tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Nâng cao năng lực cạnh tranh xuất khẩu gạo

  • Cập nhật : 25/07/2016

Gạo là một trong những mặt hàng nông sản xuất khẩu chủ lực của Việt Nam, có vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế. Tuy nhiên, trước diễn biến khó lường của thị trường gạo thế giới, hoạt động xuất khẩu gạo Việt Nam đang gặp nhiều khó khăn, thách thức.

Nhiều năm gần đây, ngành gạo Việt Nam đã có những bước phát triển vượt bậc và đạt nhiều thành quả đáng ghi nhận; gạo của Việt Nam đã có mặt tại trên 135 quốc gia và vùng lãnh thổ. Theo thống kê của Tổng cục Hải quan Việt Nam, trong 3 năm từ 2010 - 2012, lượng gạo xuất khẩu của nước ta liên tục tăng qua từng năm, luôn đạt trên 6,8 triệu tấn/năm, và đạt mức kỷ lục xuất khẩu hơn 8 triệu tấn vào năm 2012. Tuy nhiên, kể từ năm 2013, thị trường gạo thế giới với nhiều biến động khó lường, đã tác động không nhỏ tới thành tích xuất khẩu gạo của nước ta. Lượng gạo xuất khẩu liên tục giảm qua từng năm, chẳng hạn, như năm 2014, Việt Nam chỉ xuất khẩu được 6,3 triệu tấn. Năm 2015, theo báo cáo của Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) lượng gạo xuất khẩu tuy có cao hơn năm 2014, đạt 6,568 triệu tấn, nhưng vẫn thấp hơn mức bình quân chung của các năm 2010 - 2012.

Điểm đáng chú ý, bước sang năm 2016, xuất khẩu gạo của Việt Nam tiếp tục gặp nhiều khó khăn. Theo số liệu của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, xuất khẩu gạo của Việt Nam trong 6 tháng năm 2016 chỉ đạt khoảng 2,69 triệu tấn, giảm 9,8% về khối lượng. Trước diễn biến này, nhiều ý kiến cho rằng, dự kiến cả năm 2016 khả năng Việt Nam chỉ xuất khẩu được 5,56 triệu tấn.

Thực tế cho thấy, sau khi trải qua cuộc khủng hoảng giá lương thực năm 2008, nhiều quốc gia trên thế giới, trong đó có các thị trường truyền thống trọng điểm của Việt Nam như Indonesia, Philppines, Malaysia,… đã có những bước đi thay đổi chính sách đối với mặt hàng có liên quan tới an ninh lương thực của họ. Nhiều quốc gia đã và đang thực hiện nhiều biện pháp nhằm nâng cao năng lực sản xuất lúa gạo trong nước nhằm tăng cường khả năng tự chủ về lương thực, đa dạng hoá nguồn cung để không bị phụ thuộc vào nguồn cung từ một quốc gia nhất định; giãn thời gian nhập khẩu hoặc nhập khẩu cầm chừng để tìm kiếm thời điểm giá nhập khẩu thích hợp. Điều này đã ảnh hưởng không nhỏ đến tình hình xuất khẩu gạo của Việt Nam.

Bên cạnh những tác động từ việc điều chỉnh chính sách của các nước nhập khẩu gạo, việc điều chỉnh chính sách xuất khẩu của các nước xuất khẩu gạo cạnh tranh như Thái Lan, Ấn Độ cũng đã tác động đến hoạt động xuất khẩu gạo hàng năm của nước ta. Kể từ cuối năm 2010, quyết định dỡ bỏ lệnh cấm vận xuất khẩu và đặt giá sàn xuất khẩu gạo ở mức thấp của Ấn Độ đã tác động tới giá gạo toàn cầu giảm. Ngoài ra, với giá gạo rẻ hơn, gạo từ Ấn Độ đã tăng sức ép cạnh tranh cho Thái Lan và Việt Nam tại một số khu vực và thị trường quan trọng. Trong khi đó, trong giai đoạn 2010 - 2012, Thái Lan thực hiện chương trình thế chấp gạo, giá gạo Thái Lan đã tăng cao, dần dần hình thành lượng tồn kho lớn, đã làm giảm khả năng cạnh tranh của nước này. Đây là yếu tố quan trọng để có thể lý giải vì sao xuất khẩu gạo của Việt Nam tăng trưởng rất mạnh trong giai đoạn này, mà đỉnh cao là kỷ lục xuất khẩu trên 8 triệu tấn vào năm 2012, trước khi bước vào giai đoạn sụt giảm từ năm 1013.

Mặt khác, kể từ năm 2013, Chính phủ mới của Thái Lan đã không tiếp tục áp dụng chương trình thế chấp gạo và tích cực giải phóng lượng gạo tồn kho lên đến khoảng 18 triệu tấn. Năm 2014, với động thái đẩy mạnh giải phóng gạo tồn kho, Thái Lan đã trở thành nước xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới. Theo số liệu của Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương, năm 2014 lượng gạo xuất khẩu của Thái Lan đạt 10,696 triệu tấn. Trong năm 2016, cách đây vài tháng, Chính phủ Thái Lan đã thông báo sẽ bán 11,4 triệu tấn gạo dự trữ; đây là lần bán gạo ra thị trường thế giới lớn chưa từng có trong lịch sử của nước xuất khẩu gạo này.

Với đa số lượng gạo này có giá rẻ, Thái Lan đã tích cực chuyển hướng xuất khẩu lượng gạo này nhằm vào thị trường gạo cấp thấp - phân khúc thị trường mà Việt Nam đã từng có nhiều lợi thế cạnh tranh về giá, gây áp lực cạnh tranh gay gắt với phân khúc thị trường này, đặc biệt là tại các thị trường tập trung truyền thống, trọng điểm của Việt Nam như Trung Quốc, Philippines, Indonesia, Malaysia.

Thêm vào đó, Ấn Độ thường xuyên áp dụng chính sách giá sàn xuất khẩu thấp, áp dụng các chính sách hỗ trợ thu mua lương thực cho người nông dân, duy trì tồn kho lương thực nói chung và tồn kho gạo nói riêng lớn. Với vị trí địa lý thuận lợi, gạo Ấn Độ và Thái Lan đã dần chiếm thị phần gạo của Việt Nam. Theo số liệu của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, trong 6 tháng đầu năm 2016, các thị trường có giá trị giảm mạnh là Philippines giảm 46,18%, Malaysia tới 49,07%, Singapore cũng giảm 30,43%. Trung Quốc mặc dù vẫn tiếp tục đứng vị trí thứ nhất về thị trường nhập khẩu gạo của Việt Nam trong 5 tháng đầu năm 2016 với, 35,5% thị phần, nhưng 5 tháng đầu năm 2016, xuất khẩu gạo sang thị trường này chỉ đạt 803,1 triệu tấn với 371,98 triệu USD, giảm 12,76% về khối lượng và giảm 1,8% về giá trị so với cùng kỳ năm 2015.

Nhìn chung, trong thời gian tới, tình hình thị trường xuất khẩu gạo của thế giới được dự báo có nhiều diễn biến khó lường. Thị trường gạo thế giới tiếp tục chịu áp lực giảm giá và cạnh tranh quyết liệt giữa các nước xuất khẩu gạo. Nguồn cung dồi dào, tồn kho lớn của Thái Lan và Ấn Độ tiếp tục là yếu tố quan trọng tạo tâm lý bất lợi trên thị trường, làm cho mặt bằng giá xuất khẩu gạo khó duy trì ở mức cao.

Một yếu tố cũng gây không ít khó khăn cho xuất khẩu gạo của Việt Nam, đó là nhiều nước nhập khẩu gạo tiếp tục thực hiện không ít chính sách nhằm hướng đến mục tiêu tự túc lương thực. Mặt khác, họ cũng không ngừng thay đổi phương thức nhập khẩu gạo theo hướng giành thế chủ động và có lợi nhất như giãn tiến độ nhập khẩu, tận dụng cạnh tranh giữa các nhà xuất khẩu để giảm giá nhập khẩu. Đồng thời, với các chính sách lương thực linh hoạt về nhập khẩu chính ngạch cũng như tiểu ngạch với các nước láng giềng thì thị trường Trung Quốc (thị trường xuất khẩu gạo lớn nhất của Việt Nam) cũng là một yếu tố khó đoán định.

Trước những diễn biến trên, vài năm gần đây, Việt Nam đã có những thay đổi về cơ cấu mặt hàng gạo. Xuất khẩu gạo của Việt Nam đã chuyển hướng từ tập trung xuất khẩu gạo trắng chất lượng thấp sang tăng cường xuất khẩu các loại gạo chất lượng cao, có giá trị gia tăng cao như gạo trắng chất lượng cao, gạo thơm, gạo nếp. Một số sản phẩm gạo chất lượng cao, đáp ứng được yêu cầu khắt khe của thị trường đã bước đầu thâm nhập vào những thị trường khó tính như Hàn Quốc, Nhật Bản, Hoa Kỳ, châu Âu.

Tuy nhiên, với những dự báo diễn biến thị trường không ổn định, thị trường xuất khẩu gạo của thế giới nói chung và xuất khẩu gạo của Việt Nam nói riêng, trong thời gian tới, ngành gạo sẽ tiếp tục phải đối mặt với không ít khó khăn, thách thức. Thách thức này yêu cầu ngành gạo Việt Nam cần tiếp tục hoàn thiện những yếu kém nội tại như sản xuất còn manh mún, khâu chế biến còn chưa bảo đảm tính liên tục và còn nhiều vấn đề như chất lượng gạo chưa thực sự ổn định, khâu tổ chức thu mua còn nhiều bất cập; sự ứng phó của nhiều doanh nghiệp kinh doanh gạo đối với những biến động trên thị trường thế giới còn thiếu linh hoạt. Ngành gạo cần có những biện pháp ứng phó kịp thời và thích ứng với những biến đổi của thị trường gạo thế giới. Tạo lập và duy trì thị trường xuất khẩu gạo ổn định hàng năm, góp phần tiêu thụ lúa gạo cho nông dân; nâng cao giá trị kim ngạch xuất khẩu với những sản phẩm gạo chất lượng cao. Đẩy mạnh công tác xây dựng thương hiệu gạo Việt Nam trên thị trường thế giới./.

Nguồn: dangcongsan.vn

Trở về

Bài cùng chuyên mục