Xăng dầu chiếm tỷ trọng lớn trong kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Lào 10 tháng đầu năm 2018, nhưng tới đây nhóm hàng này sẽ phải cạnh tranh với Trung Quốc khi nước này bắt đầu xuất khẩu nhóm hàng này sang Lào.
Ba giải pháp cho xuất khẩu năm 2019
- Cập nhật : 15/01/2019
Phát triển sản xuất và tạo nguồn hàng chất lượng; Đẩy mạnh phát triển và mở cửa thị trường; Tổ chức tốt hoạt động xuất khẩu và liên kết chuỗi sản xuất, chế biến – đó những giải pháp trọng tâm được Bộ Công Thương thực hiện để hoàn thành mục tiêu xuất khẩu năm 2019 – năm được đánh giá là nhiều khó khăn, sau mức xuất nhập khẩu kỷ lục của năm 2018.
Nhiều chỉ tiêu vượt kế hoạch
Năm 2018, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước tính đạt 244,72 tỷ USD, tăng 13,8% so với năm 2017. Trong đó, khu vực kinh tế trong nước đạt 69,2 tỷ USD, tăng 15,9%, chiếm 28,3% tổng kim ngạch xuất khẩu; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) đạt 175,52 tỷ USD, tăng 12,9%, chiếm 71,7% (giảm 0,6 điểm phần trăm so với năm 2017).
Tại cuộc họp tổng kết hoạt động của Tổ điều hành thị trường trong nước năm 2018 diễn ra mới đây, bà Nguyễn Thị Mai Linh – Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho biết, năm 2018 là năm thành công với chỉ tiêu xuất khẩu và cán cân thương mại khi tăng trưởng xuất khẩu đạt tốt với 13,8%, cao hơn chỉ tiêu đặt ra từ đầu năm. Quy mô xuất khẩu tăng mạnh, hiện nay cả nước có khoảng 26 mặt hàng xuất khẩu đạt trên 1 tỷ USD, 8 mặt hàng đạt trên 5 tỷ USD và 5 mặt hàng trên 10 tỷ USD.
Khối doanh nghiệp 100% vốn trong nước tiếp tục có tốc độ tăng trưởng xuất khẩu tốt, đạt 69,2 tỷ USD, tăng 15,9% so với cùng kỳ. Nếu các năm trước, tăng trưởng xuất khẩu của khối doanh nghiệp 100% vốn trong nước thường xuyên đạt thấp hơn khối FDI thì năm nay đã “đảo chiều”, đạt cao hơn khối FDI.
Năm nay, nhóm nông sản nông sản được hỗ trợ bởi yếu tố lượng nên dù giá xuất khẩu không còn là yếu tố thuận lợi như giai đoạn trước nhưng kim ngạch không bị giảm tương ứng. Chưa kể, nhiều mặt hàng trong nhóm công nghiệp có kim ngạch đạt tốt hơn so với năm 2017.
Cũng theo bà Nguyễn Thị Mai Linh, năm nay, công tác phát triển thị trường đạt kết quả tốt. Ngoại trừ thị trường Chile, kim ngạch xuất khẩu sang các thị trường có Hiệp định Thương mại tự do (FTA) đều tăng như ASEAN tăng 15%; Trung Quốc tăng 30%, Australia tăng 24%... Kết quả này có được chính là nhờ sự đóng góp lớn từ công tác tuyên truyền về hội nhập, cải cách thủ tục hành chính và hiện đại hóa việc cấp giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa cho doanh nghiệp.
Cùng với kim ngạch xuất nhập khẩu đạt tốt, cán cân thương mại năm nay đã duy trì thặng dư, ước đạt 7,2 tỷ USD, cao nhất từ trước đến nay. Việc kiểm soát tốt cán cân thương mại giúp tăng nguồn cung ngoại tệ, ổn định thị trường ngoại hối, ổn định cán cân thương mại thanh toán quốc tế.
Đánh giá về hiệu quả xuất nhập khẩu năm 2018, chuyên gia kinh tế Võ Trí Thành cho hay, con số xuất khẩu năm 2018 đạt được rất tích cực. Thứ nhất, ngay từ đầu năm, chúng ta đặt mục tiêu xuất khẩu khá thận trọng, dưới 10%. Mức này được đặt ra khi đã tính đến những khó khăn của bối cảnh kinh tế toàn cầu. Nhưng trên thực tế, tăng trưởng xuất khẩu cả năm đã vượt khá cao so với mục tiêu đề ra, là con số tích cực. Thứ hai, bên cạnh việc chi phối của doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) thì một số lĩnh vực thì xuất khẩu của khối doanh nghiệp trong nước cũng khá khả quan.
“Có 2 hiện tượng đáng lưu ý và tôi cho là tích cực khi nhìn vào năng lực phát triển của doanh nghiệp trong nước. Cụ thể, tốc độ tăng trưởng xuất khẩu của doanh nghiệp trong nước không chỉ nhanh lên mà có giai đoạn đã vượt tốc độ tăng trưởng xuất khẩu chung của toàn bộ nền kinh tế. Bên cạnh đó, xuất khẩu một số lĩnh vực như nông sản, thủy sản, dệt may, đồ gỗ, da giày... đã có bước tiến và cùng bước tiến ấy, nhiều doanh nghiệp Việt đã nỗ lực vươn lên, sáng tạo và để đặt mình vào chuỗi giá trị để giá trị gia tăng tốt hơn” – ông Thành cho hay.
Năm 2019, kim ngạch xuất khẩu có thể đạt 258 tỷ USD
Đánh giá về xu hướng thị trường năm 2019, bà Nguyễn Thị Mai Linh cho hay, với những dữ liệu dự báo tăng trưởng toàn cầu, quy mô thị trường và nhu cầu hàng hóa giảm, hoạt động xuất nhập khẩu nước ta sẽ bị ảnh hưởng. Chưa kể, tình hình thương mại toàn cầu sẽ ảnh hưởng tiêu cực do Hoa Kỳ tiếp tục thực hiện các giải pháp kinh tế để giảm nhập siêu, dần cân bằng cán cân thương mại.
Ngoài ra, nhiều nước sẽ gia tăng bảo hộ sản xuất trong nước một cách khắt khe. Đơn cử, gần đây, Trung Quốc liên tiếp thực hiện nghiêm các quy định hiện hành, siết chặt nhập khẩu nông sản khiến xuất khẩu mặt hàng này sang Trung Quốc gặp nhiều khó khăn.
Bên cạnh đó, một số mặt hàng xuất khẩu chủ lực có khó khăn hơn như giá nông sản không còn là yếu tố thuận lợi, nếu không giải quyết được vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm, truy xuất nguồn gốc, khó có thể có đột biến trong năm 2019. Xuất khẩu dầu thô có khả năng giảm do sản lượng khai thác giảm. Xuất khẩu điện thoại và điện tử chạm ngưỡng công suất… Do đó, Bộ Công Thương đặt mục tiêu năm 2019, kim ngạch xuất khẩu đạt khoảng 258 tỷ USD, tăng 8% so với năm 2017. Đây là mức tương đối thách thức trong bối cảnh xuất khẩu gặp nhiều khó khăn.
Cùng với các giải pháp phát triển kinh tế, thu hút đầu tư, phát triển sản xuất trong nước, Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cũng đề xuất một số giải pháp chính để tăng xuất khẩu trong năm 2019, bao gồm: Thứ nhất, phát triển sản xuất và tạo nguồn hàng chất lượng để đảm bảo quy mô cho xuất khẩu. Thứ hai, phát triển và mở cửa thị trường. Thứ ba, tổ chức tốt hoạt động xuất khẩu và liên kết chuỗi sản xuất, chế biến.
Ngoài ra, Bộ Công Thương xác định sẽ tập trung nâng cao hiệu quả kết nối, phối hợp đồng bộ với các đơn vị giải quyết vấn đề phát sinh trong thương mại quốc tế như chống trợ cấp, chống bán phá giá… Thay đổi căn bản trong xúc tiến thương mại, đi sâu vào các mặt hàng chủ lực trong từng giai đoạn chứ không làm dàn trải như hiện nay để đưa sản phẩm Việt Nam đến ngày càng nhiều thị trường trên thế giới.
Nguồn: Ven.vn