Lần đầu tiên, Hàn Quốc vượt qua Trung Quốc thành thị trường nhập siêu lớn nhất của VN với hơn 9,3 tỉ USD trong 4 tháng đầu năm 2017.
Mật ong đi Mỹ: Chi phí kiểm tra 1 container bằng 19 tấn hàng
- Cập nhật : 12/04/2016
(Tin kinh te)
Kiểm tra với rất nhiều chỉ tiêu, nhiều đơn vị lấy mẫu kiểm tra, đặc biệt rất dễ bị liệt vào danh sách "cảnh báo nhập khẩu" là những khó khăn mà doanh nghiệp gặp phải khi xuất khẩu mật ong sang thị trường Mỹ.
Có tới 25 chỉ tiêu
Có mặt ở Mỹ từ những năm 90 của thế kỷ trước, hiện mật ong Việt Nam được người Mỹ đánh giá rất cao về chất lượng, kim ngạch xuất khẩu mặt hàng này tăng dần theo từng năm.
Tuy nhiên, ông Đinh Quyết Tâm, Chủ tịch Hội nuôi Ong Việt Nam tỏ ra rất lo lắng cho việc xuất khẩu mật ong trong năm nay bởi giá xuất khẩu đang giảm mạnh, trong đó có thị trường Mỹ- chiếm 90% lượng mật ong xuất khẩu.
Ông Tâm cho biết, xuất khẩu mật ong sang Mỹ hiện gặp khó phần nhiều là do quá nhiều công đoạn kiểm tra, từ cơ quan chức năng cho đến doanh nghiệp nhập khẩu khiến chi phí bị đội lên.
Ví dụ, để xuất khẩu 1 container mật ong sang Mỹ hay châu Âu phải mất 4-5 lần kiểm tra chất lượng: Kiểm tra tại phòng thí nghiệm của doanh nghiệp, phòng thí nghiệm trong nước, kiểm tra lô hàng trước khi xuất khẩu, khách hàng kiểm tra, Cơ quan quản lý thực phẩm và dược phẩm Mỹ (FDA) kiểm tra, người mua lại của nhà nhập khẩu lại kiểm tra...
“Nếu lần đầu tiên chúng tôi xuất khẩu mật ong sang Mỹ chỉ có 4-5 chỉ tiêu thì nay con số này đã lên tới 24-25. Mỗi lần kiểm tra như vậy mất khoảng 30 triệu đồng tương đương 19 tấn mật ong”, ông Tâm nói.
Chưa hết, ngoài việc bị FDA kiểm tra 2% ngẫu nhiên khi hàng đến cảng, các doanh nghiệp xuất khẩu mật ong còn gặp phải trở ngại lớn hơn, đó là có thể bị đưa vào danh sách “cảnh báo nhập khẩu” mà không cần qua kiểm tra thực tế.
“Chỉ cần nghi ngờ là phía Mỹ lấy mẫu hàng hóa cảnh báo luôn, lúc ấy hàng hóa sẽ không ai mua. Một số doanh nghiệp mật ong đã gặp phải vấn đề này từ năm 2009. Khi đó, doanh nghiệp không còn cách nào khác là phải chấp nhận và làm lại từ đầu”, ông Tâm chia sẻ.
Bổ sung thêm thông tin, ông David Lennarz, Chuyên gia kỹ thuật FDA, Phó giám đốc Công ty Registrar Corp (hỗ trợ các cơ sở thực phẩm, thức uống, thiết bị y tế, dược phẩm và mỹ phẩm làm theo các quy định của FDA) cho hay, “cảnh báo nhập khẩu” là thông báo cho các cảng đến về sản phẩm nhất định từ các vùng hoặc các nhà sản xuất có thể bị vi phạm. Cảnh báo này được tạo ra khi FDA phát hiện một vi phạm và có thể trở thành nguyên nhân để tin rằng các chuyến hàng tiếp theo sẽ vi phạm tương tự.
“Lực lượng thanh tra của FDA có quyền lưu giữ những sản phẩm này mà không cần qua kiểm tra thực tế. Các chuyến hàng sẽ bị lưu giữ để thanh tra, thậm chí không cần nhìn tới nó hoặc đưa sản phẩm này vào lịch sử vi phạm”, ông David Lennarz nói.
Vẫn là thị trường muốn "nhòm ngó"
Từ dẫn chứng của ông Tâm cho thấy, Mỹ dù được đánh giá là thị trường tiềm năng song điều kiện để xuất khẩu hàng hóa sang thị trường này không hề dễ dàng. Tiêu chuẩn về vệ sinh an toàn thực phẩm được thị trường Mỹ yêu cầu rất gắt gao khiến cho doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn khi thâm nhập thị trường này.
Ông Đỗ Kim Lang, Phó Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) nhìn nhận, doanh nghiệp vẫn chưa nắm hết các quy định của Mỹ, nhất là quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm. Nếu đáp ứng được yêu cầu này thì hàng hóa của Việt Nam sẽ có lợi thế cạnh tranh tốt so với các đối thủ, đồng thời mở ra cánh cửa để thâm nhập thị trường khác.
Đứng từ góc độ doanh nghiệp, ông Chu Xuân Ái, Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty TNHH Phát triển Công nghệ và Thương mại Tôn Vinh cũng phải thừa nhận, dù đã xuất khẩu sang nhiều thị trường nhưng sản phẩm chè của công ty khi xuất khẩu sang Mỹ còn ít, thậm chí là phải xuất qua bên thứ 3.
Dù khó nhưng thị trường Mỹ vẫn là thị trường mà nhiều doanh nghiệp "nhòm ngó" đến bởi dung lượng thị trường rất lớn. Khuyến cáo tới doanh nghiệp khi gặp phải vấn đề bị liệt vào danh sách “cảnh báo nhập khẩu”, ông David Lennarz cho hay, việc đầu tiên là nhà nhập khẩu của Mỹ phải trình các chứng cứ cho FDA thấy rằng sản phẩm không vi phạm để chuyến hàng có thể được giải phóng. Quy trình này sẽ được lặp lại cho tất cả các chuyến hàng tiếp theo khi “cảnh báo nhập khẩu” vẫn còn hiệu lực.
“Cho tới khi doanh nghiệp cung cấp được đủ bằng chứng cho FDA thấy rằng không còn rủi ro hoặc có đủ bằng chứng đảm bảo những vấn đề đã được thay đổi, ngăn ngừa cùng với việc một loạt các chuyến hàng tiếp theo không vi phạm, tối thiểu 15-20 chuyến hàng thì mới thoát khỏi danh sách này”, ông David Lennarz nói.
Ngoài ra, để xuất khẩu sang Mỹ, doanh nghiệp cần chú ý đến việc ghi nhãn hàng hóa trên bao bì. Bởi lẽ, một trong các lỗi mà doanh nghiệp Việt Nam thường mắc phải khi xuất khẩu vào Mỹ là quy cách ghi nhãn thực phẩm và nguyên liệu chưa tuân thủ theo đúng quy định của FDA như: Quy cách ghi nhãn hàng không chính xác, nguyên liệu không được chấp nhận...
Phan Thu
(Theo Báo Hải Quan)