Có công ty đành từ bỏ xuất khẩu gạo, chuyển sang cung ứng cho thị trường nội địa.
Ba tháng, Việt Nam chi 10,6 tỷ USD nhập hàng Trung Quốc
- Cập nhật : 17/04/2016
(Thuong mai)
Ba tháng đầu năm, Việt Nam nhập khẩu 10,6 tỷ USD hàng hóa từ Trung Quốc, trong khi xuất khẩu sang thị trường này chỉ đạt hơn 4,1 tỷ USD. Đáng nói kim ngạch nhập khẩu từ Trung Quốc bằng 1/3 tổng giá trị nhập khẩu của Việt Nam theo các thị trường.
Tổng cục Hải Quan vừa công bố tình hình xuất nhập khẩu hàng hóa trong tháng 3 và 3 tháng đầu năm 2016. Theo đó, tổng kim ngạch thương mại 3 tháng năm 2016 của Việt Nam đạt hơn 76,17 tỷ USD, trong đó xuất khẩu đạt 38,77 tỷ USD, nhập khẩu đạt 37,4 tỷ USD, Việt Nam tiếp tục xuất siêu 1,37 tỷ USD.
Về thị trường xuất khẩu, Hoa Kỳ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch hơn 8,3 tỷ USD, (chiếm 24,4% tổng xuất khẩu theo thị trường), xuất khẩu sang EU đạt 7,6%, chiếm hơn 19%... Đây cũng là hai thị trường xuất siêu lớn của Việt Nam với kim ngạch lần lượt là: 6,6 tỷ USD và 5,4 tỷ USD.
Về thị trường nhập khẩu, Việt Nam nhập khẩu lớn nhất từ Trung Quốc với hơn 10,6 tỷ USD (chiếm hơn 28% tổng kim ngạch nhập khẩu), tiếp sau là Hàn Quốc với 6,8 tỷ USD và khu vực ASEAN với hơn 5,3 tỷ USD, chiếm 14% tổng giá trị nhập khẩu.
Đây cũng là thị trường mà Việt Nam nhập siêu lớn, trong đó nhập siêu từ Trung Quốc với 6,5 tỷ USD; từ Hàn Quốc hơn 4,4 tỷ USD và từ các nước ASEAN hơn 1,3 tỷ USD...
Xét về doanh nghiệp, khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) đang xuất siêu nhưng với con số thấp chỉ đạt 4,8 tỷ USD, trong đó xuất khẩu đạt 27.286,4 tỷ USD, nhập khẩu đạt 22,49 tỷ USD. Khu vực doanh nghiệp trong nước xuất khẩu đạt 11,49 tỷ USD, trong khi đó nhập khẩu đạt 14,9 tỷ USD, nhập siêu 3,5 tỷ USD.
Đáng chú ý, các mặt hàng Việt Nam nhập khẩu nhiều nhất trong 3 tháng qua đều có xuất xứ từ Trung Quốc và các đối tác thương mại Trung Quốc luôn đứng đầu trong danh sách các quốc gia, vùng lãnh thổ cung ứng hàng nhập khẩu cho Việt Nam.
Trong đó máy móc, thiết bị phụ tùng nhập khẩu từ Trung Quốc vào Việt Nam đạt 1,9 tỷ USD, máy vi tính linh kiện điện tử là 1,23 tỷ USD, nguyên liệu dệt may, da giày là 1,62 tỷ USD, điện thoại và linh kiện điện tử 1,5 tỷ USD, sắt thép các loại đạt hơn 2,9 triệu tấn và ô tô nguyên chiếc (chủ yếu là xe tải) đạt 2,26 nghìn chiếc.
Ngoài các hàng hóa nhập khẩu chính ngạch có khai báo hải quan, nhập khẩu từ Trung Quốc còn có nhiều hình thức: tạm nhập tái xuất, nhập tiểu ngạch, nhập hàng theo chính sách ưu đãi cho nhân dân vùng biên giới và đặc biệt là lượng nhập lậu các mặt hàng: thịt tươi sống, động thực vật, rau quả và hàng tiêu dùng đang có chiều hướng gia tăng