Kiểm tra với rất nhiều chỉ tiêu, nhiều đơn vị lấy mẫu kiểm tra, đặc biệt rất dễ bị liệt vào danh sách "cảnh báo nhập khẩu" là những khó khăn mà doanh nghiệp gặp phải khi xuất khẩu mật ong sang thị trường Mỹ.
Không khởi kiện gà Mỹ nhập khẩu vì doanh nghiệp "sợ"
- Cập nhật : 13/04/2016
(Tin kinh te)
“Vụ gà Mỹ nhập khẩu vào Việt Nam, chúng tôi rất muốn “chiến đấu” , vì Mỹ đánh chúng ta “tơi bời”, chúng ta cũng cần phải có phản ứng mạnh. Tuy nhiên khi chúng tôi bàn chuyện cùng "chung tay" kiện thì doanh nghiệp đùn đẩy cho nhau", ông Nguyễn Phương Nam, Phó Cục trưởng Cục Quản lý cạnh tranh (Bộ Công Thương) chia sẻ.
Tâm lý sợ sệt
Nhắc đến vụ Mỹ kiện chống bán phá giá tôm đông lạnh nhập từ Việt Nam từ năm 2004, bà Đinh Ánh Tuyết, Văn phòng Luật sư IDVN- người trực tiếp tham gia vụ kiện cho biết, đây được cho là vụ kiện nổi tiếng và gần như lớn nhất của Việt Nam bởi mức độ ảnh hưởng lớn. Có tới 34 doanh nghiệp bị liên quan. Không những vậy, vụ kiện còn tác động xấu đến hoạt động xuất khẩu thủy sản Việt Nam sang Mỹ. Cho đến nay, Mỹ vẫn tiếp tục rà soát mức thuế dành cho Việt Nam mỗi năm.
Với vụ việc này, ông Nguyễn Phương Nam, Phó Cục trưởng Cục Quản lý cạnh tranh (Bộ Công Thương) nhìn nhận, nếu không có luật sư giỏi trong vụ kiện nói trên thì “chúng ta chết lâu rồi”, Việt Nam mất luôn thị trường Mỹ khi vụ kiện đã kéo dài suốt 11 năm qua.
“Vừa qua, chúng tôi đã trực tiếp sang đàm phán với Bộ Thương mại Mỹ về vấn đề rà soát thuế chống bán phá giá đối với mặt hàng tôm. Thời gian đàm phán dù chỉ mất 2 ngày, nhưng thời gian bay mất đến gần 4 ngày. Chưa kể, múi giờ ngược, người Mỹ lại có kinh nghiệp hơn, thông minh hơn, trong khi chúng ta chưa có nhiều kinh nghiệm cũng như tiềm lực kinh tế”, ông Nam cho biết . Tuy nhiên, với sự nỗ lực của mình, đại diện Cục Quản lý cạnh tranh hy vọng, cuộc đàm phán sẽ mang lại kết quả thuận lợi để giúp ngành tôm có thể tiếp tục xuất khẩu vào Mỹ.
Không chỉ vậy, theo ông Nam, doanh nghiệp Việt Nam còn có tâm lý sợ sệt. Dẫn chứng từ vụ thịt gà năm 2015, ông Nam cho hay: “Năm ngoái, chúng tôi rất muốn “chiến đấu” vì Mỹ đánh chúng ta “tơi bời”, chúng ta cũng phải có phản ứng lại. Doanh nghiệp lúc đó hừng hực khí thế, nhưng tiếc rằng, khi chúng tôi bàn chuyện cùng nhau kiện thì doanh nghiệp đùn đẩy cho nhau. Đã thế, Hiệp hội Chăn nuôi Việt Nam lại bảo đừng kiện với lý lẽ “kiện không thắng được đâu”.
4 doanh nghiệp sản xuất gà lớn nhất của Việt Nam gần như đóng cửa 1 năm nay nhưng bản thân Hiệp hội lại ngăn cản. “Đây là vụ việc có những yếu tố mà chúng ta có khả năng thắng nhưng chúng ta lại sợ mà dung lại”, ông Nam chia sẻ.
Coi như chiến lược kinh doanh
Từ khi pháp luật có các quy định về phòng vệ thương mại, Việt Nam mới áp dụng 5 lần (gồm cả biện pháp chống bán phá giá, chống trợ cấp, tự vệ), trong khi đó hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam phải đối mặt với hơn 100 vụ kiện từ các nước. Điều đó cho thấy, việc sử dụng công cụ này của Việt Nam còn hạn chế. Những ví dụ nêu trên phần nào nói lên nguyên nhân của thực trạng này.
Tuy nhiên, bà Đinh Ánh Tuyết, Văn phòng Luật sư IDVN khẳng định: “Dù đây là cuộc đấu tranh đau khổ, tốn kém nhưng không thể làm khác bởi khi hội nhập sân chơi thế giới chúng ta phải chấp nhận luật chơi”.
Ông Nam thì cho rằng, đến nay trên thế giới và rất nhiều doanh nghiệp lớn đều cho rằng, biện pháp phòng vệ là một trong những chiến lược trong kinh doanh, chứ không còn là nhiệm vụ của Đảng, Nhà nước nữa. Nếu áp dụng thành công biện pháp này thì đây là con bài tốt để chiếm lĩnh, phát triển thị trường.
Một trong những kinh nghiệm tối quan trọng để có thể thành công trong vụ kiện được nhiều luật sư khuyến cáo là doanh nghiệp phải chứng minh được thiệt hại cụ thể của mình bằng con số cụ thể chứ không phải là những đánh giá chung chung kiểu “chúng tôi bị thiệt hại nặng nề”. Thậm chí, nếu không tham gia vụ kiện, doanh nghiệp còn có thể bị liệt vào danh sách bất hợp tác và bị áp thuế.
Một điểm đáng chú ý nữa được bà Tuyết lưu ý là, ngoài các vụ việc kiện chống bán phá giá, chống trợ cấp, tự vệ, hiện nay doanh nghiệp còn rất bỡ ngỡ về chống gian lận thương mại.
“Cách đây 2 tuần, 1 doanh nghiệp gọi điện cho tôi nói về việc bị áp thuế chống bán phá giá theo mức thuế của Trung Quốc đối với mặt hàng thép inox nhập khẩu vào Thổ Nhĩ Kỳ thì phải làm thế nào. Tuy nhiên, khi Thổ Nhĩ Kỳ đã áp thuế thì việc doanh nghiệp muốn lật lại hồ sơ là rất khó bởi các nước không mở lại một cuộc điều tra”, bà Tuyết dẫn chứng.
Do vậy, nếu gặp trường hợp tương tự, doanh nghiệp ngay lập tức phải gặp luật sư của mình. Nhưng luật sư trong lĩnh vực này tương đối hiếm nên doanh nghiệp có thể qua Cục Quản lý cạnh tranh để được tư vấn ban đầu và lựa chọn luật sư chuyên về vấn đề này.
Theo Phan Thu
Báo hải quan