Ngoài Trung Quốc, lượng hàng nhập khẩu từ các nước khác như Nhật Bản hay Hàn Quốc ở mức khá khiêm tốn, lần lượt chiếm 9,3% và 7,3%.
Nghị định hướng dẫn Luật Thuế XK, thuế NK (sửa đổi) sẽ quy định những gì?
- Cập nhật : 17/04/2016
(Tin kinh te)
Để Luật Thuế XK, thuế NK (sửa đổi) có thể áp dụng ngay trong thực tiễn khi có hiệu lực (1-9-2016), Bộ Tài chính (Tổng cục Hải quan) đã xây dựng dự thảo Nghị định quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật. Hiện, dự thảo đã được lấy ý kiến các vụ, cục thuộc Bộ Tài chính, các đơn vị trong ngành Hải quan và đang trong quá trình thảo luận lấy ý kiến các bộ, ngành liên quan.
Dự thảo Nghị định bảo đảm quy định về thuế XK, thuế NK theo hướng đơn giản, minh bạch, công khai, thuận tiện, thống nhất, đảm bảo phù hợp với thông lệ quốc tế. (Ảnh: Hoạt động nhiệp vụ tại Chi cục Hải quan cửa khẩu Mường Khương- Lào Cai). (Ảnh: T.Trang)
Theo đại diện Cục Thuế XNK (Tổng cục Hải quan), việc xây dựng Nghị định được dựa trên các nguyên tắc: Phù hợp các chuẩn mực trong các điều ước quốc tế mà Việt Nam đã ký kết và tuân thủ theo cam kết; Bảo đảm quy định về thuế XK, thuế NK theo hướng đơn giản, minh bạch, công khai, thuận tiện, thống nhất, đảm bảo phù hợp với thông lệ quốc tế, Cơ chế một cửa quốc gia, tạo thuận lợi cho hoạt động thương mại, đầu tư, du lịch, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội.
Cùng với đó, dự thảo Nghị định cũng quy định đầy đủ, chi tiết các nội dung đã được Luật giao thuộc thẩm quyền của Chính phủ, đồng thời bảo đảm cơ sở pháp lý để thực hiện quản lý nhà nước về thuế đối với hàng hóa XNK.
Theo đó, tên gọi của dự thảo Nghị định được kế thừa trên cơ sở Nghị định 87/2010/NĐ-CP và bổ sung quy định về thủ tục quản lý thuế đối với các trường hợp miễn thuế, giảm thuế, hoàn thuế, cụ thể: “Nghị định quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Thuế XK, thuế NK (sửa đổi) và hướng dẫn thủ tục quản lý thuế đối với các trường hợp miễn thuế, giảm thuế, hoàn thuế. Dự thảo Nghị định sẽ tập trung vào 3 nội dung chính: Đối tượng chịu thuế, đối tượng không chịu thuế; Các trường hợp miễn thuế và thủ tục miễn thuế; Hoàn thuế”.
Các trường hợp miễn thuế và thủ tục miễn thuế
Dự thảo Nghị định quy định về các trường hợp miễn thuế theo định mức trên cơ sở quy định tại Điều 16 Luật Thuế XK, thuế NK (sửa đổi). Dự thảo Nghị định dành 5 điều để quy định cụ thể 5 trường hợp miễn thuế theo định mức gồm: Điều kiện, định mức miễn thuế đối với hàng hóa XK, NK của tổ chức, cá nhân nước ngoài được hưởng quyền ưu đãi, miễn trừ; Tiêu chuẩn, điều kiện miễn thuế đối với hành lý của người xuất cảnh, nhập cảnh; Định mức, điều kiện miễn thuế đối với tài sản di chuyển của tổ chức, cá nhân; Định mức, điều kiện miễn thuế đối với quà biếu, quà tặng; định mức, điều kiện miễn thuế đối với hàng hóa mua bán, trao đổi của cư dân biên giới;
Tại nội dung này, dự thảo Nghị định đã quy định về đối tượng, định mức, tiêu chuẩn, điều kiện, thủ tục áp dụng của các trường hợp miễn thuế theo định mức trên cơ sở kế thừa quy định pháp luật hiện hành đang được thực hiện tại các Quyết định của Thủ tướng Chính phủ (như Quyết định 52/2015/QĐ-TTg ngày 20-10-2015 về hàng hóa mua bán của cư dân biên giới; Quyết định 31/2015/QĐ-TTg ngày 4-8-2015 quy định về định mức hành lý, tài sản di chuyển, quà biếu, quà tặng, hàng mẫu được miễn thuế, xét miễn thuế, không chịu thuế) và tham khảo kinh nghiệm một số nước để thực hiện cam kết quốc tế; đồng thời, quy định cụ thể trường hợp vượt định mức miễn thuế, xét miễn thuế thì phải nộp đủ các loại thuế theo quy định của pháp luật đối với số lượng hàng hóa vượt định mức và đảm bảo các quy định của pháp luật về chính sách XK, NK hàng hóa tại thời điểm XNK.
Về các trường hợp miễn thuế, dự thảo Nghị định tập trung vào các đối tượng: Hàng hóa có trị giá hoặc có số tiền thuế phải nộp dưới mức tối thiểu (Hàng hóa có tổng trị giá khai báo dưới 1 triệu đồng Việt Nam hoặc có tổng số tiền thuế XNK phải nộp dưới mức 100.000 đồng Việt Nam cho một lần XNK); Hàng hóa NK gửi qua dịch vụ chuyển phát nhanh (Hàng hóa NK gửi qua dịch vụ chuyển phát nhanh, dịch vụ bưu chính có giá trị từ 2 triệu đồng trở xuống được miễn thuế; Hàng hóa XNK để gia công; hàng hóa NK để sản xuất hàng hóa XK; Hàng hóa không nhằm mục đích thương mại; Hàng hóa NK để tạo tài sản cố định của dự án ưu đãi đầu tư; Hàng hóa là nguyên liệu, vật tư, linh kiện cho sản xuất của dự án thuộc lĩnh vực đặc biệt khuyến khích đầu tư, địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn;
Cùng với đó là nguyên liệu, vật tư, linh kiện NK trong nước chưa sản xuất được của dự án đầu tư để sản xuất, lắp ráp trang thiết bị y tế; Hàng hóa NK để phục vụ hoạt động dầu khí; Hàng hóa NK của dự án, cơ sở đóng tàu thuộc danh mục ngành nghề ưu đãi; Máy móc, thiết bị, nguyên liệu, vật tư, linh kiện, bộ phận, phụ tùng NK phục vụ hoạt động in, đúc tiền; Hàng hóa XNK để phục vụ đảm bảo an sinh xã hội, khắc phục hậu quả thiên tai, thảm họa, dịch bệnh và các trường hợp đặc biệt khác theo quy định tại Khoản 23 Điều 16 Luật Thuế XK, thuế NK (sửa đổi).
Về hồ sơ, thủ tục miễn thuế, Dự thảo Nghị định bổ sung quy định về hồ sơ, trình tự, thủ tục, thẩm quyền miễn thuế trên cơ sở kế thừa quy định ổn định không có vướng mắc tại Thông tư 38/2015/TT-BTC; đồng thời, rà soát để đảm bảo cải cách và đơn giản hóa thủ tục hành chính về các loại hồ sơ, tài liệu phải xuất trình khi làm thủ tục miễn thuế.
Về hoàn thuế
Căn cứ quy định tại khoản 1, Điều 19 Luật Thuế XK thuế NK (sửa đổi) về các trường hợp hoàn thuế, dự thảo Nghị định đã liệt kê cụ thể các trường hợp được hoàn thuế, bao gồm: Người nộp thuế đã nộp thuế NK nhưng đã đưa vào sản xuất hàng hóa XK và đã XK sản phẩm như: NK nguyên liệu, vật tư để sản xuất sản phẩm, sau đó sử dụng sản phẩm này để gia công hàng hoá XK theo hợp đồng gia công với nước ngoài; NK nguyên liệu, vật tư để sản xuất sản phẩm sau đó bán sản phẩm (sản phẩm hoàn chỉnh hoặc sản phẩm chưa hoàn chỉnh) cho các tổ chức, cá nhân khác để trực tiếp XK; NK nguyên liệu, vật tư để sản xuất hàng hoá bán cho thương nhân nước ngoài nhưng giao hàng hoá cho tổ chức, cá nhân khác tại Việt Nam theo chỉ định của thương nhân nước ngoài… Hoặc trường hợp hàng hoá NK để giao, bán hàng cho nước ngoài thông qua các đại lý tại Việt Nam, hàng hóa NK để bán cho các phương tiện của các hãng nước ngoài trên các tuyến đường quốc tế qua cảng Việt Nam và các phương tiện của Việt Nam… Và một số trường hợp đặc biệt được hoàn thuế theo quyết định của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền như hàng hóa XNK đã nộp thuế nhưng sau đó được miễn thuế, hàng hóa bị tịch thu…
Dự thảo Nghị định bổ sung quy định về hồ sơ, trình tự, thủ tục, thẩm quyền hoàn thuế trên cơ sở kế thừa quy định đang được thực hiện ổn định và không vướng mắc tại Thông tư 38/2015/TT-BTC; đồng thời rà soát để đảm bảo cải cách và đơn giản hóa thủ tục hành chính về các loại hồ sơ, tài liệu phải xuất trình khi làm thủ tục hoàn thuế.
Dự thảo Nghị định sẽ thay thế Nghị định 87/2010/NĐ-CP, theo đó khi được Chính phủ thông qua sẽ khắc phục được những vướng mắc, bất cập hiện nay, góp phần hoàn thiện hệ thống pháp luật đồng bộ, tạo hành lang pháp lý ổn định cho các hoạt động kinh tế đối ngoại, góp phần tích cực thúc đẩy sự phát triển sản xuất và XK, hỗ trợ dịch chuyển cơ cấu nền kinh tế theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa; đồng thời, bảo hộ hợp lý, có điều kiện, có chọn lọc đối với một số nhóm mặt hàng, ngành nghề cụ thể phù hợp với tiến trình hội nhập; tạo thuận lợi cho hoạt động XNK, khuyến khích sản xuất hàng XK qua đó thúc đẩy sản xuất kinh doanh trong nước, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.
Dự thảo Nghị định gồm 3 chương 26 điều:
Chương 1: Quy định chung gồm 2 điều (Phạm vi điều chỉnh; Đối tượng chịu thuế, đối tượng không chịu thuế).
Chương 2: Miễn thuế, giảm thuế, hoàn thuế gồm 3 mục với 18 điều. Trong đó, Mục 1 gồm 10 điều về miễn thuế (gồm 2 tiểu mục: Miễn thuế theo định mức và các trường hợp miễn thuế khác); Mục 2 quy định về giảm thuế gồm 3 điều (Các trường hợp giảm thuế; Hồ sơ giảm thuế; Trình tự, thủ tục, thẩm quyền giảm thuế) và Mục 3 quy định về hoàn thuế gồm 6 điều (Các trường hợp hoàn thuế và điều kiện hoàn thuế; Hồ sơ hoàn thuế; Hồ sơ không thu thuế; Thủ tục nộp, tiếp nhận và xử lý hồ sơ xét hoàn thuế, không thu thuế; Kiểm tra hồ sơ hoàn thuế, không thu thuế tại trụ sở người nộp thuế; Cập nhật thông tin hoàn thuế, không thu thuế).
Chương 3: Điều khoản thi hành, gồm 4 điều (Tổ chức thực hiện, Hiệu lực thi hành, Điều khoản chuyển tiếp, Trách nhiệm thi hành).
(Theo Báo Hải Quan)