tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Xuất khẩu thủy sản tăng nhưng vẫn lo

  • Cập nhật : 08/07/2016

Xuất khẩu các mặt hàng thủy sản trong những tháng đầu năm tăng trưởng mạnh là tín hiệu đáng mừng song vẫn còn ẩn chứa nhiều mối lo.

Theo thống kê của Tổng cục Hải quan, tổng kim ngạch xuất khẩu cá tra từ ngày 1-1 đến 31-5 đạt gần 650 triệu USD, tăng 5,5% so với cùng kỳ năm 2015. Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) cũng cho biết xuất khẩu tôm của Việt Nam đạt hơn 1 tỉ USD, tăng 6% so với cùng kỳ.

Tăng không toàn diện

Đặt vào bối cảnh nguồn nguyên liệu thủy sản đang thiếu hụt trầm trọng, hàng loạt nhà máy chế biến hoạt động dưới công suất trong những tháng đầu năm, không ít người nghi ngại rằng việc tăng trưởng xuất khẩu có phần nào nghịch lý. Tuy nhiên, theo các doanh nghiệp (DN) chế biến thủy sản xuất khẩu ở ĐBSCL, hiện tượng tăng trưởng trên là bình thường bởi lúc này là thời điểm các thị trường lớn đang tăng cường nhập khẩu hàng thủy sản, cùng với đó là giá trị xuất khẩu cũng tăng theo.

“Nếu không gặp phải tình trạng thiếu nguyên liệu thì xuất khẩu tôm còn tăng trưởng mạnh hơn. Nhiều năm qua, không lúc nào các nhà máy không thiếu tôm nguyên liệu, hoạt động dưới công suất nhưng xuất khẩu tôm vẫn tăng trưởng vào những tháng đầu năm chứ ít khi sụt giảm. Hiện tại, ngành xuất khẩu tôm đang hưởng lợi nhờ các thị trường lớn đang tăng cường nhập khẩu và giá trị xuất khẩu tôm trên đà tăng. Nhờ vậy mà DN bớt khó khăn hơn trong điều kiện thiếu nguyên liệu như hiện nay” - bà Lê Thị Hạt, Giám đốc Công ty CP Thủy sản Minh Hiếu Bạc Liêu, cho biết.

Theo VASEP, trong tốp 10 thị trường nhập khẩu tôm Việt Nam thì Mỹ, EU, Trung Quốc, Hàn Quốc tăng trưởng tốt. Trong đó, tôm xuất sang Trung Quốc và Hồng Kông tăng mạnh nhất với hơn 34%, do Trung Quốc đang tăng cường nhập khẩu tôm. Riêng thị trường EU tăng cường nhập các sản phẩm tôm ăn liền, tôm dễ chế biến và tôm giá trị gia tăng (tôm xiên que hoặc tôm tẩm ướp gia vị) từ Việt Nam.

Cũng theo VASEP, vừa qua, nguồn nguyên liệu tôm trong nước khan hiếm nhưng chưa tác động ngay đến kết quả xuất khẩu, trong khi các yếu tố cung cầu thị trường vẫn đang có lợi cho con tôm Việt Nam.

Trong khi đó, cá tra xuất khẩu sang Mỹ 5 tháng đầu năm đạt hơn 152 triệu USD (tăng 12,9%), Trung Quốc và Hồng Kông đạt gần 95 triệu USD (tăng 72,7%), Brazil đạt 32,8 triệu USD (tăng 118,3%). Còn lại những thị trường khác như: Ả Rập Saudi, ASEAN, Colombia, Mexico… đều giảm. Riêng EU, một trong hai thị trường xuất khẩu cá tra lớn nhất của Việt Nam, chỉ đạt 109,3 triệu USD (giảm 8,1%).

Theo nhận định của Hiệp hội Cá tra Việt Nam (VN Pangasius), kim ngạch xuất khẩu cá tra có tăng so với cùng kỳ do những thị trường chính như Mỹ thường tăng nhập hàng vào những tháng đầu năm; trong khi đó, EU và các thị trường khác có suy giảm nhưng bù lại, các DN xuất khẩu đã tìm kiếm thị trường khác thay thế như Trung Quốc, Brazil…

Ông Trần Thanh Phong, Phòng Pháp chế của VN Pangasius, đánh giá: “Việc gia tăng kim ngạch xuất khẩu tại thị trường Trung Quốc là điều đương nhiên vì nước này có nhu cầu cao về cá tra. Bên cạnh đó, đây là thị trường dễ tính, chưa có quy định, quy chuẩn gắt gao như một số thị trường khác. Hiện nay, mặt hàng cá tra xẻ bướm đang được Trung Quốc nhập khẩu nhiều. Dù vậy, cá tra xuất qua Trung Quốc có giá thấp, chỉ vào khoảng 2 USD/kg (phi lê), trong khi qua Mỹ và EU từ 3 đến 3,5 USD/kg”.

Còn ảm đạm

Bà Võ Thị Thanh Hương, Phó Tổng thư ký VN Pangasius, cho biết hiện nay diện tích nuôi cá tra trong vùng ĐBSCL đã giảm mạnh. Tính đến ngày 29-6, diện tích nuôi mới cá tra tại ĐBSCL là 1.445 ha (giảm 26% so với cùng kỳ), diện tích thu hoạch là 1.558 ha (giảm 16%), sản lượng đạt 493.402 tấn (giảm 4%). Trong 10 tỉnh có vùng nuôi cá tra thì có 9 tỉnh diện tích nuôi mới giảm, chỉ trừ tỉnh Trà Vinh tăng 1,3 ha. Các địa phương có diện tích nuôi giảm mạnh gồm: Kiên Giang (100 ha), Sóc Trăng (100 ha), Đồng Tháp (27 ha), Bến Tre (23ha), Cần Thơ (31 ha)…

Nhận định về tình hình xuất khẩu cá tra hiện nay, ông Lê Chí Bình, Thường trực VN Pangasius kiêm Phó Chủ tịch Hiệp hội Nghề nuôi và Chế biến thủy sản An Giang, cho biết: “Tình hình xuất khẩu cá tra sang các thị trường lớn như EU, Mỹ… đều chưa có tín hiệu khả quan. Cá tra hiện chủ yếu xuất khẩu mạnh sang Trung Quốc nhưng giá bán thấp.

Hiện các DN cũng không còn mua cá trong dân để chế biến xuất khẩu mà chủ yếu là bắt cá từ vùng nuôi của chính DN tự xây dựng. Người nuôi cá kiểu nhỏ lẻ chắc chắn không còn “đất sống” nếu như không thực hiện liên kết với DN. Năm 2016 được dự báo là hết sức khó khăn so với năm ngoái vì các thị trường vẫn chưa có gì khả quan dù những tháng đầu năm xuất khẩu có tăng trưởng nhưng không bền vững” - ông Bình khẳng định.

TS Dương Nghĩa Quốc, Chủ tịch VN Pangasius, cho biết để vực dậy ngành hàng mang tính chiến lược quốc gia này, không còn cách nào khác là phải tập trung nâng cao chất lượng hàng hóa. Bên cạnh việc “nâng cấp” chuỗi liên kết thì các ngành chức năng cũng nên nhìn nhận thực tế về mặt được, chưa được để khắc phục những tồn tại bấy lâu nay.

Ông Nguyễn Hữu Nguyên - Chủ nhiệm HTX Nuôi cá tra ở huyện Châu Phú, tỉnh An Giang - cho biết hiện giá cá tra nguyên liệu đã xuống ngưỡng lỗ khoảng 19.000 đồng/kg nhưng không có DN nào đến hỏi mua. Nếu số lượng cá này không kịp tiêu thụ thì sẽ trở thành quá lứa thì giá chỉ còn 17.500 đồng/kg.

“Nói chính xác hơn là những người nuôi cá tra như chúng tôi hiện đang bế tắc về đầu ra. Giá cá hiện chỉ còn 19.000 đồng/kg nhưng vẫn không có người mua thì còn hy vọng gì nữa” - ông Nguyên than thở.

Nhập để xuất

Trong 3 năm qua, kim ngạch nhập khẩu tôm nguyên liệu của Việt Nam đều tăng 2 con số, đã phần nào chứng minh DN ngày càng ưu ái nhập khẩu nguyên liệu. Nhiều DN cho rằng họ buộc phải nhập khẩu nguyên liệu là do tôm trong nước bị thiếu hụt trầm trọng. Tuy nhiên, thực tế chưa hẳn là vậy. Theo giám đốc một DN xuất khẩu thủy sản lớn ở ĐBSCL, ngoài lý do trên, còn do giá tôm nguyên liệu trong nước cao hơn so với các nước lân cận. Thực tế, năm 2015, Ấn Độ là quốc gia có giá xuất khẩu tôm rẻ hơn Việt Nam, có lúc chênh lệch đến 2 USD/kg đã trở thành nguồn cung tôm lớn nhất của Việt Nam và chiếm đến 74,7% tổng nhập khẩu tôm của cả nước trong năm 2015. Dự báo nhu cầu nhập khẩu tôm năm 2016 của Việt Nam sẽ lên khoảng 470 triệu USD, tăng 10% so với năm 2015.


Nguồn: nld.com.vn

Trở về

Bài cùng chuyên mục