉnh thành chiếm đến gần 70% tổng đơn hàng. Trong khi đó, đại đa số các doanh nghiệp Group-buying thời đó chỉ tập trung bán hàng tại TP.HCM và Hà Nội, hai thị trường này vốn chịu sự cạnh tranh rất gay gắt.
“Cùng với nguyên nhân về chất lượng hàng hóa, sự thiếu minh bạch về giá với người mua, chất lượng phục vụ và sự canh tranh từ các trang thương mại điện tử đã đẩy mô hình Group-buying khỏi vùng phát triển nóng”, ông Hoài nhận định. Khi biến cố đã qua, các doanh nghiệp Group-buying tập trung vào giá trị cốt lõi là cung cấp dịch vụ, sản phẩm có chất lượng. Nhìn chung, cho đến nay, thị trường vẫn không có nhiều thay đổi khi thị phần vẫn nằm trong tay những cái tên của 4 năm trước là Hotdeal.vn, Cungmua.com, Nhommua.com... Tuy nhiên, các doanh nghiệp này đã chuyển dần mô hình từ bán phiếu giảm giá đơn thuần sang kết hợp bán các sản phẩm khác như thời trang, điện máy, đồ dùng mẹ và em bé… Doanh thu từ mảng phiếu giảm giá hiện chỉ chiếm khoảng 30% tổng doanh thu.
Mặc dù vậy, các doanh nghiệp này cho biết chưa có ý định từ bỏ mô hình Group-buying trong thời gian tới vì nhu cầu trải nghiệm sản phẩm mới lần đầu với mức giá ưu đãi của người tiêu dùng ở Việt Nam là rất lớn. Nhất là ngày càng có nhiều thương hiệu lớn trên thế giới trong lĩnh vực ăn uống, giải trí… gia nhập thị trường trong nước. Bên cạnh đó, mô hình Group-buying ngày càng đòi hỏi phải chuyên nghiệp hơn, khiến sân chơi này sẽ chỉ có một ít doanh nghiệp có thể trụ lại.
Nếu xét về doanh số trong lĩnh vực bán phiếu giám giá, theo ông Nguyễn Hoàng Minh, Giám đốc Đối ngoại của Công ty Cổ phần Hotdeal, đơn vị chủ quản website cùng tên, Hotdeal đang dẫn đầu thị trường với thị phần khoảng 50%, đứng thứ nhì là Cungmua.com và Nhommua.com (hai công ty này đã sáp nhập khoảng 1 năm kể từ khi sự cố Nhommua.com xảy ra).
“Ước tính tổng doanh thu thị trường phiếu giảm giá cho tất cả các dịch vụ vào khoảng 50 triệu USD/năm. Có đến 70% số đó nằm trong tay các doanh nghiệp lớn”, ông Minh nói.
Rốt ráo nhiều dự án mới
Song song với việc không từ bỏ mô hình cốt lõi, nhiều doanh nghiệp Group-buying hiện đang mở rộng hoặc chuyển hẳn sang mô hình kinh doanh mới. Giữa tháng 4 vừa qua, Công ty Cùng Mua, đơn vị chủ quản Cungmua.com và Nhommua.com, đưa Shipto.vn đi vào vận hành thử nghiệm. Đây là website chuyên nhận hàng đặt và chuyển hàng từ Mỹ và châu Âu về Việt Nam với giá rẻ hơn hàng xách tay trên thị trường từ 10-50%. Trước mắt, Công ty sẽ hợp tác với Amazon.com. Theo đó, khách hàng sẽ đặt hàng trên Shipto.vn, nhân viên sẽ đến thu tiền và giao hàng từ 7-10 ngày kể từ khi nhận tiền. Theo ông Nguyễn Lương Bằng, Giám đốc Tiếp thị Công ty Cùng Mua, mục tiêu của Shipto.vn là đa dạng nguồn hàng hóa cho tập khách hàng của Cungmua.com và Nhommua.com.
Có mức giá cạnh tranh, theo ông Bằng, do hàng được đặt theo yêu cầu và khách đã trả tiền trước nên phí lưu kho giảm đáng kể. Bên cạnh đó, việc hợp tác với Amazon.com cũng giúp Shipto.vn có mức phí vận chuyển cạnh tranh. Hiện Công ty có 2 kho ở TP.HCM và Hà Nội với tổng diện tích sàn gần 3.000 m2. Không chia sẻ về số lượng đơn hàng phát sinh, ông Bằng chỉ cho biết, sau hơn 1 tháng đi vào hoạt động, Shipto.vn có khoảng 7.500 lượt truy cập mỗi ngày. Các hàng hóa được quan tâm nhiều trong thời gian qua là mỹ phẩm, thuốc bổ và đồ chơi trẻ em.
Ngoài Shipto.vn, Cùng Mua hiện đang sở hữu 8 cửa hàng C-mart trên toàn quốc có hàng hòa rẻ hơn thị trường từ 20-50%. Để mua hàng ở C-mart, khách hàng phải đăng ký thẻ thành viên với phí 98.000 đồng/năm. Ông Bằng cho biết, hiện C-mart có khoảng 30.000 thành viên, tỉ lệ gia hạn thẻ đạt 70%.
Về phần mình, theo ông Minh của Hotdeal, dưới sự hỗ trợ về tài chính, quan hệ đối tác và công nghệ quản lý, vận hành của Transcosmos (Nhật), Công ty sẽ mở rộng sang mô hình B2C (doanh nghiệp đến khách hàng) chậm nhất là trong năm nay. Được biết, Transcosmos là đơn vị đã mua 30% cổ phần Hotdeal hồi tháng 8 năm ngoái. Dưới sự hỗ trợ của Transcosmos, Hotdeal đang trong quá trình đàm phán với các đối tác Nhật để đưa hàng mỹ phẩm, thời trang và thực phẩm vào danh mục sản phẩm trong thời gian tới.
Trên thực tế, cách đây 3 năm, Hotdeal đã vận hành theo mô hình B2C bằng cách lấy hàng trực tiếp từ nhà sản xuất các mặt hàng thời trang, gia dụng để cung cấp cho khách hàng. Có khác là chỉ thông qua hình thức Group-buying mà thôi. Hiện mỗi ngày, Công ty tiếp nhận khoảng 10.000 đơn hàng, con số này tăng gấp đôi vào các dịp có chương trình khuyến mãi.
Ông Minh cho biết, do chỉ mới bắt đầu tham gia vào các hoạt động quản trị từ đầu năm nay nên chưa thể đánh giá những dấu ấn của Transcosmos đối với Hotdeal. Hiện Công ty sở hữu hai kho hàng ở Hà Nội và TP.HCM với tổng diện tích khoảng 4.000 m2, khả năng xử lý khoảng 20.000 đơn hàng/ngày. Từ nay đến cuối năm, Công ty cũng tăng gấp đôi số lượng nhân viên giao hàng so với hiện nay để đáp ứng nhu cầu phát triển, ước tính khoảng 300 người.
Theo khảo sát khác của NCĐT, Hotdeal.vn hiện đang dẫn đầu thị trong nhóm Group-buying với khoảng 4.600 đơn hàng/ngày (tính luôn cả đơn hàng giao phiếu giảm giá) với khoảng 2,2 triệu khách hàng. Con số này của Cungmua.com và Nhommua.com là khoảng 4.300 đơn hàng/ngày với khoảng 2,5 triệu khách hàng.
Có thể nói, với sự trở lại lần này, rất khó cho các công ty như Hotdeal hay Cùng Mua có thể gây ra cơn sốt như trước đó. Nhưng với sự tồn tại dẻo dai của các công ty này trong giai đoạn khắc nghiệt vừa qua, họ sẽ là những đối thủ đáng chú ý trong cuộc đua thương mại điện tử.
Huy Vũ
(Theo Nhịp Cầu Đầu Tư)