tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Xuất khẩu tôm sang Hàn Quốc gặp khó vì quy định xử lý nhiệt bắt buộc

  • Cập nhật : 11/08/2018

Theo VASEP, quy định yêu cầu xử lý nhiệt bắt buộc đối với sản phẩm tôm hấp nhập khẩu của Hàn Quốc có thể làm tăng chi phí sản xuất cũng như giá bán của sản phẩm và làm giảm sức cạnh tranh của sản phẩm tôm Việt Nam tại thị trường nước này.

Hàng năm, Hàn Quốc nhập khẩu (NK) khoảng 80.000 tấn tôm từ các nước trên thế giới. Trong ba năm trở lại đây, giá trị NK vào Hàn Quốc liên tục tăng trưởng. Theo thống kê của Trung tâm Thương mại Quốc tế (ITC), trong 6 tháng đầu năm 2018, NK tôm vào thị trường này đạt gần 307,6 triệu USD, tăng 18,4% so với cùng kỳ năm 2017.

Việt Nam là nước cung cấp tôm lớn nhất cho Hàn Quốc với thị phần áp đảo 55,4% so với các đối thủ khác.

Tại thị trường Hàn Quốc, Việt Nam phải cạnh tranh về giá với tôm Trung Quốc, Ấn Độ và Ecuador. Tuy nhiên, Việt Nam được hưởng ưu đãi thuế so với đối thủ khác như Trung Quốc, Ấn Độ, Ecuador và Thái Lan.

Kể từ khi Hiệp định Thương mại Tự do Việt Nam - Hàn Quốc có hiệu lực, xuất khẩu (XK) tôm của Việt Nam vào thị trường Hàn Quốc đã đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận. Tuy nhiên, việc Hàn Quốc siết chặt hơn về vấn đề chất lượng trở thành thách thức đối với tôm Việt Nam.

Cụ thể, yêu cầu về xử lý nhiệt bắt buộc đối với sản phẩm tôm hấp để được cấp chứng thực vệ sinh (HC) vào thị trường Hàn Quốc gây khó cho doanh nghiệp XK tôm vào nước này.

Theo đó, các sản phẩm giáp xác hấp phải được xử lý ở nhiệt độ 90°C trong ít nhất 20 phút (hoặc trong bất kỳ thời gian/nhiệt độ tương đương đã được chứng minh khử IHHNV). Các sản phẩm giáp xác hấp phải được xử lý nhiệt ở nhiệt độ 70°C trong ít nhất 30 phút (hoặc trong bất kỳ thời gian/nhiệt độ tương đương đã được chứng minh khử TSV)...

Tuy nhiên, theo VASEP, điều kiện băng chuyền hấp của các công ty thủy sản hiện nay không đáp ứng được vì thông thường, thiết kế cho băng chuyền hấp chạy chậm nhất chỉ được 5 phút 20 giây. Kể cả trong trường hợp băng chuyền có chạy được thì sản phẩm sau gia nhiệt cũng bị ảnh hưởng rất lớn về cảm quan. Sản phẩm không còn đạt được yêu cầu cảm quan về cơ thịt, mùi vị, màu sắc,...nên khách hàng không chấp nhận, đồng thời chi phí sản xuất quá cao dẫn đến giá bán tăng, ảnh hưởng tới hoạt động bán hàng.

Cục Quản lý Chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản, VASEP và các doanh nghiệp thủy sản đã họp bàn và dự kiến sẽ cùng phối hợp làm thử nghiệm các chế độ gia nhiệt trên sản phẩm tôm. Việc này nhằm chứng minh với Hàn Quốc là các chế độ gia nhiệt trong thời gian ngắn hơn vẫn có thể đảm bảo an toàn dịch bệnh.

Nguồn: Vietnambiz.vn

Trở về

Bài cùng chuyên mục