Theo số liệu thống kê sơ bộ của Tổng cục Hải quan, kim ngạch nhập khẩu hàng hoá từ Trung Quốc trong 7 tháng đầu năm nay tăng khá mạnh trên 13% so với cùng kỳ năm ngoái, đạt 35,73 tỷ USD, trong đó có nhiều mặt hàng là nguyên liệu sản xuất và hàng thương mại, tiêu dùng.
Thế giới đang bỏ cả tỷ USD để mua loại trái cây Việt nào?
- Cập nhật : 11/06/2016
Số liệu Bộ NN&PTNT cho thấy, 4 tháng đầu năm 2016, xuất khẩu rau quả của Việt Nam đạt 764 triệu USD, tăng 47,7% so với cùng kỳ 2015. Đến tháng 5/2016, con số này đã tăng lên hơn 900 triệu USD, dự kiến trái cây Việt sẽ phá kỷ lục vào cuối năm nay.
Theo Cục Bảo vệ thực vật (Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn), hiện nay, tại tất cả các thị trường Đông Âu, EU cũng như Đông Nam Á, các loại trái cây, rau củ của Việt Nam đều thỏa mãn điều kiện quy định về an toàn thực phẩm, kiểm dịch thực vật.
Ông Hoàng Trung, Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NN&PTNT) cho biết, tình hình "xuất ngoại" của hoa quả Việt tuy còn nhiều khó khăn, thách thức, song cũng đang mở ra cơ hội rất lớn trong thời gian tới.
Với thị trường Mỹ: Hiện nay có 4 loại quả của Việt Nam đã xuất khẩu thành công là thanh long, chôm chôm, nhãn và vải. Tính đến tháng 5/2016, lượng xuất khẩu sang thị trường này tăng gấp đôi so với năm 2015 (1.000 tấn).
Hiện các đơn vị đang hoàn tất thủ tục để cho phép nhập khẩu xoài và vú sữa.
Tính riêng quý I/2016, Mỹ đã vượt Hàn Quốc và Nhật Bản vươn lên vị trí thứ 2 (sau Trung Quốc) trong top 10 thị trường nhập khẩu rau quả nhiều nhất Việt Nam với 4% thị phần.
Thị trường Úc: Hơn 10 năm qua, sau quá trình đàm phán với các đại sứ, tham tán nông nghiệp, đến nay, Việt Nam đã xuất khẩu vải khá thành công.
Tính đến hết năm 2015, vải xuất khẩu sang thị trường này đạt hơn 30 tấn và được người tiêu dùng đánh giá cao.
Mới đây, Bộ Nông nghiệp và Nguồn nước Úc chính thức cho phép Việt Nam xuất khẩu quả xoài sang thị trường này.
Các khâu kỹ thuật, danh mục dịch hại, biện pháp chiếu xạ đã được nước bạn chấp nhận. Hiện các DN đang làm giấy phép nhập khẩu.
Cùng thời điểm này, trái thanh long cũng vừa hoàn tất khâu cuối cùng.
Thị trường Đài Loan: Việc giao lưu sản phẩm rau – củ giữa Việt Nam và Đài Loan tương đối nhiều, đặc biệt sản phẩm khô như thanh long, nhãn, vải, sầu riêng, chôm chôm...
Cách đây 5-8 năm, chỉ riêng sản lượng quả tươi Việt Nam đã xuất sang thị trường này trung bình đạt 14.000-16.000 tấn/năm.
Tuy nhiên, sau khi một vài lô hàng thanh long nhiễm ruồi đục, quả thanh long Việt bị xếp vào danh mục cấm của nước này.
Sau 8 năm nỗ lực, mới đây, phía Đài Loan đã cho đã cho phép Việt Nam xuất khẩu thanh long trở lại sang Đài Loan, bắt đầu từ 1/6/2016.
Thị trường Nhật Bản: Xứ sở hoa anh đào đã cho phép Việt Nam xuất khẩu thanh long ruột trắng vào thị trường nước này.
Bên cạnh đó, sau gần 5 năm đàm phán, cuối năm 2015, quả xoài Cát Chu (xử lý bằng hơi nước nóng) của Việt Nam cũng chính thức được xuất hiện trên kệ các siêu thị lớn ở Nhật Bản. Số lượng tiêu thụ tính đến hết năm 2015 là 13 tấn xoài.
Hiện Cục BVTV (Bảo vệ thực vật) tiếp tục đề nghị nước bạn sớm hoàn tất các thủ tục mở cửa cho thanh long ruột đỏ, vải và nhãn.
Thị trường Hàn Quốc: Thanh long ruột trắng, ruột đỏ và xoài (xử lý bằng hơi nước nóng) đã được phép nhập khẩu vào thị trường này sau 2-3 năm đàm phán.
Bên cạnh đó, bước sang năm thứ 4, quả vú sữa của Việt Nam đã được phía Hàn Quốc tiếp tục hoàn tất các thủ tục cho phép nhập khẩu. Việt Nam cũng là thị trường đầu tiên nộp hồ sơ loại quả này sang thị trường Hàn Quốc.
Với Hàn Quốc, 3 tháng đầu năm kim ngạch xuất khẩu rau quả Việt Nam sang thị trường này đạt 18,6 triệu USD, tăng 15,9% và đứng ở vị trí thứ 3 trong top 10 thị trường nhập khẩu rau quả Việt Nam.
Thị trường New Zealand: Ngày 22/12/2011, New Zealand đã cho phép nhập khẩu mặt hàng xoài quả tươi từ Việt Nam.
Đến ngày 1/5/2014, Bộ Công nghiệp Cơ bản New Zealand tiếp tục ban hành quy định nhập khẩu và thông quan đối với thanh long Việt nhập khẩu vào nước này.
Mặc dù đây không phải thị trường kỳ vọng xuất được nhiều (với dân số chưa đầy 5 triệu dân), nhưng hoa quả Việt xuất được vào thị trường này sẽ là một thành công lớn.
New Zealand là một quốc gia tiên tiến hàng đầu thế giới với các quy định cao, thậm chí hơn cả Mỹ.
Do đó, xuất khẩu sang New Zealand thành công, sẽ là tiền đề mang tính bắc cầu để dùng thông số kỹ thuật có sẵn gửi sang nộp cho các thị trường khó tính như Argentina, Chile, Brazil...
Muộn nhất 2017, 6 hồ sơ của các loại quả phổ biến ở thị trường mới sẽ có câu trả lời cho phía Việt Nam.
Hiện nay, quả tươi của Việt Nam đã đến hơn 40 quốc gia và vùng lãnh thổ. Trong đó, Trung Quốc vẫn là thị trường chủ yếu.
Thông tin từ Cục Bảo vệ thực vật, 4 tháng đầu năm 2016, xuất khẩu quả tươi vào thị trường khó tính đạt 3.400 tấn các loại.
Trong đó, thanh long đạt hơn 2.522 tấn đi Mỹ, Nhật, Hàn Quốc. Xoài đi Nhật và Hàn Quốc đạt hơn 229 tấn. Chôm chôm, nhãn đi Mỹ đạt lần lượt khoảng 160 tấn và 500 tấn.
Qua số liệu kiểm dịch tại các cửa khẩu, năm 2015, xuất khẩu nhiều nhất vẫn là thanh long đạt khoảng 1,1 triệu tấn (trong đó Trung Quốc gần 1 triệu tấn), Thái Lan (18.000 tấn), Hồng Kông (2.500 tấn).
Dưa hấu, đã xuất được gần 300.000 tấn, nhãn 250.000 tấn, xoài hơn 100.0000 tấn, vải tươi hơn 77.000 tấn, chuối quả tươi hơn 40.000 tấn, chôm chôm khoảng 20.000 tấn.
(Theo Xaluan)