Kiểm tra với rất nhiều chỉ tiêu, nhiều đơn vị lấy mẫu kiểm tra, đặc biệt rất dễ bị liệt vào danh sách "cảnh báo nhập khẩu" là những khó khăn mà doanh nghiệp gặp phải khi xuất khẩu mật ong sang thị trường Mỹ.
Xuất nhập khẩu tháng 12/2018 qua số liệu hải quan
- Cập nhật : 17/01/2019
Hoạt động xuất nhập khẩu tháng cuối cùng năm ngoái sụt giảm nhẹ và bị thâm hụt thương mại là những nét đáng chú ý về hoạt động xuất nhập khẩu tháng 12/2018 vừa được Tổng cục Hải quan công bố.
Theo số liệu thống kê sơ bộ của Tổng cục Hải quan trong tháng 12, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa ca cả nước đạt 40,08 tỷ USD, giảm 7,5% so với tháng 11.
Trong đó, xuất khẩu đạt 19,64 tỷ USD, giảm 9,7% so với tháng trước (tương ứng giảm 2,11 tỷ USD); nhập khẩu đạt 20,45 tỷ USD, giảm 5,3% (tương ứng giảm 1,15 USD).
Như vậy, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa của cả nước năm 2018 đạt 480,17 tỷ USD, tăng 12,2% (tương ứng tăng 52,05 tỷ USD) so với năm trước. Trong đó trị giá hàng hóa xuất khẩu đạt 243,48 tỷ USD, tăng 13,2% và nhập khẩu đạt 236,69 tỷ USD, tăng 11,1%.
Cán cân thương mại hàng hóa trong tháng 12 thâm hụt 0,81 tỷ USD. Tuy nhiên kết thúc năm 2018, cán cân thương mại của Việt Nam vẫn thặng dư 6,8 tỷ USD.
Tổng cục Hải quan ghi nhận tổng trị giá xuất nhập khẩu của doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) trong tháng 12 đạt 24,67 tỷ USD, giảm 14,2% so với tháng trước, đưa trị giá xuất nhập khẩu của khối doanh nghiệp này cả năm ngoái đạt 313,21 tỷ USD, tăng 11,7%, tương ứng tăng 32,83 tỷ USD so với năm 2017 và chiếm 65,2% tổng trị giá xuất nhập khẩu hàng hóa của cả nước.
Trong đó, xuất khẩu hàng hóa của khối doanh nghiệp FDI trong tháng 12 đạt 13 tỷ USD, giảm 17% so với tháng trước, đưa trị giá xuất khẩu cả năm 2018 lên 171,53 tỷ USD, tăng 12,4%.
Ở chiều ngược lại, trị giá nhập khẩu của khối doanh nghiệp FDI trong tháng đạt 11,67 tỷ USD, giảm 10,8% so với tháng trước, đưa trị giá nhập khẩu cả năm lên 141,68 tỷ USD, tăng 10,8%.
Theo tính toán của Tổng cục Hải quan, cán cân thương mại của khối doanh nghiệp FDI trong tháng 12 có mức thặng dư 1,33 tỷ USD, đưa mức thặng dư cả năm lên mức 29,85 tỷ USD.
Về thị trường xuất nhập khẩu, Tổng cục Hải quan ghi nhận kết thúc tháng 12, trao đổi thương mại hàng hóa của Việt Nam với các châu lục đều tăng so với năm 2017. Trong đó tăng mạnh nhất là châu Đại dương (tăng 19,1%) tiếp theo là châu Mỹ (tăng 14,6%).
Tổng trị giá trao đổi hàng hóa của Việt Nam với các thị trường thuộc châu Á trong năm 2018 đạt 321,4 tỷ USD, tăng 11,9% so với năm 2017 và là châu lục chiếm tỷ trọng cao nhất (66,9%) trong tổng kim ngạch xuất nhập khẩu cả nước.
Tiếp theo các thị trường thuộc châu Mỹ đạt kim ngạch 78,37 tỷ USD, tăng 14,6%; châu Âu đạt 64,11 tỷ USD, tăng 10,5%; châu Đại Dương đạt 9,31 tỷ USD, tăng 19,1%; châu Phi đạt 6,98 tỷ USD, tăng 3,9%.
Nguồn: Baohaiquan.vn