Thông tin giá dầu thô thế giới liên tiếp lao dốc, xuống mức thấp nhất trong 6 năm rưỡi trong khi giá xăng trong nước cũng thực hiện điều chỉnh theo chu kỳ tính giá. Tuy nhiên, mức điều chỉnh giá xăng dầu trong nước chỉ nhỏ giọt và không được như kỳ vọng của người tiêu dùng.
Người Việt thèm thịt: Làm sao để cung bắt kịp cầu?
- Cập nhật : 27/07/2016
Việt Nam sắp vượt qua cả Trung Quốc về tốc độ tiêu thụ thịt lợn.
Khi tổng thống Mỹ Barack Obama ngồi ăn bún chả ở Hà Nội với siêu đầu bếp Anthony Bourdain vào tháng 5 vừa qua, trong cộng đồng mạng Việt Nam lẫn quốc tế đã dậy lên một cơn sốt nho nhỏ về món ăn này.
Nhưng thực ra, chẳng cần phải đợi tới khi hình ảnh “suất bún chả Obama 6 đôla” xuất hiện khắp nơi, người Việt cũng đã “cuồng” vị béo ngậy của món thịt lợn từ lâu rồi. Kể từ năm 2000 tới nay, lượng thịt tiêu thụ tính theo bình quân đầu người tại Việt Nam đã tăng hơn gấp đôi, và dự kiến sẽ đạt mức cao nhất thế giới trong vòng 7 năm nữa, theo dự đoán của OECD. Theo đó, tới năm 2023 mỗi người Việt sẽ ăn khoảng 33,9kg thịt lợn, tăng đáng kể so với 29,9kg như hiện nay và vượt mức 33,3kg của Trung Quốc.
Để đáp ứng được nhu cầu này không phải là đơn giản. Việc gia tăng số lượng lợn tại Việt Nam kéo theo việc xây dựng hàng loạt nhà máy thức ăn chăn nuôi mới, cũng như đòi hỏi một lượng lớn nguyên liệu đầu vào mà ngành trồng trọt trong nước chưa đủ sức đáp ứng. Điều này cũng có nghĩa là còn rất nhiều dư địa tăng trưởng cho các doanh nghiệp nào đủ sức tham gia vào chuỗi giá trị của ngành này.
Lượng thịt lợn tiêu thụ tính theo bình quân đầu người tại Việt Nam đã tăng kỷ lục trong những năm qua. Ảnh: Bloomberg
Ông Jorge Becerra, giám đốc điều hành mảng thức ăn gia súc của tập đoàn Cargill (Mỹ) ở Việt Nam, nhận xét: “Kinh tế Việt Nam phát triển bùng nổ dẫn tới sự lớn mạnh của tầng lớp trung lưu cũng như sự gia tăng thu nhập của giới này. Điều đó dẫn tới nhu cầu ăn thịt tăng cao, tạo thêm nguồn cầu cho thức ăn chăn nuôi”. Hiện tại, Cargill đang xây dựng nhà máy thứ 12 của hãng tại Việt Nam.
Ông Trần Tuấn Dương, tổng giám đốc tập đoàn Hòa Phát (HPG), trả lời Bloomberg qua email: “Mặc dù ngành thức ăn chăn nuôi có biên lợi nhuận không cao và có nhiều cạnh tranh gay gắt, quy mô thị trường là rất lớn và có rất nhiều tiềm năng”. HPG hiện đã cho vận hành nhà máy thức ăn chăn nuôi đầu tiên của hãng và sẽ đưa một nhà máy nữa vào hoạt động trong đầu năm 2017.
Tới tháng 6/2012, Việt Nam có 28,3 triệu con lợn, tăng 3,9% so với cùng kỳ năm ngoái và có dư sản lượng để xuất khẩu. Tuy nhiên, ngành trồng trọt trong nước hiện không thể cung cấp đủ bắp ngô và đậu nành cho số lợn này, vì các nguyên nhân như năng suất thấp, giá thành cao và quỹ đất hạn chế.
Theo nhận định của ông Tuấn Dương, nhu cầu thực phẩm của Việt Nam đang tăng hơn 10% mỗi năm, và lượng tiêu thụ thức ăn gia súc sẽ vượt hơn 20 triệu tấn trước năm 2018. Còn theo Grand View Research, tới năm 2022 giá trị thị trường thức ăn gia súc Việt Nam sẽ đạt 10,55 tỷ USD, tăng hơn 50% so với mức 7 tỷ USD hiện tại (theo ước tính của Masan Group).
Bà Nguyễn Thị Thu Kim, chuyên gia phân tích của công ty chứng khoán SSI, nhận xét: “Ngành thức ăn chăn nuôi đã trở nên hấp dẫn hơn rất nhiều trong những năm gần đây. Hoạt động chăn nuôi trên quy mô lớn đã trở nên cần thiết hơn, vì vậy ngày càng có nhiều nhu cầu đối với thức ăn gia súc được sản xuất công nghiệp thay cho thức ăn tự sản xuất như trước đây”.
Hồi tháng 5, tập đoàn Cargill đã xây dựng nhà máy thứ 11 ở Việt Nam với trị giá 8,5 triệu USD, và tới quý 2/2017 thì sẽ hoàn tất tiếp nhà máy thứ 12 với trị giá 30 triệu USD. Công ty Dabaco ở Bắc Ninh đang chuẩn bị khởi động một nhà máy có công suất tối đa lên tới 200.000 tấn/năm, và đang lên kế hoạch xây dựng thêm 2 nhà máy có tổng công suất 300.000 tấn nữa, nhằm đạt chỉ tiêu 1 triệu tấn/năm trước cuối năm 2019.
Ông Lê Bá Lịch, Chủ tịch Hiệp hội Thức ăn Chăn nuôi Việt Nam, nhận xét: “Đây thực sự là một thị trường rất sôi động với sự cạnh tranh cực kỳ gay gắt”.
(Theo Nhịp cầu đầu tư)