Kể từ khi Việt Nam và Ấn Độ thiết lập quan hệ ngoại giao (7/1/1972), phát triển thành đối tác chiến lược (7/2007) và trở thành đối tác chiến lược toàn diện (9/2016), thương mại hai chiều Việt Nam - Ấn Độ từng bước khởi sắc. Hệ thống chính sách, pháp luật về thương mại giữa Việt Nam và Ấn Độ đã và đang xây dựng, đổi mới, hoàn thiện theo hướng hội nhập sâu, rộng vào nền kinh tế toàn cầu.
Vượt nhiều "cửa ải", trái cây Việt chinh phục hơn 40 quốc gia
- Cập nhật : 13/06/2016
Để vào được những thị trường khó tính, có những loại trái cây tươi của Việt Nam phải mất 4-5 năm, thậm chí 10 năm, vượt qua những rào cản về kiểm dịch thực vật khắt khe.
Mất 10 năm để vượt qua "cửa ải"
Chia sẻ với báo điện tử Infonet, ông Hoàng Trung, Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật (BVTV) cho biết, trái cây Việt đã xuất khẩu đến hơn 40 quốc gia.
Đặc biệt là hiện nay, trái cây Việt Nam đã thỏa mãn về kiểm dịch thực vật, chinh phục được những thị trường khó tính nhất. Đó là các quốc gia và vùng lãnh thổ như Hoa Kỳ, Newzealand, Nhật Bản, Hàn Quốc, Úc, Chi lê, Argentina, Braxin.
Để tháo gỡ rào cản về kiểm dịch thực vật cho các loại quả tươi từ Việt Nam phải thực hiện nhiều thủ tục phức tạp, thời gian kéo dài có thể từ 5- 10 năm đối với từng loại sản phẩm như phân tích nguy cơ dịch hại (PRA), thực hiện chương trình tiền chứng, xử lý kiểm dịch thực vật (chiếu xạ, xử lý hơi nước nóng) cho từng lô hàng trước khi xuất khẩu.
Ví dụ để trái vải vào được thị trường Úc, phải mất hơn 10 năm đàm phán. Còn thâm nhập thị trường Úc, Mỹ, Đài Loan, thời gian đàm phán không dưới 4 năm; thị trường Nhật Bản và Hàn Quốc thường cũng trên 4 năm, sớm nhất là 2 năm.
“Các nước vẫn dùng đánh giá nguy cơ dịch hại với bất cứ trái cây nào. Không một văn bản nào đưa thời hạn phân tích dịch hại, mỗi loại quả có danh sách sâu bệnh khác nhau nên thời gian sẽ khác nhau”, ông Trung cho biết.
Lãnh đạo Cục BVTV cho biết, thời gian qua Cục BVTV đã tích cực đàm phán để đối tác gỡ bỏ rào cản kỹ thuật để trái cây Việt có thể xâm nhập được những thị trường khó tính.
Kết quả là trong năm 2015, xuất khẩu rau, hoa quả trong năm 2015 đạt kim ngạch hơn 1,8 tỉ đô la Mỹ. Riêng quả tươi, đã xuất khẩu đạt hơn 2,1 triệu tấn.
Riêng 4 tháng đầu năm 2016, xuất khẩu rau quả đạt 764 triệu USD, tăng mạnh so với cùng kỳ năm ngoái (47,7%), dự kiến hết tháng 5 đạt khoảng hơn 900 triệu USD.
Quả nhãn đã xuất khẩu sang Mỹ gần 400 tấn, vải xuất khẩu sang Úc đạt hơn 30 tấn; xoài Việt Nam sau khi được chính thức xuất khẩu sang Nhật Bản (khoảng 13 tấn) đã tạo ấn tượng tốt đối với người tiêu dùngtại nước này.
Ngoài quả nhãn, Hoa Kỳ đã cho phép nhập khẩu thanh long ruột trắng, ruột đỏ, chôm chôm, vải vào thị trường này. Chỉ riêng 5 tháng đầu năm, Việt Nam đã xuất được gần 2.000 tấn, bằng 200% so với cùng kỳ năm ngoái, gần gấp đôi so với cả năm 2015. Bên cạnh đó, phía Việt Nam đang tục hoàn tất thủ tục để cho phép nhập khẩu xoài và vú sữa.
Nhật Bản đã cho phép nhập khẩu thanh long ruột trắng, xoài. Cục BVTV tiếp tục đề nghị nước bạn sớm hoàn tất các thủ tục mở cửa cho thanh long ruột đỏ, vải và cả nhãn.
Còn Hàn Quốc đã cho phép nhập khẩu thanh long ruột trắng, ruột đỏ, xoài, và tiếp tục hoàn tất các thủ tục để cho phép nhập khẩu vú sữa của Việt Nam
Đối với Úc, ngoài trái vải thiều đã được chấp nhận, Cục BVTV đang đàm phán để đưa thêm xoài và cả thanh long sang thị trường này.
Ông Trung cũng cho biết, riêng về Newzeland, đây không phải là thị trường mà Việt Nam kỳ vọng xuất khẩu được nhiều trái cây. Đây là nước mạnh về nông nghiệp và là một thị trường khó tính bậc nhất thế giới. Nếu được New Zealand chấp nhận, trái cây Việt Nam sẽ dễ dàng xuất khẩu sang nhiều thị trường tiềm năng khác.
Hiện xoài, thanh thanh long ruột trắng và đỏ của Việt Nam đã vượt qua “cửa ải” khó khăn kiểm dịch thực vật để vào thị trường New Zealand. Cục BVTV tiếp tục đàm phán để phía bạn cho phép nhập khẩu quả chôm chôm.
Lo nhất là làm ăn gian dối
Mặc dù các thị trường khó tính đã chấp thuận nhưng việc xuất khẩu cũng gặp nhiều khó khăn.
Đặc biệt là hiện nay, Việt Nam đã ký rất nhiều Hiệp định Thương mại tự do thế hệ mới, nhiều dòng thuế sẽ giảm xuống 0% nhưng đi kèm với đó là hàng rào kỹ thuật kiểm dịch thực vật tăng lên.
Theo lãnh đạo Cục BVTV, trái cây trong nước vẫn chủ yếu sản xuất nhỏ lẻ, manh mún, không đảm bảo nguồn cung.
Ví dụ để xuất quả vải sang Mỹ, Úc phải gom 24- 28 hộ mới cấp được mã số 10ha nên rất vất vả trong đáp ứng yêu cầu của các nước nhập khẩu.
Bên cạnh đó, dù được tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất nhưng các doanh nghiệp tham gia xuất khẩu các trái cây tươi không nhiều, các doanh nghiệp tham gia đầu tư sau thu hoạch cũng rất khiêm tốn.
“Số doanh nghiệp xuất khẩu đã ít rồi nhưng cũng chưa được chuẩn mực cho lắm. Khi đàm phán chúng tôi rất xấu hổ vì họ nói mấy lô đầu đẹp đẽ nhưng mấy lô sau thì khác, hàng kém chất lượng nên rất mất uy tín”, ông Trung nói.
Đáng lo nhất là vi phạm quy định của nơi nhập khẩu, phải đàm phán lại từ đầu. Chẳng hạn, 5 năm trước Việt Nam xuất khẩu 14- 16 nghìn tấn thanh long/năm sang thị trường Đài Loan, nhưng vì một số lô hàng bị nhiễm ruồi đục quả nên họ đưa thanh long vào danh mục cấm.
Sau khi Đài Loan cấm nhập khẩu, trái thanh long phải mất hơn 6 năm mới có thể quay trở lại thị trường này. Chúng ta phải mời 4 chuyên gia của họ đóng tại nhà máy hơi nước nóng để cùng cán bộ kiểm dịch của mình kiểm tra kiểm soát, kiểm tra từng lô hàng để xuất sang.
“Chúng ta phải duy trì, không thể để bất cứ một vấn đề trục trặc gì liên quan đến kiểm dịch. Bởi nếu chúng ta không đáp ứng được sẽ bị họ dừng ngay lập tức”, ông Trung nhấn mạnh.
Khó khăn nữa là chi phí vận chuyển cao. Một kg thanh long từ Việt Nam sang Nga thường cao hơn 2 đô la Mỹ so với từ Thái Lan. Dù đã được mở cửa nhưng doanh nghiệp vẫn không xuất hàng sang được Chile vì chi phí vận chuyển cao.
Ông Trần Quang Tấn, Giám đốc Sở Công thương Bắc Giang cũng cho biết vải thiều có tính mùa vụ cao, thời gian thu hoạch ngắn, chỉ trong vòng hơn 1,5 tháng, song đến nay chưa có giải pháp tối ưu bảo quản trong thời gian dài sau khi thu hoạch để xuất khẩu vào các thị trường Mỹ, Úc, EU... do đó vận chuyển đến các thị trường này phải bằng đường hàng không, với chi phí cao.
Ngoài ra, hiện nay các cơ sở xử lý hơi nước nóng và chiếu xạ nằm chủ yếu ở khu vực miền Trung và phía Nam. Vừa rồi mới có một cơ sở chiếu xạ ở phía Bắc nhưng nếu các nước nhập khẩu yêu cầu xử lý hơi nước nóng đối với trái vải thì miền Bắc không có cơ sở xử lý nào.
Lãnh đạo Cục BVTV cho biết, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã chỉ đạo các cơ quan liên quan hỗ trợ kỹ thuật canh tác cho nông dân để vượt qua rào cản kỹ thuật, tạo điều kiện thuận lợi nhất về thủ nhằm thu hút doanh nghiệp đầu tư chế biến sau thu hoạch để đẩy mạnh xuất khẩu trái cây. Thời gian tới chắc chắn sẽ có thêm nhiều loại quả của Việt Nam lên đường xuất ngoại.
Theo Diệu Thùy
Infonet