tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Trái cây Việt hướng vào thị trường 'khó tính'

  • Cập nhật : 05/06/2016

Thông tin từ Cục Bảo vệ thực vật, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cho biết, kinh ngạch xuất khẩu rau quả 4 tháng đầu năm 2016, đạt 764 triệu USD, tăng mạnh so với cùng kỳ năm ngoái (47,7%). Hết tháng 5, con số này đạt hơn 900 triệu USD.

Mỹ sẽ nhập nhiều loại trái cây Việt

Các thị trường đều tăng khá, trong đó, xuất khẩu vào thị trường khó tính đạt 3.400 tấn quả tươi các loại.

Thanh long đạt hơn 2.522 tấn đi Mỹ, Nhật, Hàn Quốc.

Xoài đi Nhật và Hàn Quốc đạt hơn 229 tấn.

Chôm chôm đi Mỹ đạt hơn 160 tấn, nhãn đi Mỹ gần 500 tấn…

Hiện, Mỹ đã cho phép nhập khẩu hàng loạt các loại trái cây của nước ta, đó là thanh long ruột trắng, ruột đỏ, chôm chôm, nhãn và vải (yêu cầu chiếu xạ) và đang tiếp tục hoàn tất thủ tục để cho phép nhập khẩu xoài và vú sữa.

Nhật Bản đã cho phép nhập khẩu thanh long ruột trắng, xoài (xử lý bằng hơi nước nóng tối thiểu ở nhiệt độ 46,5 độ C trong vòng 40 phút).

Cục Bảo vệ thực vật tiếp tục đề nghị bạn sớm hoàn tất các thủ tục mở cửa cho thanh long ruột đỏ, vải, nhãn.

Nước Úc cũng đã chính thức cho phép nhập khẩu quả vải của Việt Nam. Úc đang thực hiện các thủ tục cuối cùng để mở cửa thị trường cho quả thanh long và xoài...

Tháo gỡ những khó khăn

Trao đổi với Zing.vn, ông Hoàng Trung – Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật chia sẻ một số khó khăn trong việc xuất khẩu hoa quả, đặc biệt là các thị trường “khó tính”.

 

ong hoang trung – cuc truong cuc bao ve thuc va. anh: thang quang

Ông Hoàng Trung – Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vậ. Ảnh: Thắng Quang

 

Theo ông Trung, Việt Nam là nước rất có lợi thế về sản xuất trái cây. Song trên thực tế, trái cây của chúng ta thường không đáp ứng được các tiêu chuẩn về chất lượng, mẫu mã theo yêu cầu của các nước nhập khẩu. Trong đó, khó khăn lớn nhất là rào cản kỹ thuật về kiểm dịch thực vật, nhất là trong thời gian tới, khi Việt Nam tham gia các hiệp định, đặc biệt là TPP. Các thuế suất giảm nhanh và bằng 0 thì các rào cản kỹ thuật sẽ được các nước nâng lên cao hơn nhiều so với hiện nay.

Các quốc gia như Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Úc, New Zealand, Chile, Argentina, Brazil thường có quy định chặt chẽ về kiểm dịch thực vật nhập khẩu, đặc biệt là đối với các loại quả tươi.

Ông Trung cho biết, thường để tháo gỡ rào cản về kiểm dịch thực vật cho các loại quả tươi từ Việt Nam, phải thực hiện nhiều thủ tục phức tạp, thời gian kéo dài nhiều năm đối với từng loại sản phẩm như phân tích nguy cơ dịch hại (PRA), thực hiện chương trình tiền chứng, xử lý kiểm dịch thực vật (chiếu xạ, xử lý hơi nước nóng) cho từng lô hàng trước khi xuất khẩu.

Vị Cục trưởng cũng cho rằng, nguyên nhân của việc xuất khẩu trái cây gặp khó là do sản xuất trái cây của Việt Nam hiện còn rất nhỏ lẻ, manh mún.

“Ví dự như việc cấp mã số vùng trồng cho quả vải xuất sang Mỹ, chúng tôi đã phải mất rất nhiều thời gian để gom từ 24 đến 28 hộ thì mới cấp được một mã số khoảng 10ha, nên rất khó khăn để đáp ứng các nhu cầu của các nước nhập khẩu. Ngoài ra, còn một số khó khăn khác như số lượng các doanh nghiệp tham gia việc xuất khẩu hoa quả tươi còn ít.

Thực tế cũng phải nhìn nhận thật rằng, năng lực các doanh nghiệp Việt tham gia xuất khẩu còn yếu, đáng nói trong số đó còn xuất hiện một số doanh nghiệp vi phạm đạo đức kinh doanh, làm mất uy tín cho các doanh nghiệp làm ăn chân chính”, ông Hoàng Trung phân tích.

Một trong những khó khăn của trái cây Việt Nam khi xuất khẩu là việc chiếu xạ. Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật cho biết, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Khoa học và Công nghệ đã xây dựng, nâng cấp thành công một cơ sở chiếu xạ ở miền Bắc đã giúp cho chi phí chiếu xạ, đặc biệt là cho quả vải giảm được 16 triệu đồng/tấn.

Ông Trung cũng cho biết thêm, vừa qua các hãng hàng không, nhất là Vietnam Airlines đã cam kết với 2 tỉnh Bắc Giang và Hải Dương sẽ dành tải trọng và tạo điều kiện tốt nhất để xuất khẩu vải sang các thị trường mới mở.

Cục Bảo vệ thực vật cho biết, kim ngạch xuất khẩu rau, hoa quả trong năm 2015 đạt kim ngạch hơn 1,8 tỷ USD. Riêng quả tươi, qua số liệu kiểm dịch thực vật, đã xuất khẩu đạt hơn 2,1 triệu tấn đến hơn 40 quốc gia và vùng lãnh thổ (Trung Quốc vẫn là thị trường chủ yếu).

Qua số liệu kiểm dịch tại các cửa khẩu, xuất khẩu nhiều nhất vẫn là thanh long đạt khoảng 1,1 triệu tấn (trong đó Trung Quốc gần 1 triệu tấn), Thái Lan (18.000 tấn), Hồng Kông (2.500 tấn). Dưa hấu, đã xuất được gần 300.000 tấn, nhãn 250.000 tấn, xoài hơn 100.0000 tấn, vải tươi hơn 77.000 tấn, chuối quả tươi hơn 40.000 tấn, chôm chôm khoảng 20.000 tấn.

Đáng lưu ý, một số thị trường mới mở có triển vọng như nhãn đã xuất khẩu sang Mỹ gần 400 tấn (tính đến hết năm 2015) vải xuất khẩu sang Australia đạt hơn 30 tấn; xoài Việt Nam sau khi được chính thức xuất khẩu sang Nhật Bản (khoảng 13 tấn) đã tạo ấn tượng tốt đối với người tiêu dùng tại nước này.

 

 

Theo Thắng Quang
Zing

Trở về

Bài cùng chuyên mục