Ghi nhận những kết quả của vòng đàm phán Hiệp định Đối tác kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP) vừa kết thúc, Đại sứ Mỹ tại Việt Nam, ông Ted Osius ngày 1.8 nhận xét: "Việc tham gia vào TPP sẽ giúp Việt Nam đạt được mục tiêu hội nhập quốc tế toàn diện. Trong tất cả các nước thành viên, Việt Nam ở vị thế được hưởng lợi nhiều nhất".
Xuất khẩu năm 2019: Nhiều dư địa tăng trưởng
- Cập nhật : 13/01/2019
Năm 2018, con số tổng kim ngạch xuất khẩu (XK) hàng hóa ước đạt 244,7 tỷ USD, tăng 13,8% so với năm 2017 khiến mục tiêu tăng trưởng XK của năm 2019 sẽ gặp nhiều áp lực. Tuy nhiên, ý kiến của các chuyên gia và doanh nghiệp đều cho rằng, vẫn còn khá nhiều dư địa cho tăng trưởng XK.
Dung lượng thị trường lớn
Cơ hội để gia tăng kim ngạch XK ở các thị trường có hiệp định thương mại tự do (FTA) với nước ta vẫn còn tương đối nhiều khi Việt Nam đã chính thức ký 13 FTA, tạo cơ hội cho hàng Việt rộng cửa hơn vào các thị trường XK.
Ông Nguyễn Tôn Quyền - Tổng thư ký Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam -cho biết, năm 2018, kim ngạch XK gỗ và sản phẩm gỗ đạt 9,3 tỷ USD (vượt hơn chỉ tiêu đặt ra là 9 tỷ USD), xuất siêu đạt 7 tỷ USD, cao nhất trong các ngành của cả nước. Hoa Kỳ và châu Âu vẫn là những thị trường tiềm năng với doanh nghiệp (DN) chế biến gỗ Việt Nam, nhưng thực tế, các DN trong nước chỉ mới đáp ứng khoảng 1% nhu cầu tiêu dùng của các thị trường này. Còn ở thị trường khác như Mexico, Canada, Australia, New Zealand, Nhật Bản… kim ngạch XK ngành gỗ khiêm tốn hơn, chiếm chưa tới 1% thị phần tiêu thụ.
Cùng với dung lượng thị trường còn tương đối lớn, Bộ Công Thương nhận định, kim ngạch XK hàng hóa năm 2019 tiếp tục có nhiều thuận lợi từ môi trường đầu tư kinh doanh được cải thiện mạnh mẽ. Những tiến bộ trong cải cách hành chính, đơn giản hóa thủ tục đầu tư, những đổi mới hỗ trợ DN khởi nghiệp, DN đổi mới, sáng tạo sẽ thúc đẩy sản xuất, tạo thêm nguồn hàng cho XK. Đặc biệt, Hiệp định CPTPP chính thức có hiệu lực từ đầu năm 2019 và FTA Việt Nam - EU dự kiến được ký kết và có hiệu lực trong năm 2019 đã và đang tạo ra sức hút mới cho đầu tư trực tiếp nước ngoài, giúp Việt Nam có thêm năng lực sản xuất mới.
Đáng chú ý, từ phía nội lực, các DN đã và đang có xu hướng đầu tư mạnh hơn để nâng cao chất lượng sản phẩm, tạo đà cho tăng trưởng XK bền vững. Theo Chuyên gia kinh tế Võ Trí Thành, năm 2018, tốc độ tăng trưởng XK của DN trong nước không chỉ nhanh lên mà có giai đoạn đã vượt tốc độ tăng trưởng XK chung của toàn bộ nền kinh tế. Kết quả này có được một phần là do DN đã nỗ lực vươn lên, sáng tạo… Đây là yếu tố giúp kim ngạch XK có cơ hội tăng trưởng mạnh hơn trong thời gian tới.
Thêm giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp
Có nhiều thuận lợi, song mục tiêu XK năm 2019 không dễ vượt qua khi các rào cản kỹ thuật được dựng lên ngày một nhiều từ các quốc gia nhập khẩu. Theo bà Vũ Thị Kim Hạnh - Chủ tịch Hội doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao - cho biết, để nông sản Việt tham gia sâu vào chuỗi cung ứng toàn cầu, nhất thiết phải hướng đến và đạt tiêu chuẩn GlobalGAP. Tiêu chuẩn này không đơn thuần chỉ là sản phẩm sạch, mà DN và hộ nông dân phải đảm bảo yếu tố "sạch" từ khâu nguyên liệu đầu vào (đối với hoạt động sản xuất) và gieo trồng (đối với nông hộ) đến khâu sản xuất, canh tác. Cuối cùng là khâu tạo ra sản phẩm và vận chuyển sản phẩm đến hệ thống phân phối.
Chưa kể, hiện nhiều lĩnh vực Việt Nam có tiềm năng, nhưng việc phát huy lại chưa tốt. Chuyên gia Võ Trí Thành nêu rõ: "Phần lợi nhuận của những lĩnh vực dịch vụ logistics như vận tải xuyên biên giới, nhất là đường thủy, đường biển… vẫn rơi vào đối tác nước ngoài bởi sức cạnh tranh DN trong nước chưa đáp ứng yêu cầu, dẫn đến áp lực nhập siêu dịch vụ".
Trong bối cảnh đó, năm 2019, Bộ Công Thương đặt mục tiêu tập trung các giải pháp đẩy mạnh hỗ trợ DN XK hàng hóa như phát triển sản xuất và tạo nguồn hàng chất lượng để đảm bảo quy mô XK; phát triển và mở cửa thị trường; tổ chức tốt hoạt động XK và liên kết chuỗi sản xuất, chế biến. Đặc biệt, tập trung nâng cao hiệu quả kết nối, phối hợp đồng bộ với các đơn vị giải quyết vấn đề phát sinh trong thương mại quốc tế như chống trợ cấp, chống bán phá giá… Thay đổi căn bản trong xúc tiến thương mại, đi sâu vào các mặt hàng chủ lực trong từng giai đoạn chứ không làm dàn trải như hiện nay để đưa sản phẩm Việt Nam đến ngày càng nhiều thị trường trên thế giới.
Năm 2019, Bộ Công Thương dự báo XK đạt khoảng 265 tỷ USD, tăng khoảng 8 - 10% so với năm 2018; nhập khẩu khoảng 268 tỷ USD, tăng khoảng 11,7%; nhập siêu ước khoảng 3 tỷ USD; tỷ lệ nhập siêu so với kim ngạch XK tiếp tục duy trì ở mức dưới 2%.
Theo Phương Lan/congthuong.vn