Trước sức ép cạnh tranh và bao vây thôn tính của doanh nghiệp ngoại trên thị trường nhựa Việt Nam, các doanh nghiệp nội đang có những nỗ lực đáp trả.
Nâng cao năng lực cạnh tranh thị trường bán lẻ TP.HCM
- Cập nhật : 27/07/2016
Tập đoàn bán lẻ hàng đầu
Theo số liệu thống kê của Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM, nếu năm 2008 cả nước có 386 siêu thị thì đến nay đã tăng lên gần 800 siêu thị. Dự kiến, theo kế hoạch đến năm 2020, cả nước sẽ có khoảng 1.200 – 1.500 siêu thị, 180 trung tâm thương mại và 157 trung tâm mua sắm.
Trước bối cảnh DN ngoại ra sức ép các DN sản xuất trong nước, bằng cách nâng mức chiết khấu, quy mô hoạt động lớn và phương thức tiếp thị hiện đại thì việc phát triển mạng lưới rộng khắp hệ thống phân phối để nâng cao khả năng cạnh tranh cho DN nội cũng như tạo điều kiện cho DN sản xuất cung ứng hàng hóa là điều cấp thiết hiện nay. Saigon Co.op định hướng tận dụng lợi thế am hiểu khách hàng và nguồn hàng ở từng vùng trong nước để chiếm lĩnh thị phần; đi sâu vào sở thích, nhu cầu tiêu dùng từng vùng miền để đáp ứng tốt nhất nhu cầu của người dân; tạo mối liên kết chặt chẽ cùng phát triển với các nhà cung cấp nhằm gắn chặt quá trình phát triển của mình với lợi ích chung của các địa phương có cơ sở bán lẻ của Saigon Co.op.
Với mô hình bán lẻ đa dạng hơn 300 điểm bán gồm: hệ thống siêu thị Co-op Mart, chuỗi cửa hàng thực phẩm tiện lợi Co.op Food, đại siêu thị Co.opXtra, kênh mua sắm qua truyền hình HTVCo.op… Saigon Co.op đã đáp ứng khá toàn diện nhu cầu mua sắm của người tiêu dùng ở nhiều phân khúc thị trường, đảm bảo sự kết hợp hài hòa xu hướng bán lẻ truyền thống và hiện đại, phù hợp với thị hiếu tiêu dùng của người Việt.
Trong những năm qua, Saigon Co.op luôn là đơn vị tiên phong trong cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam". Từ năm 2012, hệ thống bán lẻ của Saigon Co.op đã thực hiện chiến lược nội địa hóa nhằm hỗ trợ DN Việt trong việc quảng bá và phân phối sản phẩm tới tay người tiêu dùng trong nước. Đây cũng là một trong những chiến lược kinh doanh lâu dài, tạo nên bản sắc riêng của Saigon Co.op nhằm phát huy nội lực, lợi thế cạnh tranh so với các doanh nghiệp nước ngoài.
Đến nay, tỷ lệ hàng Việt chiếm 90-95% trong cơ cấu hàng hóa của hệ thống bán lẻ của Saigon Co.op. Riêng các mặt hàng bình ổn giá và hàng hóa bán trực tuyến qua HTVCo.op chiếm 100% là hàng Việt. Đồng thời, mỗi năm hệ thống Co.op Mart thực hiện hàng nghìn chuyến bán hàng lưu động đưa hàng Việt đến với người tiêu dùng ở vùng sâu, vùng xa thì 100% hàng hóa là hàng sản xuất trong nước, giúp người tiêu dùng trong nước tiếp cận nguồn hàng Việt chất lượng tốt, giá hợp lý.
Phát triển thị trường bán lẻ
Với sự phát triển mạnh mẽ của các kênh phân phối hiện đại cùng với sự vượt mặt của các DN ngoại khi chiếm lĩnh các kênh phân phối lớn hiện nay như trung tâm thương mại, siêu thị,… thì việc DN nội phát triển các kênh phân phối riêng là cần thiết. Nhất là việc tập trung phát triển kênh phân phối truyền thống tại các chợ đầu mối, của hàng tạp hóa,… sẽ mang lại sự ổn định về tăng trưởng và lợi nhuận cho DN. Mặt khác, số lượng các cửa hàng tạp hóa, cửa hàng thực phẩm trong nước vẫn chiếm ưu thế lớn trong mạng lưới phân phối ở nước ta. Chính vì thế, DN Việt Nam vẫn có cơ hội nắm lại thị trường bán lẻ trong nước.
Đồng quan điểm trên, ông Nguyễn Anh Đức, Phó Tổng giám đốc Saigon Coop cũng khẳng định, Saigon Coop sẽ xem xét tái cấu trúc các khâu bao gồm khâu quản lý, tiếp nhận mua hàng và những quy định mua hàng để giúp các DN vừa và nhỏ tiếp cận được kênh phân phối. Đồng thời, Saigon Coop sẽ hỗ trợ các DN nội bằng cách đa dạng các mô hình để các DN tìm được kênh phân phối phù hợp đưa sản phẩm đến người tiêu dùng như: kênh HTV Coop, Coop mart phân khúc cao, thương mại điện tử (e-commerce),…
Dự kiến trong 2 năm tới, Saigon Co.op sẽ mở thêm 10 siêu thị Co.opmart lớn ở các đô thị và 20 siêu thị vừa và nhỏ. Đến năm 2020 sẽ có thêm 130 siêu thị Co.opmart, có từ 8 – 10 đại siêu thị Co.opXtra và từ 3 – 5 trung tâm thương mại Sense City. Đối với mạng lưới cửa hàng Co.opFood, dự kiến sẽ phát triển thêm từ 30 – 50 cửa hàng, thực hiện liên kết và nhượng quyền với các cửa hàng tạp hóa truyền thống với 60 – 80 điểm bán mỗi năm. Bên cạnh đó, trong giai đoạn 2017 – 2020, Saigon Co.op dự kiến phát triển 30 – 50 cửa hàng tiện lợi tập trung tại các khu vực dân cư đông đúc tại TP.HCM và các tỉnh, thành nhằm phủ kín mạng lưới.
Hiện nay, việc phát triển mô hình thương mại điện tử tại Việt Nam còn khá rụt rè, chiếm thị phần rất khiêm tốn. Các DN nước ngoài trên thế giới đã áp dụng thành công mô hình này trong việc kinh doanh của mình. Mô hình này được đánh giá rất cao vì mang lại hiệu quả cao trong kinh doanh. Nhất là việc kết nối chuỗi cung ứng và phát triển mạng lưới phân phối hàng hóa toàn quốc. Thông qua đó, DN sẽ tiết kiệm được các mức chi phí như quảng cáo sản phẩm và thương hiệu cũng như tăng khả năng cạnh tranh.
Bên cạnh đó, các DN sản xuất cần nhận thức rõ thế mạnh của mình và phân khúc thị trường của mình nằm ở đâu để đưa ra chiến lược kinh doanh phù hợp. Giá cả cũng là một yếu tố lớn quyết định tính cạnh tranh trên thị trường của DN. Do đó, mỗi DN có một chiến lược khác nhau để nâng cao sức cạnh tranh trên thị trường hiện nay.
Thanh Thủy