tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Xuất khẩu thủy sản "chông chênh" đầu năm

  • Cập nhật : 21/02/2016

(Tin kinh te)

Tháng đầu năm, XK thủy sản vẫn tiếp tục đà sụt giảm so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, dự báo cả năm XK mặt hàng này sẽ có những tín hiệu tích cực nhờ tác động từ các Hiệp định thương mại (FTA).

xuat khau thuy san "chong chenh" dau nam

Xuất khẩu thủy sản "chông chênh" đầu năm


Cá tra gặp khó

Theo báo cáo của Bộ NN&PTNT: Tính tới hết tháng 1, giá trị XK thủy sản ước đạt 455 triệu USD, giảm 8,8% so với cùng kỳ năm 2015. Bước vào năm 2016, thị trường cá tra nguyên liệu tại các tỉnh ĐBSCL không có biến động so với tháng cuối năm 2015 và vẫn khá trầm lắng.

Sản xuất cá tra chưa có dấu hiệu tích cực, nguyên nhân là bởi thị trường XK gặp nhiều khó khăn, giá cá tra nguyên liệu thấp. Cụ thể, giá cá trong size dưới 1kg/con chỉ dao động quanh mức 19.000-20.000 đ/kg. Tính chung sản lượng nuôi cá tra của các tỉnh ĐBSCL trong tháng 1 ước đạt 75 nghìn tấn, giảm 7% so với cùng kỳ năm trước.

Không chỉ khó khăn riêng tháng đầu năm, Hiệp hội Chế biến và XK Thủy sản Việt Nam (VASEP) dự báo: Trong suốt năm 2016, XK cá tra sẽ tiếp tục giảm khoảng 5% so với năm 2015, ước đạt 1,5 tỉ USD. Nguyên nhân được VASEP chỉ ra chủ yếu là khó khăn liên quan đến thuế chống bán phá giá và chương trình thanh tra cá da trơn của Hoa Kỳ. Bên cạnh đó, theo VASEP, khó khăn cũng đến từ việc tại nhiều thị trường XK lớn, cá tra sẽ phải cạnh tranh với các sản phẩm thủy sản thịt trắng có thể được người tiêu dùng các nước chọn thay thế cá tra như cá tuyết, cá rô phi, cá minh thái...

Cũng đánh giá XK cá tra năm nay sẽ gặp nhiều khó khăn, trao đổi với phóng viên Báo Hải quan, ông Võ Hùng Dũng, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Cá tra Việt Nam cho rằng, khi gặp khó ở các thị trường lớn như Mỹ, EU,… xu hướng là các DN sẽ thúc đẩy mạnh hơn XK sang thị trường Trung Quốc. “Dự kiến trong năm nay, XK cá tra sang Trung Quốc sẽ chiếm khoảng 16-17% tổng kim ngạch XK. Trung Quốc là thị trường quan trọng, tiềm năng nhưng cũng tiềm ẩn rất nhiều rủi ro. Vì vậy, các DN cũng cần tính toán kỹ lưỡng, đồng thời hướng tới nhiều thị trường khác như Trung Đông, Mỹ La Tinh…”, ông Dũng nhấn mạnh.

Tôm khả quan

Là một trong hai mặt hàng thủy sản XK chủ lực, cơ hội đối với con tôm của Việt Nam khả quan hơn cá tra khá nhiều. Hiện nay, tình hình tiêu thụ tôm ở các thị trường lớn khá tốt. Bộ NN&PTNT dự báo, thị trường tiêu thụ tôm cả năm tương đối sáng sủa với mục tiêu nhắm vào phân khúc thị trường cấp cao. Theo Bộ NN&PTNT, vào thời điểm này, hầu hết các Sở NN&PTNT đang tập trung triển khai đưa ra các khuyến cáo về thời vụ thả tôm nước lợ năm 2016, theo dõi chặt chẽ diễn biến tình hình nuôi và thực hiện tốt công tác quan trắc môi trường, mầm bệnh để xử lý kịp thời.

VASEP phân tích, trên thực tế trong năm nay mặt hàng tôm của Việt Nam vẫn bị ảnh hưởng của làn sóng giảm giá và áp lực cạnh tranh. Tuy nhiên, XK tôm sẽ tiếp nhận tác động tích cực từ những FTA đối với các thị trường như Hàn Quốc, Nhật, EU hay ASEAN. VASEP đưa ra dự báo, XK tôm cả năm đạt 3,3 tỉ USD, tăng 12% so với năm 2015.

Theo ông Ngô Văn Ích, Chủ tịch VASEP, trong năm 2016, những cơ hội từ các FTA mang lại cho ngành thủy sản chỉ mới là bước đầu. Các DN có tận dụng được hay không là vấn đề lớn, cần nghiên cứu kỹ lưỡng. Bên cạnh những thuận lợi, các DN XK cũng phải đối mặt với nhiều thách thức như các rào cản kỹ thuật, vấn đề kiểm dịch, dư lượng kháng sinh, giá thành sản xuất cao… Ngoài ra, ông Ích cho rằng, hiện nay nhiều thị trường lớn trên thế giới đều quy định bắt buộc việc truy xuất nguồn gốc sản phẩm. Trong khi đó, việc sản xuất thủy sản theo chuỗi từ trại giống, vùng nuôi, hệ thống xử lý nước tới nhà máy chế biến… hiện vẫn chưa chặt chẽ, thậm chí bị ‘thả nổi”. Điều này gây ra nhiều khó khăn cho hàng thủy sản XK.

Xung quanh vấn đề này, ông Nguyễn Hoài Nam, Phó Tổng thư ký VASEP bổ sung, việc lạm dụng kháng sinh trong nuôi trồng thủy sản, chất lượng hàng XK không đảm bảo là vấn đề dai dẳng, thách thức đối với ngành thủy sản. Muốn cạnh tranh tốt, vấn đề này cần được giải quyết thông qua sự nỗ lực của cả cộng đồng DN và cơ quan quản lý Nhà nước. Bên cạnh đó, để tăng cường sức cạnh tranh cho hàng thủy sản XK, thúc đẩy hoạt động xúc tiến thương mại, bảo vệ thị trường cũng là điều hết sức quan trọng.

Theo Tổng cục Thủy sản (Bộ NN&PTNT): Giá trị XK thủy sản năm 2015 đạt 6,57 tỷ USD, giảm 16% so với năm 2014. Hoa Kỳ vẫn là thị trường NK hàng đầu của thủy sản Việt Nam, chiếm 19,9% tổng giá trị XK.

Trong năm 2016, Tổng cục Thủy sản xác định sẽ tập trung đẩy mạnh việc thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành thủy sản và Chương trình mục tiêu phát triển thủy sản bền vững đến năm 2020. Dự kiến, sản lượng thủy sản cả năm 2016 đạt 6,4 triệu tấn, cung cấp nguyên liệu chất lượng phục vụ chế biến, XK 7,6 tỷ USD.

 

Theo Thanh Nguyễn
Báo hải quan

Trở về

Bài cùng chuyên mục