Công ty Nielsen Việt Nam vừa đưa ra những dự báo lạc quan cho thị trường Tết nguyên đán Đinh Dậu 2017. Theo đó, xu hướng bình ổn giá sẽ tiếp tục trong thời điểm diễn ra Tết Nguyên đán 2017.
Trái cây nhập khẩu trong tay các nhà phân phối lớn
- Cập nhật : 01/08/2016
Nếu trước đây, dùng trái cây nhập khẩu từ Thái Lan từng được xem là trào lưu, thì nay nho Úc, táo Mỹ, dâu Nhật, cherry Mỹ, Canada… mới là thời thượng.
Cùng là trái cây nhập khẩu, nhưng phân khúc trái cây cao cấp xuất xứ từ các nước ôn đới đang có sức tiêu thụ mạnh hơn so với trái cây nhập khẩu từ Philippines, Thái Lan và Trung Quốc.
Trái cây nhập khẩu đang có nhiều lợi thế như xu hướng tiêu dùng trái cây sạch ngày càng tăng, người tiêu dùng Việt Nam cảm thấy yên tâm về chất lượng trái cây nhập khẩu do xuất xứ từ những quốc gia có nền nông nghiệp phát triển và quy trình kiểm soát sản phẩm chặt chẽ.
Bên cạnh đó, mức thuế nhập khẩu trái cây hiện đang giảm rất nhiều. Một số loại trái cây thuế nhập khẩu gần như bằng 0, cộng với hàng rào nhập khẩu cũng không quá khắt khe nên các công ty nhập khẩu trái cây nước ngoài càng thuận lợi. Theo một thăm dò, tỷ lệ lợi nhuận của nhà nhập khẩu trái cây thường ít nhất là 10%, còn đơn vị bán lẻ thì đạt khoảng 40-50%.
Theo thống kê của Tổng cục Hải quan, giá trị nhập khẩu rau quả của Việt Nam trong 6 tháng đầu năm đạt 351 triệu USD, tăng gần 40% so với cùng kỳ năm ngoái. Bên cạnh 3 cái tên đầu bảng là Thái Lan, Trung Quốc và Mỹ, một số thị trường có mức tăng trưởng xuất khẩu vào Việt Nam đáng ngạc nhiên là Úc tăng 4 lần, New Zealand tăng 2 lần.
Bà Barbara Nadeau, Tham tán thương mại Canada tại Hà Nội, cho biết, sản lượng xuất khẩu các loại hoa quả tươi từ Canada vào Việt Nam đã tăng 80% trong năm 2015. Nhiều siêu thị cho biết từ lâu đã không còn bày bán trái cây Trung Quốc do nguồn cung trái cây nhập khẩu bây giờ rất đa dạng, giá cả cũng không quá đắt đỏ so với khả năng chi trả của người tiêu dùng.
Ông Thomas James Vilsack, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ, cho rằng nông nghiệp sẽ nhận nhiều tác động lớn về phương diện thương mại sau khi Hiệp định Đối tác kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP) có hiệu lực, trong khi nhiều loại nông sản Việt Nam đã có mặt tại Hoa Kỳ và ngược lại.
Do đó, sẽ có thêm nhiều loại nông sản của Mỹ sẽ tiếp cận người tiêu dùng Việt Nam trong thời gian tới. Ngoài ra, thị trường gần đây còn có thêm các loại trái cây của Pháp, Nhật... dù chưa nhiều.
Các loại trái cây xuất khẩu thường được các nhà nhập khẩu yêu cầu cao về chất lượng. Lấy ví dụ như quy trình nhập khẩu được công bố của CJ Fresh đối với mặt hàng cherry từ Mỹ vận chuyển bằng đường hàng không. Mỗi lô hàng đều phải trải qua 2 lượt lấy mẫu để kiểm dịch tại nước xuất khẩu và nhập khẩu, đáp ứng các tiêu chuẩn an toàn và chỉ tiêu hóa lý như dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, chất bảo quản...
Cherry được đóng gói trong thùng, xếp trong pallet quây bằng giấy cách nhiệt, bên trong được đặt 1 lớp đá khô hoặc đá túi gel để đảm bảo nhiệt độ duy trì ở 0oC. Sau khi về đến nước nhập khẩu, hàng được bốc dỡ và bảo quản trong kho lạnh. Không ít nhà nhập khẩu quy mô nhỏ hay kinh doanh hàng xách tay đứng trước nguy cơ lỗ vốn vì không thuê được kho lạnh để bảo quản những loại nông sản khó tính này.
Ông Võ Huy Hoàng, đại diện của DN rau quả Bình Thuận, cho biết kinh doanh trái cây nhập khẩu còn có đặc điểm mang tính mùa vụ, phụ thuộc vào nhà xuất khẩu. Do đó, nhà nhập khẩu phải hợp tác với nhiều vùng sản xuất và các nước khác nhau mới đảm bảo được tính ổn định của nguồn hàng. Thường các nhà nhập khẩu có quy mô lớn mới có nguồn hàng tốt và giá cạnh tranh.
Chẳng hạn, táo nhập từ Auckland (Newzealand) phải đặt hàng với số lượng lớn, từ vài container đến vài chục container mỗi tuần và phải đặt hàng trước cả năm. Do đó, thị trường trái cây nhập khẩu thường nằm trong tay một số nhà nhập khẩu lớn có tiềm lực như Tony Tú Phượng, CJ Fresh, Nam Chân...
Các nhà nhập khẩu này thường phải phát triển kênh phân phối trong hệ thống siêu thị như Co.opmart, Lottemart, Satrafoods, Vinmart hoặc Metro... Do có sức tiêu thụ lớn, hệ thống siêu thị là nơi cạnh tranh gay gắt của các nhà phân phối về giá chiết khấu và nguồn hàng. Bị áp lực về số lượng sản phẩm, thời gian bảo quản trái cây quá ngắn ngày, nên những nhà phân phối mới muốn tham gia thị trường trái cây nhập khẩu rất khó khăn để chen chân.
“Nhìn thị trường này tưởng nhiều lợi nhuận, nhưng thực sự có rất nhiều rào cản và cạnh tranh gay gắt. Các nhà phân phối mới phải xếp hàng trước cửa siêu thị để chờ được đưa hàng vào”, một nhà phân phối trái cây từ NewZealand cho biết. Do đó, nhà phân phối này tìm kiếm cơ hội trong thị trường bán lẻ với mô hình hệ thống cửa hàng nhỏ. Tuy nhiên, chi phí mặt bằng cao cũng như áp lực bán hàng nhanh khiến họ đang “chùn chân”, chờ đợi một cơ hội khác rõ ràng hơn...
Bài và ảnh Duy Trung
(Thời báo Ngân hàng)