Sau khi đạt mức xuất siêu ấn tượng trong năm 2018 và xuất siêu nhẹ tháng đầu tiên của năm 2019, bước sang tháng thứ 2, nhập siêu đã quay trở lại. Bộ Công Thương đang tích cực triển khai loạt giải pháp, trong đó có tận dụng tối đa các Hiệp định thương mại tự do (FTA) nhằm đạt mục tiêu tăng trưởng xuất khẩu đã đề ra.
Phát triển ngành trái cây - Bài 2: Đẩy mạnh năng lực chế biến
- Cập nhật : 19/02/2019
Ngành nông nghiệp nói chung và xuất khẩu trái cây nói riêng đang có sự thay đổi chiến lược tiếp cận thị trường thế giới khá vững chắc.
Xuất khẩu các loại nông sản ở dạng thô đang dần thay thế bằng việc đầu tư, phát triển các nhà máy chế biến sâu gắn liền với chuỗi sản xuất, cung ứng sản phẩm ra thị trường.
Tính đến cuối năm 2018, Việt Nam đã có 9 nhà máy chế biến rau củ quả được đưa vào vận hành, với công nghệ tiên tiến của các nước châu Âu, Nhật Bản. Các sản phẩm nông sản phục vụ thị trường trong nước và xuất khẩu đáp ứng nhu cầu tiêu dùng cả về chất lượng và mẫu mã, thương hiệu.
* Chú trọng nâng cao giá trị gia tăng
Thị trường nội địa là hậu phương cho ngành trái cây phát triển. Ảnh: TTXVN
Hiện nay, 80% sản lượng trái cây Việt Nam được tiêu thụ cho thị trường nội địa ở các dạng quả tươi; trong đó 90% được tiêu thụ tại các chợ truyền thống. Các kênh bán lẻ như siêu thị, cửa hàng tiện ích, cửa hàng trái cây cao cấp chỉ chiếm 10% lượng trái cây tiêu thụ nội địa.
Số lượng doanh nghiệp đầu tư công nghệ vào chế biến rau quả trái cây tại Việt Nam còn rất ít. Lý do là Việt Nam chưa hình thành được những vùng chuyên canh, thâm canh lớn, mang tính tập trung để cung cấp nguồn liệu lớn, ổn định cho các nhà máy chế biến.
Ông Phạm Ngô Quốc Thắng, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Lavifood (Long An) chia sẻ, với công suất 60.000 tấn nguyên liệu/năm, Tanifood (Nhà máy chế biến trái cây thuộc Công ty Cổ phần Lavifood) là 1 trong 5 nhà máy chế biến trái cây hiện đại nhất khu vực châu Á, Thái Bình Dương, áp dụng công nghệ 4.0 trong quản lý và vận hành.
Khi sản phẩm trái cây được chế biến, nâng cao giá trị, cũng đồng nghĩa với giá trị gia tăng của ngành trái cây Việt Nam sẽ tăng lên trong thời gian tới, thúc đẩy kim ngạch xuất khẩu trái cây sớm chạm đích 5 tỷ USD. Để đạt được mục tiêu đề ra, các nhà máy chế biến trái cây cần vùng nguyên liệu lớn, chuyên canh cho từng loại trái cây cụ thể.
Thực tế hoạt động sản xuất, chế biến trái cây trong những năm qua cho thấy, Việt Nam cũng đã có nhiều sản phẩm trái cây chế biến như: trái cây sấy dẻo, nước ép trái cây, mứt trái cây, các dòng yaourt khô trái cây, trái cây sấy phủ sô cô la, trái cây sấy gia vị, kẹo trái cây,…
Điều này cho thấy, tiềm năng xuất khẩu trái cây chế biến còn rất lớn. Trong năm 2018, nhiều nhà máy chế biến trái cây đã khánh thành và đưa vào hoạt động như: nhà máy Doveco (Gia Lai), nhà máy chế biến rau quả Nafoods (Long An), Tanifood (Tây Ninh), … nâng tổng số nhà máy chế biến trái cây Việt Nam lên 18 nhà máy. Trước những triển vọng này, đầu tư chế biến sâu cho trái cây Việt Nam sẽ là bước đột phá để giải quyết thị trường tốt hơn trong tương lai.
Thế nhưng ngành trái cây Việt Nam cũng đang vướng 2 rào cản kỹ thuật quan trọng là an toàn thực phẩm và kiểm dịch động thực vật. Nếu có thể đầu tư công nghệ chế biến thì Việt Nam mới vượt qua được 2 rào cản kỹ thuật này. Bởi khi đã chế biến sẽ không phải chịu kiểm dịch thực vậy như đối với quả tươi. Nếu có cũng chỉ thực hiện kiểm dịch nguyên liệu 1 lần lúc đưa vào chế biến.
Theo ông Jeroen Pasman, Trưởng phòng kinh doanh xuất khẩu Công ty The Fruit Republic, khi xuất khẩu sản phẩm trái cây tươi, các quốc gia nhập khẩu sẽ kiểm soát chặt chẽ dư lượng thuốc bảo vệ thực vật. Các doanh nghiệp chế biến xuất khẩu trái cây Việt Nam, chính quyền địa phương các tỉnh cũng phải thận trọng trong quy hoạch vùng nguyên liệu.
Với các sản phẩm chế biến, việc quy hoạch vùng nguyên liệu cụ thể, kế hoạch sản xuất an toàn, nguồn nguyên liệu trái cây sẽ đạt mức độ an toàn thực phẩm cao. Đồng thời, các ngành chức năng phải làm sao xây dựng được các quy chuẩn sản xuất phù hợp với từng loại nông sản của Việt Nam.
*Đa dạng thị trường
Trong 60 thị trường nhập khẩu trái cây Việt Nam, thị trường Trung Quốc được đánh giá là thị trường chính tiêu thụ trái cây tươi của Việt Nam. Các thị trường khác như Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Đông, … chỉ tiêu thụ một phần nhỏ.
Thế nhưng, các doanh nghiệp xuất khẩu trái cây Việt Nam đã xác định rõ, mặc dù thị trường Trung Quốc có vai trò quan trọng trong tiêu thụ trái cây Việt Nam, nhưng việc phụ thuộc một thị trường sẽ dẫn đến những hậu quả khó lường. Điển hình, hiện nay Trung Quốc đã tăng cường sản xuất thanh long tại nội địa.
Tổng diện tích thanh long tại Trung Quốc ước đạt 40.000 ha; trong đó, tỉnh Quảng Tây là vùng trồng lớn nhất. Tiếp đến là Quảng Đông, Quý Châu, Hải Nam, Vân Nam, Phúc Kiến và còn tiếp tục mở rộng sang Trùng Khánh, Tứ Xuyên, Hồ Nam, Sơn Tây, Chiết Giang, Sơn Đông,…
Theo Bộ Công Thương, thanh long được Trung Quốc đưa vào danh mục trái cây trọng điểm phát triển. Vì vậy, diện tích và sản lượng thanh long của Trung Quốc còn tiếp tục tăng. Điều này cho thấy Trung Quốc đang có xu hướng giảm nhập khẩu và nội địa hóa nguồn cung.
Ông Trần Quốc Toản, Phó Cục trưởng Cục xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương nhận định, hoạt động xuất khẩu trái cây Việt Nam nói chung và thanh long nói riêng trong thời gian tới sẽ chịu sự tác động nhất định.
Trung Quốc đang tiến hành cải cách cơ cấu tổ chức, quản lý, cũng như tăng cường áp dụng các biện pháp kiểm tra, kiểm soát về truy xuất nguồn gốc, quy cách đóng gói và chất lượng đối với trái cây nhập khẩu.
Mở rộng thị trường cho các sản phẩm trái cây Việt Nam. Ảnh: TTXVN
Trước biến động thị trường này, Bộ Công Thương cũng tiếp tục thực hiện đàm phán, mở rộng thị trường cho các sản phẩm trái cây Việt Nam; trong đó có thanh long sang Brazil, Argentina, Peru, khai thác tốt các thị trường mới có dư địa tăng trưởng cao như Mỹ, châu Âu, Australia, các thị trường khu vực châu Á.
Anh Trần Hoàng Tùng, chủ cơ sở Ba Tương, xã An Hữu, huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang cho biết, trước đây anh thường xuất khẩu ổi, mận, dưa hấu, vú sữa,… sang Trung Quốc. Sau những biến động lớn từ thị trường này, anh Tùng quyết định tìm hiểu thị trường mới và đưa hàng sang Trung Đông, Ấn Độ.
Các thị trường này có những tiêu chí khác với thị trường Trung Quốc, như phải có chứng nhận HALAL (giấy chứng nhận, xác nhận sản phẩm không có các chất cấm theo yêu cầu Shari’ah Islamiah, luật Hồi giáo), an toàn thực phẩm cao.
Với mặt hàng trái cây, những chứng nhận này không gây ảnh hưởng nên dễ dàng thâm nhập. Hơn nữa, các thị trường này giữ uy tín cao, thanh toán nhanh và giá mua cũng cao hơn so với đưa hàng hóa sang thị trường Trung Quốc. Vì vậy, các doanh nghiệp năng động sẽ có thêm nhiều hướng đi cho sản phẩm trái cây của mình.
Hiện sản phẩm trái cây Việt Nam vẫn còn bỏ lỡ một số thị trường vừa gần nhưng không kém phần quan trọng. Đó là sản phẩm chuối Fohla chưa vào được thị trường Philippines, trái nhiều loại trái cây khác chưa vào được thị trường Nhật Bản. Do đó, việc mở rộng thị trường là hướng đi tất yếu cho con đường phát triển trái cây Việt Nam.
*Hi vọng trở thành top 10 châu Á
Trở thành một quốc gia mạnh về phát triển nông nghiệp là mục tiêu Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã đề ra tại Hội nghị Tổng kết ngành nông nghiệp nông thôn hồi đầu tháng 1/2019. Theo đó, việc trở thành một cường quốc chế biến và xuất khẩu trái cây là nguyện vọng chung của các nhà chức năng cũng như các doanh nghiệp đầu tư vào ngành này.
Để thực hiện mục tiêu do Chính phủ đề ra, các doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu trái cây đã lên kế hoạch sản xuất cụ thể cho từng nhà máy, tìm kiếm thị trường tiêu thụ và xây dựng vùng nguyên liệu đủ lớn cho các hoạt động này.
Ông Phạm Ngô Quốc Thắng, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Lavifood (Long An) chia sẻ, với sự phát triển của công nghệ chế biến hiện nay, ngành chế biến trái cây Việt Nam có nhiều triển vọng lọt vào TOP 10 khu vực châu Á và TOP 20 của thế giới.
Hiện cả nước có 150 nhà máy chế biến trái cây; trong đó có 18 nhà máy chế biến sâu. Tuy con số khởi đầu còn rất thấp so với nguồn nguyên liệu hiện có, nhưng khi các nhà máy khởi đầu hoạt động trôi chảy và thành công sẽ có thêm nhiều doanh nghiệp lớn sẵn sàng đầu tư vào lĩnh vực tràn đầy triển vọng này.
Lavifood hiện đang có 2 nhà máy chế biến sâu các sản phẩm trái cây tại Long An và Tây Ninh, chủ yếu chế biến sản phẩm cho các hợp đồng đã được ký kết với châu Âu, Mỹ, Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc.
Dự kiến đến năm 2023, Lavifood sẽ hoàn thành 7 nhà máy chế biến sâu các sản phẩm trái cây như kế hoạch đã đề ra, tại Long An, Tây Ninh, Đồng Tháp, Bình Thuận, Đắc Lắc, Quảng Trị và Hải Phòng, giải quyết nguồn nguyên liệu trái cây của cả nước.
Hiện nay, nguồn nguyên liệu chỉ mới đáp ứng được 30% công suất của 2 nhà máy. Đến cuối năm 2019, khi Lavifood kí kết hợp đồng tiêu thụ trái cây nguyên liệu với nông dân cả nước, thì các nhà máy này mới có thể chạy hết công suất.
Bên cạnh đó, Lavifood cũng sẽ mở rộng vùng nguyên liệu lên 33.000 ha đến năm 2026, có khả năng sản xuất 1 triệu tấn nguyên liệu/năm. Nguồn nguyên liệu này có khả năng mang về doanh thu 1,5 tỷ USD cho sản phẩm trái cây chế biến, xuất khẩu.
Song song với xuất khẩu, nhà máy chế biến trái cây cũng sẽ có những dòng sản phẩm riêng cung ứng, phục vụ cho người tiêu dùng nội địa, giúp giữ thị trường nội địa trước cuộc chơi này.
Ông Trần Quốc Toản, Phó cục trưởng Cục xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương chia sẻ, ngoài việc tìm kiếm thị trường, mối liên quan giữa nhà máy chế biến trái cây và vùng nguyên liệu là 2 vấn đề không thể tách rời. Do đó, Bộ Công Thương đề nghị các địa phương sản xuất trái cây rà soát quy hoạch theo hướng chuyên canh hiện đại.
Xác định cụ thể diện tích, phân bổ từng khu vực trên địa bàn. Tăng cường quản lý chỉ đạo sản xuất theo đúng quy hoạch, không phát triển tràn lan, theo phong trào. Khuyến cáo nông dân chuyển hướng sang sản xuất trái cây chất lượng, theo các tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP và các tiêu chuẩn của nhàn nhập khẩu đưa ra.
Để tăng sức cạnh tranh, các thành phần sản xuất chế biến trái cây phải liên kết tạo thành một chuỗi phát triển an toàn, bền vững, có truy xuất nguồn gốc cụ thể với từng sản phẩm nhằm không bị phá giá khi một mình một chợ.
Nguồn: Hồng Nhung/TTXVN