Đã trở thành quy luật, cứ đến tháng 7 âm lịch (tháng cô hồn) hàng năm, thị trường ô tô Việt Nam lại bước vào thời điểm suy giảm và hầu hết các mẫu xe bán ra đều giảm giá mạnh để kích cầu nhưng tiêu thụ vẫn rất chậm.
Thị trường bánh kẹo trong nước co cụm
- Cập nhật : 01/08/2016
Theo nhận định của chuyên gia, hiện nay đối với mảng bánh kẹo cao cấp thì gần như DN trong nước khó có cửa cạnh tranh với các ông chủ nước ngoài, cũng như bánh kẹo ngoại nhập.
Giữa tháng 6/2016 vừa qua, Công ty cổ phần Tập đoàn Kido đã tổ chức Đại hội cổ đông thường niên và chính thức xác nhận việc sẽ bán nốt 20% còn lại của mảng bánh kẹo cho Tập đoàn Mondelez (Mỹ), sau khi đã bán 80% cho chính tập đoàn này từ cuối năm 2014.
Như vậy, thương hiệu bánh kẹo Kinh Đô (Kido) vốn rất quen thuộc với người tiêu dùng, và nhất là trẻ em Việt Nam sẽ chính thức chia tay hoàn toàn với mảng miếng kinh doanh là bánh kẹo và tập trung cho 3 mảng còn lại, là mì gói, dầu ăn và kem.
Trước đó, đã có những lùm xùm, giằng co xung quanh thương vụ mua bán chuyển nhượng cổ phần, tương đương với 30% vốn điều lệ (năm 2007), sau đó tăng lên 6,7 triệu cổ phiếu (43,56%) trong Công ty bánh kẹo Bibica của nhà đầu tư Lotte (Hàn Quốc) tính đến cuối năm 2013.
Chưa dừng tham vọng thâu tóm tại đó, tính đến thời điểm hiện tại, đại gia Hàn Quốc đã gần như không có đối trọng tại công ty bánh kẹo Việt này khi đã mạnh tay nắm giữ tới hơn 44% vốn điều lệ của Bibica... Chỉ với hai thương vụ đình đám trên, các nhà đầu tư ngoại đã chính thức chia lại thị phần bánh kẹo trong nước, mà ở đó các nhà sản xuất bánh kẹo của Việt Nam không còn nhiều tiếng nói.
Bởi cho đến thời điểm trước khi về tay chủ mới, Kinh Đô được coi là một trong những thương hiệu lớn nhất trong mảng kinh doanh bánh kẹo trong nước với 28% thị phần, tiếp đó là Bibica khoảng 15%, còn lại những tên tuổi khác như Hữu Nghị 7%, Hải Hà 5%... Ngoài ra, xu hướng nhập khẩu hàng từ các quốc gia khác cũng đang khiến cho thị phần của các công ty bánh kẹo trong nước teo tóp dần.
Theo nhận định của chuyên gia, hiện nay đối với mảng bánh kẹo cao cấp thì gần như DN trong nước khó có cửa cạnh tranh với các ông chủ nước ngoài, cũng như bánh kẹo ngoại nhập. Từ màu sắc, mẫu mã, chủng loại, cách thức tiếp thị phân phối... sản phẩm của các công ty nước ngoài bao giờ cũng có sự đầu tư công phu, tỉ mỉ nên dù giá bán có cao hơn nhưng rất được khách hàng thành thị ưa chuộng.
Chính vì vậy, không ít DN bánh kẹo trong nước lựa chọn thị trường nông thôn hoặc xuất khẩu sang một số nước trong khu vực để tránh sự cạnh tranh khốc liệt từ các đại gia ngoại ngay chính tại sân nhà.
Do đó, ở nhiều khu vực nông thôn, thì bánh kẹo Hữu Nghị, Hải Hà, Hải Châu… được người tiêu dùng quen thuộc hơn bởi giá cả bình dân và phù hợp với khẩu vị. Ngược lại, ở các thành phố lớn thì dường như các tên tuổi như Tous Le Jour, Paris Bagguette, Orion (Hàn Quốc), Bread Talk (Singapore), Mars, Kraf Food, Mondelez (Mỹ) Euro Cake của Thái... đã trở nên phổ biến.
Ông Lưu Huỳnh, Giám đốc Maketing CTCP bánh kẹo Phạm Nguyên cho rằng, mặc dù các DN sản xuất bánh kẹo trong nước đang vấp phải sự canh tranh khá gay gắt từ nhà đầu tư nước ngoài, tuy nhiên, ở mảng miếng của mình, một số DN nội vẫn đang có hướng đi riêng, không quá phô trương nhưng hiệu quả. Đặc biệt, một số DN cũng đang nỗ lực đầu tư công nghệ, nâng cao khả năng quản trị để dần lấy lại vị thế.
Báo cáo của Công ty Nghiên cứu BMI về ngành thực phẩm và đồ uống Việt Nam cho thấy, tốc độ tăng trưởng doanh số của ngành bánh kẹo trong giai đoạn 2010 - 2014 ước đạt 8 - 10%, và tăng lên 10 - 12% giai đoạn 2015 – 2020. Đây được cho là mức tăng trưởng rất tốt so với mức trung bình trong khu vực (3%) và trung bình của thế giới (1 - 1,5%).
Mặc dù hiện tại, mức tiêu thụ bánh kẹo bình quân của Việt Nam chưa cao, nếu không muốn nói vẫn còn khá thấp, khoảng 1,8 kg/người/năm) so với trung bình của thế giới là 2,8 kg/người/năm, nhưng theo các nhà nghiên cứu, chính điều này là dư địa và mảnh đất màu mỡ để các nhà đầu tư nước ngoài nhảy vào khai thác trong tương lai.
Dự kiến, doanh thu ngành bánh kẹo năm 2018 sẽ tăng lên 40 tỷ đồng. Và đây có lẽ cũng là lý do chính khiến cho cuộc đua giành thị phần trên “mảnh đất” nhiều tiềm năng và màu mỡ này của Việt Nam chưa có hồi kết.
Minh Anh
(Thời báo Ngân hàng)