tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Xin chứng nhận thủy sản khai thác: Vướng quy định mới

  • Cập nhật : 07/07/2016

EU yêu cầu có giấy chứng nhận thủy sản khai thác mới được xuất khẩu vào thị trường này. Sắp tới, Mỹ cũng sẽ yêu cầu tương tự.

Nhiều doanh nghiệp (DN) chế biến thủy sản xuất khẩu tại TP.HCM đang “ngồi trên đống lửa” vì thông báo của Chi cục Quản lý chất lượng và Bảo vệ nguồn lợi thủy sản TP.HCM. Theo đó, sẽ ngưng cấp giấy chứng nhận thủy sản khai thác đối với các lô hàng có nguyên liệu thủy sản khai thác không phải thuộc địa bàn TP.HCM kể từ 1-8.

Tốn thời gian, nguy cơ ách tắc xuất khẩu

Các DN thủy sản tại TP.HCM có đặc điểm chung là thu mua nguyên liệu khắp các tỉnh, thành ven biển như Cà Mau, Sóc Trăng, Bình Thuận, Thanh Hóa, Bà Rịa-Vũng Tàu… rồi chuyển về nhà máy tại TP.HCM để chế biến xuất khẩu vào thị trường EU. Trách nhiệm xin cấp giấy xác nhận nguyên liệu thủy sản khai thác tại các chi cục thủy sản nơi mua nguyên liệu thuộc về các nậu, vựa hoặc DN thu mua tại địa phương.

tren co so giay xac nhan tren, dn den chi cuc quan ly chat luong va bao ve nguon loi thuy san tp.hcm de tien hanh xin cap giay chung nhan thuy san khai thac.

Trên cơ sở giấy xác nhận trên, DN đến Chi cục Quản lý chất lượng và Bảo vệ nguồn lợi thủy sản TP.HCM để tiến hành xin cấp giấy chứng nhận thủy sản khai thác.

Thế nhưng với Thông tư 50/2015 của Bộ NN&PTNT, cụ thể là khoản 7 Điều 18: “DN lựa chọn một trong các cơ quan thẩm quyền đã xác nhận nguyên liệu thủy sản khai thác để nộp hồ sơ đề nghị chứng nhận thủy sản khai thác”, các DN cho rằng họ gặp không ít khó khăn.

Theo ông Phạm Hải Long, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phẩn Thực phẩm Agrex Saigon, việc yêu cầu DN quay về các chi cục thủy sản nơi đã cấp xác nhận nguyên liệu thủy sản khai thác để xin cấp chứng nhận thủy sản khai thác sẽ phát sinh chi phí, nhân sự... Cạnh đó, thời gian cấp chứng nhận thủy sản khai thác sẽ kéo dài so với hiện nay khi DN có nhà máy tại TP.HCM phải xuống Nha Trang, Cà Mau hay Bạc Liêu xin cấp giấy chứng nhận.

“DN thu mua 10 tấn tôm cá tại Nha Trang nhưng họ không chế biến rồi xuất khẩu hết một lần mà chia ra thành 20 lần. Nếu như vậy DN phải quay về địa phương đó tới 20 lượt để làm hồ sơ xin cấp giấy chứng nhận thủy sản khai thác…” - ông Long nói.

TP.HCM muốn hỗ trợ DN

Trao đổi với chúng tôi, ông Trần Đình Vĩnh, Chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng và Bảo vệ nguồn lợi thủy sản TP.HCM, cho biết để tạo điều kiện thuận lợi cho DN xuất khẩu thủy sản, thời gian qua Chi cục đã cấp chứng nhận thủy sản khai thác cho các DN, DN không mất chi phí nào. Chữ ký của ông Vĩnh đã được đăng ký quốc tế nên nhiều năm nay DN xuất khẩu sang EU không hề gặp vướng mắc nào. Tuy nhiên, nay Chi cục ngưng cấp giấy chứng nhận khai thác vì theo quy định khoản 7 Điều 18 Thông tư 50/2015 ở trên.

Ông Vĩnh đưa ví dụ DN mua thủy sản ở TP.HCM, Bình Thuận và Cà Mau, có xác nhận thủy sản khai thác tại ba địa phương này thì DN có quyền lựa chọn TP.HCM xin chứng nhận thủy sản khai thác để xuất khẩu. Nhưng nếu DN chỉ mua thủy sản nguyên liệu ở Bình Thuận, Cà Mau thì chỉ được chọn xin cấp giấy chứng nhận tại một trong hai tỉnh Bình Thuận và Cà Mau. Vì vậy, những DN nào không mua thủy sản khai thác tại TP.HCM thì Chi cục không thể cấp giấy chứng nhận khai thác.

Ông Vĩnh thừa nhận DN xuất khẩu thủy sản tại TP.HCM sẽ gặp khó. Các chi cục nhiều tỉnh chưa làm quen... Ngoài ra, dễ bị ách tắc trong quá trình xuất khẩu nếu chữ ký của chi cục trưởng chưa đăng ký quốc tế. “Vì thế, Chi cục đã hướng dẫn DN thủy sản tại TP.HCM gửi kiến nghị ra Tổng cục Thủy sản, nếu được ủy quyền cho phép cấp chứng nhận thì chắc chắn Chi cục sẽ tiếp tục hỗ trợ cho DN thủy sản xuất khẩu tại TP.HCM” - ông Vĩnh chia sẻ.

Ông Trương Đình Hòe, Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP), cho biết có giấy chứng nhận thủy sản khai thác mới được xuất khẩu là đòi hỏi tại thị trường EU. Sắp tới Mỹ cũng sẽ yêu cầu thủy sản Việt Nam có chứng nhận khai thác như EU.

Theo ông Long, chi tiết khai báo trong chứng nhận thủy sản khai thác chỉ được thực hiện sau khi tàu chạy 1-2 ngày vì còn phải chấp thuận của chủ hàng nhập khẩu.

Theo thông lệ thanh toán quốc tế và yêu cầu của phần lớn khách hàng EU, DN xuất khẩu phải xuất trình bộ chứng từ thanh toán trong ngân hàng trong thời hạn bảy ngày, kể từ ngày tàu chạy đối với phương thức thanh toán L/C (tín dụng thư) và ba ngày đối với phương thức thanh toán TTR (điện chuyển tiền). Chứng nhận thủy sản khai thác là một thành phần không thể thiếu trong bộ chứng từ này.

“Thủ tục xuất khẩu đều có quy định thời gian, nếu việc kéo dài thời gian này xảy ra, DN xuất khẩu thủy sản sẽ bị phạt vì L/C bất hợp lệ, việc chuyển khoản ngoại tệ thanh toán hàng xuất khẩu từ nước ngoài về Việt Nam cũng sẽ bị kéo dài bất hợp lý. Hậu quả ảnh hưởng đến việc trả tiền mua nguyên liệu, chi lương cho hàng ngàn công nhân, tăng chi phí lãi vay ngân hàng cho hoạt động kinh doanh của DN” - ông Long nói.

Đúng là theo Thông tư 50/2015, nếu DN không mua thủy sản khai thác ở TP.HCM thì TP.HCM không cấp giấy chứng nhận khai thác nhưng xem xét nhu cầu thực tế cũng cần có giải pháp hỗ trợ DN… Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP) sẽ có kiến nghị cụ thể về việc này. Cần thiết có cơ chế chứng nhận liên thông giữa các địa phương và cơ chế ủy quyền từ Tổng cục Thủy sản.

Ông Trương Đình Hòe, Tổng Thư ký VASEP

(Phapluattp)

 
Trở về

Bài cùng chuyên mục